THIỀN TÔNG PHẬT GIÁO

THIỀN TÔNG PHẬT GIÁO

Thiền tông (tiếng Trung: 禪宗; bính âm: chán-zōng, tiếng Nhật: zen-shū (禅宗?)), còn gọi là Phật Tâm tông, Tổ sư Thiền là một tông phái Phật giáo Đại thừa xuất phát từ 28 đời Tổ sư Ấn Độ và truyền bá lớn mạnh ở Trung Quốc, tuy nhiên các thiền sư trong Thiền tông tự coi tông phái mình tách biệt không thuộc Đại thừa hay Tiểu thừa. Thiền tông sinh ra trong khoảng thế kỉ thứ 6, thứ 7, khi Bồ-đề-đạt-ma đưa phép Thiền của đạo Phật vào Trung Quốc cùng với phần lớn huyền học của đạo Lão. Nơi đây, Thiền tông trở thành một tông phái lớn, với mục đích là hành giả trực nhận được bản thể của sự vật và đạt giác ngộ, như Phật Thích-ca Mâu-ni đã đạt được dưới gốc cây Bồ-đề. Tông phái này được đưa vào Việt Nam từ Trung Quốc với tên gọi là Thiền tông, và qua Triều Tiên với tên gọi là Seon, hay Nhật Bản là Zen.

Thiền tông Trung Quốc được sáng lập trong thời kì Phật pháp đang là đối tượng tranh luận của các tông phái. Để đối lại khuynh hướng “triết lý hoá”, phân tích chi li các giáo lý Phật giáo của các tông khác, các vị Thiền sư bèn đặt tên cho tông mình là “Thiền” để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chứng ngộ Phật tính thông qua thực tiễn tu tập và thực chứng.

Thiền tông không chủ trương phế bỏ kinh sách nhưng cũng không khuyên chấp nhặt quá vào kinh sách, kinh sách được dùng làm phương tiện để tham khảo chứ không phải mục đích đến của các hành giả Thiền Tông. Mục đích tối thượng của người tu tập theo Thiền tông là liễu ngộ phật tính, thấu suốt bản tâm thanh tịnh của chính mình, thoát khỏi sinh tử luân hồi và sống với bản tâm thanh tịnh ấy, nếu có nhân duyên thì hoằng hóa giúp người cũng tu tập ngộ đạo như mình, làm lợi lạc quần sinh.

Những nét đặc trưng của Thiền tông có thể tóm tắt được như sau:

教Giáo外ngoại別biệt傳truyền
不Bất立lập文văn字tự
直Trực指chỉ人nhân心tâm
見Kiến性tính成thành佛Phật

Truyền giáo pháp ngoài kinh điển
không lập văn tự
chỉ thẳng tâm người
thấy chân tính thành Phật.

Bốn tính chất rất rõ ràng dễ nhập tâm này được xem là do Bồ-đề-đạt-ma nêu lên, nhưng cũng có người cho rằng chúng xuất phát từ Thiền sư đời sau là Nam Tuyền Phổ Nguyện (zh. 南泉普願, 749-835), một môn đệ của Mã Tổ Đạo Nhất. Truyền thuyết cho rằng quan điểm “Truyền pháp ngoài kinh điển” đã do Phật Thích-ca áp dụng trên núi Linh Thứu (sa. gṛdhrakūṭa). Trong pháp hội đó, Ngài im lặng đưa lên một cành hoa và chỉ có Ma-ha-ca-diếp (sa. mahākāśyapa), một đại đệ tử, mỉm cười lĩnh hội ý chỉ của cách “Dĩ tâm truyền tâm” (以心傳心, xem Niêm hoa vi tiếu). Phật Thích-ca ấn chứng cho Ca-diếp là Sơ tổ của Thiền tông Ấn Độ. Từ đó, Thiền tông coi trọng tính chất Đốn ngộ (zh. 頓悟), nghĩa là “giác ngộ ngay tức khắc”, trên con đường tu học.

Thiền tông tại Việt Nam

Phật giáo truyền vào Việt Nam từ rất sớm, trước cả Trung Quốc với trung tâm Phật giáo quan trọng tại Luy Lâu. Và theo đó, Thiền tông Ấn Độ cũng được truyền bá vào Việt Nam trước tiên, với các thiền sư như Mâu Tử, Khương Tăng Hội, nổi danh tại Trung Quốc từ trước thời Bồ-đề-đạt-ma. Họ đều từng có nhiều năm tu tập tại Việt Nam trước khi truyền đạo tại Trung Quốc, chứng minh cho sự phát triển rực rỡ của Phật giáo tại Việt Nam ở thế kỷ thứ 2 và thứ 3. Tuy nhiên, các pháp thiền mà Khương Tăng Hội truyền bá như An Ban Thủ Ý (thiền quán hơi thở) chỉ mang tính chất là Thiền Tiểu Thừa chứ không phải Thiền Tông.

Thiền tông Trung Quốc được truyền sang Việt Nam lần đầu bởi Thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi, người gốc Ấn Độ, môn đệ Tam tổ Tăng Xán. Thiền phái này được truyền qua 19 đời và có ảnh hưởng rất sâu rộng đối với các tầng lớp dân chúng, quý tộc. Tư tưởng chính là chú trọng tu tập theo Kinh điển Đại Thừa, Lục Độ Ba La Mật và Trí tuệ Bát Nhã, các phương pháp Thiền Quán.

