Trước năm 1975 cho đến năm 1981, miền Bắc (VNDCCH) có Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam. Miền Nam (dưới chế độ VNCH) có tới 8 trào lưu, phong trào, tổ chức Giáo hội: Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Ban liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Thiên Thai giáo Quán Tông, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ, Hội Phật học Nam Việt.
Từ 1975 – 1981, trong phong trào Phật giáo – phong trào Dân vận có cuộc vận động các trào lưu, phong trào, tổ chức Phật giáo thành một tổ chức thống nhất. Chín hệ phái đã có những sự hiệp thương đi đến thống nhất, những thành phần chống đối đã được dẹp đi. Ngày mùng 7 tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, hội nghị thành lập GHPGVN được triệu tập, HT. Thích Đức Nhuận làm Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN, HT. Thích Trí Thủ làm đệ nhất Chủ tịch HĐTS. Đến Đại hội lần V, VI, về cơ bản tổ chức Giáo hội đã được thành lập ở trên địa bàn của cả 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Trong giai đoạn vận động thành lập GHPGVN, trên địa bàn Hà Nội, nhiều bậc Hòa thượng Tôn túc đã ra làm việc trong các cơ quan của Giáo hội, thường là những bậc có xu hướng gần gũi với Đảng và kháng chiến.
Từ giai đoạn 1981 – 1987 ở miền Bắc tham gia hoạt động có TT. Thanh Tứ, HT. Kim Cương Tử, HT. Tâm Thông, HT. Thanh Viên, HT. Thanh Chân… Còn HT. Phổ Tuệ thì chưa thấy xuất hiện và chưa có vai trò tương xứng trong tổ chức, cũng như các hoạt động của Giáo hội.
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ sinh năm 1917, tuổi Đinh Tỵ, là một bậc Tôn túc Trưởng lão, tinh thông kim cổ, nội ngoại kinh điển. Trước năm 1987 ngài tu hành, làm ruộng tại chùa Ráng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Có tham gia một số các hoạt động tại các trường Hạ trên địa bàn Hà Tây, Hà Nam, Hưng Yên, còn các hoạt động liên quan đến Giáo hội thì dường như Ngài chưa tham gia.
Sau Đại hội lần thứ II GHPGVN (1986), nhu cầu đẩy mạnh hoạt động của GHPGVN trở nên cấp bách, đặc biệt là của Văn phòng I chùa Quán Sứ, Hà Nội. Cần phải có các bậc Tôn túc thực học, thực tu đảm bảo thực hiện nhiệm vụ ngày càng nặng nề của Giáo hội.
Các bậc Hòa thượng trong bộ máy của Giáo hội đương thời, điểm đi điểm lại, thì thấy rằng, việc cần thiết phải mời HT. Thích Phổ Tuệ từ miền đất Phú Xuyên – Hà Tây lên tham gia và chủ trì hoạt động là điều có tính chất tiên quyết.
Bởi vậy, Hòa thượng Pháp chủ Đệ nhất Thích Đức Nhuận công cử chư Hòa thượng Kim Cương Tử, Tâm Thông, Thiện Siêu… và Ban Tôn giáo Chính phủ, lúc bây giờ Vụ trưởng vụ Phật giáo là ông Trần Khánh Dư về chùa Ráng để thỉnh Hòa thượng Thích Phổ Tuệ tham gia và chủ trì các hoạt động đó.
Ý tưởng nhân sự này mau chóng nhận được sự đồng thuận của Chính quyền cũng như Giáo hội.
Do vậy, đoàn công tác gồm ông Trần Khánh Dư đại diện cho Ban Tôn giáo Chính phủ cùng với các chuyên viên; Giáo hội gồm chư Hòa thượng: Kim Cương Tử, Tâm Thông, Thiện Siêu cùng chư Thượng tọa, Đại đức của Văn phòng I TW GHPGVN về chùa Ráng thỉnh HT. Phổ Tuệ.
Sáng mùa hạ, cuối tháng 6 năm 1987, tinh mơ đoàn công tác đã rời Quán Sứ về Chùa Ráng ở Phú Xuyên, Hà Tây. Bấy giờ, đường xá khó đi, xe cộ hạn chế, cũ kỹ, phương tiện thông tin đại chúng dường như chưa có gì, cho nên hình ảnh, ảnh hưởng của HT. Thích Phổ Tuệ đối với xã hội nói chung, Giáo hội nói riêng còn rất mờ nhạt, ngay cả chân dung, diện mạo của Ngài, mọi người cũng chưa được rõ, chỉ nghe dư âm thấp thoáng.
