Thiền phái Tào động ở Hà Nội

Thiền phái Tào động ở Hà Nội

Nội dung chính

Thiền sư Thủy Nguyệt Thông Giác (1637-1704), con nhà họ Đặng, quê ở xã Thanh Triều, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Năm 20 tuổi, ngài bỏ nghiệp Nho, xin xuất gia học đạo tại chùa Hổ Đội ở huyện nhà. Năm 28 tuổi, ngài sang Trung Quốc tham học Thiền sư Nhất Cú Tri Giáo ở núi Phượng Hoàng. Sáu năm sau, ngài trở về Việt Nam, trụ trì chùa Hạ Long, rồi đến trụ trì chùa Nhẫm Dương ở xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, hoằng truyền dòng thiền Tào Động, trở thành tổ thứ 36 của dòng thiền này. Việc truyền bá tông Tào Động ở miền Bắc truyền từ đời thứ 36 trở đi tuân theo pháp kệ:

Tịnh Trí Thông Tông Từ Tính Hải,
Khoan Giác Đạo Sinh Quang Chính Tâm,
Mật Hạnh Nhân Đức Vi Lương Tuệ,
Đăng Phổ Chiếu Hoằng Pháp Vĩnh Trường

mà ngài Trí Giáo Nhất Cú truyền cho ngài Thủy Nguyệt.

28 chữ trong bài kệ này, thầy trò cứ lần lượt mỗi người lấy một chữ ghép vào với tên gọi của mình mà phân biệt hàng trên với hàng dưới. Ví dụ:

Ngài Nhất Cú Trí Giáo đã đứng vào hàng chữ Trí thì ngài Thủy Nguyệt lấy chữ Thông gọi là Thông Giác, đệ tử ngài Thông Giác dùng chữ Tông gọi là Tông Diễn v.v…

Dòng thiền Tào Động nhanh chóng lan tỏa ra xứ Đông (gồm Hải Dương, Kiến An, Đông Triều), ngược lên Bắc Ninh và vào kinh đô Thăng Long bởi đệ tử xuất sắc của ngài Thủy Nguyệt là Thiền sư Chân Dung Tông Diễn (1640-1711). Vào những năm Vĩnh Trị (1676-1680), vua Lê Hy Tông (1675-1705) ra lệnh phế bỏ tăng lữ. Ngài Tông Diễn liền thân hành vào cung vua dâng hòm biểu ngọc trình bày lời lẽ, vua nghe rất hài lòng. Nhân đó Phật pháp lại sáng tỏ và được đề cao hơn trước. Ngài Tông Diễn và một số sư tổ kế tiếp đều được nhà vua phong hàm. Triều đình còn cấp tiền cho ngài trùng tu chùa Hòe Nhai. Từ đó, dưới sự trụ trì của ngài Tông Diễn, chùa Hòe Nhai (số 19 phố Hàng Than) trở thành tổ đình đầu tiên của dòng thiền Tào Động.

Tới đầu thế kỷ XX, sơn môn Hồng Phúc (tức Hòe Nhai) rất phát triển với nhiều chùa ở Hà Nội như chùa Trấn Quốc, chùa Tảo Sách, chùa Quảng Bá ở quận Tây Hồ, chùa Châu Long quận Ba Đình, chùa Vũ Thạch quận Hoàn Kiếm v.v…

Xin giới thiệu một số chùa tiêu biểu thuộc tông Tào Động Việt Nam tại Thăng Long, Hà Nội.

Chùa Hòe Nhai

Chùa được dựng từ 1698-1703. Là một ngôi chùa có bề dày lịch sử, lại là chốn tổ đình đầu tiên của dòng thiền Tào Động ở Việt Nam, chùa Hòe Nhai đã trải qua các đời trụ trì mà đến nay còn biết được qua khoa cúng liệt tổ và tấm bia đá đặt bên ngoài tiền đường.

