Vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ, 1385 – 1433)

Vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ, 1385 – 1433)

Thông tin cơ bản

Thân thế

Về thân thế của vua Lê Thái Tổ, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trước kia, tổ ba đời của vua tên húy là Hối, một hôm, đi chơi Lam Sơn, thấy đàn chim bay lượn quanh chân núi, như hình ảnh nhiều người tụ họp, bèn nói: “Đây chắc hẳn là chỗ đất tốt”, rồi dời nhà đến ở đấy. Sau 3 năm thì thành sản nghiệp. Từ đó, đời đời làm quân trưởng một phương. Hối sinh ra Đinh, nối được nghiệp nhà, có tới hơn 1 nghìn tôi tớ, lấy vợ là Nguyễn Thị (tên húy là Quách), sinh được hai người con trai, con cả là Tòng, con thứ là Khoáng. Khoáng lấy vợ người Chủ Sơn (Chủ Sơn: tên hương, sau đổi là thôn Thủy Chú, huyện Lôi Dương, nay thuộc xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) là Trịnh Thị (tên húy là Thương), đến năm Ất Sửu, tháng 8, ngày mồng 6 sinh ra vua tại hương Chủ Sơn, huyện Lôi Dương. Vua sinh ra, thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có một nốt ruồi, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng, nhịp bước như hồ, kẻ thức giả đều biết vua là bậc phi thường.”[1]

Vua Lê Thái Tổ là con út của Lê Khoáng (Tuyên Tổ Phúc Hoàng đế) và Trịnh Thị Ngọc Thương (Tinh Từ Ý Văn Hoàng Thái hậu). Ông nối nghiệp cha làm chúa trại Lam Sơn. Khi quân Minh chiếm đất nước, ông nuôi chí lớn đánh đuổi giặc xâm lăng. Quân nhà Minh nghe tiếng ông, dụ cho làm quan, ông không chịu khuấ phục mà nói: “Bậc trượng phu sinh ở đời phải cứu nạn lớn, lập công to, lưu lại tiếng thơm ngàn năm sau, sao lại chịu hèn nhát để cho người sai khiến?”[2]

Khởi nghĩa Lam Sơn

Sau khi cuộc khởi nghĩa của hai tôn thất nhà Trần là Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng thất bại hoàn toàn vào năm 1413, sứ mệnh lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc được trao về tay Lê Lợi và những người đồng lòng cùng ông.

“Mùa đông năm Bính Thân (1416) vua Thái Tổ cùng 18 vị tướng thân cận của nhà vua, liên danh hội thề, nguyện sống chết có nhau, ông (Lê Lai) cũng dự trong số đó, ông được trao chức Tổng quản phủ Đô tổng quản, tước Quan nội hầu.”[3] Đó chính là Hội thề Lũng Nhai trong lịch sử.

“Ngày mồng hai là ngày Canh Thân, tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418) niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 16 nhà Minh, vua dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định vương, cử các ông: Lê Khang, Lê Luân, Lê Nanh, Lê Sao, Lê Lễ, Lê Hiêu, Lê Nhữ Trì, Lê Lộng, Lê Cố, Trịnh Lỗi, Trịnh Hối, Lê Thỏ, Lê Bồi, Lê Xa Lôi, Lê Khắc Phục, Lê Định, Lê Lãng, Lê Vấn, Lê Lan, Lê Cuống, Lê Chiêm,… Nguyễn Trãi, Lê Văn Linh, Lê Thận và Lê Văn An làm tướng văn tướng võ, chia nhau đốc suất đội quân Thiết đột ra đối địch với quân Minh.”[4]

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kéo dài 10 năm (1418 – 1427) thì có tới hơn 6 năm, vùng rừng núi Thanh Hóa được chọn làm căn cứ địa. Bởi lực lượng yếu, mỏng nên giai đoạn đầu khởi nghĩa cũng là “thời kỳ dài và gian khổ nhất”, khi đó “nghĩa binh mới dấy”, mà “thế giặc đương hăng”, có lúc rơi vào tình thế phải đình chiến để củng cố lực lượng, song với nghị lực phi thường, lại được nhân dân đùm bọc, chở che, giúp đỡ, nên nghĩa quân đã vượt qua bao khó khăn nguy hiểm, dần khôi phục và phát triển được phong trào.

Một nét đặc sắc, mới mẻ trong đường lối chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Minh mà Lê Lợi thực hiện là dựa vào nhân dân để tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhìn vào lực lượng nghĩa binh và bộ chỉ huy, tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa, có thể thấy rõ tính chất nhân dân rộng rãi của nó, một đặc điểm nổi bật không có ở các cuộc khởi nghĩa khác chống Minh trước đó. Dựa vào sức mạnh của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội trong một tổ chức chiến đấu, rồi từ cuộc khởi nghĩa ở một địa phương, lấy núi rừng làm căn cứ địa, phát triển sâu rộng thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô toàn quốc. Đây là một cống hiến sáng tạo to lớn về đường lối chiến tranh của Lê Lợi.

