Câu chuyện Phật giáo: Hòa thượng dùng pháp thiện xảo trị bệnh giáo hóa cai ngục

Câu chuyện Phật giáo: Hòa thượng dùng pháp thiện xảo trị bệnh giáo hóa cai ngục

Vào khoảng những năm 1980, phần lớn dân chúng không đủ ăn, sống rất vất vả, lo toan. Hòa thượng (HT) Thích Trí Tịnh, mà sau này chúng tôi thường gọi là Tổ Linh Phong, đang bị giam giữ, cải tạo, trong khoảng 15 năm, từ các nhà giam ở Nam Định, Sơn Tây đến Ninh Bình, Thanh Hóa.

Trong tù, điều kiện sinh hoạt rất khắc nghiệt, bị o ép về nhiều điều, nhưng HT. Thích Trí Tịnh vẫn một mực nhất tâm trì trai giữ giới, giữ gìn đạo phong, tu hành của một bậc trí giả, một bậc hành giả, nhất định không chịu xả giới hoàn tục.

Sau này có lúc ngài tự sự: tôi không xả giới hoàn tục, họ ép tôi, tôi đã dùng đến biện pháp cực đoan cuối cùng là dùng cái chết để cảnh báo với họ. Cuối cùng thì họ cũng phải đồng ý để cho tôi trở thành một nhà sư, tu hành trong tù. “Con người ta có số”, số tôi nhàn nhã và giàu có thì dẫu có ở trong tù thì cũng nhàn nhã và giàu có như thường.

Người ta giao cho ngài trông nom một cái “quán” ở phía ngoài, gần cổng trại giam, ven một con suối, có mấy chục gốc dâu ta… bấy giờ mọi thứ đều khan hiếm. Người nhà của tù nhân ở nơi xa thường gửi tiền vào cho thân nhân, các thức ăn uống, do đường xá xa xôi, kiểm soát ngặt nghèo nên rất hiếm và không để lâu được. Tù nhân rất đói khát, thèm thuồng mọi thứ.

Có khi tù nhân phải lấy lá sắn khô thái ra để làm thuốc lào mà hút, uống trà xong lại lấy bã đem phơi khô, hái thêm ít búp sim búp ổi trộn với bã trà khô pha để uống để cho đỡ thèm. Những lúc vật vã như thế, họ ra chỗ “quán xá” của cụ ở ngoài cổng trại, cái gì xin được thì xin, cái gì mua được thì mua…

Mùa dâu chín, chín rũ, chín sẫm dọc theo bờ suối, cụ bảo một số tù nhân, kể cả cai ngục, ai có chút đường nào thì mang ra hái dâu ngâm đường làm si-rô mà bồi dưỡng. Hết mùa dâu, chỗ cụ có hàng chum thứ nước ấy.

Mỗi lần đám tù nhân, dân cải tạo ra chơi, cụ lại biếu họ, tùy người mà nhiều ít khác nhau để bồi dưỡng. Tuy là tù nhân nhưng họ cũng khí khái, có đồng bạc hay vật dụng gì họ lại hoàn trả lại cho cụ. Từ đó ngài lại đem giúp đỡ người khác. 

To-Linh-Phong- va- cu-si-Hue-Minh (1)
Ảnh: Tổ Linh Phong và cư sĩ Huệ Minh

Lần ấy, khi giao tiếp với các vị giám thị của một trại giam ngài nhận thấy, vị giám thị số một phụ trách trại giam, trong quãng thời gian khoảng một tháng gần đây, bỗng nhiên người gầy rộc, da vàng bệch, xanh rớt, ánh mắt lờ đờ mệt mỏi. Lựa lúc thuận lợi, ngài mới cất lời hỏi ông giám thị rằng: hình như sức khỏe của thủ trưởng không được tốt ạ? 

Lúc đó là buổi trưa, còn người qua lại, nên ông giám thị làm ra vẻ không nghe thấy, đứng dậy lạnh lùng bỏ đi.

Khoảng 3 giờ chiều, khi cụ chuẩn bị tụng kinh niệm Phật, bỗng có tiếng gõ cửa khe khẽ. Ông giám thị đi vào, không còn thái độ trịch thượng, ông nhìn ra phía ngoài, khép cửa lại: – Tôi có chuyện này hỏi thầy, làm sao thầy biết được, tôi đang ngã bệnh? Thầy biết được thì có cách gì để chữa được không? 

Cụ bèn kéo ghế cho ông giám thị ngồi, pha một cốc nước si-rô dâu đưa cho ông uống và bảo: tôi là người tu hành lâu năm, trước ở với thầy Tổ có được biết một số bài thuốc bí truyền. Nay nhìn bệnh tình như thế này, xin ông kể cho rõ, giúp được gì, tôi xin hết lòng.


