Bia đá kể chuyện chùa Sủi xưa

Bia đá kể chuyện chùa Sủi xưa

Thông tin cơ bản

Chùa Sủi là tên nôm mà mọi người đặt cho chùa Đại Dương Sùng Phúc bởi chùa xây trên đất làng Sủi. Chùa được khởi dựng từ rất sớm, chưa rõ năm nào, có thuyết kể rằng chùa Sủi cùng với các chùa Keo, Dâu xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 2, khi Phật giáo bắt đầu du nhập vào nước ta. Sau khi dựng lại và hoàn thiện vào năm 1115, không tìm được ghi chép nào về hiện trạng khi đó của chùa, phải mãi đến những năm cuối của thế kỷ XVI mới có thông tin được khắc trên bia. 

Chùa Sủi qua sử liệu

Đất Sủi xưa kia là trang Thổ Lỗi, nơi đặt quân doanh của Tây vị đại vương tướng quân Đào Liên Hoa dẹp loạn 12 xứ quân giúp vua Đinh lên nghiệp đế vương. Sau khi ngài mất, nơi đây thờ ngài làm Thành Hoàng. “Cung đài long phụng tự, tương truyền Thổ Lỗi cựu quân đinh”.

Tên Sủi là tên ban đầu ở đất này, đến năm 1068 vua Lý Thánh Tông đổi thành hương Siêu Loại. Tên xã Phú Thị được ghi trong bia Đại Dương tự bi ký, năm Dương Hòa thứ 2 (1636) và đến năm 1746 được vua ban cho tên gọi Trung Nghĩa1.

Phú Thị thuộc đất Gia Lâm, xưa kia thuộc Tượng quận, huyện Long Biên. Thời Lý thuộc phủ Thiên Đức, thời Trần thuộc lộ Bắc Giang2. Thời Tây Sơn thuộc tổng Kim Sơn, huyện Thuận An, trấn Kinh Bắc3. Thời Nguyễn thuộc tỉnh Bắc Ninh. Mãi đến năm 1961, Gia Lâm mới trở thành ngoại thành của thủ đô Hà Nội.

Chùa Sủi là tên nôm mà mọi người đặt cho chùa Đại Dương Sùng Phúc, bởi chùa xây trên đất làng Sủi. Sau khi dựng lại và hoàn thiện vào năm 1115, không tìm được ghi chép nào về hiện trạng khi đó của chùa, phải mãi đến những năm cuối của thế kỷ XVI mới có thông tin được khắc trên bia.

Trong bia “Cúng Phật sản bi” có khắc:Chùa Đại Dương Sùng Phúc: Phía trước có đường muôn dặm qua lại trải dài về phía Nam. Phía sau có muôn nhà, các thôn trấn, ở phía Bắc. Phía bên trái lớp lớp trầu hướng về. Chùa thực là thắng cảnh đệ nhất ở Việt Nam vậy.4

Bia Đa Chua Sui (2)

Cúng Phật Sản bi

Trong bia “Thiền sư Tuệ Không cúng điền bi” có viết:

Năm Tý (tức là năm 1588) thiền sư Tuệ Không tên thật Nguyễn Văn Quế sau nhiều năm tu học và tìm hiểu đạo thừa, được truyền đạo Bồ-tát thì về chùa Sủi trụ trì, “Năm ấy đã làm ba pho tượng ngàn tay. Năm Sửu làm hai pho tượng Thánh tổ, một pho tượng Phật tổ và tô lại các tượng Phật. Năm Thân xây dựng Long đình, tiền án, nội tẩm. Năm Đinh Mùi lại xây dựng toà Thượng điện. Năm Mậu Thân lại làm các pho tượng Phổ Đà Sơn, thứ lại thếp vàng bảo hạp long ngai, tô lại các tượng Kim thần, Liễu thánh, lại cúng vào 10 lá cờ để đón rước, cầu phúc. Thứ đến lại làm ba pho tượng thánh A-nan, 5 pho tượng Ngọc Hoàng cùng với tượng Hộ pháp và các tượng Đương Cảnh Thành Hoàng. Năm Thìn lại làm các tượng Kim Cương, Bồ Tát, La Hán và các đài Cửu phẩm, tu sửa các toà lâu đài, tổ đường, hậu điện, rời Tam quan ra ngoài, xây tường hai bên, lát gạch sân trước, lại cả sân nhà tổ, lấp ao Tâm trì, mở tường ở trước sân, dựng án tiền rủ ngọc, trồng cau…”5

