Chuông đồng là biểu tượng tiêu biểu của tín ngưỡng tâm linh, là pháp khí không thể thiếu trong Phật Giáo. Thông thường, tại các ngôi chùa, ta thường bắt gặp ba loại chuông phổ biến nhất đó là chuông Đại Hồng Chung, Tiểu Hồng Chung và Gia Trì Chung. Không chỉ khác nhau về mặt kích thước đơn thuần, ba loại chuông này còn có nhiều đặc điểm và ý nghĩa riêng biệt.
1. Đại Hồng Chung
Đại Hồng Chung còn được gọi là Phạn chung, điếu chung, hoa kình, hoa chung, cự chung, U Minh chung… Phần lớn làm bằng đồng xanh, rất ít làm bằng sắt. Thông thường, chuông cao khoảng 150cm, đường kính 60cm. Phía trên có quai chuông khắc hình đầu rồng. Phần dưới là hình hai tòa sen đối nhau, gọi là bát diệp. Từ tòa liên hoa trở xuống gọi là thảo gian. Mép viền dưới gọi là câu trảo. Ở trên có hai phần là ao chứa và núm. Núm có hình nhỏ nhô lên, bọc vòng quanh, lại liên kết với chàng tòa (tòa hoa sen) tạo ra góc giao thoa, gọi là cà sa, lại gọi là lục đạo. Ngoài ra, bên cạnh núm tay quai có một lỗ hình tròn, thông với bên trong.
Ảnh: Đại hồng chung tại chùa Cổ Lễ, Nam Định
Loại chuông này treo ở lầu chuông. Vì nó báo thời gian tọa thiền sớm tối nên còn được gọi là định chung. Dùng báo cho mọi người đến tăng đường nên gọi là nhập đường chung. Nếu căn cứ vào âm thanh của nó còn được gọi là kình âm. Đời sau hay khắc chữ trên mặt trơn nhẵn của chuông.
Khi thỉnh chuông Đại hồng chung, người thỉnh chuông phải luôn định tâm, khi đánh chuông phải đưa tâm nguyện của mình hòa cùng tiếng chuông thì mới được coi là đúng. Nghi thức thỉnh chuông thường kéo dài 108 tiếng cho thời gian thỉnh là 1 giờ. Bên cạnh đó, một số chùa thì phương tiện chỉ còn 54 tiếng cho nửa giờ thỉnh. Việc thỉnh chuông thường diễn ra vào buổi sáng và buổi tối trong ngày (Sáng từ 3h30 – 4h, buổi tối từ 18h30 – 19h).
2. Tiểu Hồng Chung
Tiểu Hồng Chung còn có rất nhiều tên gọi khác như: Hoán chung, Bán chung, chuông báo chúng, chuông tăng đường. Chuông phần lớn đúc bằng đồng thau, cao khoảng từ 60- 80cm, được treo trong góc của Phật đường.
Chuông báo chúng có kích thước chỉ lớn bằng 1/2 đại hồng chung, âm thanh chỉ đủ nghe trong khuôn viên chùa. Loại chuông này được dùng để báo tin trong lúc họp chư tăng biết vào những lúc như nhóm chúng, thọ trai, giờ chấp tác, giờ cúng bái, sám hối trong các tự viện. Chính vì chức năng thông báo các công việc hội họp chung trong chùa nên Tiểu Hồng Chung còn được gọi với tên “Hành sự chung”.
Ảnh: Tiểu hồng chung tại chùa Cổ Lễ, Nam Định
Nếu như tiếng chuông đại hồng chung mang ngụ ý thức tỉnh, giúp con người sớm giác ngộ và giải thoát khỏi vòng luân hồi tối tăm đau khổ của cuộc đời, nhắc nhở người xuất gia buông bỏ hỉ nộ ái ố; thì tiếng chuông báo chúng mang ý nghĩa là phương tiện thông báo giờ giấc cho các tăng ni Phật tử.
3. Gia Trì Chung
Chuông gia trì là loại chuông đồng có kích thước nhỏ nhất, có thêm bộ mõ bằng gỗ đi kèm dùng khi tụng kinh. Tiếng Chuông gia trì sẽ báo hiệu bắt đầu của bài tụng kinh hoặc kết thúc đoạn kinh đang tụng. Tiếng chuông cũng được hiểu như hiệu lệnh của sư thầy khi tụng kinh. Chuông có kích thước lớn hơn thường được đặt ở chùa, chuông bé hơn thường được đặt tại gia.
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Theo Phật giáo, gõ chuông lúc tụng kinh giúp các phật tử tập trung hơn, giác ngộ kinh Phật. Hơn nữa, tiếng chuông gia trì như có năng lượng, sức mạnh giúp ma quỷ tránh xa, giúp con người hướng thiện. Ở các chùa, mỗi khi tiếng chuông chùa vang lên, các tăng ni, phật tử sẽ cảm nhận được sự bình yên, thanh tịnh trong tâm hồn, sẽ hướng tới những điều tốt đẹp nhiều hơn.
Chuông gia trì được đúc bằng đồng vàng nguyên chất, có màu vàng óng ánh, tượng trưng cho ánh sáng hào quang của Đức Phật luôn soi sáng chỉ đường cho chúng sinh. Chuông bằng đồng nên âm thanh vang xa, thanh thoát, đúng với nghĩa của từ “gia trì”.