Đoàn công tác từ nội thành Hà Nội vượt qua quãng đường gần 50km, xuôi về phía Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, qua thị trấn Phú Xuyên, Guột rồi rẽ trái, khoảng 12km nữa, qua cây đa “Giời ơi” (!) trên đất Phú Xuyên, rồi tiến dần về phía chùa Ráng.
Lúc bấy giờ, khu vực chùa Ráng còn là vùng trũng “chiêm khê mùa thối”, đi lại còn là đường đất, đá. Trên đường có những đoạn đào mương ngăn cách. Xe ô tô của phái đoàn Ban tôn giáo Chính phủ và GHPGVN đến cách chùa Ráng khoảng non cây số thì phải dừng lại, các Hòa thượng, quan khách phải đi bộ về Chùa Ráng.
Đi được một đoạn ngắn, bỗng đoàn nhìn thấy trên cánh đồng có một lão nông cao gầy, khắc khổ, bộ quần áo nâu lấm lem bùn, vai vác cày, tay dắt bò, đầu đội nón lá, quần xắn tới gối. Giáp mặt, một thành viên trong đoàn bèn hỏi cụ làm ơn chỉ giúp đường về chùa Viên Minh, còn gọi là chùa Ráng, chỗ có HT. Phổ Tuệ tu hành.
Cụ già chỉ rằng: “Các ngài không đi tắt qua ruộng được thì men theo đường này, đến chỗ bãi tha ma, rẽ trái, đi vào chừng ba bốn trăm mét, thấy khu chùa, tre pheo bao quanh ở giữa cánh đồng, đấy là chùa Ráng, có HT. Phổ Tuệ đang tu hành”.
Cụ già dắt con bò đen lớn đi tắt qua cánh đồng về phía chùa.
Hồi lâu, đoàn đến cổng chùa, cất tiếng niệm Phật báo khách. Một đàn chó xổ ra, sủa dồn, có chú tiểu chạy ra xua chó… Vào cổng chùa, đã thấy từ trên hiên nhà Tổ một Cụ sư già mặc áo thâm dài đi ra. Sững người, đó chính là cụ già nông dân vừa vác cày dắt bò chỉ đường cho đoàn.
Mọi người suýt xoa: “A Di Đà Phật, bạch Hòa thượng! chúng con quả thực là không rõ diện mạo của Ngài, cho nên có những hành động bất cẩn. Hóa ra Hòa thượng đã chỉ đường”…
Cụ nói: “Tôi đi cày đồng xa, đi tắt về chùa, biết là các vị xuống có việc trọng, tôi đã rửa tay chân, sẵn sàng y áo ngồi đợi các vị xem có việc gì đây… “
Cụ thong thả, trọng thị mời mọi người lên nhà Tổ dùng nước. Trước khi vào chuyện, Ngài liền hỏi rằng: Hôm nay chư Hòa thượng cùng quan khách về chùa đây, công việc thì chưa biết là như thế nào, nhưng mất công từ nơi xa về, toàn là các cụ Hòa thượng đạo cao, đức trọng, chắc là có việc lớn. Việc thì để bàn sau, bây giờ cho phép nhà chùa được hỏi là các Hòa thượng và quan khách có dùng cơm trưa ở chùa không để nhà chùa chuẩn bị? Ở đây xa xôi, nông thôn quê mùa, cho nên phải có sự chuẩn bị trước, cũng xin báo với các quý vị rằng, cơm ở nhà chùa đây là đạm bạc lắm, các ngài hoan hỷ, thông cảm cho.
Một thành viên đoàn công tác báo cáo với Hòa thượng rằng: vì đường xá xa xôi, chưa biết xuống đây thì thế nào, nên trước khi đi, đoàn đã chuẩn bị cơm chay, bánh trái từ chùa Quán Sứ. Xuống dưới này, xin nhà chùa cho sắp xếp cùng để được ngồi hầu chuyện, thụ trai cùng Hòa thượng.
Hòa thượng bảo: “Quý hóa quá, nhà chùa ở đây tự túc được, cho nên cơm với rau củ đều đầy đủ cả. Có cơm, có canh khoai môn, có dưa muối. Hôm nay, Phái đoàn về đây dùng cơm chay thanh tịnh với nhà chùa”.
Rồi Ngài bảo: “Hôm nay đã là đầu tháng Một rồi, trời rét, đường xa mà các Hòa thượng và quan khách từ Hà Nội về tận đây, hẳn có việc lớn, có gì xin phép các ngài cứ thông báo để chúng tôi được lĩnh hội”.
