Thần Long Đỗ

Tên gọi


Long Đỗ (龍肚) hay Long Độ, còn được gọi là thần Bạch Mã (白馬), là vị Thành hoàng đất Thăng Long, được thờ ở đền Bạch Mã, trấn phía Đông trong Thăng Long tứ trấn, cũng như nhiều đình, đền khác. Long Đỗ (có nghĩa là “rốn rồng”, cũng chính là núi Nùng trong truyền thuyết), còn được dùng để chỉ đất Thăng Long – Hà Nội xưa. Thần núi Long Đỗ, nơi tiếp nhận khí thiêng sông núi của đất kinh thành Thăng Long, là vị thần bảo hộ cho nhân dân Thăng Long được an cư lạc nghiệp.

Trong các văn bản cổ, đặc biệt là Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái có sự không thống nhất về tên gọi của thần, cụ thể là “Long Đỗ” và “Long Độ”, “Quảng Lợi” và “Quảng Lại”. Trong sáu bản Việt điện u linh lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, tên gọi của thần trong truyện “Quảng Lợi thánh hựu uy tế phu ứng đại vương” có năm bản ghi là “Long Độ”, có một bản là “Long Đỗ’, và tất cả các bản ghi là “Quảng Lợi”. Ngược lại, trong 7 trên chín bản Lĩnh Nam chích quái lưu tại Viện có chép “Long Đỗ vượng khí truyện” hay “Long Đỗ chính khí thần truyện, tất cả đều ghi là “Long Đỗ”, có một bản chép là “Quảng Lợi”, một bản chép là “Quảng Lại”.

Về sự khác biệt này, các nhà nghiên cứu ở Việt Hán Nôm dựa vào sách Trấn Vũ quán lục, thấy rằng “Long Độ” vốn là tên đất Long Biên vào cuối đời Hùng Vương, Sĩ Nhiếp khi làm Thái thú Giao Châu, được phong tước “Long Độ đình hầu“. Họ cho rằng Long Độ là tên gọi gốc, đến đời nhà Trần, do có lệ kiêng húy tên Thái sư Trần Thủ Độ nên mới đổi thành “Long Đỗ”. Cũng như vậy, sang thời Lê, theo sách Bạch Mã thần từ khảo chính, “vì kiêng húy Thái Tổ là Lê Lợi mà đổi chữ “Lợi” trong “Quảng Lợi” thành chữ “Lại” trong “Quảng Lại” vậy”.

Tuy đổi tên vì kiêng húy, nhưng ý nghĩa của những chữ này đều có thể thay thế cho nhau. “Long Độ” là tên gọi của đất Hà Nội xưa, “Long Đỗ” nghĩa là bụng rồng, nghĩa lại càng gần gũi với đất Thăng Long được mang tên từ thời Lý Thái Tổ. “Quảng Lợi” có thể hiểu là “làm lợi rộng khắp“, đổi sang chữ Lại có nghĩa là “chỗ dựa”, lại càng làm bật rõ được ý nghĩa của thần Bạch Mã, là vượng khí đất Long Độ, là chỗ dựa phù hộ cho nước cho dân.

Về cơ bản các tên gọi đều muốn chỉ đến rốn rồng – là nơi mà Đất và Trời gặp nhau, là trung tâm của vũ trụ – theo quan điểm phương Đông, bụng có một vai trò quan trọng như tim trong quan điểm của phương Tây.

Thần tích


Theo “Việt điện u linh tập” của Lý Tế Xuyên thế kỷ XIV viết: “Vương họ Tô, húy là Lịch sinh thời từng làm quan ở Long Đỗ, tiên tổ cư ngụ ở đó đã lâu đời, dựng làng bên bờ một con sông nhỏ…”, còn Lĩnh Nam Chích Quái biên soạn từ thời Trần thì viết một người tên Tô Lịch: “xưa sống ở Long Đỗ, nay là mé ven sông, ba đời nhân nhượng mà sống với nhau. Đời Tấn được cử làm chức Hiếu liêm, cắm cờ ở trước cổng xóm, vì vậy người đời bèn gọi xóm ấy là xóm Tô Lịch”. 

“Việt điện u linh tập” chép rằng, năm 866 Cao Biền khi ấy đã đắp xong thành Đại La bèn ra cửa Đông dạo chơi. Bỗng đâu gió nổi, mây mù, một người cao lớn mặc áo gấm cưỡi rồng ẩn hiện. Cao Biền sợ hãi, ngay lập tức nảy sinh ý định lập bùa trấn yểm.

Đêm đó, Cao Biền nằm mộng thấy vị thần cao lớn ấy hiện ra khoan thai nói: “Ta là tinh anh ở Long Đỗ. Nghe tin ông đắp thành nên đến chơi. Việc gì phải trấn yểm?”. Tỉnh dậy, Cao Biền bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống đất để trấn yểm.

