Chùa Bách Phương (An Lão, Hải Phòng)

Chùa Bách Phương (An Lão, Hải Phòng)

Thông tin cơ bản

Lịch sử

Chùa Bách Phương (tên chữ Hoa Tân tự), ở xã An Thắng (huyện An Lão) là một cổ tự lớn. Tương truyền, chùa được xây từ thời Trần (1226 – 1400). Thần tích, bia đá, câu đối hiện còn tồn tại chứng tỏ rằng thời Trần, trang Bách Hoa (sau này đổi thành Bách Phương) là thái ấp của vị tôn thất Trần Dự Khánh (dân gian lưu truyền là Trần Khánh Dư). Chùa cũ liền kề bên đền cổ Bách Phương, nằm giữa cánh đồng cách làng xóm không bao xa. Trước đây, Hoa Tân tự cổ (tức chùa Bách Phương) có quy mô to lớn, toạ lạc ở khu đất cao rộng ở cạnh đền Bách Phương.

Ngày nay, dấu vết chùa xưa chỉ còn một tấm bia thời Mạc dụng năm 1582 và 2 tấm bia thời Hậu Lê cùng một nền chùa bỏ hoang. Toàn bộ tượng thờ và đồ tế khí được chuyển về thờ tại đình làng (nghĩa là đình được đổi thành chùa). Chùa Bách Phương có kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, mặt quay về hướng Tây, mở ra đường liên thôn.

Hiện vật

Hệ thống tượng ở chùa Bách Phương đều được tạc vào thế kỷ XVI, XVII và XVIII. Đó là pho tượng vua Mạc bằng đá to xấp xỉ người thật, mang nhiều nét tương đồng với những pho tượng cùng loại ở chùa Lã Tiên (Lôi Động, Thủy Nguyên), Bạch Đa, Đại Trà, Trà Phương, Nhân Trai (Kiến Thụy), Trung Hành (quận Hải An)… Đem so sánh những pho tượng này với nhau, dường như chúng cùng được hóa thân từ đôi bàn tay của một hiệp thợ. Tất cả các mô típ trang trí, cách chia diện, tạo dáng đều giống nhau một cách kỳ lạ, chỉ có những khuôn mặt là đậm nét chân dung, đầy vẻ dân dã.

Dựa vào nội dung tấm bia Diên Thành thứ (1582) ghi “…Tạo thạch tượng Kim Thượng Hoàng…”, chúng ta có thể cảm đoán: Có lẽ, đây là tượng Mạc Phúc Nguyên, thân phụ của vua Mạc Mậu Hợp đương thời. Bia “Trùng tu Tân Hoa tự bi” dựng năm Diên Thành thứ 5, đời Mạc Mậu Họp, thực sự là tác phẩm mỹ thuật thời Mạc điển hình. Nét chạm khắc mềm mại, dứt khoát. Rồng ở đây mang nét khỏe khoắn, hùng mạnh của thời Trần, nét thuần hóa của thời Lý, nét bay bướm của thời Lê sơ và không thể thiếu những đao mũi mác điển hình của thời Mạc.

Đao mác phải chăng là cánh sóng biển được cách điệu hóa, nhằm gợi nhớ về thuở “quăng chài, giăng lưới” của tổ tiên họ Mạc? Bài minh văn khắc trên bia, không chỉ ca ngợi cảnh thiền, tán dương Đạo pháp, mà còn ghi tên những con người có tâm thành cúng dâng Tam Bảo như Kim Thượng Hoàng, Thọ Phương Thái trưởng công chúa, Tham thủ giám Quang Thọ điện Hoàng Văn Xuân.

Tượng Hậu Phật bằng đá là tác phẩm điêu khắc đậm nét chân dung. Tượng thể hiện một phụ nữ ở độ tuổi trung niên, mặt trái xoan, đầu trọc như ni sư, tai nhỏ, dái tai dài và dầy, mắt phượng, mi mọng, miệng nhỏ, môi mỏng. Thần thái đoan thục, quý phái, nhân từ và quyến rũ. Nhìn mặt tượng, con người dễ phát khởi tâm thành và tìm thấy nét quen thuộc của người thân. Có thể đây là pho tượng chân thân của một vị thái hậu, hoàng hậu, công chúa nào đó của triều Mạc hiện chưa xác định được pháp danh.

Những tác phẩm điêu khắc độc đáo nhất ở chùa Bách Phương, thuộc về những pho tượng “Thập Điện Minh Vương” bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng. Mười pho “Thập điện” có dáng dấp tương tự nhau mang phong cách tiêu biểu của nghệ thuật thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) đang nâng vạt áo. Hai vị tay đang trong thế ấn tam muội của nhà Phật. Dân gian quan niệm rằng, đây là mười ông vua cai quản 10 cửa địa ngục, dựa vào luật hình mà xét tội chúng sinh đã phạm phải. Thiện tín vào chùa lễ Phật, dâng hương ban thờ “Thập điện”, tự răn mình làm điều thiện, tránh điều ác. “Thập Điện Minh Vương” bao gồm các vị: Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngũ Quan Vương, Diêm La Vương, Biến Thành Vương, Thái Sơn Vương, Bình Chính Vương, Đô Thị Vương và Chuyển Luân Vương.

Chùa Bách Phương góp phần giúp chúng ta hiểu biết thêm về đạo Phật Việt Nam, một đạo Phật đậm tính nhân văn, giàu lòng nhân ái.

5/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)