Đáp lời, HT. Kim Cương Tử và ông Trần Khánh Dư nói: “Vâng, để chúng tôi được báo cáo với Hòa thượng. Ông Dư thưa với Hòa thượng về chuyện sâu sắc, có lỗi của Trung ương Giáo hội cũng như Ban Tôn giáo Chính phủ chưa kịp thỉnh Hòa thượng tham gia vào quá trình vận động thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào mùng 7 tháng 11 năm 1981. Đến bây giờ, công việc dồn lên, mọi người thấy rằng những việc như biên dịch kinh điển, đặc biệt là bộ Luật của Giáo hội…, việc thành lập Học viện Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu, Tạp chí Nghiên cứu Phật học… đang trở nên cấp bách”.
Hiện tại, Trung ương Giáo hội, chư Hòa thượng, Thượng tọa đang bị quá sức, cần phải có những vị uy tín, thực tài, thực học, thực tế tham gia vào quá trình điều khiển và lãnh đạo. Hiện tại, người có thể cáng đáng việc này hơn cả là Hòa thượng.
Hòa thượng Phổ Tuệ nói: Việc này là việc lớn, các ngài đề nghị như thế này, mà tôi đã có ý kiến ngay thì chứng tỏ việc đấy mình cũng có sơ suất, cho nên xin hẹn công việc với các Hòa thượng, quan khách vào dịp khác. Một, hai tuần tới, chúng ta sẽ ngồi bàn ở nơi công sở trên chùa Quán Sứ để quyết những việc thế này. Còn hôm nay, xin phép chư Hòa thượng, quan khách cho nhà chùa dọn cơm, chúng ta thụ trai, việc nhà Phật cứ thong dong, các Hòa thượng đi đường xa đã mệt mỏi, nên hoan hỷ nghỉ ngơi, để việc đó sau.
Chư Hòa thượng Kim Cương Tử, Tâm Thông, Thiện Siêu đều rất vui vẻ vì HT. Phổ Tuệ hoan hỷ chấp nhận lời thỉnh mời của Trung ương Giáo hội và Ban Tôn giáo Chính phủ nhẹ nhàng và đầy trách nhiệm như thế.
Cơm nước được dọn ra, quả thật là rất quý hóa. Từ chùa Quan Sứ các thị giả cũng đã chuẩn bị nào xôi, nào chè, nào bánh chay, nào “giò chả”, các món chay ngon lành đầy đủ hết.
Chùa Ráng ở nơi quê mùa, canh khoai môn nấu lá ngổ cùng với một nồi cơm lớn, vài đĩa dưa chua được mang ra, tất cả đều hoan hỷ dùng bữa cơm chay. Mọi người cảm nhận công hạnh tu hành của Hòa thượng Phổ Tuệ lớn lao như thế nào.
Buổi trưa, đoàn uống nước, nghỉ ngơi rồi chuẩn bị lên đường về Hà Nội. Trước khi về đã để lại một lời hẹn rằng hai tuần nữa Văn phòng Trung ương sẽ về đón thỉnh Hòa thượng Phổ Tuệ lên trụ sở chùa Quán Sứ để bàn việc Phật sự.
Hòa thượng Phổ Tuệ liền bảo: “Chùa Quán Sứ là chỗ quen thuộc, tôi đã thông tỏ, các ngài cứ cho thời gian cụ thể tôi sẽ chủ động lên.”
Mọi người vui vẻ chia tay. Hai tuần sau, chưa đến 8 giờ sáng, đã thấy một cụ sư già mặc bộ nâu dài, đội khăn nâu, đi cỗ xe đạp cũ kỹ, bên sườn đeo túi Pháp đi vào sân chùa Quán Sứ.
Lúc bây giờ, trong chùa mọi người mới đang lục tục chuẩn bị cuộc họp của các bậc Tôn túc Trưởng lão bàn về vấn đề lớn. Hòa thượng Phổ Tuệ lễ Phật, xem tranh ảnh rồi về phòng họp. Trong phòng họp đã có HT Pháp chủ Thích Đức Nhuận, HT Chánh Thư ký Phó Pháp chủ Thích Tâm Tịch cùng chư vị Hòa thượng: Kim Cương Tử, Tâm Thông, Thiện Siêu; chư Thượng tọa, Đại đức: Thanh Tứ, Thanh Nhiễu, Thanh Duệ, Bảo Nghiêm, Gia Quang, Thanh Dương, Thanh Thiền, Thanh Ninh v.v.
Đầy đủ rồi, HT. Phổ Tuệ nhẹ nhàng thưa: Chư Tăng Hòa thượng hôm nay cho gọi chúng con lên trên này để làm việc, thật sự thì con là người chân trắng, con xin phép được ngồi ở chỗ nào ạ?
Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ nói: “Hôm nay thỉnh Hòa thượng lên trên này để tham gia và chủ trì những việc lớn như Thành lập Học viện Phật giáo, lập phân viện Phật học, ra Tạp chí, biên soạn kinh sách… cho nên, xin phép được thỉnh Hòa thượng đồng an tọa.