Bia Đa Chua Sui (3)

 Thiền sư Huệ Không cúng điền bi

Ở đây, năm Đinh Mùi là năm 1607, Mậu Thân là năm 1608, năm Thìn rời Tam quan ra ngoài là năm 1618. Hiện nay, cổng chùa không phải Tam quan, từ lối cổng chùa rẽ phải một trăm mét mới có Tam quan hay người dân địa phương thường gọi là cổng chợ. Không rõ năm 1618 Tam quan chùa rời ra đâu và liệu Tam quan hiện nay có xây dựng lại trên nền Tam quan cũ không.

Trong bia “Phú Thị – Đại Dương tự bi” Trụ trì chùa này, tăng Nguyễn Duy Tiến kính khắc năm thứ tám niên hiệu Bảo Đại – Ngày rằm tháng 8 năm Quý Dậu 6: “Bên trong có một bia tiết nghĩa, phía trước có một miếu thờ dương thần, bên trái miếu thờ âm thần đều do tăng trụ trì thờ cúng. Hành lang đầu hồi có cửa nách liền thông với một ngôi chùa trang nghiêm. Bia và kí may mắn đều còn.

Xét rằng, ngôi chùa do vị Hoàng hậu của vua thứ ba triều nhà Lý, là Ỷ Lan phu nhân cho khởi xây dựng vậy.

Về tiết nghĩa thì người ở bản ấp, Niên hiệu Cảnh Hưng thời lê thi đỗ Tiến sỹ, có họ Nguyễn, hiệu là Đức Ninh, đốc suất đất Cao Bình, tù trưởng ở đất ấy xâm phạm vào miền đất Thuận, ngài ra sức chiến đấu, và bị tử trận, người thân trong nhà cả thảy hai mươi tám người đều tuẫn tiết và được thờ tại chùa.

Dương thần thì thờ tướng quân có họ Đào, là công thần của vua Đinh, đại công thần bình định mười hai sứ quân, lập quốc thống.

Miếu thờ âm thần ở bên trái, tức thờ Ỷ Lan phu nhân vậy.”7

Bia Đa Chua Sui (4)

Phú Thị – Đại Dương tự bi 

Đến Dương Hòa năm thứ 2 tức năm 1636 đời vua Lê Thần Tông, trong “Đại Dương Tự Bi Ký” có khắc lại nội dung Nguyễn Quý Nương người phủ Quốc Oai có lòng từ bi cúng 24 lạng bạc trắng cho chùa làm nhà tiền đường, không tìm được ghi chép nhà khởi công và hoàn thành khi nào. 

Bia Đa Chua Sui (1)

Đại Dương Tự Bi Ký

Năm Tân Tỵ (1701). Tỳ Khưu ni Trần Khánh Thuận, pháp hiệu Huệ Lâm đã tiến hành tu sửa gác chuông bảy gian, cửu phẩm liên hoa, làm tượng Ngọc Hoàng, hai tượng tả sư hữu tướng, tứ Bồ-tát, bát đại Kim Cương, thập bát La Hán và gian từ đường.8

Những sử liệu chúng tôi sưu tầm được ở trên đây đã phần nào khắc họa lên hình ảnh chùa Sủi trong những năm tháng xưa cũ. Một ngôi chùa mang trong mình biết bao giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật xuyên suốt các triều đại phong kiến vẫn vững vàng, tố hảo cho đến ngày nay.

