Đức Thánh Tản Viên

Đức Thánh Tản Viên

Tản Viên Sơn Thánh, còn gọi là Sơn Tinh, là một nhân vật trong truyền thuyết Việt Nam, theo quan niệm dân gian là vị thần cai quản dãy núi Ba Vì (tức núi Tản Viên), ông là một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian người Việt, gọi là Tứ bất tử (Tiên Dung Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Tản Viên, Thánh mẫu Liễu Hạnh). Ông được xem là hàng đệ nhất trong 4 vị thánh thần này. Đây là vị Thánh biểu đạt cho những khả năng to lớn và vĩnh viễn của cộng đồng trong lao động sáng tạo ra nguồn của cải vô tận và trong chiến đấu chống thiên tai (lũ lụt) để bảo vệ cuộc sống chung.

Các sự tích, truyền thuyết về Đức thánh Tản, đặc biệt là truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết trong văn hóa người Việt hiện đại. Những truyền thuyết khiến ông trở thành bất tử, không chỉ trong tín ngưỡng mà trở thành một biểu tượng văn hóa.

Nguồn gốc


Có hai quan niệm và cách giải thích nguồn gốc của vị Thánh này:

Các học giả thời phong kiến cho Tản Viên là “…hạo khí anh linh của trời đất sinh ra”, hoặc cho “Tản Viên là một trong 50 người con theo cha xuống biển của Lạc Long Quân, Âu Cơ”. Chàng “…từ biển đi vào, qua cửa Thần phù, ngược sông Hồng đến Long Đỗ (Hà Nội), Trấn Trạch, rồi ngược sông Lô, đến Phúc Lộc giang”. Từ đấy, “…nhìn thấy núi Tản Viên cao vời, xinh đẹp, lại thêm phía dưới dân chúng thuần phác, thái bình”, nên chàng “…đã làm một con đường thẳng như kẻ chỉ, từ Bạch Phiên Tân lên thẳng phía nam núi Tản Viên, tới động An Uyên, thì lập diện để nghỉ ngơi”.

Trong khi đó theo quan niệm của mọi người, được thể hiện qua các bản thần thích thần phả ở các làng trong vùng Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh (Hà Tây, Hà Nội, Vĩnh Phú) thì Thánh Tản Viên lại là người có thực, xuất thân từ tầng lớp nghèo khổ trong dân chúng. Khi đó, Ngài vốn là một nông dân dũng cảm, nhân hậu, thiên phú hùng tài, trở thành Sơn thần, thủ lĩnh của muôn loài, Sơn Tinh, thường dạy dân làm ruộng, săn bắn, kéo vó, luyện võ và mở hội. Đối lập với Sơn Tinh là Thủy Tinh, vị ác thần cai quản các loài thủy tộc thường dâng nước tràn lên cướp phá mùa màng, cầm thú, làm hại dân lành. Hùng Vương thứ 18 – vị vua của các bộ lạc Việt, mở cuộc thi tài kén rể cho công chúa Mỵ Nương. Sơn Tinh thắng, được Vua Hùng gả con gái. Thủy Tinh thua, đem hận dâng nước lũ và xua thủy quái đánh phá. Sơn Tinh cùng thần dân và các loài vật trên đất liền chống chọi quyết liệt. Nước càng dâng thì núi lại càng cao. Thủy Tinh bại trận. Truyền thuyết này đã được ghi vào sách giáo khoa để truyền bá và giáo dục tinh thần chiến thắng thiên tai lũ kụt của dân tộc, tinh thần cái thiện chiến thắng cái ác.

Cuộc chiến đấu chống Thủy Tinh của Sơn Tinh và muôn loài phản ánh lịch sử tự nhiên của một đất nước lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển, quanh năm chống thiên tai địch họa. Thờ Thánh Tản là tôn thờ và tin cậy vào sức mạnh thiêng liêng, vào đức nhân nghĩa, tin vào nỗ lực sinh tồn của con người.

Địa điểm thờ tự


  • Đền Lăng Sương, ở xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ chính là nơi đầu tiên thờ thánh Tản Viên. Nơi đây vốn là nền đất của Động Lăng Xương- nơi thần Sơn Tinh được sinh ra, nhân dân trong vùng đã lập điện thờ cha mẹ ngài để tưởng nhớ công ơn sinh thành nên một người con kiệt xuất, có công giúp dân trừ nạn giặc nước.
  • Các ngôi đền trên núi Ba Vì: Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ cũng thờ Đức Thánh Tản Viên.

Tín ngưỡng thờ cúng Đức Thánh Tản Viên ở Ba Vì có từ rất lâu. Khoảng 250 năm trước Công Nguyên, An Dương Vương cho lập đền thờ đức Thánh trên núi Tản Viên, gọi là Đền Thượng. Cứ ba năm một lần, vào 15 tháng giêng âm lịch, tại đây diễn ra lễ hội lớn, với hàng vạn người tham dự. Lễ hội gồm nhiều hoạt động như rước bài vị thánh Tản. Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đánh cá sông (99 con) làm gỏi dâng tế, lễ rước Thánh bà Mỵ Nương, chọi gà, đấu cờ, hát đúm, bịt mắt bắt dê, kéo co, cướp cờ, thi bơi thuyền rước quân, đấu vật và mở hội Chém May…

Vào ngày hội lễ, nhà Vua hoặc tự thân hoặc cử đại quan tới dâng hương. Còn ngày nay, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng thường tới dự lễ tại đền chính trên núi Ba Vì, Hà Nội.

  • Đền Và, ở Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội

Hội đền Và tổ chức vào ngày Rằm tháng giêng, các làng có liên quan đến Thánh Tản và Đền Và (có 8 làng: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Dạm Trai (phường Trung Hưng), Phù Sa, Phú Nhi (phường Viên Sơn), thị xã Sơn Tây và làng Di Bình (xã Vĩnh Thịnh, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc)) đều tập trung về đền Và.

  • Tại Ninh Bình, Thánh Tản Viên được thờ ở các di tích: đền Hải Đức (Khánh Cường, Yên Khánh); chùa Lỗi Sơn (Gia Phong, Gia Viễn); đền Kê Thượng, đền Miếu Sơn (Ninh Vân, Hoa Lư) và đền Đông Thịnh (Bích Đào, Tp. Ninh Bình).

Tham khảo


  1. Wikipedia, Sơn Tinh: https://vi.wikipedia.org/wiki/S%C6%A1n_Tinh#%C4%90%E1%BB%81n_th%E1%BB%9D
  2. Họ Nguyễn Việt Nam: http://honguyenvietnam.vn/news/lich-su-dong-ho-nguyen/tin-nguong-tho-duc-thanh-tan-vien-ong-to-ho-nguye-n-vie-t-nam-da-duo-c-dua-va-o-danh-mu-c-di-sa-n-van-ho-a-phi-va-t-the-quo-c-gia.id527.html
  3. Biên niên sử: https://bienniensu.com/truyen_thuyet/duc-thanh-tan-vien/
  4. Lịch triều hiến chương, Phan Huy Chú
  5. Việt sử thông giám cương mục, nhiều tác giả
  6. Lĩnh Nam trích quái, Trần Thế Pháp
Chấm điểm
Chia sẻ
Tan Vien Son Thanh

Nội dung chính

Hình ảnh
Nơi thờ tự
Lễ hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

banner APP CHỐN THIÊNG 3 (60X90)