Đầu năm 2024, trong một vài lần trao đổi Pháp đàm, chư Tăng chùa Sủi có đề cập đến việc “ôn cố tri tân”, tập hợp, nghiên cứu, tìm hiểu hành trạng, công tích của chư vị Tổ Sư liên hữu. Trong đó có nguyện vọng, yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về cố HT. Thích Tâm An, người có công lao to lớn đối với GHPGVN nói chung, Sơn môn Tế Xuyên – Bảo Khám nói riêng.
Chư vị TT. Thích Thanh Phương trụ trì Tổ đình chùa Sủi – Đại Dương Sùng Phúc tự, TT. Thích Đức Nguyên trụ trì chùa Khoan Tế – Cự Đà và đại Tăng trong Tổ đình Sơn môn Tế Xuyên – Bảo Khám, chư vị HT. Thích Thanh Hưng, Thích Bảo Nghiêm, Thích Thanh Ninh v.v. thấy rằng việc “kế vãng khai lai”, “ôn cố tri tân”, làm sáng tỏ công đức của chư Tổ, đặc biệt là các vị Tổ Sư có ảnh hưởng một cách trực tiếp và gần gũi trong thời gian gần đây có ý nghĩa lịch sử và học thuật rất lớn.
Những ý tưởng này đã được Tăng Ni Phật tử, đặc biệt là đội ngũ những người nghiên cứu, làm việc tại Văn phòng Bảo tồn Di tích Phật giáo chùa Sủi, nhiệt liệt hoan nghênh, hưởng ứng và mong muốn được tham gia, đóng góp làm việc.
Công việc tìm hiểu, nghiên cứu để có thể làm tập kỷ yếu về cố HT. Thích Tâm An có thể ra mắt vào dịp Giỗ lần thứ 43 của Ngài (Ngày 13 tháng 9 âm lịch), thực sự là một khó khăn lớn đối với những người nghiên cứu. Hành trạng, sự kiện của/ về cố HT. Thích Tâm An, tuy mới cách chúng ta 40 chục năm, nhưng do thế sự quá nhiều, công việc nhân sự, tổ chức thay đổi liên tục, bừa bộn nên di sản tài liệu nhân chứng, sách vở của/ về cố HT. Thích Tâm An tản mát, còn không nhiều.
Thích Thanh Phương, TT. Thích Đức Nguyên cùng các nhà nghiên cứu của Văn phòng Bảo tồn bắt tay ngay vào việc tìm hiểu, tập hợp tài liệu. Quá trình đó đã nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo, tâm sự, phỏng vấn rất nhiệt tình, đầy đủ của chư Tăng Ni các Tổ đình liên quan. Trong đó có những tài liệu, bút tích, ghi chép, tranh ảnh từ HT. Thích Bảo Nghiêm, từ chốn Tổ Quốc Sư, từ HT. Thích Thanh Ninh… Trên cơ sở ấy, mọi việc cũng đỡ khó khăn, không đến nỗi “nước lã mà phải vã lên hồ”…
Kết quả là, vào dịp giỗ Tổ Tâm An 43 năm nhập diệt, lần đầu tiên ấn phẩm “Kỷ yếu cố Hòa thượng Thích Tâm An” đã được ra mắt với gần 100 trang chữ in và tranh ảnh. Đó là nén tâm hương hoan hỷ và tự tin của chư Tôn đức Tăng Ni Phật tử dâng lên cúng dàng Phật, Tổ.
Trong hệ thống các bài viết tương đối bao quát về hành trạng, thân thế, sự nghiệp, về công trạng… hoạt động khảo sát sự kiện, địa danh, nhân vật được phản ánh, thảo luận, bình luận trong kỷ yếu, những người nghiên cứu trong cuộc thấy rằng, còn có những điều chưa phản ánh được, chưa phác họa rõ chân dung đầy đủ, sống động về cố HT. Thích Tâm An.
Quá trình HT. Thích Tâm An hoạt động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đặc biệt những năm 1957 đến khi Ngài viên tịch, xung quanh Ngài còn có chư Tôn túc Hòa thượng cùng hoạt động, có sự chia sẻ, gắn kết, cộng sự để làm nên những việc phi thường, to tát, như cố HT. Thích Thế Long, cố HT. Thích Trí Độ, cố HT. Thích Đức Nhuận, cố Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám v.v.
Tại chùa Quán Sứ, nơi HT. Tâm An một thời trụ trì còn có các HT khác. Quý Ngài còn có những cách nhìn, lập trường khác nhau, nhưng đều chung một nỗi niềm đau đáu kính Phật yêu nước.