Hiện trạng 

Đại Dương tự hay Đại Dương Sùng Phúc tự có tên thường gọi là chùa Phú Thị, dân gian gọi nôm là chùa Sủi. Chùa được khởi dựng từ rất sớm, chưa rõ năm nào, có thuyết kể rằng chùa Sủi cùng với các chùa Keo, Dâu xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 2, khi Phật giáo bắt đầu du nhập vào nước ta.  

Chùa Sủi tọa lạc tại làng Sủi, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, là một phần trong cụm di tích kiến trúc nghệ thuật đình – đền – chùa Sủi nổi danh trong vùng. Chính bản thân chùa Sủi đã là một danh lam chứa đựng nhiều yếu tố lịch sử và kiến trúc cổ xưa. Bên cạnh chùa là đình và đền Sủi, đình Sủi thờ vị tướng họ Đào có công dựng nước cùng vua Đinh, đền Sủi thờ Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu thường được biết đến với tên gọi Nguyên Phi Ỷ Lan, khi bà tại cương vị “nhiếp chính”, Đại Việt khi ấy thanh bình hơn 20 năm, Phật giáo phát triển thịnh vượng,  Theo “chỉ đạo dựng chùa thờ Phật” của Hoàng Thái Hậu, chùa Sủi được dựng lại và hoàn thiện vào năm 1115, cùng năm đã được ghi chép trong Việt sử lược  “Chùa Sùng Phúc ở hương Siêu loại làm xong”.9 

Z4922613446399 1c64cf314f9d9edc82124184fb289366

Ảnh: Thuỷ đình chùa Sủi

Chùa Sủi được xây dựng theo hướng Nam, lối chữ Đinh. Tòa Tam Bảo có kết cấu hình chuôi vồ nối 7 gian tiền đường với 3 gian hậu cung. Dọc sân nhỏ phía sau đình là hai hành lang đối xứng nhìn nhau, ở hai đầu giáp tiền đường lại có hai lầu tám mái. Lầu bên tay trái treo một quả chuông đồng lớn mang niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800). Chuông ghi lại các cá nhân, địa phương đã cúng tiền để đúc lại chuông. Trên bia có ghi rằng: “Bản chùa vốn có chuông nhưng bị thất lạc. Nên vào tiết Đoan dương năm Canh Thân hội chủ hưng công cúng tiền đúc chuông. Chuông đúc xong nặng 500 cân, hoàn thành viên mãn. Do đó ghi lại các hội chủ hưng công tín thí đầy đủ khắc lên chuông đồng để lưu lại về sau”. Chuông đúc đến ngày lành tháng Trọng Thu năm Cảnh Thịnh thứ 8 thì xong.

Lầu phía tay phải treo khánh đá có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 21 (1725). Do chịu sự tác động của thời tiết cùng khí hậu mà chữ và họa tiết trên khánh đã mờ nhiều, viền cạnh hao mòn không còn sắc nét.

Phía dưới hai lầu tám mái là hai dãy hành lang dải vũ 7 gian xây gạch với kiến trúc làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng”. Ngay đầu dãy nhà dải vũ bên nhà khánh là ba bức tượng hậu, 3 bức này đều là tượng đất có niên đại từ thế kỷ XVII, nay, tình trạng tượng đều khá nguyên vẹn. Trong hai dãy hành lang còn để tượng 18 vị La hán, mỗi bên 9 bức. Nối hai dãy nhà là sân gạch nhỏ chạy suốt năm gian chùa. Trên sân là một kiến trúc hình tháp có tám mái cong nhỏ, trong dựng tấm bia 3 mặt, trán bia hoa văn triều nguyễn, hình tượng mặt rồng ôm lấy chữ Thọ. Chân bia họa tiết đài sen, trang trí viền bia là hoa văn tùng cúc trúc mai. Mặt bia phía trước là Phú Thị – Đại Dương tự bi được khắc năm thứ tám niên hiệu Bảo Đại năm Quý Dậu, mặt sau là Bản tự nguyên nhân hợp kỷ.