  1. Đệ nhất đại: Tháp hiệu Linh Quang, sắc tứ Thủy Nguyệt Hòa thượng, pháp húy Thông Giác Đạo Nam Tổ sư, tặng phong Độ sinh Đại thừa Bồ tát (đời 36 dòng Tào Động).
  2. Đệ nhị đại: Tháp hiệu Diệu Quan, sắc tứ Chân Dung Hòa thượng, pháp húy Tông Diễn, Đại Tuệ Thiền sư, tặng phong Đại Thừa Hóa thân Bồ tát. (Đời thứ 37).
  3. Đệ tam đại: Tháp hiệu Viên Minh, sắc tứ Tăng thống Tịnh Giác Hòa thượng, pháp húy Từ Sơn, Hạnh Nhất Thiền sư, tặng phong Phổ Tế Hóa sinh Bồ tát (trụ  trì từ năm 1709) (Đời thứ 38).
  4. Đệ tứ đại: Tháp hiệu Linh Nham, sắc tứ Bản Lai Hòa thượng, Thiện Thuận Sa môn, pháp húy Tính Chúc, pháp hiệu Đạo Chu Thiền sư, tặng phong Phổ Hóa Độ sinh Bồ tát (Đời thứ 39).
  5. Đệ ngũ đại: Gồm 3 vị (Đời thứ 40).
    • Tháp hiệu Thường Chiếu, sắc tứ Viên Thông Tăng thống Đại Nguyện (Lại Nguyên) Hòa thượng, pháp húy Hải Điện, pháp hiệu Mật Đa Thiền sư.
    • Tháp hiệu Thiệu Long, A xà lê Tự Tại Hòa thượng, pháp húy Hải Tại – Trí Tiếp Thiền sư, Lợi sinh Bồ tát.
    • Tháp hiệu Diên Quang, pháp húy Hải Hoằng, pháp tự là Tịnh Đức, hiệu là Nhu Nhã.
  6. Đệ lục đại: Tháp hiệu Phương Viên, Nhu Hòa Sa môn, pháp húy Khoan Giáo – Thiện Căn Thiền sư (Đời thứ 41).
  7. Đệ thất đại: Tháp hiệu Viên Thông, Lục Hòa Sa môn, pháp húy Giác Lâm – Minh Liễu Thiền sư (Đời thứ 42).
  8. Đệ bát đại: Tháp hiệu Hoằng Uẩn, Thanh Như Chiếu Sa môn, pháp húy Đạo Sinh – Quang Lịch, Minh Đạt Thiền sư (Đời thứ 43).
  9. Đệ cửu đại: Tháp hiệu Quỳnh Chân, Hồng Phúc Sa môn, pháp húy Quang Lư, pháp tự Đường Đường Thiền sư, pháp hiệu Như Như (Đời thứ 44).
  10. Thập đại: Tháp hiệu Phúc Thành, Thái Hòa Sa môn, pháp húy Chính Thừa, Thích Bình Bình – Võ Tướng Thiền sư (Đời thứ 45).
  11. Thập nhất đại: Tháp hiệu Phúc Long, pháp húy Tâm Nghĩa, Thích Nhân Từ Thiền sư (trụ trì từ năm 1932, đời thứ 46).
    • Kế đăng Thích Tâm Viên Hòa thượng.
  12. Thập nhị đại: Tháp hiệu Bảo Quang, pháp húy Tâm Huy Hòa thượng (Đời thứ 47).
  13. Thập tam đại: Tháp hiệu Kim Liên, pháp húy Thanh Thiệu – Thích Đức Nhuận Hòa thượng (Đời thứ 48).
  14. Thập tứ đại: Sa môn Thích Thanh Khánh đương kim trụ trì từ 1993 – nay.

Như vậy, thế hệ truyền đăng dòng Tào Động đến Hòa thượng Thích Đức Nhuận là đời thứ 48.

Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc, ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ là ngôi chùa cổ nhất ở Thăng Long – Hà Nội. Các thiền sư dòng thiền Tỳ ni đa lưu chi, Vô Ngôn Thông, Lâm Tế lần lượt về trụ trì ở đây. Chùa Trấn Quốc lại là nơi chốn tổ của một chi sơn môn trong phái thiền Tào Động truyền ở Việt Nam thời Hậu Lê, do ngài Tính Trí Giác Quan Thiền sư tổ thứ 4 chùa Hòe Nhai khai hóa, lần lượt qua 12 đời sư tổ truyền đăng. Hiện có những tòa tháp xá lợi của chư vị tiền bối tu hành để lại. Chùa gặp nạn binh hỏa cuối thế kỷ XVIII, trở thành hoang phế. Sau được nhân dân cùng Hòa thượng bản tự pháp danh Khoan Nhân phát tâm tu sửa lại.

