Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn là vị Chầu Bà thứ hai trong hàng Tứ Phủ Thánh Chầu, sau Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên, trước Chầu Đệ Tam Thoải Phủ. Bà là người hầu cận Mẫu Thượng Ngàn, hoặc thường được xem là hóa thân của Mẫu.
Thần tích
Tương truyền Chầu là con vua Đế Thích trên thiên đình, cai quản sơn lâm thượng ngàn, quyền hành khắp 81 cửa ngàn đất Việt.
Trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà, Chầu là vị có quyền hành tối cao của tòa Sơn Trang. Có thể nói gần như là vị có quyền cao nhất hàng Chầu, chỉ sau Chầu Đệ Nhất. Bà là hình mẫu của dân ta trên cõi thượng ngàn. Quyền của Chầu cai quản 36 động Sơn trang. Đất được sắc phong là Đông Cuông, Tuần Quán, Bảo Lạc, Hà Giang, Tuyên Quang.
Chầu Đệ Nhị được xem là hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn, nên có rất nhiều thần tích của Chầu đều đồng nhất với thần tích về Mẫu.
Theo Bách Thần Lục
Theo Bách Thần Lục, thần tích của Chầu Đệ Nhị đồng nhất với thần tích của Mẫu Thượng Ngàn ở vùng Bắc Lệ, Lạng Sơn. Đó chính là La Bình Công Chúa, con gái của Sơn Tinh, cai quản 81 cửa rừng ở cõi Nam Giao.
Thần tích của dòng mo họ Hà
Đông Quang Công Chúa (Chầu Đệ Nhị) tên húy là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên là người Tày Đông Cuông được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên cũng là hậu duệ của trại chủ Quy Hóa – Hà Bổng và hi sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên. Ông bà sinh hạ được một con trai (chính là Ông Hoàng Báo Đông Cuông).
Khi ông Thiên tạ thế, bà Kiểm và con trai ở lại Đông Cuông. Họ dạy dân lập ấn lập bản, trồng trọt chăn nuôi và chữa bệnh cứu người. Sau này khi tạ thế, bà hóa thánh là Chầu Đệ Nhị hiển linh giúp dân và phù giúp cho thuyền bè qua dòng sông Thao.
Nhân dân lập miếu thờ hai mẹ con bà tại Ghềnh Ngai phía tả ngạn sông Hồng, sau này tu sửa và lấy tên là đền Đông Cuông. Còn miếu thờ của ông Thiên được xây dựng bên phía hữu ngạn sông Hồng đối diện với đền Đông Cuông.
Ghi chép của Lê Quý Đôn
“Trong Kiến Văn Tiểu Lục, quyển X, mục “Linh tích” thời Hậu Lê, cụ Lê Quý Đôn viết:
“Văn Châu, một người thuyền hộ xã Kính Chủ, huyện Thanh Ba (nay thuộc địa phận Lâm Thao – Phú Thọ) là học trò Hiệu như Nguyễn Đình Kính. Giữa niên hiệu Bảo Thái (1720 – 1729) đi buôn ở Đông Quang (nay thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Bến sông này có miếu thờ Đông Quang Công Chúa vẫn nổi tiếng anh linh. Tục truyền Công CHúa là vợ Đại vương miếu Ngọc Tháp, huyện Sơn Vi (sau đổi là huyện Lâm Thao). Một hôm trời đã tối, Văn Châu thấy một người từ trong miếu Đông Quang đi ra đến chỗ thuyền đỗ, gọi tên mình và bảo rằng: “Khi thuyền nhà ngươi trở về qua miếu Ngọc Tháp, phiền nhà ngươi nói giúp là kính tạ Đại vương, Chúa bà đã sinh con trai rồi, gửi lời về báo để Đại vương biết.” Nói xong liền biến mất. Đường thủy mà thuyền buồm đi từ Đông Quang đến Ngọc Tháp phải ba, bốn ngày, thế mà ngày hôm ấy, Văn Châu bắt đầu đi từ sáng sớm mà đến giờ Thân đã tới Ngọc Tháp (chỗ này núi đá mọc nhô ra bến sông như hình ruột ốc, miếu ở trên núi, bên cạnh miếu có chùa Lăng Nghiêm). Văn Châu theo lời thầy dặn, đứng ở đầu thuyền nói lại rồi đi.”
Địa điểm thờ tự
Đền Chầu Đệ Nhị nổi tiếng bốn phương chính là đền Đông Cuông, tọa lạc tại thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Tham khảo
- Đạo Mẫu: https://daomau.fandom.com/vi/wiki/
- Hình ảnh đại diện: Tranh vẽ Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn, thuộc dự án Divine Portraits – Thánh Nhan. Hoạ sĩ Camelia Pham