Do vậy, trong bài viết dưới đây, chúng con muốn đề cập, gọi là một vài phác, họa chấm phá về chân dung chư vị Hòa thượng, Cư sĩ đã cộng sự, cùng làm việc, đồng chí hướng với cố HT. Thích Tâm An. Mong muốn được đăng danh, tán thán, ca ngợi chư vị HT. Thích Thế Long, Thích Trí Độ, Thích Quảng Dung, Thích Đức Nhuận, chư vị Cư sĩ Lê Đình Thám,v.v. Chúng con cũng muốn được đăng danh, tán thán chư vị Hòa thượng danh Tăng Thích Tuệ Tạng, Thích Tố Liên, Thích Trí Hải, Cư sĩ Nguyễn Hữu Kha, v.v, trong ấn phẩm nhiều ý nghĩa này.
Hy vọng, đó là điều chúng con có thể bù đắp phần nào thiếu sót mà cuốn Kỷ yếu về cố Hòa thượng Thích Tâm An ấn bản lần này chưa đề cập được sâu sắc.
Sau khi miền Bắc nước ta đã được hoàn toàn giải phóng, cố Hòa thượng Thích Tâm An được Đoàn thể và chư Tăng phân công, thỉnh mời từ chùa Quốc Sư – Hưng Yên lên chùa Quán Sứ – Hà Nội để gánh vác, chung lo công việc cùng đồng sự Tăng chúng. Phật sự của cố HT. Thích Tâm An gắn liền với tổ chức, trong sự tương tác với các cộng sự Tăng chư vị Hòa thượng, Thượng tọa Tôn túc từng trải, giàu kinh nghiệm, có bề dày hoạt động, là chủ chốt của Phật giáo miền Bắc đương thời, lấy chùa Quán Sứ – Hà Nội làm trung tâm hoạt động, từ đó nhiều Tăng tài được quy tụ về.
Thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến chống Pháp, địa bàn hoạt động của cố HT. Thích Tâm An chủ yếu là khu vực Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên và các vùng hoạt động phụ cận với ngôi chùa cổ kính là chùa Quốc Sư ở Hưng Yên. Sau kháng chiến chống Pháp, nhận thấy công lao, đức hạnh, vai trò và năng lực, cũng như nhiệt huyết đặc biệt của cố HT. Thích Tâm An thì chư Tăng ở miền Bắc, trong sự phối hợp với Đoàn thể, Mặt trận lúc bấy giờ đã khuyến thỉnh HT. Thích Tâm An lên Hà Nội, ở tại chùa Quán Sứ để lo toan, làm việc cho phong trào Phật giáo ở miền Bắc. Chuẩn bị các điều kiện cho giai đoạn tiếp theo của phong trào Phật giáo trong chỉnh thể cuộc Cách mạng đấu tranh thống nhất nước nhà.
Lúc bấy giờ, điều kiện kinh tế – xã hội, bối cảnh lịch sử ở miền Bắc rất phức tạp. Nửa nước vừa mới được giải phóng, đang tồn tại những trào lưu suy nghĩ khác nhau, những tư tưởng khác nhau, một bộ phận nhân sự và tổ chức Phật giáo đã di cư vào trong Nam, bộ phận ở lại thì có những nhận thức và những tổ chức khác nhau, liên quan đến các tổ chức Phật giáo cũ như Hội Phật giáo Bắc kỳ…
Trong điều kiện đó, cộng sự Tăng khá đông đảo từ nhiều nơi được tập hợp về chùa Quán Sứ – Hà Nội với lòng mộ Đạo, yêu nước, với tinh thần dân tộc sâu sắc, đã đoàn kết, nhất trí cùng nhau quần tụ xây dựng tổ chức và lực lượng. Lịch sử kể đến các tên tuổi, danh Tăng như cố HT. Thích Trí Độ, cố HT. Thích Thế Long, cố HT. Thích Quảng Dung, cố HT. Thích Đức Nhuận, cố Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám,v.v. Đây là những cộng sự Tăng, những người bạn, đồng chí hướng cùng làm việc cùng lo toan công việc của Phật giáo miền Bắc thời kỳ sau hòa bình lập lại, cùng với các Hòa thượng khác, lo toan, giải quyết các công việc bừa bộn, phức tạp, tồn đọng, mới mẻ của Phật giáo sau chiến tranh. Tìm kiếm nhân sự Tăng tài, nghiên cứu, tìm tòi mô thức, thành lập các tổ chức phù hợp, mở các lớp đào tạo, huấn luyện, đối nội, đối ngoại, duy trì, giữ gìn và làm mạnh mẽ mạng mạch của Phật giáo.
