Giới thiệu
Từ xa xưa “Lửa” đã được sử dụng và đóng góp to lớn vào sự tiến hoá, phát triển loài người. Mặt khác Lửa vẫn thường gây ra những thảm hoạ khôn lường. Từ thực tiễn và kinh nghiệm được đúc rút qua các đời, ông cha ta đã tổng kết và phân hạng bốn yếu tố gây hại nhiều nhất đến cuộc sống của con người là: Thủy, Hỏa, Đạo, Tặc (nước, lửa, trộm cướp và giặc giã), trong đó, yếu tố Hỏa được xếp trên Đạo và Tặc.
Việc cầu mong Thần Hỏa đem lại sự an lạc về tinh thần và đề cao việc phòng chống hỏa hoạn phản ánh một phần nhu cầu thực tiễn của người Hà Nội từ xưa đến nay. Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đã ca ngợi sự linh thiêng bền vững của Thần Hỏa trong việc trừ hỏa tai, bảo vệ kinh thành Thăng Long:
Hỏa tụ tam khu phần bất cập
Phong trần nhất trận phiến nan khuynh
Tạm dịch:
Lửa nổi ba khu không cháy được
Phong trần một trận chẳng hề nghiêng
Thời Nguyễn, những dãy phố phía tây của khu phố phường Hà Nội chủ yếu vẫn là nhà tranh tre nứa lá, cho nên hỏa hoạn xảy ra thường xuyên. Sách sử cũ chép lại vào năm 1828, đầu năm xảy ra vụ cháy 200 nhà, giữa năm lại cháy 1420 nhà thuộc 27 phường. Năm 1837, khu này cháy thêm 1400 ngôi nhà nữa. Đến những năm 1885 vẫn còn cháy rất nhiều.
Hỏa hoạn là tai hoạ đáng sợ nhất, nhưng lại khó tránh khi toàn nhà lợp tranh. Vì thế, sau vụ cháy lớn năm 1837, người dân đã lập ngôi đền thờ Hỏa thần, cầu xin Thần lửa không gây hoạ. Có lẽ đây là ngôi đền thờ Thần lửa duy nhất tại Việt Nam.
Ở Việt Nam có hai Thần Lửa, trong đó vị Quang Hoa Mã Nguyên Súy được thờ phụng tại đền Hỏa Thần.
Sự tích
Truyền thuyết kể lại, Quang Hoa Mã Nguyên Suý chịu ảnh hưởng nhiều của tư tưởng Phật, Lão, Nho. Khởi đầu, Thần vốn là Phật đăng, được nghe thuyết pháp tụng kinh nhiều nên giác ngộ và trở thành môn đệ Phật gia. Do tính “hoả” nên không giữ được nghiêm giới luật, phải xuống trần đầu thai vào nhà họ Phùng. Khi đắc đạo được về trời làm môn đệ của Ngọc hoàng Thượng đế, chuyên việc trừ hoả tai. Nhân dân trần thế coi ông là Thần Lửa – ông tổ nghề phòng cháy chữa cháy và thờ ông tại đền Hỏa Thần.Còn theo lý giải của Đại đức Thích Minh Sơn – trụ trì đền Hỏa thần thì có lẽ những truyền thuyết linh thiêng của ngôi đền đã giao hòa đời sống tâm linh với cuộc sống đời thường, nên dân gian còn coi Quang Hoa Mã Nguyên Suý như “ông tổ ngành phòng cháy, chữa cháy”.
Hiện nay, trong gian hậu cung của đền là ban thờ Hỏa thần với tượng Ngũ Hiển Quang Hoa Đại Đế đặt ở khám thờ lớn, với hình dáng phương phi, vẻ mặt tỏa nét uy nghi của bậc vương giả nhưng vẫn đầy nét phúc hậu, từ bi thông tuệ của Phật. Tay của Ngài cầm một vật có hình chóp. Nhiều người cho rằng đó chính là hình viên đá để tạo ra lửa. Phía ngoài hai bên là hai pho thị giả, Thiên Lí Nhãn (nhìn thấy khắp nơi) và Thuần Phong Nhĩ (nghe thấu mọi điều). Hai pho tượng này được tạc theo phong cách dân gian, dữ tợn, phóng khoáng. Ở ngoài khám, phía trước tượng Ngũ Hiển Quang Hoa Đại Đế là tượng Quang Hoa Mã Nguyên Suý, tượng đồng, vẻ mặt quắc thước, tai to thùy châu chảy dài, vận võ phục, chân phải đạp lên đầu rồng (cách điệu hóa cá chép hóa rồng), tay phải bắt ấn, tay trái cầm quả cầu lửa, chân trái co hất ra sau bàn chân nâng lư hương, như đang bay lên không trung. Trước hậu cung còn có vế đối ca ngợi công đức và uy linh của Thần “Mục dân toàn lại tý, Dân mi thần bất cử” (chăn dân cốt là che chở cho dân, việc làm của Thần vô cùng linh diệu).
Thờ phụng
Hỏa thần Quang Hoa Mã Nguyên Súy được phụng thờ tại đền Hỏa Thần, đây là một trong những điểm sáng tâm linh giữa lòng Hà Nội, và mang giá trị văn hóa tâm linh, cầu nguyện cho bản thân, gia đình và đất nước. Đền đã được đón nhận là Di tích lịch sử văn hóa vào năm 1997
Vào hai dịp mùa xuân và mùa thu, cụ thể là ngày 28 – 3 và 29 – 9 Âm lịch thường niên, nhà đền cùng nhân dân trong vùng lại long trọng tổ chức tế lễ để tưởng niệm ngày sinh và ngày hóa của Thần Hỏa. Vào ngày tế lễ, những dịp ngày rằm hay đầu xuân năm mới, du khách và con nhang đệ tử gần xa lại về đền Hỏa Thần để tham quan chiêm bái, thắp hương dâng lễ, cầu mong một năm an bình, thuận lợi. Khi hành lễ, người ta hay dâng lên những vật phẩm đầy thành tâm bày tỏ tấm lòng kính cẩn tới các đấng linh thiêng.
Tham khảo
- https://oancotam.com/den-hoa-than/
- https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ngoi-den-la-nhat-ha-noi-172110812035617246.htm
- http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/2017/10/07/den-hoa-than/