Ông giám thị chậm rãi nói, cụ chăm chú lắng nghe. Ông đằng hắng một tiếng, quay ra bảo với cụ rằng: 3 tháng nay, ở nơi lam sơn chướng khí, rừng thiêng nước độc thế này, tôi bị ngã bệnh. Bệnh của tôi khó nói lắm, khó xử lắm. Nếu bây giờ người ta mà biết tôi ngã bệnh thì nhiều chuyện phiền toái sẽ xảy ra, nhẹ thì họ chuyển tôi tới nơi khác, nặng thì họ cho đi chữa bệnh, rồi đứt luôn. Chức vụ, của cải trong chốc lát tiêu tan thành mây khói, nghĩ đi nghĩ lại không biết làm như thế nào… 

Nghe kỹ câu chuyện, cụ bảo: Ở đằng sau có chỗ vệ sinh, ông lấy mảnh lá khoai ra đó, cố gắng đại tiện cho tôi xem phân thế nào, tôi sẽ bày cách chữa khỏi bệnh cho ông. 

Ông giám thị ngó nghiêng ngoài cửa một lần nữa, rồi đi ra phía đằng sau… một lát quay lại, ông bảo: đi đại tiện được rồi nhưng chẳng có gì ngoài một chút máu, mủ và mũi thôi.

Cụ mang ra soi thật kỹ, thì ra bệnh của ngài giám thị số 1 đã quá nặng, bệnh từ chỗ kiết lỵ đã trở thành thương hàn, đến bây giờ thì ăn vào không tiêu, mà lúc đi đại tiện chỉ nạo ra niêm mạc của dạ dày, ruột non, ruột già mà thôi, cứ như thế này thì chỉ trong thời gian nữa là đi.

Biết rằng bệnh tình ông giám thị nặng, cụ buồn bã bảo với ông ta rằng: kiết lỵ đã chuyển sang thương hàn, bệnh đã ở giai đoạn cuối, cả đông y hay tây y đều khó có thể chữa được, nhưng tôi đảm bảo, tôi có thể chữa cho ngài khỏi bệnh hoàn toàn.

Nghe nói đến đây, ông giám thị vội vàng reo lên: thế à!

Cụ bảo: thôi được rồi, ông cứ về. Hiện giờ cũng chưa thể chữa ngay được. Một lát nữa quay lại, tôi sẽ bày cách cho. 

Tối hôm đấy, trời mùa đông lạnh buốt, bên ngoài gió bấc thổi xào xạc trên cánh đồng mía, mà tù nhân trong trại trồng và đang thu hoạch, viên giám thị đến chỗ cụ.

Cụ bảo: tôi có bài thuốc bí truyền này, tôi tuy là nhà sư, lấy giới cấm sát sinh làm trọng, nhưng tôi xin cống hiến với ngài, gọi là dùng phương tiện để trị bệnh cứu người. Bệnh của ngài vốn do ăn uống không phù hợp, thời tiết lam sơn chướng khí, tâm hồn thì lo lắng cảm nghĩ, lúc nào cũng lo sợ. Bên ngoài thì áp lực vào, bên trong áp lực ra, người ta gọi là nội cảm ngoại thương, cho nên phát sinh ra bệnh kiết lỵ. Bệnh chuyển biến, không được chữa trị kịp thời, nó sinh ra bệnh thương hàn. Bệnh này ở nơi lam sơn chướng khí, những nơi tù đày tại Trung Quốc, Việt Nam, mười người mắc thì chết chín, các nhà tù lớn trên Sơn La, Lao Bảo hay Tây Nguyên, phần lớn tù nhân chết đều là do thương hàn cả.

Ở đây mà mắc phải bệnh này, bệnh lây, ngài cần phải chữa trị gấp. Ngài nghe cho kĩ, sáng mai ngài tìm lấy hai đứa tâm phúc, có sức khỏe, cho họ ăn no rồi bảo họ ra khúc suối nào hoang vu, còn nước, bảo chúng mò lấy cho được khoảng 3 đấu ốc, ốc vặn, ốc đá gì cũng được, mang về cũng gần trưa rồi, rửa sạch ốc đi, ngâm với một chút muối, cắt vào đấy đôi ba quả ớt cay mà ngâm, thay nước vài lần. Tầm 4 – 5 giờ chiều, ngài bảo họ rửa thật sạch, bỏ vào nồi có vung, đổ vào hai bát con nước, thêm vài lá chanh, lá bưởi, củ sả đậy vung, đun to lửa, trào sôi lên hai lần thì tắt bếp, lọc ra lấy một bát nước ốc. Còn phần ốc đã luộc thì ngài nhể ăn hết rồi uống bát nước luộc ốc. Xong xuôi, ăn tối nhẹ nhàng, nằm nghỉ. Có gì hôm sau ra đây tôi bày tiếp.

