Tên gọi và vị trí địa lý
Đền Trần Thương tọa lạc tại thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, cách thị trấn Vĩnh Trụ khoảng 9 km về phía đông, cách đê Nhị Hà khoảng 2km. Đây là nơi thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia đình và các vị tướng có công trong cuộc chiến bảo vệ đất nước.
Di tích gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông ở thế kỷ XIII, dưới sự lãnh đạo tài ba của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đền Trần Thương không chỉ là một di tích nổi bật của tỉnh Hà Nam mà còn là biểu tượng thiêng liêng của tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập của dân tộc.
Lịch sử và nhân vật
Theo tương truyền, mảnh đất Trần Thương xưa kia chỉ là một vùng đất hoang vu, phủ đầy sậy rậm rạp và xen kẽ những gò cao, dân cư thưa thớt. Trong một lần hành quân đánh giặc Nguyên, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã tình cờ đi qua vùng đất này và nhận thấy đây là một vị trí đẹp. Ngài quyết định đặt kho lương tại đây để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông lần thứ hai (1285).
Địa điểm xây dựng Đền Trần Thương ngày nay vốn là khu kho lương chính, nằm trong một vùng đất có địa thế thuận lợi với cây cối um tùm, giúp bảo vệ khu hậu cần khỏi sự xâm nhập. Là một trong 6 kho mà Trần Hưng Đạo cho lập trong cuộc kháng chiến. Theo đó, lúc bấy giờ thôn Trần Thương chỉ có 6 cái gò cao, mỗi gò được đặt một kho lương và chỉ có một đường vào kho chính, còn để di chuyển thì dùng thuyền là phương tiện giao thông chủ yếu.
Dấu ấn của thời kỳ này còn lưu lại qua cây đa cổ thụ đứng vững đến ngày nay, trở thành biểu tượng gắn liền với lịch sử. Các di tích xung quanh khu vực đền còn phát hiện nhiều mảnh bát đĩa, với hoa văn trang trí đặc trưng của nghệ thuật gốm sứ thời Trần, góp phần khẳng định sự tồn tại và phát triển của kho lương từ thế kỷ XIII.
Như vậy khu vực Đền Trần Thương thuộc xã Nhân Đạo, không chỉ thuận lợi về mặt giao thông thủy bộ mà còn có địa thế hiểm yếu và linh thiêng, giúp bảo vệ kho lương khỏi sự truy đuổi của giặc. Sau chiến thắng vang dội, Trần Hưng Đạo đã quay lại đây, dựng sinh phần, làm nơi tụ hội và tổ chức các lễ nghi cho quân sĩ. Cũng từ đó, thôn Trần Thương được hình thành, cùng với những thôn làng khác như Đội Xuyên – tên gọi phản ánh sự hiện diện của đội quân canh gác nơi này trong thời kỳ đó. Khi ngài qua đời, người dân địa phương đã lập đền thờ ngay tại nơi kho lương xưa, tôn vinh ngài là Đức Thánh Trần, vị anh hùng bất tử của dân tộc.
Đền Trần Thương là một trong ba nơi có liên quan mật thiết đến cuộc đời và sự nghiệp của Đức Thánh Trần là Đền Kiếp Bạc, Đền Bảo Lộc (Đền Trần), Đền Trần Thương. Được dân gian ca tụng qua câu nói: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, hương Bảo Lộc (Đền Trần)”.
Ngôi đền là một di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và cả nước, hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, tâm linh trội vượt, lâu nay đã được giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Kiến trúc cảnh quan
Đền Trần Thương là một trong những di tích cổ kính và tiêu biểu trong hệ thống các đền thờ Hưng Đạo Đại Vương. Ngôi đền nằm hướng chính Nam, đối diện với dòng sông cổ, xưa kia được người dân gọi là sông Trần Thương, dòng sông này xưa kia là một nhánh của sông Hồng, tuy nhiên, hiện nay dòng sông này theo thời gian gần như đã bị vùi lấp gần hết.