Đời Nguyễn Thiệu Trị năm thứ 2 (Nhâm Dần 1842) đi Bắc tuần đến thăm chùa đổi lại hiệu chùa là Trấn Bắc nhưng nhân dân vẫn gọi là Trấn Quốc.

Đến nay, truyền được 14 đời. Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Thanh Nhã đời thứ 13 và thứ 14 theo dòng Lâm Tế.

Phả truyền thừa tông Tào Động tại chùa Trấn Quốc:

  1. Đệ nhất đại: Sắc tứ Viên Dung Hòa thượng, pháp húy Tính Trí – Giác Quán Thiền sư (Tổ thứ 4 chùa Hòe Nhai).
  2. Đệ nhị đại: Sắc tứ pháp húy Hải Ngạn – Quảng Tế thiền sư.
  3. Đệ tam đại: Sắc tứ Trung Nghĩa Hòa thượng, pháp húy Khoan Nhạ – Bi Hóa Thiền sư.
  4. Đệ tứ đại: Phương trượng Tỷ khiêu, Pháp húy Giác Khoan – Minh Lãng Thiền sư.
  5. Đệ ngũ đại: Hương Lâm tháp Thanh Từ Sa môn, pháp húy Khoan Nhân – Phả Tế Thiền sư.
  6. Đệ lục đại: Sắc tứ Tinh Thông Hòa thượng, Thanh Hải Tỷ khiêu pháp húy Đạo Sinh Thiền sư.
  7. Đệ thất đại: Pháp húy Thanh Tuyền – Sinh Tín Thiền sư.
  8. Đệ bát đại: Pháp húy Thanh Uyên – Dạo Sùng, Thích Dương Dương Thiền sư.
  9. Đệ cửu đại: Hồng Phúc Sa môn, pháp húy Quang Lư Thiền sư.
  10. Đệ thập đại: Pháp húy Chính Tiến – Mẫn Tiệp Thiền sư.
  11. Thập nhất đại: Pháp húy Tâm Lợi – Phúc Hòa Thiền sư.
  12. Thập nhị đại: Pháp húy Chân Nghĩa – Mã Đạo Hòa thượng.
  13. Thập tam đại: Hòa thượng Kim Cương Tử hiệu Thúy Đồ Ba Thành luật sư. 1983-2003.
  14. Thập tứ đại: Thượng tọa Thích Thanh Nhã đương kim trụ trì từ 2003 đến nay.

Riêng thiền phái Tào Động – Hồng Phúc truyền tới đời thứ 13. Tháp (mộ) tôn thờ xá lợi của các đời Tổ sư trụ trì và các sư trong bổn tự viên tịch nguyên ở phía trước chính điện chùa, khi người Pháp mở phố Hàng Than, sơn môn đã di dời về chùa Cổ Linh, thôn Đống Lim, xã Long Biên, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Chùa Quảng Bá

Chùa có tên chữ là Hoằng Ân tự. Theo các tài liệu, thư tịch cổ thì từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVII Thiền sư Ngộ Ân (1020 – 1088) dòng thiền Vô Ngôn Thông Trụ trì; Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) đệ tam tổ Trúc Lâm Yên Tử đã giảng kinh và lưu trú một thời gian trước khi trụ trì chùa Côn Sơn, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương; Hòa thượng Chuyết Chuyết (1540 – 1644) sơ tổ dòng thiền Lâm Tế Đàng Ngoài, trụ trì chùa Phật Tích và Bút Tháp ở tỉnh Bắc Ninh đã giảng kinh Niết Bàn tại đây.

Khoảng sau năm 1715, Thiền sư Khoan Nhân – Phả Tế tổ thứ 5 chùa Hòe Nhai đã kiêm trụ trì khai hóa chùa Hoằng Ân.

