Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ (Tứ Phủ Thánh Mẫu)

Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ (Tứ Phủ Thánh Mẫu)

Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ là vị Thánh Mẫu cai quản miền sông nước, một trong bốn vị Tứ Phủ Thánh Mẫu.
Trong thần điện Tứ Phủ, Mẫu mặc trang phục trắng, ngồi bên tay trái Mẫu Thiên Tiên.

Ngày khánh tiệc

  • AL 12/02: Tiệc Mẫu Tuyên Quang
  • AL 10/06: Tiệc Đức Quốc Mẫu Đệ Tam Thoải Cung Thác Hàn
  • AL 12/06: Tiệc Mẫu Thác Đền Hàn và Đản Nhật Cô Bơ Bông

Phủ/ nơi cai quản: Thoải Phủ [水府] (miền sông nước, biển cả)

Sắc phong: Thượng Đẳng Thần Nguyệt Nga Công Chúa (sắc phong bởi Hoàng đế Lê Thánh Tông)

Danh hiệu

  • Danh hiệu chính: Xích Lân Công Chúa
  • “Thoải Phủ [水府]” có thể thay bằng “Thủy Cung [水宮]”
  • Động Đình Công Chúa
  • Ngọc Hồ Thần Nữ
  • Thủy Tiên Công Chúa [水仙公主]
  • Thủy Cung Thánh Mẫu [水宮聖母]
  • Mẫu Thoải [母水]

Trang phục

  • Ngự áo màu trắng,
  • Đội miện trắng,
  • Xếp bằng tay cầm quạt tượng trưng cho nước

Thần tích


Có thuyết nói Mẫu là vị thần lưỡng tính. Lưỡng tính theo nghĩa: Mẫu là phụ nữ, nhưng được Ngọc Hoàng Thượng đế ban cho sức mạnh và tài năng, nhất là tài sông nước, như nam giới.

Thuyết này cho rằng Mẫu Thoải là vợ của vua Thủy Tề, là hoàng hậu ở dưới Thủy cung. Vua Thủy Tề trông coi các việc ở biển, còn Mẫu trông coi các việc ở sông, suối. Do sông suối có ở khắp nơi nên Mẫu cũng có mặt ở khắp nơi, nhất là tại các bến sông lớn.

Một ví dụ cho thuyết này: ở làng Viêm Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, Mẫu Thoải được thờ là Thành hoàng và có sắc thượng phong đề “Nhữ Nương Nam Nữ Nam Hải Đại Vương”.

Thuyết về ba người con gái Lạc Long Quân

Cũng có thuyết nói Mẫu, không phải một, mà là ba. Ba mẫu này là con gái của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Trong số các con, Lạc Long Quân đã chọn ba người giao cho việc cai quản sông biển nước Nam:

  • Thủy tinh Động đình Ngọc nữ Công chúa
  • Hoàng Bà Đoan khiết Phu nhân
  • Tam giang Công chúa

Ba bà đóng dinh cơ ở sông Nguyệt Đức và có nhiệm vụ coi các sông nước, luồng lạch, dạy dân chế tạo thuyền bè và đan lưới bắt cá, chế ngự các vị thần mưa, thần gió mỗi khi các vị này lạm công, xâm hại đến hạ giới. Các Mẫu còn làm mưa và giúp dân chống lụt.

Thuyết con vua Bát Hải Động Đình Quốc

Bà vốn là con Vua Bát Hải Thủy Quốc Động Đình, kết duyên cùng Kính Xuyên (là con Vua Đất). Nghe lời tiểu thiếp Thảo Mai, Kính Xuyên vu cho bà thất tiết, đem đóng cũi, bỏ lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Tại nơi rừng sâu bà không những được thú rừng yêu quý, mang vật quả đến dâng mà còn gặp được nho sĩ Liễu Nghị. Bà bèn nhờ Liễu Nghị mang thư kể hết sự tình về cho vua cha. Sau đó bà được minh oan, kết duyên cùng Liễu Nghị, còn Kính Xuyên và Thảo Mai thì bị trừng phạt.

Thuyết con ông Trời

Thuyết này cho rằng bà là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng. Vì yêu thích sông hồ và biển cả nên được cha cho cai quản nơi đây, trở thành vị thần đứng đầu thủy tề. Sau này, bà gặp gỡ và lấy Thần Long làm chồng và sinh ra Lạc Long Quân.