Hiên tòa Tam Bảo thông với nhà Tổ qua một ngách nhỏ, nhà Tổ cũng có kết cấu hình chuôi vồ, với 3 gian 2 dĩ. Trong nhà Tổ là hệ thống tượng thờ như tượng Thái hậu Ỷ Lan, tượng Sư tổ Đạt Ma, tượng Thiền sư Thảo Đường và các tượng tổ khác đều hướng ra sân lớn. Trước đây, trong sân lớn trước nhà Tổ còn có phương đình và tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Nay, đình và tượng đã được di dời về phía trước nhà pháp hội, dựng trên hồ cá nằm ngay phía tay trái lối vào cổng chùa càng làm không gian chùa thêm khang trang, tố hảo. Trước sân nhà Tổ hướng thẳng ra là cây đa đã 600-700 tuổi, cắm rễ và dõi theo dự đổi thay, phát triển của chùa Sủi và cả con người nơi đây. 

Bên trái nhà Tổ nối liền với một dãy nhà ngang. Trong cùng có ban thờ Mẫu, phía ngoài là những dãy bàn ghế dài tiếp khách. Xuyên qua dãy nhà ngang này là một khoảng sân nhỏ thông với nhà Pháp hội, nơi tổ chức các Phật sự lớn nhỏ, cũng là nơi để chúng tăng, ni, Phật tử tụng kinh, bái Phật hàng ngày. 

Với số lượng lớn bia đá có niên đại tạo dựng sớm, nội dung từng tấm bia có giá trị khác nhau, cùng hệ thống tượng thờ đa dạng, có số lượng lớn và có niên đại tạo tác từ thế kỷ XVII, XVIII, XIX và XII có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc của Việt Nam trong thời Lê, Nguyễn. Các di vật này là minh chứng, là nguồn sử liệu quan trọng giúp thế hệ hôm nay và mai sau hiểu được công lao to lớn của thế hệ cha ông, học tập và phát huy những giá trị truyền thống, đồng thời, là căn cứ làm sáng tỏ quá trình lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc.

Chú thích

1. Bia Trung Nghĩa Lý lập năm 1764. Trong Tư liệu lịch sử quê hương Sủi
2. Gia phả họ Trần ở Phú Thị – mục nguyên quán và địa lý hành chính Kinh Bắc của Nguyễn Văn Huyên. Trong Tư liệu lịch sử quê hương Sủi
3. Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1981). Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (Thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra)
4. Bia dựng ngày 15 tháng 2 năm Quý Dậu niên hệu Đức Long năm thứ 5, Triều Lê (1633). Người dịch: Nguyễn Đức Hùng
5. Bia dựng ngày 1 tháng 5 năm Tân Tỵ, niên hiệu Dương Hòa thứ bảy triều Lê. Người dịch: Cao Huy Dĩnh trong Tư liệu lịch sử quê hương Sủi của ban quản lý Hà Nội. 
6. Tức năm 1933
7. Người dịch: Nguyễn Đức Hùng Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm. Di tích lịch sử văn hóa cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm
8. Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm. Di tích lịch sử văn hóa cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm
9. Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải, Đinh Khắc Thuân đối chiếu và chỉnh lý, Việt sử lược, Nxb Thuận Hóa, 2005, tr.114.

Tài liệu tham khảo

  • Ban quản lý di tích Phú Thị Gia Lâm-Hà Nội (2004), Tư liệu lịch sử quê hương Sủi.
  • Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm (2010), Di tích lịch sử văn hóa cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm.
  • Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải, Đinh Khắc Thuân đối chiếu và chỉnh lý, Việt sử lược, Nxb Thuận Hóa, 2005.
  • Viện Nghiên cứu Hán Nôm (1981), Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (Thuộc các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra).
5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ
Z4922460233612 78dd0058f5f5ebfaff262b470a68ad4b

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)