Đền được xây dựng trên một khu đất cao, nằm ngay trung tâm làng, với quy mô rộng lớn, xung quanh là hồ sen, cây đa nghìn tuổi làm tăng thêm vẻ cổ kính, linh thiêng cho ngôi đền. Với quy mô kiến trúc hình chữ Tam, đền Trần Thương hiện nay bao gồm một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh với: Nghi Môn Ngoại, Nghi Môn Nội, Đại Đình : Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam, cùng với hai giải vũ và 5 giếng nước.
Ngoài giá trị lịch sử và tâm linh, đền còn nổi bật với những hoa văn, họa tiết trang trí tinh xảo, được chạm khắc công phu, dù đã qua bao năm tồn tại nhưng đến nay đền vẫn giữ được một vẻ đẹp nguyên sơ, trở thành dấu ấn lịch sử cũng như niềm tự hào của dân tộc.
Nghi Môn ngoại
Nghi Môn Ngoại của Đền Trần Thương được thiết kế theo kiểu Tam Quan truyền thống, với ba cổng là lối vào chính, mỗi cổng có ba tầng mái, lợp ngói âm dương, hai bên cổng được xây trụ biểu dạng lồng đèn, đây là đặc trưng của kiến trúc cổ truyền thống.
Cổng chính, nằm ở giữa, là lối đi lớn nhất và cao nhất, có ba tầng mái và cửa cuốn vòm. Các tầng mái thu nhỏ dần về phía trên, tầng thứ nhất cao 4,85m, rộng 4,57m, bốn góc mái xây lan can gạch men hoa chanh, phía trước đắp đôi cá chép chầu, đầu đao uốn cong. Trên thân trụ hai bên cổng, được khăc chữ Hán chạy dọc thân cột, ghi dấu lịch sử của ngôi đền. Tầng mái thứ hai và thứ ba kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái đao, bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt, mái đắp giả ngói ống.
Phía trên cổng là tấm biển ghi: Đền Trần Thương”. Tầng cao nhất của cổng có dòng chữ Hán “陳 代 靈 祠 ” (Trần, Đại, Linh, Từ) được đắp nổi, thể hiện sự tôn vinh đối với các thế hệ kế tiếp của dòng họ Trần.
Hai bên cổng chính là hai lối phụ, cũng có cấu trúc ba tầng nhưng có kích thước nhỏ hơn và thấp hơn. Các cổng phụ được nối với nhau bằng một bức tường lửng, tạo thành một tổng thể kiến trúc Tam Quan.
Đặc biệt, ở hai bên Tam Quan, có hai trụ đứng cao khoảng 3 mét, được thiết kế theo hình dáng lồng đèn, mang vẻ đẹp độc đáo. Trên đỉnh mỗi trụ, tượng lân chầu đứng uy nghi, góp phần tăng thêm vẻ trang trọng cho công trình.
Nghi Môn Nội
Qua cổng Nghi Môn Ngoại, sẽ bước vào một con đường dài khoảng 50m, lát gạch đỏ, dẫn dắt đến Nghi Môn Nội. Hai bên con đường là hàng cây cổ thụ, tỏa bóng mát, tạo nên không gian tĩnh lặng, linh thiêng.
Nghi Môn Nội có kiến trúc đơn giản với hai trụ biểu dạng lồng đèn, có tiết diện hình vuông, xây gạch đặc trát vữa, soi chỉ trang trí. Trên mỗi trụ đắp một con lân chầu hướng vào trong, thân các trụ cổng được đắp nổi những chữ Hán. Bên cạnh các trụ cổng chính là hai cổng phụ cao khoảng 2 mét, mỗi cổng có hai tầng và tám mái, xây dạng cuốn vòm. Mái cổng đắp hình ngói ống, tầng mái dưới có đầu đao cong trang trí hoa văn cách điệu, tầng mái trên cũng được đắp đầu đao, trên bờ nóc đắp hai kìm nóc hình đầu rồng há miệng ngậm bờ nóc.
Nằm sau cổng là bức bình phong đá, chính giữa khắc chữ Thọ, xung quanh đắp hình chầu, phượng, múa.
Đại Đình
Đại Đình Đền Trần Thương được xây dựng theo bố cục kiểu chữ Tam, gồm ba toà: Đệ Nhất, Đệ Nhị và Đệ Tam, tất cả đều nằm song song, nối tiếp nhau.
