Thần tích
Qua truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ, người Việt ngày nay vẫn luôn tự hào và nhắc nhở hậu thế về nguồn gốc là con Rồng cháu Tiên.
Mẫu Âu Cơ là vị mẫu thần tổ tiên của người Việt, được ban sắc phong Quốc Mẫu và phối thờ ở nhiều đền điện Tứ phủ, trong đó tiêu biểu là đền Mẫu Âu Cơ Đầm Đa thu hút hàng ngàn du khách tới hành hương dâng lễ.
Xưa kia, có một thủ lĩnh khỏe mạnh tuyệt trần tên Lộc Tục, hiệu là Kinh Dương Vương cai quản vùng đất phía Lĩnh Nam. Chàng kết duyên cùng con gái Long Vương là Long Nữ và sinh hạ một người con trai, đặt tên là Sùng Lâm. Sùng Lâm lớn lên khỏe mạnh hơn người, đi dưới nước như đi trên cạn khiến ai ai cũng kính nể. Sau này, chàng nối nghiệp cha, lấy hiệu là Lạc Long Quân.
Bấy giờ, thấy đất Lĩnh Nam hoang vu bất ổn, Lạc Long Quân quyết chí lên đường du ngoạn diệt tà. Chàng đã diệt Ngư Tinh vùng bờ biển Đông Nam, trả lại sự bình yên cho dân chài. Chàng chém Ngư Tinh thành 3 khúc và ném về ba hướng. Khúc đầu biến thành chó biển bị vứt lên một hòn núi nay là Cẩu Đầu Sơn. Khúc mình trôi về phía Mạn Cẩu, nay được gọi là Cẩu Đầu Thủy. Còn khúc cuối bị lột da phủ lên một ngọn núi ngày nay mang tên Bạch Long Vĩ.
Đến vùng Long Biên, chàng cũng ra sức tiêu diệt Hồ tinh 9 đuôi đã hãm hại dân, khiến nhân dân từ vùng Long Biên đến Tản Viên thoát khỏi cuộc sống sợ hãi đến bỏ cả ruộng nương bản làng. Hang cáo khi đó bị các loài thủy tộc dâng nước xoáy thành Đầm Xác Cáo sau này là vùng Tây Hồ. Người dân cũng an tâm quay lại bản làng sinh sống, xây dựng làng xóm trên khu đất cao, sau chính là làng Hồ ngày nay.
Đi ngược lên vùng đất Phong Châu, Lạc Long Quân nghe thấy tiếng khóc than của người dân nơi đây do có Mộc Tinh – một cây chiên đàn cổ thụ ngàn năm khô héo biến thành tinh. Chàng quyết chiến với yêu tinh trăm ngày đêm, đánh đuổi khiến nó khiếp sợ chạy về phía Tây Nam, sống quanh quất ở đó. Người ta gọi là Quỷ Xương Cuồng. Không chỉ vậy, chàng còn dạy nhân dân vùng Phong Châu trồng lúa, làm nhà chống thú dữ,… Dân làng rất biết ơn Lạc Long Quân, liền lập một cung điện nguy nga trên núi để chàng ở nhưng chàng thường về quê mẹ dưới Thủy Phủ và dặn dò dân chúng hễ có tai biến thì gọi chàng về ứng cứu.
Lúc bấy giờ, vua Đế Lai phương Bắc cùng con gái là Âu Cơ đem quân đội tùy tùng tràn xuống phương Nam ngao du. Thấy một nơi phong cảnh hữu tình, hoa thơm cỏ lạ trải dài liền lấy làm thích thú và sai quân dựng đắp thành lũy để ở lâu dài. Người dân bị Đế Lai và người phương Bắc xuống quấy nhiễu, bắt phục dịch khổ sai, cuộc sống không còn yên ổn như xưa, mới hướng về biển Đông cầu Lạc Long Quân cứu giúp. Từ thủy phủ trở về nơi Đế Lai ở, chàng vô tình gặp được nàng Âu Cơ dung mạo xinh đẹp, liền đem lòng yêu. Âu Cơ cũng say đắm trước dung mạo tuấn tú hơn người của Lạc Long Quân, bày tỏ ý xin đi theo chàng. Ông giấu nàng ở cung điện trên núi cao khi xưa, dùng phép thuật hóa ra trăm loại quái vật đe dọa khiến Đế Lai và quân lính phải bỏ chạy về nước.
Ít lâu sau, Âu Cơ đẻ ra một cái bọc lớn, sau bảy ngày thì trong bọc vỡ ra trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một người con trai. Tất cả đều lớn nhanh như thổi, trí dũng song toàn, dung mạo hơn người. Về sau do tương khắc Rồng Tiên, Lạc Long Quân và Âu Cơ không thể chung sống với nhau được nữa. Long Quân dẫn 50 người con trai xuống biển chia nhau trị vì các xứ. Âu Cơ dẫn 50 người con trai lên đất Phong Châu, tạo dựng nên nước Văn Lang, trở thành tổ tiên cội nguồn của mọi người con nước Việt.
Sau khi chia ly, mẹ Âu Cơ đã cùng các con mở mang đất đai bờ cõi. Khai khẩn tới vùng nào, bà cũng dạy dân cách sinh sống hòa thuận ấm no, chỉ bảo nghề nghiệp lâu dài, phải triển sinh hoạt cộng đồng văn hóa khiến cho ai nấy đều biết ơn và tôn kính. Khi tạo dựng cơ nghiệp bền lâu muôn đời, mẹ Âu Cơ mới quay về trời.
Bà được ban sắc phong Quốc Mẫu và phối thờ ở nhiều đền điện Tứ phủ, tiêu biểu là đền Mẫu Âu Cơ Đầm Đa.
Thờ tự
Chùa Tiên – Mẫu Đầm Đa (hay còn được người dân gọi là Chùa Tiên – Đầm Đa]) là một quần thể du lịch thuộc địa phận xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Trong quần thể có một ngôi chùa tên là Chùa Tiên, được Bộ văn hóa – Thông tin Việt Nam cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa tháng 9 năm 1989.
Khu Du lịch Chùa Tiên – Đầm Đa là một quần thể du lịch bao gồm nhiều hang động, đền chùa tuyệt đẹp, nằm bên kia sườn dãy núi Hương Sơn Chùa Hương. Ngoài ra quần thể danh thắng Chùa Tiên là di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia.
Đầm Đa mở hội vào mùng 4 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vào ngày này hay những dịp đầu xuân năm mới, du khách gần xa,những phật tử ở địa phương và ở các vùng lân cận thường về quần thể di tích Đầm Đa để tham quan, thắp hương dâng lễ
“Con đi tìm mẹ tìm cha,
Mà con chưa biết Đầm Đa mà tìm.
Có mẹ dẫn lối chỉ đường,
Nên con tìm được quê hương đây rồi”.
Tham Khảo
- https://chuatien.com/tin-tuc/24-chau-van-mau-dam-da-co-loi.html
- https://dulichvietphong.com/den-mau-dam-da-chua-tien-01-ngay
- https://chuatien.com/