Di Sản Hoành Phi, Câu Đối Của Chùa Keo

Di Sản Hoành Phi, Câu Đối Của Chùa Keo

Thông tin cơ bản

Chùa Keo hiện tại có 23 bức hoành phi, 18 bộ câu đối. Hệ thống hoành phi câu đối chùa Keo đa dạng và nhiều giá trị. Trong đó, phải kể đến 5 bộ câu đối phía ngoài nhà Tiền đường và một 1 bộ câu đối sơn đỏ nằm trong cùng nhà Tổ, đây đều là các bộ câu đối cổ, có giá trị không chỉ về nội dung mà còn cả giá trị nghệ thuật. 

  • Giới thiệu chung

Qua những câu chuyện truyền thuyết xa xưa như “Thánh Gióng”, “Tấm Cám”, “Sọ dừa”,… đã cho thấy người Việt ta trọng lối sống nghĩa tình, ở hiền gặp lành, hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em, yêu làng nước, yêu đồng bào. Những lời răn dạy, giáo dục này được cha ông thổi hồn vào những con chữ, dùng sự biến hóa ảo diệu trong lối chơi chữ, gieo vần để tạo thành những bức hoành phi, câu đối tuy ít chữ nhưng ý nhiều, hài hòa về âm ngữ, sâu sắc về nội dung.

Nếu thơ văn là nghệ thuật của ngôn từ thì câu đối là tinh hoa của nghệ thuật.

Khi Phật giáo du nhập vào nước ta, dưới sự tương thích với triết lý dân tộc, giáo lý hòa mình với văn hóa dân gian đã giúp tôn giáo này nhanh chóng được người dân hưởng ứng và đón nhận rộng rãi. Treo hoành phi, câu đối trong các địa điểm tâm linh như chùa chiền không chỉ là một vẻ đẹp văn chương và thư pháp, mà còn là ý thức trong việc truyền tải thông điệp, gửi gắm bài học về đạo đức, lòng nhân ái, tìm kiếm an lạc trong tâm hồn.

Chùa Keo hiện tại có 23 bức hoành phi, 18 bộ câu đối. Hệ thống hoành phi câu đối chùa Keo đa dạng và nhiều giá trị. Trong đó, phải kể đến 4 bộ câu đối phía ngoài nhà Tiền đường và một bộ câu đối sơn đỏ nằm trong cùng nhà Tổ, đây đều là các bộ câu đối cổ, có giá trị không chỉ về nội dung mà còn cả giá trị nghệ thuật. Không chỉ với nét bút tài hoa, chạm khắc tinh tế mang tính thẩm mỹ cao mà nó còn chứa đựng những nội dung sâu sắc, uẩn áo1, súc tích, cô đọng, cùng với các di văn khác đã góp phần làm nên linh hồn của di tích. 

  1. Hệ thống hoành phi câu đối chùa Keo

3.1 Thượng điện

3.1.1 Hoành phi 

SƠ ĐỒ NỀn NhÀ TiỀn ĐƯỜng ChÙa Keo

Sơ đồ cột tòa Thượng điện chùa Keo

 

  1. Nguyên văn chữ Hán: 報恩重嚴寺
    Phiên âm: Báo Ân Trùng Nghiêm tự
    Dịch nghĩa: Chùa Báo Ân Trùng Nghiêm
    Vị trí: B3 – B4 và G3 – G4
  2. Nguyên văn chữ Hán: 佛日增輝
    Phiên âm: Phật nhật tăng huy
    Dịch nghĩa: Đạo Phật tỏ sáng muôn đời
     Vị trí: B5 – C5
  3. Nguyên văn chữ Hán: 慈雲徧覆
    Phiên âm: Từ vân biến phú
    Dịch nghĩa: Mây lành che khắp
    Vị trí: C5 – D5
  4. Nguyên văn chữ Hán: 慈悲喜捨
    Phiên âm: Từ bi hỷ xả2
    Dịch nghĩa: Từ bi hỷ xả
    Vị trí: D5 – E5
  5. Nguyên văn chữ Hán: 法輪常轉
    Phiên âm: Pháp luân thường chuyển
    Dịch nghĩa: Bánh xe pháp luôn luôn vận hành3
    Vị trí: B2 – C2
  6. Nguyên văn chữ Hán: 法雨均霑
    Phiên âm: Pháp Vũ quân triêm
    Dịch nghĩa: Mưa pháp chia đều
    Vị trí: C2 – D2
  7. Nguyên văn chữ Hán: 福慧莊嚴
    Phiên âm: Phúc tuệ trang nghiêm
    Dịch nghĩa: Phúc đức và trí tuệ trang nghiêm4
    Vị trí: C2 – D2
  8.  Nguyên văn chữ Hán: 望如雲
    Phiên âm: Vọng như vân
    Dịch nghĩa: Nhìn như mây
    Vị trí: F3 – F4