Sau đó, đệ tử của Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải là Vô Ngôn Thông (zh. 無言通, ?-826) sang Việt Nam truyền tông chỉ Thiền Nam tông của Lục Tổ Huệ Năng, với tính chất Dĩ Tâm Truyền Tâm và chủ trương Đốn ngộ. Thiền phái này được truyền qua 17 đời và cũng có ảnh hưởng rất sâu rộng trong quần chúng và giới tri thức.

Vân Môn tông được Thiền sư Thảo Đường (zh. 草堂, thế kỷ 11), đệ tử của Tuyết Đậu Trọng Hiển truyền sang Việt Nam. Sư vốn bị bắt làm tù binh khi vua Lý Thánh Tôn chinh phạt Chiêm Thành đem về Thăng Long năm 1069, sau đó phát hiện ông là thiền sư liền được thả ra, ông đã thành lập phái Thiền Thảo Đường và vua đã phong ông làm Thảo Đường Quốc sư. Thiền phái Thảo Đường này chủ trương dung hợp giữa Phật giáo và Nho giáo nên rất gần gũi với các tầng lớp trí thức và quý tộc, điều này đã làm ảnh hưởng nhiều tới Phật giáo thời Trần.

Đến thời Trần, Trần Nhân Tông tham vấn Thiền với Tuệ Trung Thượng Sĩ được đốn ngộ Phật tính, sau đó nhường ngôi vua cho con và xuất gia, hoằng pháp với hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang đậm bản sắc của dân tộc Việt Nam. Là sự kết hợp và kế thừa Tư tưởng của ba thiền phái là Tì-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường. Ba vị tổ quan trọng nhất của Thiền phái này là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.

Đến thế kỷ thứ 17, Tào Động tông được truyền sang Việt Nam qua Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt (zh. 通覺水月, 1637-1704), đời thứ 31[1], tại Miền Bắc Việt Nam, ngài từng hành cước sang Trung Quốc tham học với Thiền sư Nhất Cú Trí Giáo và nối pháp tông Tào Động, chủ trương của dòng Thiền này là thuyết Động Sơn ngũ vị, Thiền Mặc chiếu. Tông Tào Động cũng được Thiền sư Thạch Liêm (zh. 石溓, 1633-1704), đời thứ 29[1] truyền qua miền Trung Việt Nam, tuy nhiên Thạch Liêm ảnh hưởng và mang đậm tư tưởng Thiền Thoại Đầu của tông Lâm Tế và thuyết Tam giáo đồng nguyên.

Thời Lê Trung Hưng, Lâm Tế tông được hai thầy trò là Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết và Minh Hành Tại Tại truyền vào Bắc Việt Nam. Từ thiền phái này đã sản sinh ra Thiền sư Chân Nguyên là người có công khôi phục dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Tông này cũng được Thiền sư Nguyên Thiều Siêu Bạch và các môn đồ như Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung truyền vào Miền Trung và ảnh hưởng lan rộng khắp Miền Nam Việt Nam. Thiền sư Liễu Quán Thiệt Diệu là người có ảnh hưởng nhất của dòng Thiền này.

Hơn 150 năm nay, Thiền tông tại Việt Nam về tư tưởng đốn ngộ và các phương pháp tu tập đặc thù như Thiền công án, Thoại Đầu bị suy tàn và gần như không còn ảnh hưởng mấy nữa, Thiền tông bị dung nhập và thay thế bởi Tịnh độ tông, các sư tự nhận mình thuộc pháp hệ ở các Thiền phái hầu như đều tu theo Tịnh độ hoặc Mật tông, họ hầu như không biết gì về lối Thiền của chư tổ và tông chỉ, phương pháp hành trì. Hiện nay, Hòa thượng Thích Thanh Từ là người chủ trương khôi phục lại tinh thần của phái Thiền Trúc Lâm và xây dựng nhiều cơ sở Thiền viện và dạy các tăng chúng tu tập theo phương pháp Thiền Tri Vọng của Thiền sư Phong Khuê Tông Mật (tổ thứ năm của Hoa Nghiêm tông), hay Lục Diệu Pháp môn của Thiên Thai tông. Và cũng có Thiền sư Thích Duy Lực, đệ tử Hòa thượng Thích Hoằng Tu, cao tăng người gốc Hoa sang Chợ lớn, Sài Gòn hoằng pháp, thuộc dòng Tào Động hệ phái Cổ Sơn do ngài Vĩnh Giác Nguyên Hiền sáng lập, chủ trương đào tạo các đệ tử theo phương pháp Thiền Thoại Đầu của tông Lâm Tế, khá thịnh hành tại miền Nam Việt Nam, các băng giảng, tài liệu về Tham Thoại Đầu được xuất bản và đăng tải lên trên mạng rất nhiều và phù hợp đối với các hành giả những ai có hứng thú và ý nguyện muốn tu tập theo pháp môn này.

Tham khảo

  1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Thi%E1%BB%81n_t%C3%B4ng#Thi%E1%BB%81n_t%C3%B4ng_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam
Chấm điểm
Chia sẻ
THIỀN TÔNG VIỆT NAM

Nội dung chính

Hình ảnh
Nơi thờ tự
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

banner APP CHỐN THIÊNG 3 (60X90)