Vừa là nhà tổ chức và chỉ đạo chiến lược về chính trị, quân sự, vừa là vị tướng cầm quân mưu trí, quả quyết, Lê Lợi đã vận dụng lối đánh “vây thành diệt viện” theo lý thuyết quân sự ông nghiền ngẫm: Đánh thành là hạ sách. Ta đánh thành kiên cố hàng năm, hàng tháng không lấy được, quân ta sức mỏi, khí nhụt, nếu viện binh giặc lại đến thì ta đằng trước, đằng sau đều bị giặc đánh, đó là đường nguy. Chi bằng nuôi sức khỏe, chứa khí hăng để đợi quân cứu viện tới. Khi viện binh bị phá thì thành tất phải hàng”. Chiến thuật “Vây thành diệt viện” của Lê Lợi kết hợp với chủ trương “mưu phạt nhị tâm công”, uy hiếp, phân hóa, chiêu dụ địch của Nguyễn Trãi tạo nên một phương thức độc đáo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.

“Ngày mười sáu tháng Chạp, tướng giặc là Vương Thông, Mã Ánh, Lý An, Trần Trí, Nội quan là Mã Kỳ, Sơn Thọ, Phương Chính, Đặc Khiêm, cùng các viên chỉ huy giữ thành Tây đô là Hà Trung, giữ thành Chí Linh là Cao Tường, bèn đem tất cả các hạng nguỵ quan lớn, nhỏ và những nhân dân nước ta bị bắt hiếp vào trong thành, đưa trả về đủ số, chỉ xin được cho đem quân về Tàu… Khi bọn Vương Thông về tới Long Châu, vua Minh đã biết trước quân Minh cùng quẫn, việc đã đến thế, không còn làm thế nào được. Bèn sai sứ thần đem sắc thư, truyền cho các tướng đem quân về Tàu, trả lại đất cho An Nam. Còn việc vào chầu dâng cống, lại theo lệ cũ đời Hồng Vũ, thông sứ đi lại. Từ đó, giáo mác dẹp tan; đất đai lấy lại; trong nước thái bình, nhân dân yên nghiệp như cũ.”[5]

Sau 10 năm khởi nghĩa, khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi vẻ vang.

Sáng lập triều Lê

Ngày 14 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, mở ra một vương triều mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam – nhà Lê sơ tồn tại gần 400 năm.

Trong những ngày đầu xây dựng vương triều Lê sơ, vua Lê Lợi đã có những cố gắng không nhỏ về nội trị, ngoại giao, nhằm phục hồi, củng cố, phát triển đất nước trên mọi mặt, như tổ chức lại bộ máy chính quyền từ trung ương xuống địa phương; ban hành một số chính sách kèm theo những biện pháp có hiệu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống xã hội.

Đồng thời, Vua cũng chú ý tới việc phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo nhân tài. Năm 1429, Lê Lợi đã cho mở khoa thi Minh Kinh. Năm 1431, thi khoa Hoành từ. Năm 1433, Lê Lợi đích thân ra thi văn sách. Đấy là chưa kể năm 1426 trong khi đang vây đánh Đông Quan, Lê Lợi đã mở một khoa thi đặc cách lấy đỗ 32 người, trong đó có Đào Công Soạn, một nhà ngoại giao xuất sắc thời Lê Lợi.

Tuy nhiên, nhiệm vụ hàng đầu sau khi đất nước được giải phóng là việc tăng cường củng cố, giữ vững nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc. Về phương diện này, Lê Lợi đã làm được hai việc có ý nghĩa lịch sử. Thứ nhất, ông đã thành công trong cuộc đấu tranh ngoại giao, thiết lập quan hệ bình thường giữa triều Lê và triều Minh. Thứ hai, Lê Lợi đã kiên quyết đập tan những âm mưu và hành động bạo loạn muốn cát cứ của một số ngụy quân trước, điển hình là vụ Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Lai Châu. Trong bài thơ làm khắc vào vách đá núi Pú Huổi Chò (bên sông Đà, thuộc Lai Châu) năm 1431 khi đánh Đèo Cát Hãn, Lê Lợi đã nói rõ ý chí bảo vệ sự thống nhất giang sơn:

Đất hiểm trở từ nay không còn,
Núi sông đã vào chung một bản đồ.
Đề thơ khắc vào núi đá
Trấn giữ miền Tây của nước Việt ta.

Mặc dù thời gian tại vị tương đối ngắn, chỉ 5 năm nhưng Vua đã có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước, dân tộc. Đúng như Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh. Sau 10 năm thì thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, đã ấn định luật lệnh, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu nhập sách vở, mở mang trường học, có thể gọi là có mưu kế xa rộng mở mang cơ nghiệp.”[6]

Băng hà

Lê Lợi làm vua được 5 năm thì mất (1433), an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn, miếu hiệu là Thái Tổ.

Chú thích

[1] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hoà 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội, 1993,  tr. 325.

[2] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 326.

[3] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Nxb Văn hoá – Thông tin, 2006, tr. 191.

[4] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 39.

[5] Nguyễn Trãi, Lam Sơn thực lục, Mạc Bảo Thần (dịch), Nxb Tân Việt, 1956, tr. 47 – 48.

[6] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 325.

Tham khảo

  1. Lê Quý Đôn (2006), Đại Việt thông sử, Nxb Văn hoá – Thông tin.
  1. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,.. (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hoà 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội.
  2. Nguyễn Trãi (1956), Lam Sơn thực lục, Mạc Bảo Thần (dịch), Nxb Tân Việt.
5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ
Vua Le Thai To (nguon Sviip.org.vn)

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)