Tên gọi
La Hán Tọa Lộc – A THỊ ĐA, Tân-đầu-lô-phả-la-đọa 賓頭盧頗羅墮 (Pindolabhāradvāja). Ngài tên là Tân-đầu-lô-phả-la-đọa 賓頭盧頗羅墮 (Pindolabhāradvāja), Vị A La Hán cưỡii nai, xuất thân dòng Bà-la-môn, là một đại thần danh tiếng của vua Ưu Điền.
Sự tích
Ngài chợt quyết định xuất gia nên rời bỏ triều đình vào rừng núi nỗ lực tu tập, sau khi chứng Thánh quả cỡi hươu về triều khuyến hóa vua, nhân đó được tặng danh hiệu La hán Cưỡi Hươu.
Nhận dạng ra Ngài, các vệ sĩ trở vào bẩm trình với vua. Nhà vua bèn đích thân ra nghinh tiếp Ngài, và nói rằng Ngài có thể trở về làm quan như xưa nếu muốn. Ngài từ chối và nói rằng Ngài trở về để khuyến khích nhà vua xuất gia. Đàm luận một hồi lâu và đưa ra những ví dụ về sự tạo nghiệp của xác thân cũng như lòng tham, cuối cùng nhà vua nghe theo Ngài, nhường ngôi cho thái tử mà xuất gia.
Ngài là một trong những đại đệ tử của Phật. Ngài có âm thanh hùng hồn như sư tử rống, dẹp tan luận nghị ngoại đạo, xiển dương chánh pháp. Tuy nhiên, điểm yếu của Ngài là hiển hiện những thần thông trước tất cả mọi người, và đôi khi với những mục đích không lợi lạc. Theo Kinh Tạp A Hàm 23, lần nọ con gái ông trưởng giả Cấp Cô Độc thỉnh Phật và chư Thánh Tăng đến xứ Phú Lâu Na Bạt Đà Na thọ trai. Các vị Thánh Tăng đều dùng thần thông bay trên hư không mà đến, còn Tôn Giả thì dùng sức thần thông hiệp các núi lớn lại đến thọ thỉnh, nên bị đức Thế Tôn quở phạt ở lại đời để hộ trì chánh Pháp, không được nhập Niết Bàn. Lần khác, theo những sự ghi lại trong Kinh tạng Pali và tạng Luật, để thị hiện thần thông, Ngài bay lên hư không, lấy một bình bát bằng gỗ chiên đàn trên một cột cây cao, rồi bay lơ lững trên đầu của những người kính mộ một hồi lâu. Việc này khiến đức Phật quở trách Ngài, và cấm dùng bình bát bằng gỗ trầm hương. Vào dịp đó, đức Phật quở phạt Ngài rằng không được nhập Niết Bàn mà phải ở lại cõi Ta Bà để hộ trì Phật pháp cho đến khi Phật Di Lặc ra đời. Tuy nhiên, đôi khi Ngài cũng thị hiện thần thông vì mục đích tốt, như dùng thần thông để cảm hóa một bà chưa tin chánh Pháp.