Dù nguồn gốc của Mẫu Thoải như thế nào, thì tựu chung lại cũng chính là cách người dân đất Việt, nơi “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” tôn vinh vị thần của sông nước. Nói rộng ra, đó là cách con người vật chất hóa tình cảm của mình với tự nhiên, nhân hóa tự nhiên để tự nhiên gần gũi với đời sống con người, không chỉ đời sống sản xuất mà còn trong cả đời sống chiến đấu.

Quan niệm dân gian

Theo quan niệm dân gian Việt Nam, Mẫu Thoải có mặt ở khắp mọi nơi để âm phù.

Mẫu thoải phủ con gái út của Bát Hải Long Vương, rẽ nước biển lên trần dạo chơi. Nhưng ngày kia vua cha cho đóng cửa biển nàng công chúa thủy phủ này không còn đường về thủy cung nên đã ở đầu thai thành người trần thế để tu nhân tích đức từ cô bé thoải dần trưởng thành xinh đẹp được phong là công chúa thủy phủ rồi đức hạnh ngày càng cao nên được mệnh danh là Mẫu Thủy Phủ – mẹ của người dân miền sông nước và mẹ có thể cứu con dân, đưa vong lên bờ để không phải chịu sự lạnh giá miền sông nước.

Vì đức độ vì thương yêu con dân nên bà được tôn phong là Đệ Tam Thánh Mẫu trong đức thờ Tam Tòa Thánh Mẫu.

Mẹ có trong nguồn nước chúng ta uống, chúng ta sinh trưởng có mẹ. Cây cối tươi tốt, con người khỏe mạnh nhờ nguồn nước mẹ ban. Vì vậy công đức của mẹ cũng lớn không kém phần.

Mẫu Thoải giúp đỡ mọi người mỗi khi đi qua các vùng sông nước. Do vậy, mỗi khi bước xuống đò, qua một khúc sông rộng, người ta thường lẩm nhẩm cầu khấn, xin Mẫu phù hộ độ trì. Mỗi khi có hạn, Mẫu phái tướng sĩ đi lo việc làm mưa. Còn khi bão lụt, Mẫu lại hóa phép để làm gió yên, mưa tạnh. Các loài thủy quái, thủy tặc, do có các thần tướng của Mẫu canh chừng, nên cũng không thể tùy tiện tác oai, tác quái.

Trong dân gian, Mẫu Thoải là hình ảnh của bà mẹ hiền lành, đảm đang, suốt đời lo lắng cho con cho cháu nhưng lại chịu hàm oan.

Công đức


Cũng như các vị Thánh Mẫu khác, Mẫu Thoải còn đi vào sử sách nước Việt như một vị thần phò trợ triều đình đánh đuổi giặc ngoại xâm:

Hiển linh giúp Trần Hưng Đạo

Vào thời Vua Trần Nhân Tông (1285 – 1293), quân Nguyên do hai tướng Thoát Hoan và Ô mã Nhi, đem 10 vạn quân sang xâm chiếm nước ta. Nhà Vua triệu Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phong ngài làm Đại Nguyên Sói cất quân đi dẹp giặc. Lúc đoàn quân Hưng Đạo Ngang qua sông Xâm Miện (khu đền Dầm), thì mặt trời vừa lặn. Hưng Đạo Vương ra lệnh cho quân lên bãi sông cắm trại dừng chân, riêng Trần Hưng Đạo ngự trên thuyền.

Vào nửa đêm, ông mơ thấy một người con gái mặc áo trắng, mang đai ngọc lưu ly cưỡi rồng vàng đến trước mặt ông nói rằng:

“Thiếp là con gái Long Vương là Thủy Tinh Ngọc Dung Công Chúa được lệnh đến giúp Ngài diệt giặc. Ngài hãy đem quân đuổi giặc, thiếp nguyện âm phù trợ giúp”

Tỉnh dậy ông biết là mộng báo có người phò hộ, ông xua quân đại chiến với giặc. Đang khi giao tranh, ông thấy gió bấc thổi về rất mạnh, nước sông cuồn cuộn, sóng nổi ngợp trời làm ho chiến thuyền của giặc bị nhận chìm tơi tả.

