Chùa Kiến Sơ là một ngôi cổ tọa lạc bên tả ngạn sông Đuống (tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội). Chùa Kiến Sơ từ lâu được phật tử biết đến là một ngôi chùa cổ, linh thiêng. Chùa nằm sát cạnh đền Gióng, nơi diễn ra lễ hội Gióng nổi tiếng. Chùa là Tổ đình của Thiền Phái Vô Ngôn Thông.
Trải qua hơn ngàn năm, hậu thế không còn nhớ tên ban đầu của chùa, chỉ biết gọi là Kiến Sơ, với nghĩa là nơi ban đầu gặp gỡ. Ý là, từ ngôi chùa này mà có cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Thiền sư Vô Ngôn Thông với Thiền sư Cảm Thành; cũng hàm nghĩa dòng thiền Vô Ngôn Thông buổi ban đầu gặp gỡ và nảy nở trên đất Việt ta chính tại đây.
Lược sử
Chùa được dựng từ khi nào cũng chưa có tài liệu nào ghi chính xác, nhưng chùa Kiến Sơn được võ sư Trương Ma Ni cải tạo và xây dựng từ thời nhà Đinh.
Tương truyền, chùa Kiến Sơ do ông Nguyễn Chí, một phú hào ở địa phương, bởi kính mộ đức hạnh của Thiền sư Cảm Thành (? – 860), nên dùng toàn bộ điền sản của mình tạo dựng. Để thực hiện ý nguyện, ông Nguyễn Chí mời Thiền sư Cảm Thành đến trụ trì tại chùa Kiến Sơ. Nhưng vị thiền sư từ chối. Ngay đêm hôm ấy, vị thiền sư nằm chiêm bao thấy đấng tối linh mách bảo rằng, nếu làm theo chí nguyện của ông họ Nguyễn thì không lâu sau sẽ có vận hội tốt đẹp. Do vậy, Thiền sư Cảm Thành đã nhận lời mời, đến trụ trì ở ngôi chùa mới được tạo dựng bởi tâm ý của con người sùng mộ đạo Phật. Không lâu sau, vào năm Canh Tý 820, niên hiệu Hòa Nguyên nhà Đường, Thiền sư Vô Ngôn Thông, họ Trịnh, từ Trung Hoa sang Việt Nam và tu tại chùa cho đến khi ngài viên tịch.
Thiền sư Vô Ngôn Thông (? – 826) thành Tổ sáng lập Thiền phái Vô Ngôn Thông ở Việt Nam. Bởi ngồi xây mặt nhìn vào bức tường khi thiền định, nên còn gọi là Thiền phái Quan Bích; và do từ chùa Kiến Sơ mà truyền pháp, nên còn được gọi là dòng thiền Kiến Sơ. Thiền phái này phát triển nhanh và có ảnh hưởng lớn đối với đời sống văn hóa, tư tưởng của các bậc đế vương triều Đinh, Lê, Lý, Trần, và ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống dân chúng. Chùa Kiến Sơ trở thành trung tâm Phật giáo lớn của Kinh Bắc cũng như của cả nước Việt ta.
Kiến trúc
Trải qua thời gian lịch sử với những biến cố thăng trầm của thời đại, ngôi chùa cũng có số phận đầy biến động và đổi thay rất nhiều. Hiện nay, chùa có kiến trúc cổ truyền thống ở các chùa Bắc Bộ và khuôn viên khá bề thế, có cổng tam quan 5 gian chồng mái. Trước cửa chùa là một hồ sen rộng lớn, bao quanh lối dẫn vào chùa chính. Bên trái chùa là một cái khánh đá có niên đại hơn 400 năm. Đây cũng là cổ vật duy nhất còn lại với thời gian mà không bị hư hại hoặc bị đánh cắp. Hiện tại, chùa Kiến Sơ không chỉ thờ Phật mà thờ cả Tam giáo.
Qua lời giới thiệu của ni sư trụ trì chùa,ngoài thờ Phật, chùa còn thờ cả Khổng Tử (đại diện cho Nho Giáo), Lão Tử (đại diện cho Lão giáo), và thờ Mẫu. Tuy nhiên thờ Phật vẫn là chủ yếu.
Qua ngàn năm, cổ tự Kiến Sơ được trùng tu không ít lần nhưng vẫn giữ dáng vẻ cổ kính.
Di vật
Hiện chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý, như: đồ tế tự, hệ thống bia đá và tượng thờ, đặc biệt là 3 pho tượng mà các chùa cổ trên đất nước ta không có: tượng thiền sư Vô Ngôn Thông – vị Tổ sáng lập dòng thiền Vô Ngôn Thông ở nước ta; tượng Thánh mẫu Phạm Thị Ngà – thân mẫu của Lý Thái Tổ; tượng vua Lý Thái Tổ – người từ thời thơ ấu thường theo học tại chùa Kiến Sơ, và sau này là người khai sáng kinh đô Thăng Long…
Trong chùa có một hệ thống tượng khá phong phú, bao gồm tượng Phật, tượng Thiền sư Vô Ngôn Thông, tượng Lý Công Uẩn và mẹ của ông, tượng Khổng Tử, Lão Tử. Phía sau chùa có gác chuông, bên dưới có điêu khắc hệ thống hang động mô tả cảnh địa ngục. Trong chùa cũng còn một khánh đá cổ, tạc thô sơ.
Điều đáng ngại nhất là ngôi chùa đang bị lãng quên một cách đáng tiếc trong tâm trí phật tử. Theo chia sẻ của ni sư trụ trì, số lượng khách viếng thăm chùa đã ít, số người hiểu về gốc tích của ngôi chùa càng ít hơn. Mặc dù, chùa được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia từ năm 1975 nhưng còn quá ít người biết về ngôi chùa này.
Tham khảo
- https://sentrang.vn/chua-kien-so-ha-noi.html
- http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/12480/chua-kien-so.html
- https://kienviet.net/2013/07/15/chua-kien-so-ngoi-chua-phat-tich-thuoc-dong-thien-lon-nhat-viet-nam/