Tên gọi và ý nghĩa
Thổ Địa còn được gọi là Thổ Công hay Thổ Thần, là vị thần linh thiêng cai quản một vùng đất nào đó. Dân gian thì tin Thổ Địa rất rành rẽ mọi thứ, không những chuyện giao thông, đường đi, kênh rạch, núi non mà còn biết tất tần tật lịch sử phát triển của cộng đồng ở địa phương đó, từ người đến định cư đầu tiên để khai phá đất hoang, cho đến chuyện ai giàu ai nghèo, ai hiền ai dữ! Nói theo các nhà nghiên cứu thì đó là người am hiểu sâu sắc môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử của một nơi nào đó.
Ngoại hình
Thổ Địa thường được miêu tả với hình ảnh một ông lão với chiếc bụng to, tay cầm quạt mo, ông sẽ giúp người dân canh giữ đất đai, ruộng vườn và nhà cửa.
Sự tích
Trong “Sự tích Ông Địa bụng bự” có kể rằng:
“Ngày xưa, Ông Địa cũng có cái bụng bình thường như bụng của mọi người. Thuở đó, Ông Địa có kết thân với Hà Bá. Trong vùng có một mụ góa bụa, tính khí rất chua ngoa, nhưng mụ lại có cô con gái rất đẹp. Mụ mắc phải cái tật, hễ cất tiếng chửi con thì y như có mấy lời đầu lưỡi:
– Má mày Hà Bá!
Thấy vậy, Ông Địa mới tìm gặp Hà Bá, vừa thiệt, vừa giỡn, bảo rằng:
– Nè Hà Bá, anh tốt phước quá! Ở đây, ngày nào cũng có người nói muốn hiến con gái cho anh đó. Mà lại con gái đẹp kia chớ.
Hà Bá mừng quá liền hỏi:
– Thiệt vậy không? Mà ai vậy? Nhờ anh làm mai dùm tôi liền đi nghe.
Ông Địa bằng lòng và dẫn Hà Bá đi.
Hôm sau, trời vừa sáng, Hà Bá theo Ông Địa đến cổng nhà mụ góa nọ. Còn sớm, cô con gái út ngủ chưa dậy, chỉ mới có bà mẹ dậy quét dọn sân nhà. Giữa sân có con chó cái, ý chừng phải thức canh nhà nên vẫn còn nằm lì ở đó, đuổi chẳng chịu đi. Đuổi hoài chẳng được, mụ ta nổi xung trở cán chổi đập con chó một cái, chửi:
– Cái đồ Hà Bá!
Thiệt nào ngờ? Hà Bá giận quá chừng liền đạp cho Ông Địa một đạp và chửi:
– Đồ khốn! Dám lừa tao! Dẫn tao đi để gả cho con chó cái này hả?
Ai ngờ mới có một đạp, Ông Địa đã rớt tõm xuống kinh. Không tính tới sự oái oăm này, nên Ông Địa mắc cười quá, té xuống kinh mà vẫn cười ngất, thành thử ông uống phải nước kinh nhiều quá. Đến nỗi, cái bụng ông phình ra, rồi cứ lần lần bự dần, đến chang bang như bây giờ”.
Thờ phụng
Trong đời sống trước đây của dân tộc Việt thì phần lớn dựa vào nông nghiệp, mà nông nghiệp thì lại phụ thuộc rất nhiều các điều kiện tự nhiên như: đất đai, thời tiết, khí hậu… trong đó có thể nói, đất đai được xem là yếu tố cơ bản cấu tạo nên vạn vật, giúp cho người ta có được cuộc sống ấm no và sung túc. Vì vậy, thần Đất hay Thổ Thần là một trong những vị thần được cư dân nông nghiệp luôn để tâm đến trước nhất.
Vì Thổ Công là vị thần quan trọng nhất trong gia đình. Nếu đứng ở ngoài nhìn vào thì Bát hương thờ Thổ công ở giữa, bên trái là bát hương bà Cô Tổ, bên phải là bát hương Gia Tiên. Khi cúng lễ, đều phải khấn Thổ Công trước để xin phép cho tổ tiên về. Thông thường, mỗi khi làm việc gì có đụng chạm đến đất đai như đào ao, đào giếng, xây cất, mở vườn, mở ruộng, đào huyệt… thì tất cả đều phải cúng vị thần này.
Ngày trước người ta chỉ cúng bằng chính các sản phẩm có được từ mảnh đất mà Thổ Địa gìn giữ. Nhưng rồi xã hội phát triển, hàng hóa giao lưu, đồ ăn thức uống trong gia đình càng trở nên đa dạng và phong phú. Vì vậy, để biết ơn Thổ Địa người ta cúng tất cả những gì là thức ăn của gia đình.
Thổ Địa luôn được thờ chung với Thần Tài.
Tham khảo
- Giải mã tập tục thờ cúng Thổ Địa – Thần Tài, https://thanhnien.vn/van-hoa/giai-ma-tap-tuc-tho-cung-tho-dia-than-tai-1344602.html
- THẦN TÀI, THỔ ĐỊA LÀ AI? HIỂU ĐÚNG ĐỂ THỜ CÚNG ĐÚNG PHONG THUỶ, https://goanphat.com/than-tai-tho-dia-la-ai-hieu-dung-de-tho-cung-dung-phong-thuy-
- Thổ Địa, https://www.thesaigontimes.vn/126375/Tho
- Ông Địa là ai?, https://www.thesaigontimes.vn/126375/Tho
- Ông Địa là ai? Cách phân biệt Ông Địa, Thổ Công và Thần Tài, https://www.bachhoaxanh.com/kinh-nghiem-hay/ong-dia-la-ai-cach-phan-biet-ong-dia-tho-cong-va-than-tai-1297906