Cụ nói đi nói lại thật kỹ.

Sáng hôm sau, mới tang tảng sáng, sương còn đang mù mịt, bỗng nhiên có tiếng đập cửa gọi: Cụ ơi! ông giám thị bước vào, mặt tươi như hoa, mắt long lanh cảm động vội vàng.

Ông bảo: Cụ ơi, chiều tối hôm qua tôi ăn ốc, uống bát nước ốc của cụ xong, đêm qua tôi nằm ngủ lặng lẽ, nhẹ nhàng. Bỗng nhiên đến 4 giờ sáng nay tôi đi đồng, tháo xả được, đúng là nó thật kinh khủng, chưa bao giờ được sung sướng như thế! từ lúc cha sinh mẹ đẻ tôi chưa bao giờ được sung sướng như thế. Đúng là trên sướng xuống, dưới xuống lên. Cụ đúng là thần y. Giờ nên làm thế nào nữa hả cụ? 

Cụ bảo: thật ra thì người ta gọi là phúc chủ lộc thầy. Tôi biết cái bài thuốc bí truyền này, từ ngày xưa các cụ thân sinh ra tôi, rồi sau đó là thầy Tổ dạy. 

Bảo rằng, bệnh thương hàn là cái bệnh lạnh nhưng nó biểu hiện ra lại vô cùng nóng. Ốc luộc thì nó lại là cái thứ chất lạnh, thuộc về khí lạnh.

Bệnh và thuốc gặp được nhau thì cứ như là ét-xăng đổ ra gặp lửa vậy, bốc lên thế là bệnh tiêu tan. Bây giờ thế này, hôm nay, ngài cố gắng nghỉ ngơi, có mía thì ăn vài tấm, buổi trưa ăn uống bình thường. Mọi chuyện nhẹ nhàng, nhà ngài có rượu thuốc thì làm một chén nhỏ rồi nghỉ ngơi. Sáng nay tầm 9 giờ, ngài lại bảo hai thằng hôm qua, cho họ vài đồng, đừng để cho chúng nó biết chuyện mình thành bệnh. Được ốc rồi lại làm như hôm qua, chập tối ngài lại ăn như thế, chỉ cần hai lần nữa “cơm ba bát thuốc ba thang”! Sau đó giữ mọi cái nhẹ nhàng, giữ gìn ăn uống, kiêng đồ béo, kiêng đồ tanh. Một tuần, bệnh lành lặn lại, sau đó nếu ngài muốn bồi bổ, thì ở đất này thiếu gì bài. 

Kết quả giám thị số 1 ở một trại giam sơn cước Thanh Hóa, sau khi dùng thuốc đặc biệt của HT. Linh Phong thì khỏi hẳn bệnh.

Ít lâu sau, ông giám thị bảo cụ rằng: Thân bệnh của tôi thì khỏi rồi, tâm bệnh thì như thế nào, xin cụ chỉ giáo?

Cụ bảo: Ông làm chúa ngục ở đây, đánh đập người ta, giam cầm người ta, sỉ vả người ta, nghiệp chướng cũng không phải là nhỏ. Thôi bây giờ nên nhẹ tay một chút, khi nào có cơ hội, càng sớm càng tốt, nên chuyển tiền bạc về, cố gắng tu nhân tích đức. Hình như ngài đã được 4 cô con gái rồi à, về nhà, tuổi ngài thì chưa nhiều, có thể phúc lớn lại đẻ thêm con trai đấy… 

Hơn 3 năm sau, khi cụ ra tù thì vị giám thị số 1 này cũng đã trở về hưu trí, trở thành một đại gia ở Sài Gòn. Gặp lại cụ, vị đó mừng rỡ vô cùng. Cụ xây dựng chùa chiền, giai đoạn ban đầu mua đất, làm chùa phần lớn là tiền cúng của vị đó. Vị đó khuyến hóa anh em bầu bạn, hữu tâm hữu sản, tứ sự cúng dàng Tam Bảo rất nhiều.

Trở thành một Cao Tăng hộ trì Phật Pháp, Tổ Linh Phong quả thật đã dùng phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sinh. Đây là điều mà mỗi Tăng Ni xuất gia cũng như cư sĩ tại gia cần phải lưu tâm để đảm bảo Phật Pháp vô biên vô lượng./.

Tác giả và ảnh chụp: Cư sĩ Huệ Minh – Lê Minh Nghĩa 

5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ
To-Linh-Phong

Địa điểm liên quan

Nội dung đang được cập nhật.

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

banner APP CHỐN THIÊNG 3 (60X90)