Tổng quan
Từ trung tâm Hà Nội đi qua cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy hoặc cầu Thanh Trì xuôi theo quốc lộ 5, qua thị trấn Trâu Quỳ 3km thì rẽ trái, đi tiếp khoảng 1,5km nữa theo tỉnh lộ 282 về hướng Bắc Ninh, chúng ta sẽ gặp cụm di tích đình – đền – chùa Phú Thị, hay còn gọi là chùa Sủi, một công trình kiến trúc cổ thuộc làng Sủi, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay, tức trang Thổ Lỗi, thuộc đất Kinh Bắc xưa.
Chùa Phú Thị có tên chữ là Đại Dương tự hay Đại Dương Sùng Phúc tự, dân gian gọi nôm na là chùa Sủi.
Chùa được xây dựng từ rất sớm, có thuyết nói chùa ra đời từ thế kỷ thứ 2 khi Phật giáo du nhập qua Luy Lâu, nhưng không rõ năm nào. Theo dân gian truyền tụng lại, thì thời thời Lý – Trần, các vua thường qua đây ngủ đêm để ngóng mộng, chờ thông điệp của thánh thần.
Chùa được xây dựng từ rất sớm (không rõ cụ thể năm). Năm 1066, Nguyên phi Ỷ Lan về đây cầu tự sinh thái tử Càn Đức, rồi cho xây dựng lại và hoàn thành vào năm 1115. Trong số 50 câu đối cổ còn lưu giữ ở cụm di tích có 3 câu ghi địa danh Thổ Lỗi. Đây là nơi đóng quân xưa kia của Tây vị Đại vương Đào Liên Hoa, một trong 4 tướng quân trụ cột đã theo Đinh Bộ Lĩnh (924 – 979) dẹp loạn 12 sứ quân. Dân sở tại đã lập đền thờ Đào tướng quân. Sau này ngôi đền trở thành đình và Ngài được tôn làm thành hoàng làng Sủi.
Lịch đại chủ trì
- Thiền Sư Đại Điên (thời vua Lý Thánh Tông)
- Thiền Sư Huệ Không Nguyễn Văn Quế, Tiến Công lang Tăng, Tăng Thống Ty Tăng Lục (1641?)
- Thiền Sư Huệ Lâm Trần Khánh Thuận (?1711?)
- Tổ Thiên Phúc, Thiền Sư Thích Thông Tiến (1889-1986) (Thích Thông Tập) (?-1960)
- Cố Đại Lão Hòa thượng, Phó Pháp chủ HDCM, Thích Thanh Bích (1913-2013) – chánh đương gia (1940-1960)
- Thượng tọa Thích Thanh Phương (1973) – trụ trì (2002- nay)
Kiến trúc
Di vật
Chùa có số lượng tượng lớn và có niên đại tạo tác từ thế kỷ XVII, XVIII và XIX. Trong số 73 pho tượng cổ có nhiều tượng có giá trị thẩm mỹ cao, tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Lê, Nguyễn. Phong cách tạc tượng mang nhiều nét dân gian, có vẻ đẹp dung dị của nền nghệ thuật dân gian cực thịnh vào thế kỷ XVII, XVIII . Nguyễn như tượng A Di Đà, tượng thái hậu Ỷ Lan, tượng sư tổ Đạt Ma, bộ tượng Tam Thế Phật bằng gỗ phủ sơn, cao 1,2m và các tượng Bồ tát: Quán Thế Âm, Văn Thù, Phổ Hiền, v.v… Đáng chú ý còn có phần trang trí với các mảng chạm rồng tinh tế ở vì kèo.
Khánh đá lớn có từ năm Vĩnh Thịnh thứ 21 (1725), chuông đồng lớn treo trên lầu tám mái phía Tây mang niên hiệu Cảnh Thịnh (1800) thời Tây Sơn, do tri huyện Nguyễn Huy Quỳnh là người làng đứng ra lo việc đúc. Trang trí trên chuông khá độc đáo, khắc nhiều bài ký bằng chữ Hán, miêu tả cảnh đẹp của chùa và ý nghĩa của việc đúc chuông cùng sự phát tâm công đức.
Trong cụm di tích Phú Thị còn có một nhà bia xây năm 2001, hiện quy tụ được 14 tấm bia (ngoài 2 tấm dựng trước cổng và một tấm ở sau chùa), phần lớn ghi việc công đức. Ngoài các giá trị nghệ thuật, đây còn là một kho di văn Hán Nôm rất quý. Văn bia “Cúng Phật Sản Bi” ghi niên hiệu Đức Long thứ 5 (1633) viết về chùa Sủi như sau: “Thực là thắng cảnh bậc nhất của nước Nam vậy, khách vãng lai không ai là không yêu mến”.
Đặc trưng
Chùa thờ Ỷ Lan nguyên phi. Chùa xây theo kiểu chữ Đinh, xây dựng theo hướng phía trước có hình chim Chu Tước, có đường thiên lý thông xuống phía Nam, phía sau có hình chim Huyền vũ, có thôn gồm muôn nhà trấn bên ngoài, bên trái có hình rồng xanh trùng trùng hướng về, bên ngoài có hình hổ cuồn cuộn chầu tới.
Câu chuyện bạn chưa biết
Lễ hội Bông Sòng diễn tả một sự kiện trong chính sử cách đây hơn 1000 năm, xảy ra tại hương Thổ Lỗi. Khi đó Lý Thánh Tông tuổi đã cao mà chưa có con nối ngôi. Một lần vua đến chùa Lỗi Hương để cầu đảo, nhân đó đã gặp Ỷ Lan và đón về cung phong làm phi. Vào tiết xuân, nhà vua đã cùng bà về Thổ Lỗi lập đàn cầu tự ở chùa Đại Dương Sùng Phúc Tự nơi có vị sư Đại Điên trụ trì đã đắc đạo. Trong buổi lễ, sư thấy viên quan nội giám Nguyễn Bông có căn mệnh làm vua mà phúc báo kiếp này đã hết liền bày cho cách đầu thai làm thái tử. Khi lộ chuyện, Nguyễn Bông bị chém nhưng trước đó đã được thiền sư viết chữ “càn” lên người. Rồi bà Ỷ Lan sinh hạ một bé trai, trên mình có chữ “càn”, Lý Thánh Tông đặt tên là Càn Đức, lớn lên trở thành Lý Nhân Tông – một vị vua anh minh, nhân từ. Về sau nhà vua đã ban chiếu xá tội cho Nguyễn Bông và cử sứ giả về tận hương Thổ Lỗi.
Tham khảo
- Vẻ đẹp cụm di tích làng Sủi, http://truyenhinhdulich.vn/video/ve-dep-cum-di-tich-lang-sui-13675.html
- Chùa Sủi – Đại Dương Sùng Phúc Tự tổ chức lễ Khai Pháp Đầu Năm, https://www.phatsuonline.com/ha-noi-chua-sui-dai-duong-sung-phuc-tu-to-chuc-le-khai-phap-dau-nam/
- Chùa Sủi tổ chức khóa tu Tìm Về An Lạc, http://www.phattuvietnam.net/ha-noi-chua-sui-to-chuc-khoa-tu-tim-ve-an-lac/
- Cụm di tích Đình – Đền – Chùa Sủi, Phú Thị – Gia Lâm, HANOITV, https://www.youtube.com/watch?v=L_2WeSVtTG8