Cuộc đời của Thiền sư Minh Hành
Căn cứ vào văn bia Sắc kiến Tôn Đức 敕建尊德塔券石 tháp được lưu tại chùa bút tháp chép như sau:
Thiền sư Minh Hành (1595-1659), họ Hà, tên không rõ, pháp danh là Minh Hành, pháp hiệu là Tại Tại, là người phủ Kiến Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc (nay là địa khu Phủ Châu, tỉnh Giang Tây). Theo ghi chép của văn bia và Ngữ Lục, ngài sang vùng Quảng Nam, Thuận Hoá Việt Nam vào khoảng năm 1623-1630 và trở thành đệ tử của ngài Chuyết Công hoà thượng tại đấy. Từ đó, ngài thân tuỳ Chuyết Công hoà thượng hoằng dương phật pháp tại Việt Nam. Vào khoảng năm 1630, Minh Hành theo sư phụ của mình là Chuyết Công hoà thượng từ vùng Quảng Nam, Thuận Hoá ra Thăng Long (Hà Nội), trên đường Minh Hành đã dừng chân trụ trì chùa Trạch Lâm ở Thanh Hoá. Hiện nay, tại chùa Trạch Lâm vẫn còn một ngọn tháp thờ thiền sư Minh Hành, trong tháp có một pho tượng bằng đồng của ngài được nhà khoa học Pháp Bezacier coi là kiểu tượng Việt Nam khéo nhất mà ông đã thấy. Năm 1633, Minh Hành và Chuyết Công hoà thượng đến Thăng Long. Sau khi Chuyết Công tịch năm 1644, Thiền sư Minh Hành trụ trì chùa Bút Tháp cho đến năm 1659 ngài tịch tại chùa ấy. Ngài Chuyết Công hoà thượng và thiền sư Minh Hành được coi là Tổ đệ nhất, Tổ đệ nhị của chùa Bút Tháp, hiện nay còn tượng gỗ và tháp của hai ngài tại chùa Bút Tháp.
Sư có hai vị đệ tử chân truyền là Chân Trú và Diệu Tuệ. Chân Trú trụ trì chùa Hoa Yên, núi Yên Tử, còn Diệu Tuệ trụ trì chùa Phật Tích.
Sư có đề bài kệ truyền pháp như sau:
Minh Chân Như Tính Hải
Kim Tường Phổ Chiếu Thông
Chí Ðạo Thành Chính Quả
Giác Ngộ Chứng Chân Không
Nghĩa là:
Thấy chân như biển rộng
Ánh vàng chiếu vô cùng
Ðạt đạo thành chính quả
Giác ngộ chứng chân không
Chữ của bài kệ này đã được dùng để tự đặt pháp danh cho những thế hệ tiếp của phái Lâm Tế tại Ðàng Ngoài.
Những đóng góp to lớn cho Phật giáo ở đàng Ngoài.
Trong dòng chảy lịch sử và phát triển của Phật giáo đàng Ngoài, có thể nói Thiền sư Minh Hành có đóng góp rất lớn cho sự nghiệp phát triển của Phật giáo Việt Nam. Minh bia 敕建尊德塔券石 Sắc kiến Tôn Đức tháp tại chùa Bút Tháp, có niên đại Vĩnh Thọ thứ 3 (1660) chép: “Năm Quí Dậu niên hiệu Đức Long thứ 5 (1633) ông sang kinh đô nước Đại Việt hành đạo, truyền giáo, xây chùa, đúc tượng Phật mở mang Phật giáo”. Sư cùng sư phụ của mình là Hòa thượng Chuyết Công đi nhiều nơi tiếp thu nhiều tinh hoa của phái thiền Trúc Lâm ở Đại Việt, cũng như tư tưởng Tam giáo đồng nguyên và phong tục tín ngưỡng cổ truyền Đại Việt, phối hợp với tông phong của phái thiền Lâm Tế của Trung Quốc, đã phổ truyền tông phong của phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài khác với tông phong thuần túy của phái thiền Lâm Tế xưa, thích hợp với hoàn cảnh Đại Việt, nhờ đó phái thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài (Lâm Tế pha Trúc Lâm và tín ngưỡng Đại Việt) phát triển rộng khắp, ăn sâu bám rễ vào đời sống nhân dân.
Ngoài ra sư còn có công rất lớn trong việc hưng công, trùng tu lại chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự). Theo Sắc Kiến Ninh Phúc Thiền Tự Bi Ký được biết vào năm Phúc Thái thứ 5 (1647), thiền sư cho trùng hưng chùa Ninh Phúc. Đây là đợt trùng tu có qui mô lớn, được triều đình ủng hộ trong đó có công của Diệu Thiện, một vị đệ tử lớn của Minh Hành. Cũng theo văn bia ghi tên thiền sư có hiệu là Vân Thủy sa di.
Năm Khánh Đức 4 (1652), thiền sư cho in tác phẩm Tâm Châu Nhất Quán của Thích Viên Diễn (Trung Quốc), trong đó cho in hai bài viết của mình là Thánh hiền tương nhược tự và Thánh chúa hiền thần tụng.
Năm Thịnh Đức thứ 2 (1654), Tỷ-khâu ni Diệu Tuệ Thiện Thiện cho khắc in “Tâm Kinh Trực Thuyết” của Hám Sơn đại sư người Trung Quốc.
Năm Thịnh Đức thứ 5 (1657), thiền sư in tác phẩm “Thiên Đồng Tụng Cổ”. Bản này được in lại năm Cảnh Hưng 24, do tỳ-kheo tự Như Không, bản lưu tại chùa Đoan Nghiêm, xã An Lâm, huyện Đông Triều. Đây là một tác phẩm thiền tông Trung Hoa, có ảnh hưởng nhiều đến các chùa ở Việt Nam.
Qua tiểu truyện của thiền sư, chúng ta thấy thiền sư Minh Hành là một bậc cao tăng được triều đình vua Lê chúa Trịnh ủng hộ. Các công trình kiến trúc của chùa Bút Tháp lúc này đều do một tay thiền sư kiến tạo. Thiền sư đã hoằng hóa khắp nơi từ Kinh thành cho đến Kinh bắc, làm cho Phật pháp được mở mang thêm. Công nghiệp của thiền sư đối với Phật giáo là điều hiển nhiên.
Các trước tác để lại
- Chuyết Công Ngữ Lục
- Thánh hiền tương nhược tự, viết năm Khánh Đức thứ 3 (1651)
- Thánh chúa hiền thần tụng, viết năm Khánh Đức thứ 3 (1651)
- Trùng san tịnh từ kinh tự, viết năm Quí Tị (1653)
- Sắc kiến ninh phúc thiền tự bi ký.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo Sử luận, tr.537, Nxb Văn học, 2000.
- HT. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Nxb Tôn giáo học.
- Đàm Chí Tù, Bước đầu tìm hiểu về sách “Chuyết Công Ngữ Lục” một di sản Hán Nôm quý giá mới phát hiện.
- Văn bia Sắc Kiến Ninh Phúc Thiền Tự Bi Ký tại chùa Bút Tháp.
- Văn bia Sắc kiến Tôn Đức 敕建尊德塔券石 tại chùa Bút Tháp