Ngài trụ thế từ thời đức Phật còn tại thế gian, và đã nhiều lần hiển hiện khuyến tấn những Phật tử thuần thành vì đạo. Ở Ấn Độ đã từng có phong tục cúng dường chư Tăng và thỉnh mời Ngài. Tuy không thể thấy Ngài, nhưng một cánh cửa được dành riêng cho Ngài vào. Sự thị hiện của Ngài chỉ được biết qua sự hiển hiện của những bông hoa hay tấm thảm dành riêng cho Ngài. Khi vua A Dục cung thỉnh chư Thánh Tăng 60,000 vị, Ngài đang ở trên ngọn núi Kiền Đà Ma Lợi (Gandhamali hay Gandhamadana). Được cung thỉnh nhập vào Thánh chúng, Ngài bay như hạc đến dự trong Thánh chúng và được đề cử làm chủ tọa vì là bậc trưởng thượng. Lúc ấy, Ngài là một vị thánh tăng trưởng lão; vì lông tóc dài bạc phơ, Ngài phải cầm giữ để mắt thấy rõ ràng. Phật tử Trung Hoa thường biết đến Ngài qua tên “Trường Mi Tăng”; nghĩa là vị Thánh Tăng có lông mi dài. Vào đời Đông Tấn, Ngài thị hiện sang Trung Quốc, ấn chứng sự hoằng Pháp luật học của Luật Sư Đạo Tuyên. Từ đời Đường về sau, các Trai Đường (phòng ăn) đều an trí tượng Ngài. Đại sư Thiền Nguyệt Quán Hưu đời Đường, họa tượng Ngài ngồi theo thế ky tọa, trên sườn núi, tay trái cầm gậy, tay phải duỗi ra, tựa vào vách núi, trên đầu gối có quyển kinh, mắt nhìn về phía trước. Ở Nhật Bổn, thánh tượng của Ngài được an trí ở hành lang trước tự viện, và có tín ngưỡng xoa vuốt tượng Ngài để cầu hết bệnh, gọi là Phủ Phật.
Tần Đầu Lô Phả La Đọa hán dịch nghĩa là Lợi Căn Bất Động, còn tiếng Tây Tạng dịch nghĩa là Ứng Cúng. Tuy nhiên, danh từ đó có thể được dịch âm tiếng hán “Tần Đầu”, do có liên hệ đến tên của một ngôi làng Kosala vào thời đức Phật.
Nhân một hôm Tôn giả dùng thần thông lấy cái bát quý treo trên cây trụ cao của một trưởng giả, bị Phật quở trách việc biểu diễn thần thông làm mọi người ngộ nhận mục đích tu học Phật pháp. Phật dạy Tôn giả phải vĩnh viễn lưu lại nhân gian để làm phước điền cho chúng sanh, vì thế trong các pháp hội Tôn giả thường làm bậc ứng cúng. Một lần ở thời Ngũ Đại, triều vua Ngô Việt thiết trai, có một Hòa thượng lạ, tướng mạo gầy ốm, lông mày dài bạc trắng bay đến ngồi vào chỗ dành cho khách quý mà ăn uống vui vẻ. Ăn xong Ngài tuyên bố Ngài là Tân-đầu-lô. Dưới thời vua A-dục và vua Lương Võ Đế, Ngài đích thân hiện đến giáo hóa, làm tăng trưởng lòng tin. Thời Đông Tấn ngài Đạo An là bậc cao tăng phiên dịch kinh điển thường lo buồn vì sợ chỗ dịch của mình sai sót. Ngài khấn nguyện xin chư Hiền Thánh hiển lộ thần tích để chứng minh. Tối hôm đó Ngài nằm mộng thấy một vị Hòa thượng lông mày trắng nói:– Ta là Tân-đầu-lô ở Ấn Độ, lấy tư cách là một đại A-la-hán, ta bảo chứng những kinh điển ông dịch đều rất chính xác.
Một trong những đời tiền kiếp, Ngài đã từng làm một người con bất hiếu và ác độc. Do nghiệp đó nên Ngài chịu khổ địa ngục rất lâu, như phải ăn gạch đá. Ngay cả sau khi chứng quả A La Hán có thần thông diệu dụng, Ngài vẫn còn tập khí ăn “gạch đá”. Có nhiều tranh ảnh miêu tả Ngài một tay cầm sách, một tay cầm bình bát, hoặc cả hay tay cung kính cầm sách, hoặc mở sách đặt trên đầu gối và tích trượng được dựng kế bên.
Tôn giả Tân-đầu-lô là một vị La-hán rất gần gũi nhân gian, Pháp Trụ Ký xếp Ngài là vị La-hán thứ nhất, thường cùng 1.000 vị La-hán trụ ở Tây Ngưu Hóa Châu.
Tham khảo
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%ADp_B%C3%A1t_La_h%C3%A1n
- https://phatgiao.org.vn/than-the-cua-thap-bat-la-han-la-de-tu-cua-phat-thich-ca-mau-ni-d34112.html