Thần Độc Cước là một trong Tám vị thần được phối thờ trong hệ thống Tứ Phủ tại nước ta. Theo đạo sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 14 (1783), thì thần Độc Cước tên là Chu Văn Khoan, có tài đức, giúp các đời vua dẹp yên giặc giã, giữ gìn bờ cõi, thần có hiệu là Đại pháp sư, có 7 phép màu để trị ma quỷ gian ác. Ngài là vị thần có tài có đức, có công lớn giúp các đời vua dẹp giặc giữ gìn bờ cõi và được vua phong là Độc Cước sơn triều.
Thần tích
Tương truyền rằng, có loài Quỷ đỏ mình trùng trục, mõm dài răng nhọn rất thích ăn thịt người, chúng sinh sống ngoài biển khơi và hay về vùng Sầm Sơn, Thanh Hóa làm hại dân. Chúng thường chọn những người ngư dân ra khơi đánh cá để bắt và ăn tươi nuốt sống, khiến dân chúng không khỏi khiếp sợ. Khi không còn dân chài nào dám ra biển, chúng đã mò vào vùng đất liền để tàn sát hàng loạt người dân từ già trẻ, gái trai không tha một ai. Ai nấy đều chỉ còn cách rời làng xóm đi xứ khác, khiến cảnh vật nơi đây vô cùng tan hoang, tiêu điều.
Bấy giờ, có một chú bé mồ côi (theo tương truyền, đây là con của Mẫu Núi) lớn nhanh như thổi, khỏe mạnh khác người, chẳng bao lâu đã trở thành chàng trai cao lớn lạ thường. Dân làng đang phiêu bạt tứ xứ nghe thấy tiếng chàng trai cất tiếng hú vang trên ngọn núi quê nhà liền rủ nhau về. Mọi người xây dựng lại xóm làng, sửa sang vườn tược trồng trọt chăn nuôi và đàn ông theo chàng khổng lồ ra khơi đánh cá. Cuộc sống chẳng bấy lâu mà trở nên an yên, no đủ.
Lũ Quỷ đỏ biết mình không thể làm gì được với sức mạnh chàng trai đó khi một số tên đã bị băm vằm dưới lưỡi búa sắc của chàng. Nhân lúc chàng và thanh niên trai tráng đi ra khơi đánh cá, chúng vào bờ, lẻn vào vùng dân cư cướp phá và ăn thịt phụ nữ và trẻ con. Về làng nhận được tin, chàng khổng ở lại nhà với những người sống sót, thì hôm sau loài quỷ lại phá ngoài khơi. Chàng quyết chí phải diệt hết loài Quỷ, liền dùng búa tự xẻ đôi thân mình. Một nửa thân và một chân đứng ngự trên đỉnh Sầm Sơn canh giữ bản làng, còn một nửa thân và một chân theo thuyền bè hộ vệ dân chài ra khơi.
Từ đó, lũ Quỷ không dám bén mảng đến vùng này hại dân nữa, cuộc sống dân làng lại trở nên yên bình như xưa. Bàn chân đứng trên núi của chàng đã hằn sâu vào đá, lưu lại dấu tích muôn đời. Về sau, Ngọc Hoàng cảm phục tấm lòng của chàng đã phái Thiên Sứ mời chàng trai về trời và phong thần cho chàng với tên gọi là “Thần Độc Cước“, có nghĩa là “Thần một chân”.
Thờ phụng
Câu chuyện thần Độc Cước phản ánh sức mạnh vĩ đại của tổ tiên ta, nói lên ước mơ kỳ diệu của người xưa trong công cuộc đấu tranh chống thiên tai ác liệt, đồng thời ca ngợi một tấm gương chói lọi xả thân bảo vệ nhân dân, bảo vệ quê hương đất nước, biển trời. Đền Độc Cước ngày nay, do nhiều thế hệ cha ông chúng ta xây nên để thờ Thần Độc Cước và để nhân dân Sầm Sơn cùng du khách bốn phương quanh năm được khói hương, phụng thờ.
Gắn liền với sự phát triển của nhân dân làng chài đặc biệt là vùng đất Thanh Hóa, thần Độc Cước được thờ phụng tại rất nhiều vùng hải đảo, ven biển dọc từ Quảng Ninh tới Nghệ Tĩnh và các trục đường quốc lộ giao thông chính ở đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là đền Độc Cước tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.
Nhân dân thờ Thần Độc Cước là sự cầu mong cho sự đi xa của những con thuyền đánh cá. Tục thờ thần Độc Cước ở đây hàm chứa những giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tiêu biểu, có ý nghĩa và sức sống trường tồn trong đời sống và tâm linh của cư dân nông nghiệp gắn liền với sông nước. Thờ thần Độc Cước là sự suy tôn thần thánh, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sức mạnh cố kết cộng đồng của cả một dân tộc. Thông qua hình thức sinh hoạt tín ngưỡng về sự chiêm bái phụng thờ thần Độc Cước, để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, sự xả thân của thần Độc Cước vì cuộc sống bình yên của dân lành. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, ứng xử văn hóa với tự nhiên, tôn trọng và bảo vệ tích cực môi trường sống chung quanh.
Tham khảo
- Oản Cô Tâm: https://oancotam.com/than-doc-cuoc/
- giaothongSaiGon: https://sites.google.com/site/giaothongsaigon/ky-su-du-lich-kham-pha/trong-nuoc/huyen-thoai-than-dhoc-cuoc
- Báo Thanh Hóa: https://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tuc-tho-than-doc-cuoc-vi-than-nbsp-ho-quoc-an-dan-o-xa-loc-son/121156.htm
- Người Hà Nội: http://nguoihanoi.com.vn/than-doc-cuoc_262564.html
- Báo Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/de-tuong-than-doc-cuoc-bo-vo-den-bao-gio-592336.ldo
- Làng cổ Duy Tinh: https://laodong.vn/xa-hoi/de-tuong-than-doc-cuoc-bo-vo-den-bao-gio-592336.ldo