Giới thiệu
Cô Bé Thạch Bàn là một trong những tiên cô bản đền bản cảnh, cô không thuộc hàng chính thống trong hệ thống thần linh Tứ Phủ. Vì lầu Cô Bé được lập ở chốn thạch bàn nên dân gian thường gọi là Cô Bé Thạch Bàn.
“Dâng văn Cô Bé Thạch Bàn
Lương thời cát nhật giáng đàn chứng đây
Lầu Cô gió mát bóng cây
Tầng cao tầng thấp thang mây lưng chừng trời”
Thờ phụng
Cô Bé Thạch Bàn được thờ tự tại đền Sinh thuộc thôn Yên Mô, Chí Linh, Hải Dương.
Câu chuyện cầu tự
Ngôi đền Sinh chính thờ Cô Bé Thạch Bàn nổi tiếng linh thiêng với nhiều câu chuyện về cầu tự.
Đền Sinh, hay còn gọi là đền Mẫu Sinh ở thôn An Mô (xã Lê Lợi, Chí Linh, Hải Dương) xưa nay được mệnh danh là nơi “ban con” rất linh thiêng cho những cặp vợ chồng không may vướng phải cảnh hiếm muộn.
Câu chuyện của chị Vũ Thị Hiền, 32 tuổi, quê ở Bắc Ninh. Chị Hiền lấy chồng lần đầu năm 22 tuổi nhưng suốt 6 năm trời chung sống chưa một lần đậu thai. Chán chường, chồng Hiền ra ngoài cặp bồ với gái rồi quay về đay nghiến vợ. Nghĩ rằng việc không có con là do mình nên chị Hiền cắn răng chịu đựng. Cho đến một ngày, cô gái là bồ của chồng vác bụng đến đề nghị Hiền giải thoát cho chồng để con cô ta có bố thì chị đành nuốt nước mắt viết đơn ly hôn.
Hai năm sau, chị Hiền được bạn bè mai mối với một người đàn ông góa vợ ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Thấy chị Hiền mãi không mang thai, người chồng bàn với vợ đến đền Sinh “xin” con. “Lúc này tôi đang theo một bác sĩ chữa hiếm muộn nhưng vì “có bệnh vái tứ phương” nên tôi cũng nghe chồng. Đến giờ mang thai, mừng vô cùng. Mặc dù tôi biết có con chủ yếu là do Tây y tác động, nhưng tôi vẫn xin tạ ơn tất cả”, chị Hiền chia sẻ.
Cụ Phạm Văn Được, người có thâm niên 18 năm viết sớ tại cửa đền Sinh cho biết, khách đến đền nhờ cụ viết sớ chủ yếu là sớ xin cầu tự. Đến nay, cụ đã viết gần 2.000 tờ sớ cầu tự cho khách các nơi. Mỗi một người khách đến viết sớ, cụ Được lại tỉ mỉ ghi chép tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của từng cặp vợ chồng vào sổ. Khi các cặp vợ chồng đậu thai đến tạ lễ, cụ Được cũng ghi chép lại. Với những cặp vợ chồng ở xa, không có điều kiện làm lễ tạ thì khi đậu thai gọi điện lại nhờ cụ Được lên đền xin tạ trước. Khi nào “mẹ tròn, con vuông” có điều kiện thì gia đình sẽ đến đền làm lễ tạ sau.
Trong số các cặp vợ chồng đến “xin” con, cụ Được nhớ nhất là cặp vợ chồng ông P.H (61 tuổi) Hà Đông, Hà Nội, bởi khi viết sớ cụ biết người chồng đã 61 tuổi còn cô vợ chỉ có 33 tuổi. Bẵng đi một thời gian, trong lúc cặm cụi viết sớ, cụ Được thấy một túi quà trịnh trọng đặt xuống bàn, ngẩng lên thì bắt gặp nụ cười tươi rói của người vợ trẻ. Lúc này, bụng cô đã lùm lùm. Cô vợ vui mừng chia sẻ đã mang thai đôi và đến đền xin làm lễ “tạ”. “Mỗi lần ra Hà Nội, tôi thường gọi cho ông P.H. Ông ấy đánh ô tô đến đưa tôi đi khắp nơi. Tình nghĩa lắm”, cụ Được chia sẻ niềm vui về người “khách hàng” của mình.
Hầu giá
Người ta thường hầu Cô Bé Thạch Bàn sau giá Cô Bé Tứ Phủ, khi thỉnh cô giá ngự về đồng người ta dâng cô áo thổ cẩm đặc trưng miền núi rừng, đầu vấn khăn thêu hoa, cũng có khi thắt khăn củ ấu. Thông thường, cô chỉ giá ngự đúng bản đền của cô vào các dịp khánh tiệc khi có các thanh đồng sát căn của cô thỉnh mời cô bé giá ngự. Cũng giống như các giá hầu Cô Bé khác, khi cô giá ngự về lễ Mẫu đồng khai quang, rồi mua mồi và ban tài phát lộc cho thanh đồng và bách gia trăm họ tham dự.
Tham khảo
- http://tuphuthanhmau.blogspot.com/2017/10/en-sinh-ngoi-en-ky-la-ngoi-en-cau-con.html
- https://vanhoatamlinh.com/co-be-thach-ban-la-ai-duoc-tho-o-dau/
- https://phuday.com/co-be-thach-ban-linh-thieng.html