Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn còn có nhiều tên gọi khác là Quan Giám Sát, Quan Đệ Nhị Giám Sát, Quan Thanh Tra Giám Sát. Các sắc phong hiện nay của nhà ngài gồm: Nhạc thần đại vương – Đô đài giám sát – Đệ Nhị thượng ngàn giám sát đại vương thượng đẳng tối linh thần. Ngài là một trong 10 vị tôn quan có công giúp vua cha Bát Hải Động Đình đánh giặc ngoại xâm đời Hùng Vương thứ 18 được nhân dân vô cùng cung kính và thờ phụng tại rất nhiều ngôi đền trên cả nước.
Thân thế
Quan lớn vốn là con trai thứ hai của Vua Cha Bát Hải Động Đình. Ông theo lệnh Vua Cha, hạ phàm đầu thai vào Hoàng Cung (có sách nói là ông hạ phàm ngày mồng ba tháng mười một năm Ất Dậu vào một nhà quý tộc) ngày mồng mười tháng mười một năm Bính Dần.
Ông là người văn võ toàn tài, thông minh chính trực, được khắp muôn nơi ngưỡng mộ, các vương tôn công tử đều thuận tình đến làm học trò. Đến khi về chầu Thiên Đình, ông lại được giao quyền giám sát quản cai Sơn Lâm, Thượng Ngàn, ông giáng thế ban phúc cho dân, khi dân chúng bị hạn hán, cầu đảo ông thì lập tức có mưa thuận gió hòa.
Hình tượng
Quan Đệ Nhị là một trong ba vị quan lớn rất hay ngự về đồng (kể cả trong những ngày tiệc vui). Khi ngự đồng, ông mặc áo xanh ( xanh la hay xanh lá cây) thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ và múa kiếm.
Cũng như Quan Đệ Nhất, khi khai đàn mở phủ, người ta thỉnh Quan Đệ Nhị về chứng đàn Nhạc Phủ (Thượng Ngàn: đàn mã đều màu xanh). Ngoài ra vào những dịp đại lễ (như mở phủ khai đàn, tạ phủ…), trước ngày làm lễ, người ta thường thỉnh Quan Đệ Nhị về thanh tra giám sát đàn mã đền phủ.
Công đức
Quan Lớn Đệ Nhị là vị tôn quan đứng bậc thứ hai sau Quan Lớn Đệ Nhất trong hàng Ngũ Vị Tôn Quan Tứ Phủ. Ngài vốn là Đức Thánh Thượng, được hạ giáng xuống thoải cung thành Thần Rắn. Sau đó, ngài lần lượt giáng trần qua các thời đại.
Các lần giáng trần của ngài được ghi nhận cụ thể là:
- Đời Hùng Vương thứ 6, ngài giáng trần giúp Đức Thánh Gióng chiến thắng giặc Ân, sau đó ngài thác hóa tại Vân Đình.
- Đời Hùng Vương thứ 18, quan hạ sinh tại đất Nam Ninh vào nhà họ Nguyễn tên là Nguyễn Chiêu Minh. Tại đây, ngài trở thành vị tướng thứ 12 trong mười vị tướng phò Vua Cha Bát Hải Động Đình Vĩnh Công Đại Vương và cùng Vua Cha Nhạc phủ đánh giặc Thục xâm lược.
- Sau này, cũng theo lệnh vua Cha, ngài đầu thai vào một nhà quý tộc tại Hoàng Cung thời nhà Lê vào ngày 10/10 năm Bính Dần (cũng có sách nói ông hạ phàm ngày mùng 3/11 năm Ất Dậu).
Đến khi trở về thiên đình, ngài lại được giao quyền giám sát quản cai Sơn Lâm Thượng Ngàn. Ngài giáng thế ban phúc cho dân. Khi nhân dân gặp hạn hán, mất mùa, cầu đảo quan ông thì ngài lập tức cho mưa gió thuận hòa.
Địa điểm thờ tự
Ngày tiệc chính của ông là ngày 2/11 âm lịch (là ngày hạ phàm của quan). Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn được thờ ở hai nơi chính là:
- Đền Quan Giám Linh Từ ở trên huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn (là nơi quan trấn giữ miền Sơn Lâm)
- Đền Quan ở Phố Cát, Thanh Hóa (là nơi quan giáng hạ dạo chơi)
Ngoài ra, Ngài còn được thờ tại đền Quan Nhị tại Đông Hải, Quỳnh Phụ, Thái Bình và đền Quan Giám Mục tại thôn Phong Mục, xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Tham khảo
- Wikipedia, Tứ Phủ: https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%A9_ph%E1%BB%A7
- Oản cô Tâm: https://oancotam.com/quan-lon-de-nhi/
- Tứ phủ Thánh Mẫu: http://tuphuthanhmau.vn/dao-mau-tu-phu/ngu-vi-ton-quan/su-tich-quan-lon-de-nhi-thuong-ngan.html
- Taamlinh.org: https://tamlinh.org/than-tich-quan-giam-sat-de-nhi-thuong-ngan.html