Trong giai đoạn hết sức phức tạp này, dưới sự lãnh đạo sâu sắc, toàn diện của Đoàn thể, Chính quyền, Mặt trận, Phật giáo miền Bắc đã chọn được các vị Hòa thượng Tôn túc đầy nhiệt huyết, các cộng sự tiêu biểu tạo thành tổ chức chung tay làm việc, trong đó có cố HT. Thích Tâm An, cùng nhau xây dựng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, từ phôi thai cơ sở Chi hội Hà Nội (1958) đến sự ra mắt Trung Ương Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (1960).
Dưới đây là phác họa chân dung của các bậc Tôn túc tiêu biểu:
Hòa thượng Thích Trí Độ (1894 – 1979)
Ngài pháp danh là Trí Độ, hiệu là Hồng Chân, thế danh là Lê Kim Ba, quê quán ở Tuy Phước Bình Định. Sau giải phóng Thủ đô, Ngài được giao trụ trì chùa Quán Sứ tại Thủ đô Hà Nội. Hòa thượng Thích Trí Độ là một bậc Tam tạng Pháp sư nổi tiếng, chư Tăng chùa Quán Sứ nhất trí công cử Ngài ở ngôi thủ chúng. Hòa thượng là trung tâm đoàn kết, hòa hợp, là trụ cột tham vấn chính sách cho các tổ chức Nhà nước, cùng giữ gìn mạng mạch của Tăng già Phật pháp. Ngài đã đề nghị, chủ động cho mở các lớp dạy Phật pháp, dù là lớp to, lớp nhỏ, lớp cao cấp, lớp sơ cấp hay chỉ là những nhóm nhỏ, HT. Thích Trí Độ luôn luôn là người chủ trương, chỉ đạo, tâm huyết, lấy nội điển làm căn cốt, quyết tâm giữ gìn mạng mạch Phật pháp nước nhà. Hòa thượng Thích Trí Độ đã quan tâm, hiểu kỹ và thỉnh mời HT. Thích Tâm An từ chùa Quốc Sư ở Hưng Yên lên Hà Nội gia nhập vào Tăng chúng tại chùa Quán Sứ. Theo đề nghị của Hòa thượng Trí Độ, Hòa thượng Thích Tâm An đã mang theo nhiều kinh sách, để biên tập, biên soạn, làm tài liệu cho Tăng Ni sinh có cơ sở tu học.
Cố Hòa thượng Thích Trí Độ là một bậc Tôn Túc Trưởng lão, là rường cột của Phật giáo đất Bắc. Sau thống nhất đất nước 1975, Ngài đã có chuyến du hành miền Nam, thăm hỏi Tăng Ni Phật tử, đệ tử, Pháp tử, học đồ và các thế hệ Tăng Ni đồng đạo. Chuyến Hoằng pháp này đã tạo ấn tượng hy hữu với Tăng Ni cả nước, có sức cảm hóa, gắn kết và hòa hợp, tạo thiện duyên rất lớn để Tăng Ni hai miền Nam Bắc cùng quyết tâm xây dựng cho được ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam.
Cố HT. Thích Thế Long (1889 – 1985)
Cộng sự thâm tín của cố HT. Thích Tâm An. Ngài họ Phạm, pháp danh là Thế Long, quê ở Hải Anh, Hải Hậu – Nam Hà, xuất thân trong một gia đình truyền thống Nho gia, thâm tín Phật pháp, là con trai duy nhất của cụ Phạm Văn Ngoan, sau này cũng là người xuất gia tu hành.
Từ sau năm 1955 cho đến khi viên tịch, cố HT. Phạm Thế Long là một nhà hoạt động Tôn giáo, chính trị đặc biệt xuất sắc, là Đại biểu Quốc hội, được Quốc hội cung thỉnh ở ngôi vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội, Ngài vừa hoạt động ở Trung ương Giáo hội tại chùa Quán Sứ vừa tham gia trong các tổ chức, các phong trào Phật giáo Thế giới, đồng thời trụ trì chùa Cổ Lễ ở Nam Trực – Nam Định, có vai trò to lớn cho việc ra đời GHPGVN năm 1981.
Cố HT. Thích Quảng Dung (1901 – 1977)
[Tới nay chúng con vẫn chưa sưu tập được ảnh chân dung của Ngài, kính mong có sự hỗ trợ!]