HT. Phổ Tuệ bảo: “Xin vâng! Được tham gia việc lớn như thế này, con xin tận tâm tận lực!
Sau một thời gian ngắn, những công việc lớn của Giáo hội được triển khai. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao cho HT. Phổ Tuệ làm Giáo thụ Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Viện trưởng Phân viện nghiên cứu Phật Học, Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu Phật Học, phụ trách trưởng ban biên dịch Luật tạng và Đại tạng kinh Việt Nam…
Bấy giờ, Đại Luật có 66 quyển được phân ra để cho các Hòa thượng dịch. Riêng HT. Phổ Tuệ được Trung ương Giáo hội giao 35 cuốn, còn lại 31 cuốn thì HT. Tuỳ Duyên (còn gọi còn còn gọi là HT. Phù Lãng), bấy giờ đã quá nhiều tuổi, nhận 15 cuốn. Các Hòa thượng khác chia ra mỗi người một vài cuốn. Riêng phần thi kệ và trùng tụng thì giao cho HT Phổ Tuệ, có các Đại đức giúp việc: Thích Thanh Ninh, Thích Thanh Duệ…
HT. Thích Tùy Duyên sau đó vài ngày, lại về chỗ HT Phổ Tuệ bảo: bạch Hòa thượng, hôm trước ở trên chùa Quán Sứ mọi người đem hơn 60 quyển của Luật ra để dịch, tôi sợ họ làm hỏng cho nên tôi nhận và mang xuống đây dự phòng 15 cuốn nữa. Tôi nhận mang về là để cho Hòa thượng dịch cho khỏi hỏng việc.
HT. Phổ Tuệ bảo: “Hòa thượng làm khổ tôi rồi, hôm trước tôi đã mang 33 cuốn trong tổng số 66 cuốn, cùng toàn bộ phần thi kệ và trùng tụng. Tôi đang làm việc rồi. Nay Cụ lại mang về cho 15 cuốn nữa”…
Biết vậy, nhưng mà việc Tăng sai, HT Phổ Tuệ lại miệt mài. Từ đó, từng đêm, từng đêm sau khi đã nghỉ ngơi tới tầm 12 giờ khuya, thì ngài lại châm đèn, một bên để bản kinh bằng chữ Hán, một bên ngài lại thong thả dịch. Sau này có một số chư tăng Đại đức thị giả Hòa thượng, làm việc ghi chép dịch. Khi dịch xong, Hòa thượng cẩn thận đóng gói đem chuyển cho Văn phòng phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam để in ra. Công lao của HT Phổ Tuệ là không thể nghĩ bàn.
Nhiều vấn đề Luật học được HT Phổ Tuệ bàn bạc với HT Kim Cương Tử in trong 15 số liền của tạp chí Nghiên Cứu Phật học. Sau này những phần chính cũng đã được tập hợp lại để in sách, trong đó có bộ “Bát Nhã Dư Âm” được in lại nhiều lần. Lời nói đầu, Hòa thượng đã nói rằng các phần đã in trên tạp chí, có người được số này lại không có số khác nên tập hợp lại để in thành sách cho tiện dụng.
Năm 2022 khi bộ sách “Đệ Tam Pháp Chủ Toàn Tập” xuất bản, 11 tác phẩm lớn được đưa vào. Riêng sách “Phật học Thường thức” không hiện diện. Cuốn này, vào khoảng năm 2005, một số cư sĩ được Hòa thượng giao cho biên tập, hiệu đính lại phần bản in Roneo, đầu tiên là bài “Nhân quả”, kết thúc là bài “Pháp môn niệm Phật”. TT. Thích Tiến Đạt cho rằng 10 bài trong cuốn “Phật học thường thức” là bài giảng của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám giảng tại chùa Quán sứ, HT. Phổ Tuệ đã tập hợp, chú giải, hiệu đính lại, làm tài liệu nghiên cứu, học hành cho các trường Hạ cũng như các lớp, cơ bản Phật học Hà Tây và Hà Nội.
Cho nên, sau này nếu có thể giới thiệu sách thì chỉ giới thiệu phần hiệu đính của HT. Phổ Tuệ đối với tác phẩm “Phật học thường thức” của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám mà thôi./.
______________
[Huệ Minh xin trân trọng cảm ơn sự chỉ giáo, phê bình, góp ý của một số thiện hữu tri thức, Phật tử, để bài viết được hoàn thiện, chính xác và tôn kính hơn!]
Theo: Cư sĩ Huệ Minh (Lê Minh Nghĩa)
Ảnh chụp: Cư sĩ Huệ Minh (Lê Minh Nghĩa)