Việc vừa làm xong, một trận cuồng phong nổi lên, vàng, đồng và bùa của Cao Biền bị đánh tan thành tro bụi. Cao Biền hoảng hồn, than thở “Ta phải về phương Bắc mất thôi!” rồi lập tức cho người lập đền thờ thần Long Đỗ. Quả nhiên, sau đó ít lâu Cao Biền bị triệu về cố quốc và phải chết tức tưởi. 

Trong thời Bắc thuộc, các thứ sử, thái thú khi đắp thành, trị nhậm vùng Long Đỗ đều phải cầu khấn, xin phép ngài. Ngài đã từng hiện lên phá nát đàn trấn yểm của Cao Biền khiến Cao Biền phải thở than và trở về Bắc quốc. Thần hiệu của thần thời Lý phong là Quốc đô Thành hoàng Đại vương. Nhà Trần gia phong là Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thành hoàng Đại vương

Đền thờ


Thần Long Đỗ được thờ tại đền Bạch Mã (số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm), một trong Tứ trấn Thăng Long – vị thần được bao triều đại phong tặng là Quốc đô Thành hoàng Đại vương. Gắn liền với chuyện Thần hiển linh giúp Vua Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long.

Trong Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần kể: Sau khi dời đô ra Thăng Long, để tiện việc phòng bị giặc giã, Lý Công Uẩn, vị vua khai sáng triều Lý bắt tay ngay vào việc đắp luỹ xây thành. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là thành xây đến đâu, dù gia cố thế nào cũng vẫn bị sụp đổ.

Thấy việc dựng thành gặp khó khăn, Vua Lý Thái Tổ bèn tới đền thờ thần Long Đỗ – được dân gian coi là thần cai quản chốn Đại La – cầu đảo, xin được phù trợ. Đêm đó, Nhà vua nằm mộng thấy thần Long Đỗ nói rằng, cứ theo dấu chân ngựa mà đắp thì thành tất sẽ vững vàng. Thần vừa dứt lời, một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, thủng thẳng bước từ hướng Tây, rẽ qua hướng Đông một vòng rồi lại biến mất vào trong đền.

Hôm sau, Lý Thái Tổ cho đắp thành theo dấu chân bạch mã trong giấc mộng. Quả nhiên, thành Thăng Long không bị lún sụt nữa. Nhà vua cảm kích trước sự phò trợ của thần Long Đỗ bèn ban sắc phong thần làm Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương, lại cho tạc một bức tượng ngựa trắng để thờ trong đền và đặt tên cho ngôi đền thờ thần Long Đỗ thành Bạch Mã linh từ (đền thiêng Ngựa Trắng).

Vai trò và ý nghĩa


Thần Chính khí Long Đỗ tiêu biểu cho chính khí, hạo nhiên chi khí, vượng khí của miền sông Tô sông Nhị buổi Đại La; tiêu biểu cho tinh thần xây dựng buổi Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Cảm thức về thần gắn chặt với tiến trình tiến hoá trong nhận thức về sự độc lập tự chủ của người Việt trong sự so sánh đối ứng với khu vực và quốc tế. Thần Chính khí Long Đỗ – Bạch Mã Đại vương – huyền thoại và hiện thực đan xen nhau, tạo ra một bức tranh lịch sử sinh động, rất đáng để cho mỗi chúng ta, những người con của Hà Nội nói riêng và những người con đất Việt nói chung suy ngẫm và cống hiến cho mảnh đất ngàn năm văn hiến. Văn hoá Việt được thể hiện một cách dung dị, mang tính thuyết phục cao qua việc tôn vinh Thần Long Đỗ – một trong Tứ trấn Thăng Long.

Tham khảo


  1. Báo Pháp luật: https://baophapluat.vn/nhung-giai-thoai-ky-bi-ve-den-tho-than-long-do-post204023.html
  2. Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/Long_%C4%90%E1%BB%97
  3. Thế giới di sản: http://thegioidisan.vn/vi/than-chinh-khi-long-do-bach-ma-dai-vuong-quoc-do-thanh-hoang-thang-long.html
  4. Bảo tàng lịch sử: http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3098/13340/ly-ky-cuoc-djau-phep-giua-cao-bien-va-than-long-djo.html
Chấm điểm
Chia sẻ
Bản sao của NỮ THẦN VÔ HÌNH (900 × 600 px)

Nguồn gốc

  • Xuất thân ở Long Đỗ, làm quan
  • Thần bảo hộ cho cư dân Thăng Long

Phủ / Nơi cai quản

  • Phía Đông trong Thăng Long Tứ Trấn

Danh hiệu

  • Bạch Mã Đại Vương
  • Quốc đô Thành hoàng Đại vương
  • Quảng Lợi thánh hựu uy tế phu ứng đại vương

Nội dung chính

Hình ảnh
Nơi thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

banner APP CHỐN THIÊNG 3 (60X90)