Một cộng sự Tăng gắn kết sâu sắc với cố HT. Thích Tâm An, là người nối ngôi trụ trì chư vị Tổ sư, tại chốn Tổ Đa Bảo, Phú Xuyên, Hà Tây (nay là Hà Nội). Đa Bảo là một chốn Tổ lừng danh, to lớn, lâu đời, tập hợp đông đảo Tăng Ni của Phật giáo miền Bắc. Nhiều vị Tổ sư, cao Tăng thạc đức đã tòng môn xuất chúng từ đây. Có câu rằng: “nhất Đọi, nhì Đa, thứ ba Khê Hồi”. Sau cụ Quảng Dung một thế hệ, Tổ Ráng – Đức Đệ Tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ cũng phát tích từ chùa Viên Minh – Đa Bảo. Cố HT. Quảng Dung đã được chư Tôn đức cử tham gia đại biểu Quốc hội đến khi viên tịch. Hiện bảo tháp của cố HT. Thích Quảng Dung đã được an tọa tại chốn Tổ Đa Bảo – Phú Xuyên, Hà Nội.
Cố HT. Thích Đức Nhuận (1897 – 1993)
Là một trong những cộng sự Tăng, tham gia tích cực, chủ đạo, gìn giữ mạng mạch và tổ chức các hoạt động giảng dạy, đào tạo Tăng tài cùng với HT. Tâm An.
Ngài có thế danh là Phạm Đức Hạp, quê hương ở Hải Phương, Hải Hậu, Nam Định. Ngài còn tôn xưng là Tổ Đồng (Đồng Đắc), sau năm 1981, Ngài làm Đệ Nhất Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cố HT. Thích Đức Nhuận là một bậc Tôn túc Trưởng lão, có một hệ thống các Pháp tử, đệ tử, đệ tôn rất đông đúc, có nhiều vị đã di cư vào Nam dịp năm 1954, tham gia các hoạt động Phật giáo ở miền Nam, trở thành những rường cột của Phật giáo nước nhà.
Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897 – 1969) – Cộng sự thâm tín của Cố HT. Thích Tâm An.
Cụ Tâm Minh Lê Đình Thám quê tại Đồng Mỹ, Điện Bàn, Quảng Nam. Xuất thân trong một gia đình quyền quý, có thân phụ là Binh bộ Thượng thư dưới triều vua Tự Đức. Cụ là Phật tử thuần thành, có nhiều đóng góp cho tổ chức và hoạt động, biên soạn Kinh sách cho Phật giáo Việt Nam… Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đại diện cho giới Phật tử tri thức nước nhà nhiều năm làm Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới của nước ta.
Kết luận
Sau khi Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1955), tình hình Phật giáo ở đây rất phức tạp. Bộ phận lớn là Tăng Ni Phật tử kiên trung, gắn kết với chế độ chính trị mới, gắn kết Đạo pháp và Dân tộc, đồng hành sát sao, liên hệ mật thiết với thể chế mới đang hoàn thiện, nhưng cũng còn có một bộ phận chư Tăng Hòa thượng vốn hành đạo, hoạt động trong vùng địch hậu, đã từng làm việc với thể chế cũ, khi Kháng chiến kết thúc đã không di cư và Nam mà kiên trì ở lại đất Bắc, thích ứng, phục vụ nhân dân, phục vụ tín đồ trong chế độ mới, tiêu biểu là chư vị Tôn túc Hòa thượng Thích Tuệ Tạng, Thích Tố Liên, Thích Trí Hải, v.v. Quý Ngài vẫn luôn kiên trì Đạo pháp, giữ hòa hợp Tăng, luôn “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”, đoàn kết, gắn bó với chư Tăng lãnh đạo các tổ chức Phật giáo đương thời. Việc xây dựng được hệ thống cộng sự Tăng với các HT. Thích Tâm An, Thích Trí Độ, Thích Thế Long, Thích Quảng Dung, Thích Đức Nhuận, cư sĩ Lê Đình Thám, v.v. là nền tảng, là động lực quan trọng đặc biệt, đã đưa hoạt động Phật giáo tại chùa Quán Sứ nói riêng, ở miền Bắc nói chung lên tầm cao của thời đại Cách mạng mới. /.
Tài liệu tham khảo
- HT. Thích Tâm An, Bút lục, do TT. Thích Thanh Phương cung cấp.
- Ban Biên tập chư Tăng Tổ đình Tế Xuyên Bảo Khám, “Kế hoạch biên soạn kỷ yếu cố Trưởng lão HT. Thích Tâm An”, 2024.
- TT. Thích Đồng Bổn (2009), “Bảng thống kê chư Tăng khóa I trường Cao cấp Phật học Việt Nam tại chùa Quán Sứ”, Biên niên sử giới đàn Tăng Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Tôn Giáo.
- TT. Thích Đồng Bổn (1995), Tiểu sử danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 2, Thành hội Phật giáo TP. HCM.
- Chùa Phật học Xá Lợi, “Hòa thượng Thích Tâm An (1892 – 1982)”, https://chuaxaloi.vn/thong-tin/hoa-thuong-thich-tam-an-1892-1982/2388.html