Thiền sư Tịnh Lực (1112 – 1175)

Thiền sư Tịnh Lực (1112 – 1175)

Thông tin cơ bản

Thân thế


Thiền sư Tịnh Lực (1112 – 1175) đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông. Thiền sư họ Ngô tên Trạm, quê ở Cát Lăng, Vũ Bình. Thuở nhỏ, Sư rất thông minh, lớn lên càng giỏi về văn chương, nghệ thuật và chữ viết.

Cơ duyên tu tập


Thiền Sư Tịnh Lực là một trong sáu đệ tử của Thiền Sư Đạo Huệ: thiền sư Tịnh Không, thiền sư Đại Xả, thiền sư Tín Học, thiền sư Trí Bảo, thiền sư Trường Nguyên. Sư gặp Thiền sư Đạo Huệ thầy trò tương ưng như cây kim hạt cải, Thầy trò tâm đầu ý hợp. Tâm dừng nơi cảnh Phật, mặc cỏ ăn cây, phước tuệ song tu. Trải qua nhiều năm giữ tâm càng vững chắc. Thiền sư Đạo Huệ bảo: “Tâm ấn của chư Phật, ngươi tự có đó, chẳng phải từ nơi người mà được.” Sư thưa: “Đã nhờ Thầy chỉ dạy, con phải trụ nơi nào?” Đạo Huệ nói: “Chẳng cần đi xa, nên ở Vũ Ninh là tốt.”

Sư vâng lời thầy thẳng lên núi cất một am cỏ tên Vương Trì, làng Cương Việt, Vũ Ninh rồi trụ trì nơi đây. Trong mười hai giờ, Sư lễ Phật sám hối, được niệm Phật tam-muội. Bấy giờ tiếng nói của Sư trong vắt như tiếng Phạm thiên. Sư thường giảng kinh Viên Giác, nghĩa lý chỗ nào chẳng ổn, đích thân Sư cải chánh. Thời nhân bảo trong miệng Sư có chất hùng hoàng.

Đến niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo thứ hai (1175), một hôm Sư cáo bệnh nhóm môn đồ dạy:

Các ngươi! Tất cả các người học đạo lấy tâm siêng năng cúng dường Phật, không gì khác hơn chỉ cầu dứt được các nghiệp ác. Tâm miệng niệm tụng, tin hiểu nghe nhận, ở chỗ vắng vẻ yên lặng, gần thiện tri thức. Nói ra lời hòa nhã, nói phải thời đúng lúc, trong tâm không khiếp nhược. Liễu đạt nghĩa lý, xa lìa ngu mê, an trụ chỗ bất động. Quán tất cả pháp vô thường vô ngã, vô tác vô vi. Nơi nơi lìa phân biệt, ấy là người học đạo. Nay phần hóa duyên của ta đã xong.

Lại nói kệ:

Trước tuy nói kiết, sau gọi hung,
Từ đó theo xưa húy chẳng tùng.
Vì thấy rồng lên làm Phật tử,
Chợt trông chuột hiện lặng vô cùng.

Dịch nghĩa: 

Tiên tuy ngôn kiết, hậu ngôn hung,
Tự thị thừa tiên húy bất tùng.
Vị ngộ kiến long vi Phật tử,
Hốt tao thử xuất tịch vô cùng.

Nói xong, Sư ngồi ngay thẳng an nhiên thị tịch, thọ sáu mươi bốn tuổi.

Thượng Tọa Thích Chúc Hiền tán thán như sau: 

 

Thông minh thuở nhỏ, giỏi văn chương
Chữ tốt văn hay nghệ thuật tường
Đạo Huệ minh sư trao yếu chỉ
Vương trì tịnh thất hiển huyền trăng
Trì kinh sám hối tiêu tai chướng
Niệm Phật tham thiền sạch ách ương
Thuyết pháp giảng kinh rền phạm tiếng
Một đời đạo nghiệp sáng gương trang. 

Bình chú

  • Duyên kim cải có 2 cách nhiểu
    • Duyên hi hữu như đặt hạt cải vào đầu kim
    • Duyên hòa hợp như kim thường bị hút bởi nam châm, hạt cải nhỏ thường bị hút bởi hổ phách, lông thú
  • Trụ hay trụ trì: Là viết tắt của Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng (nghĩa thô là ở nhà của vua các pháp, giữ gìn truyền bá tam tạng kinh điển của Như Lai, nghĩa ý là giữ được tâm định tĩnh bất động (như là đang ở trong nhà của vua pháp), để tâm trí vào giáo pháp kinh điển rồi truyền bá rộng khắp) 
  • Dòng mạch của ngài Đạo Huệ thường theo hạnh đầu đà (khổ hạnh), nhưng hơn giai đoạn Phật giáo Nguyên Thủy ở chỗ có “phước huệ cùng tu”, tức là vừa tu tuệ như trước, vừa có làm phước cho chúng sinh bằng những việc thế gian như chữa bệnh, lao động chân tay,… vì thời đó triều Lý bắt đầu suy (biểu hiện ra cơ cẩn tai, tật bịnh tai, binh đao tai,.. khiến nhân dân khổ cực, khó cho việc hoằng pháp) 
  • Niệm Phật tam-muội: Phương pháp thiền định bằng cách nhớ nghĩ đến Phật, tụng niệm danh xưng Phật

Tham khảo


  • Sách “Thiền uyển tập anh”, Lê Mạnh Phát, Viện nghiên cứu Phật học, Nhà xuất bản Văn học năm 1990.
  • Sách Thiền Sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, DL 1999 PL 2543.
Chấm điểm
Chia sẻ
Thiền Sư Tịnh Lực

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)