Phả truyền thừa tông Tào Động tại chùa Quảng Bá:

  1. Đệ nhất đại: Tháp hiệu Bảo Nghiêm, Duệ Trí sa môn, pháp húy Khoan Nhân, Phương Trượng Hòa thượng, họ Bùi quê huyện Thụy Anh (Tổ thứ 5 chùa Hòe Nhai).
  2. Đệ nhị đại: Thiền sư Giác Hồng, người có công đúc chuông lớn năm 1743.
  3. Đệ tam đại: Tháp hiệu Tuệ Quang, Thanh Ninh Tâm địa giới, pháp húy Đạo Huân – Võ Tướng Thiền sư. Họ Nguyễn quê huyện Từ Liêm, Hà Nội.
  4. Đệ tứ đại: Tháp hiệu Viên Tịnh, Pháp húy Sinh Thông – Nhu Thuận Thiền sư.
  5. Đệ ngũ đại: Tháp hiệu Quỳnh Chân, pháp húy Quang Lư – Hồng Phúc sa môn, Thích Đường Đường Thiền sư.
  6. Đệ lục đại: Tháp hiệu Long Ân, pháp húy Chính Nhượng – Hùng Lực Thiền sư.
  7. Đệ thất đại: Tháp hiệu Viên Thông, Tính Trương,  pháp húy Tâm Nhân thụy Trung Nghĩa, hiệu Mỹ An.
  8. Đệ bát đại: Tháp hiệu Quảng Tuệ, pháp húy Mật Ứng – Huyền Cơ Thiền sư Hòa thượng.
  9. Đệ cửu đại: Tháp hiệu Kim Liên, pháp húy Thanh Thiệu, Thích Đức Nhuận Hòa thượng.
  10. Đệ thập đại: Thượng tọa Thích Thiện Côn, Đại đức Thích Đạo Minh đương kim trụ trì.

 Đến tổ thứ 5 chùa Hòe Nhai là thiền sư Khoan Nhân đã kiêm trụ trì khai hóa chùa Quảng Bá, theo dòng Tào Động. Đến nay truyền được 10 đời. Nơi đây có bảo tháp Hòa thượng Thích Mật Ứng (1889-1957) Thiền gia Pháp chủ Giáo hội Tăng già Bắc Việt và Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897-1993), Đệ nhất Pháp chủ GHPG Việt Nam.

Chùa Cầu Đông

Chùa có tên chữ là Đông Môn tự, tọa lạc ở số nhà 38B, phố Hàng Đường, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm. Tương truyền chùa có từ thời Trần. Đến đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Vĩnh Trị (1676 – 1680), thiền sư Tông Diễn sau khi mở rộng quy mô chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai) số tiền còn dư, ngài đem xây dựng lại chùa Cầu Đông. Từ đây, chùa thuộc dòng Tào Động – Hồng Phúc. Chùa có hai điểm khác biệt so với các ngôi chùa xứ Bắc: Thờ Trần Thủ Độ và vợ là Trần Thị Dung; tượng Đức Ông không phải trưởng giả Cấp Cô Độc mà là tướng Ngô Văn Long, vị tướng thời Hùng Vương thứ 18 đồng thời cũng là Thành Hoàng làng.

Các thế hệ trụ trì:

  1. Đệ nhất đại: Nguyễn Quý Công (Tự Đạo Án).
  2. Đệ nhị đại: Tự Sùng An.
  3. Đệ tam đại: Tự Huyền Thành.
  4. Đệ tứ đại: Tự Thái Danh Vương.
  5. Đệ ngũ đại: Tự Doanh Khuông.
  6. Đệ lục đại: Tự Như Lưu.
  7. Đệ thất đại: Tự Tĩnh An.
  8. Đệ bát đại: Tự Phúc Thiện.
  9. Đệ cửu đại: Tự Tựu Tâm.

Ngoài các đời sư tăng trụ trì còn có các vị ni kế tiếp:

  1. Ni trưởng Thích Đàm Chiên.
  2. Ni trưởng Thích Đàm Phụng.
  3. Ni trưởng Thích Đàm Thư.
  4. Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm.
  5. Ni trưởng Thích Đàm Ân

Cả 5 vị đều thuộc dòng Lâm Tế chùa Vẻn ở Hải Phòng, hiện nay tháp mộ của các vị sư ni trên vẫn được tôn thờ ở chùa Vẻn.