Thắng trận trở về, ông dâng biểu lên vua báo công và nêu rõ việc Ngọc Dung báo mộng. Vua sai sứ giả về Xâm Miện vào miếu (nay là đền Dầm) bái tạ và ban tặng sắc phong

Hiển linh giúp vua Lê Thánh Tông

Thời Vua Lê Thánh Tông, nhà Vua đem quân đi đánh Chiêm Thành. Khi thuyền đi qua sông Lèn thì một trận cuồng phong nổi lên. Vua sai lập đàn tràng để cầu xin các vị thần thánh. Mẫu Thủy hay tin, phái một nữ tướng đến trấn trị, ngay lập tức sông yên gió lặng. Sau khi thắng trận trở về, nhà Vua nhớ công ơn, phong tặng cho Mẫu làm Thủy Phủ Thần Nữ. Đó cũng chính là lý do mà đền Hàn Sơn bên bờ sông Lèn trở thành một trong những ngôi đền thờ Mẫu Thoải nổi tiếng bậc nhất.

Hiển linh giúp vua Lê Thần Tông

Vào thời Lê, niên đại Vĩnh Thọ, có lần nước Sông Hồng dâng lên rất cao, tràn cả vào Yên Phụ. Nhà Vua phải thân hành làm lễ Nam Giao (tế cáo trời đất). Mẫu Thủy Cung đã lập tức ứng hiệu và âm phù giúp dân chống lụt và xua đuổi thủy quái.

Hiển linh giúp vua Lý Thái Tổ

Tương truyền đồng bằng Bắc Bộ thường xuyên có nạn lũ lụt. Khi Lý Thái Tổ, vua đầu tiên của nhà Lý, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, ông bắt tay ngay vào công việc trị thủy. Công việc tiến hành phải đến đời vua sau, đời Lý Thái Tông, mới căn bản xong, các đoạn đê đã được nối vào nhau và có quy mô gần như ngày nay. Trong những năm xây dựng hệ thống đê, nạn lụt vẫn thường xảy ra.

Khi đó, Mẫu Thoải đã phái các thủy thần, tướng lĩnh của mình đến các làng ven kinh thành Thăng Long để âm phù, giúp dân đắp đê chống lụt. Tại các làng Nhật Chiêu, Quáng Bá, Tây Hồ, Yên Phụ… nay vẫn còn ghi lại các thần tích.

Địa điểm thờ tự


  • Đền Hàn Sơn tại xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa là đền thờ chính của Mẫu.
  • Đền Dầm còn có tên gọi khác là Xâm Xương Linh Từ tại thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội.
  • Đền Bắc Biên tên khác là Phúc Xá Linh Từ tại làng Bắc Biên, phường Ngọc Thủy, quận Long Biên, Hà Nội.
  • Ngoài ra ở nhiều nơi trên đất nước còn có nhiều ngôi đền thờ Mẫu Thoải khác, thường ở các vùng dọc sông nước. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là nhóm đền Hạ (đền Tam Cờ), đền Ỷ La, và đền Thượng (đền Dùm) tại Tuyên Quang, một trong những nơi phát tích của bà.

 

Tham khảo


  1. Wikipedia, Thủy cung Thánh Mẫu: https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%A7y_cung_Th%C3%A1nh_M%E1%BA%ABu#Th%E1%BB%9D_c%C3%BAng
  2. Đạo Mẫu Tứ Phủ: http://daomautuphu.com/Than-tich/Hang-Thanh-Mau/Thuy-Tien-De-Tam-Thanh-Mau-Xich-Lan-Long-Nu-Cong-chua.htm
  3. Việt Theatre: https://viettheatre.com/blog/mau-de-tam-thoai-phu
  4. Đạo Mẫu Nam Việt: https://daomaunamviet.com/mau-thuy-cung/
5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ
ab

Phủ / Nơi cai quản

Thoải Phủ [水府] (miền sông nước, biển cả)

Danh hiệu

Danh hiệu chính: Xích Lân Công Chúa
"Thoải Phủ [水府]" có thể thay bằng "Thủy Cung [水宮]"
Động Đình Công Chúa
Ngọc Hồ Thần Nữ
Thủy Tiên Công Chúa [水仙公主]
Thủy Cung Thánh Mẫu [水宮聖母]
Mẫu Thoải [母水]

Trang phục

Ngự áo màu trắng,
Đội miện trắng,
Xếp bằng tay cầm quạt tượng trưng cho nước

Nội dung chính

Hình ảnh
Nơi thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

banner APP CHỐN THIÊNG 3 (60X90)