Theo thứ tự từ ngoài đền vào trong thì cung đầu tiên là cung Đệ Tam, đây là nơi thờ Ban Công Đồng và các quan Ngũ Hổ, đồng thời cũng là nhà khách tiếp đón du khách. Cung Đệ Tam được thiết kế theo lối chồng rường, với hai đầu bít đốc dật cấp và mái lợp ngói nam. Với hệ thống dãy cửa bức bàn, phía trên gian giữa treo bức đại tự “Văn đức võ công”, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa và chiến công.
Trong cung Đệ Tam có pho tượng đồng “Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương” với tỷ lệ cân đối và bộ mặt uy nghiêm.
Tiếp đến là cung Đệ Nhị, nơi thờ cúng các bá quan văn võ triều Trần và gia tộc Đức Thánh Trần, hai bên trái và phải thờ quan Bắc Đẩu và quan Nam Tào. Cung Đệ Nhị gồm 5 gian, được xây bằng gạch và cao hơn cung Đệ Tam, mái lợp ngói ống theo phong cách cung đình đời Nguyễn. Đặc biệt, bờ nóc hai đầu hồi được trang trí bằng hai con rồng lớn, trong khi phần giữa mái trên và mái dưới được đắp các ô có chữ Hán, tạo nên sự tinh xảo trong từng chi tiết kiến trúc.
Cuối cùng là cung Đệ Nhất (hay còn gọi là cung Cấm), cung này có sự nghiêm trang và linh thiêng, nơi thờ Đức Thánh Trần và chỉ dành cho những người có quyền ra vào đặc biệt. Ban giữa thờ Đức Thánh Trần, hai bên thờ Đức Vương Phụ và Đức Vương Mẫu của Ngài. Cung Đệ Nhất được lợp ngói ống, bộ cửa bức bàn gồm ba cửa được sơn son thiếp vàng lộng lẫy, tạo nên vẻ uy nghiêm, trang trọng.
Vẻ đẹp của ngôi đền được ca ngợi trong đôi câu đối trong đền.
Trần tích bổ phong bi, Hồng Lạc giang sơn minh họp kiếm
Trường ỵên hoài tịch, miếu Long Châu thủỵ nguỵệt trụ hành tinh.
Dịch:
Dấu vết dã lâu bổ sung cho bia thêm phong phú, non sông Hồng Lọc vẫn có tiếng gươm kêu
Khói xanh nhờ khí tụ họp ở miếu cắm cờ tinh bên trong nước Long Châu
Kiến trúc đền với những hàng cột lim to khỏe vững chãi, những bức chạm đầu xà, đầu bẩy dáng điệu “Cúc Hóa Long” tỉ mỉ. Bên trong đền bày biện các đồ thờ cúng rất phong phú với nhiều loại, nhiều hoành phi, câu đối, đại tự treo bày trang nghiêm, được viết khắc trên nền gỗ, sơn son thiếp vàng càng tôn thêm vẻ uy nghiêm thần thánh. Trong đó có bức đại tự khảm bằng những mảnh sứ thật đẹp với bốn chữ “Ư tư hiển tích” nghĩa là dấu vết hiển hách ở đây.
Ngoài ra trong đền còn treo bức hoành phi có khắc một bài thơ khá dài, trong đó có hai câu nói lên sự tươi tốt của mảnh đất này:
“Trần Thương dư phúc địa
Cầm thảo tứ thời xuân”
Nghĩa là: Đất phúc Trần Thương còn đó, hoa quả bốn mùa đầy vẻ tươi xuân.
Điểm độc đáo của Đền Trần Thương còn có 5 cái giếng ngọc, trước đền có 2 giếng mà dân gian thường gọi là hai “vú”. Con đường chạy vòng quanh là hai tay ngai, bên Đông, bên Tây còn có hai giếng nữa được gọi là hai “tai”. Nền trước cung Đệ Tam có một giếng tròn nuôi rùa mà dân gian gọi là “hố”, “khẩu”. Tất cả cấu trúc của đường, giếng tạo nên thế đất thiêng “hình nhân bái tướng”, “ngũ mã thất tinh”.