  1. Ni trưởng Thích Đàm Tỵ – Trụ trì chùa Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng kiêm trụ trì chùa Cầu Đông.
  2. Ni sư Thích Đàm Toàn đương kim Trụ trì.

Chùa Tảo Sách

Chùa Tảo Sách ở số 386 đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ được dựng lại vào đời Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Từ đó đến giữa thế kỷ XX các thế hệ trụ trì chùa tiếp nối nhau thuộc dòng thiền Tào Động, sau đó chuyển sang dòng thiền Lâm Tế. Chùa không có phả hệ truyền thừa tông Tào Động.

Chúng tôi đã thống kê (chưa đầy đủ) được những chùa từng thuộc tông Tào Động ở Hà Nội:

  1. Quận Hoàn Kiếm: Các chùa: Cầu Đông, Vũ Thạch.
  2. Quận Ba Đình: Các chùa: Châu Long, Hòe Nhai.
  3. Quận Hai Bà Trưng: Chùa Hàm Long.
  4. Quận Tây Hồ: Các chùa Tảo Sách, Trấn Quốc, Quảng Bá, Quán La.
  5. Quận Đống Đa: Chùa Phổ Giác.
  6. Quận Cầu Giấy: Chùa Trung Kính.
  7. Quận Thanh Xuân: Các chùa: Mọc Quan Nhân, Bồ Đề (Nhân Chính).
  8. Quận Hoàng Mai: Chùa Triệu Khánh.
  9. Quận Nam Từ Liêm: Chùa Mễ Trì Thượng (chùa Thiên Trúc)
  10. Quận Hà Đông: Chùa Bảo Phúc.
  11. Huyện Chương Mỹ: Chùa Trầm.
  12. Huyện Mỹ Đức: Chùa Hưng Khánh.
  13. Huyện Thanh Trì: Chùa Huỳnh Cung.

Nhận xét

  1. Số lượng chùa theo tông Tào Động Việt Nam tại Hà Nội là khoảng 20 chùa, chứng tỏ dòng thiền Tào Động nước ta xuất phát từ chùa Nhẫm Dương ở xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã được thiền sư Chân Dung – Tông Diễn và các đệ tử tiếp sau ở tổ đình Hồng Phúc hoằng hóa tại Thăng Long – Hà Nội từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đã khá phát triển.
  2. Hầu hết các chùa từng theo dòng thiền Tào Động Hồng Phúc tại Hà Nội ngày nay đều chuyển sang phái Lâm Tế.
  3. Nguyên nhân sâu xa của sự chuyển đổi này là: “Vào thế kỷ XVII, khi phái Tào Động truyền sang Đại Việt thì những khác biệt giữa hai tông phái hình như không còn bao lăm nữa” (Lâm Tế đã sử dụng khái niệm về 5 vị trí giữa cái thẳng và cái nghiêng (ngũ vị quân thân); khái niệm “Vô đắc” của Tào Động. Ngược lại, lối dùng thoại đầu cũng được áp dụng trong phái thiền Tào Động) bởi hai tông phái này đều chung một gốc là Thiền tông Nam phương do Lục tổ Huệ Năng sáng lập.

Nguyên nhân trực tiếp là Sơn môn Bà Đá (Lâm Tế) và sơn môn Hồng Phúc tại Hà Nội có mối quan hệ rất khắng khít vì chư tổ chùa Bà Đá cũng do từ sơn môn chùa Hồng Phúc mà ra (Báo Tiếng chuông sớm số 3 ra ngày 15 tháng 7 năm 1935). Nhất là từ khi Bắc Kỳ Cổ sơn môn thành lập gồm sơn môn Bà Đá và sơn môn Hồng Phúc, dưới sự điều hành của Chánh Duy, Đinh Xuân Lạc (Hòa thượng Thích Thanh Tường), ra báo Tiếng chuông sớm vào tháng 6 năm 1935.

5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ
3.chùa Trấn Quốc Đường Ba Đình Hà Nội(nguồn Wecheckin)

Nội dung chính

Một bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)