Lễ hội Đền Tam Giang (8/3 – 10/3 AL)

Lễ hội Đền Tam Giang (8/3 – 10/3 AL)

Thông tin cơ bản

Thời gian tổ chức


Trong năm, đền Tam Giang đón hai mùa lễ hội chính. Một là lễ hội vào ngày sinh Đức Thánh được diễn ra trong ba ngày mùng 8,9 và mùng 10 tháng 3 âm lịch, trùng với lễ hội Đền Hùng. Thứ hai là ngày hóa Đức Thánh tức ngày 25 tháng 9 âm lịch

Lễ hội đền Tam Giang vào mùng 10/3 âm lịch được tổ chức lớn hơn cả. 

Hoạt động


Người dân khai hội bằng nghi thức rước nước tại ngã ba sông. Nghi thức được thực hiện bởi các cụ cao niên và lãnh đạo địa phương cùng thực hiện. Nghi thức mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mọi người khỏe mạnh, mưa gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi.

Việc chuẩn bị cho lễ rước nước được chuẩn bị rất kỹ. Đoàn rước nước gồm đội tế nam 13 người, đội tế nữ 13 người mặc trang phục riêng, đại diện các tổ chức, hội, xóm. Nam, nữ tham gia đội tế được lựa chọn từ những gia đình có truyền thống tốt. Sáng 8-3 âm lịch, thuyền chở đoàn rước đến đúng điểm xoáy nước giao nhau của các dòng sông, nơi được cho là nước thiêng, vô cùng thanh khiết. Đoàn thực hiện nghi thức tế lễ trên sông hết sức trang trọng, lấy nước vào chóe sứ để dâng lên trước án, cùng với các phẩm vật khác để bắt đầu màn tế lễ.

Người dân nơi đây quan niệm, nước thiêng được lấy ở ngã ba sông Bạch Hạc là nguồn nước tinh khiết nhất, tạo liên kết âm – dương, có thể “tẩy rửa bụi trần”… Nước thiêng ở đây có đủ vị ngọt – mặn, hương rừng, kẽ đá, mạch đất từ muôn phương góp vào tạo nên thế đất “tụ nhân – tụ thủy”. Nước thiêng được rước về đền làm lễ, xin thần Tam Giang cho phép mở hội, cho phép bơi chải trên sông và đồng thời mời các vị thần về dự hội làng, cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an. 

Trước đó, đúng 12 giờ đêm hôm trước ngày khai hội, nhà đền thực hiện nghi thức bao sái tượng, lau chùi ban thờ để mở khám vào sáng hôm sau. Mọi công việc dù nhỏ nhất cũng được các bô lão trong làng chú ý chau chuốt, với tất cả tấm lòng biết ơn tổ tiên có công dựng nước và giữ nước. Hội thi bơi chải diễn ra ngày 9-3 âm lịch, gồm bốn giáp (bốn chải) Tiên Hạc, Đông Nam, Thần Trúc, Bộ Đầu. Mỗi giáp một chải và mỗi chải một mầu. Quần áo của các tay chèo, cờ và mái chèo đồng mầu với mầu chải. Mỗi chải có 24 khoang gọi là phách với 48 tay chèo, một người lái và một người gõ mõ hiệu. Hội thi bơi chải tổ chức đúng dịp giỗ Tổ thu hút hàng vạn người xem. 

Nhiều hoạt động được tổ chức trong những ngày này như lễ tế, thi ném còn, đánh đu, chọi gà, giã bánh dầy và thi bơi chải trên sông Lô. Du khách thập phương nô nức về dự hội và tham gia các trò vui. Những ngày bình thường cũng có rất đông người về thăm đền, làm lễ dâng hương. Gần đây, nghe tiếng thơm ngã ba Hạc thơ mộng, nhiều người thuê thuyền trôi dòng sông Lô về ngã ba sông thưởng ngoạn cảnh mây trời, sông nước kỳ vĩ. Bên cạnh Lễ hội bơi chải truyền thống du khách đến với nơi đây còn được thưởng thức các hình thức diễn xướng dân gian với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí phong phú, hấp dẫn của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Ý nghĩa


Lễ hội truyền thống đền Tam Giang là hoạt động ý nghĩa để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đối với công lao dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn, góp phần xây dựng lễ hội đền Tam Giang trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tham khảo


  1. Báo Phú Thọ: https://phutho.gov.vn/vi/den-tam-giang-chua-dai-bi
  2. Báo Nhân Dân: https://nhandan.vn/du-lich-kham-pha/nuoc-thieng-nga-ba-hac-352385
  3. Báo VOV: https://truyenhinhdulich.vn/van-hoa/hoi-den-tam-giang-4457.html
Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ
6b83675c8a2294467cb352701ee114f4

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)