Giếng Hồ khẩu nối liền không gian giữa hai toà, được gọi là giếng thông thiên không có mái che, có đường kính 6,39m, độ sâu -2,9m. Thành giếng xây bằng gạch chỉ.
Giá trị nghệ thuật của Đền Trần Thương còn thể hiện qua các chi tiết trang trí kiến trúc tinh xảo, với những họa tiết chạm khắc công phu như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước, mây trời, mái đền với các đầu đao góc đền nhọn cong kiểu lá đề. Tất cả tạo thành một bức tranh thiên nhiên sống động, vừa cổ kính, vừa trang nghiêm, mang đậm triết lý dân gian về sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người.
Sự kiện và lễ hội
Lễ hội Đền Trần Thương được tổ chức vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm tại Đền Trần Thương, nơi tôn thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc. Lễ hội đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo nhân dân và du khách từ khắp mọi miền, tham gia để tưởng nhớ công lao to lớn của vị tướng lừng danh và trải nghiệm những giá trị văn hóa sâu sắc.
Phần lễ là phần mở đầu, các nghi thức trong phần lễ gồm lễ cáo yết đầu năm xin phát lương, lễ phát lương, lễ nhập lương, lễ tế cá, lễ tế gia quan, lễ rước kiệu, lễ tạ.
Ngoài các phần nghi thức lễ, lễ hội Đền Trần Thương còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: Lễ rước kiệu, lễ dâng hương, tế lễ… Trong đó lễ rước nước và nhập lương từ sông Hồng nhằm tái hiện dữ kiện lịch sử về việc phát lương khao quân của quân đội nhà Trần khi đánh thắng giặc Nguyên – Mông trở về. Đây đều là những nghi lễ đặc trưng với ý nghĩa tôn vinh công lao, tài, đức của Đức Thánh Trần, đồng thời cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân dân an bình. Bên cạnh đó lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi mang đậm màu sắc văn hóa dân gian truyền thống như chơi cờ tướng, chơi cờ người, kéo co, thi văn nghệ, bịt mắt đập niêu, bắt vịt dưới nước,… thi đấu cờ tướng là một hoạt động văn hóa rất có ý nghĩa nhằm tái hiện tài thao lược quân sự của Trần Hưng Đạo.
Đặc biệt, kể từ năm 2010, ngoài các nghi thức truyền thống, tại Đền Trần Thương còn diễn ra Lễ Phát Lương vào giờ Tý ngày 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Lễ Phát Lương là dịp để Đức Thánh Trần ban lộc đầu xuân cho nhân dân và du khách, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh của mọi người trong dịp Tết đến, xuân về.
Lễ hội Đền Trần Thương không chỉ mang giá trị văn hóa đậm đà bản sắc, mà còn là cơ hội để tôn vinh những giá trị văn hóa lâu đời, khẳng định sức sống mãnh liệt của văn hóa lúa nước, cũng như những giá trị tinh thần gắn liền với cuộc sống lao động và những chiến công oai hùng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.
Do vậy, vào ngày 23 tháng 01 năm 2017 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hiện vật
Không chỉ có kiến trúc độc đáo, linh thiêng, đền Trần Thương còn giữ lại được nhiều đồ thờ cúng cổ như ngai thờ, khám thờ, sập, nghê, rùa, bát hương và những vật dụng khác như hoành phi, câu đối, đại tự, lục bình, bát hương, bát đĩa, chén đôn, chuông cổ, chiếc kiếm bạc có vỏ được làm bằng đồi mồi rất quý chỉ được đưa ra thờ vào những ngày lễ hội.
Xếp hạng
Năm 2017 Lễ hội đền Trần Thương đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Năm 1989 đền Trần Thương đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Ngày 23-12-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần Thương là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Tài liệu tham khảo:
- Một số di tích tiêu biểu ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật (2016).
- Nguyễn Xuân Năm (2007), Nam Định đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, Sở văn hoá thông tin Nam Định.
- Lưu Minh Trị (2004), Danh thắng, di tích và lễ hội truyền thống Việt Nam (tập II), Nxb Hà Nội.
- Ngô Thị Thu, Quản lý lễ hội Đền Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành quản lý văn hoá, (khoá 7-2019), Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.