3.1.2. Câu đối

  1. Nguyên văn chữ Hán:
    感必通求必應憐憫有情
    內無外廣無邊英靈莫測
    Phiên âm:
    Cảm tất thông cầu tất ứng lân mẫn hữu tình
    Nội vô ngoại quảng vô biên anh linh mạc trắc
    Dịch nghĩa:
    Cảm ắt thông cầu ắt ứng, thương xót chúng hữu tình;
    Trong trống rỗng ngoài mênh mang, anh linh chẳng thể lường.
    Vị trí: B3 – B4

Câu 1

 

2.  Nguyên văn chữ Hán: 南天開福地伽藍永鎮千軍
     Phiên âm: Nam thiên5 khai phúc địa, già lam6 vĩnh trấn thiên quân
     Dịch nghĩa: Trời Nam mở cõi phúc, già lam mãi cứu muôn quân.
     Vị trí: A1* (Thiếu 1 vế)

Câu 2

3.  Nguyên văn chữ Hán: 鐘敲閣上邇遐感悟善良心   
     Phiên âm: Chung xao các thượng nhĩ hà cảm ngộ thiện lương tâm
     Dịch nghĩa: Trên gác đánh chuông, xa gần cảm ngộ lòng thiện lương.
     Vị trí: H6* (Thiếu 1 vế)

Câu 3

4.  Nguyên văn chữ Hán: 歷朝隆祀典名高南國最靈神
     Phiên âm: Lịch triều long tự điển danh cao Nam Quốc tối linh thần
     Dịch nghĩa: Trải các triều đại long trọng điển lễ, thần tối linh uy danh cao vọi cõi Nam
     Vị trí: H2 (Thiếu 1 vế) 

Câu 4

5.  Nguyên văn chữ Hán: 
    樹罩朝嵐煙引猊香熏瑞氣
    溪流地醴笙和魚梵叶潮音
    Phiên âm: 
     Thụ tráo triều lam yên dẫn nghê hương huân thụy khí
     Khê lưu địa lễ sinh hòa ngư phạm hiệp triều âm
     Dịch nghĩa: 
     Cây phủ khí buổi sớm, khói dẫn nghê hương hun khí lành;
     Khe chảy suối đất lành, sáo họa hợp tiếng gõ mõ tụng kinh.
     Vị trí: H3 – H4

Cau 5

6.  Nguyên văn chữ Hán: 
     西域有聖人,教法長流萬世;
     南天開福地,迦藍永振天軍。
     Phiên âm:
    Tây Vực7 hữu thánh nhân, giáo pháp trường lưu vạn thế;
    Nam Thiên khai phúc địa, già lam8 vĩnh chấn thiên quân.
    Dịch nghĩa:
   Tây Vực có Thánh nhân, giáo pháp truyền rộng trải muôn đời;
   Trời Nam mở cõi phúc, già lam mãi cứu muôn quân.
   Vị trí: F3 – F4

7. Nguyên văn chữ Hán:  
   歷朝隆祀典名高南國最靈神
   随處現祥光法妙西方無量佛
   Phiên âm: 
   Lịch triều giáng tự điển, danh cao Nam Quốc tối linh thần;
   Tuỳ xứ hiện tường quang, pháp diệu Tây phương vô lượng phật.
   Dịch nghĩa: 
  Trải các triều đại long trọng điển lễ, thần tối linh uy danh cao vọi cõi Nam
  Tùy chốn hiện ánh sáng lành, Tây phương vô số Phật có diệu pháp.
  Vị trí: C3 – C4 

8. Nguyên văn chữ Hán: 
   經誦案前朝暮歆祥嘉吉嘏;
   鐘敲閣上邇遐感悟善良心。
   Phiên âm:
   Kinh tụng9 án tiền, triêu mộ hân tường gia cát hỗ;
  Chung xao các thượng nhĩ hà cảm ngộ thiện lương tâm.
  Dịch nghĩa:
  Trước bàn tụng kinh, sớm chiều tinh thành cầu thêm phúc thiện;
  Trên gác đánh chuông, xa gần cảm ngộ lòng thiện lương.
  Vị trí: D3 – D4

3.2. Tam Bảo

SƠ ĐỒ NỀn ChÙa Keo 04

Sơ đồ cột nhà Tam Bảo chùa Keo

3.2.1. Hoành Phi 

  1. Nguyên văn chữ Hán: 甘露咸霑
    Phiên âm: Cam Lộ Hàm Triêm
    Dịch nghĩa: Thấm nhuần nước cam lộ10
    Vị trí: C7 – C8
  2. Nguyên văn chữ Hán: 神功莫測
    Phiên âm: Thần công mạc trắc
    Dịch nghĩa: Công của thần chẳng thể lường.
    Vị trí: C6 – C7
  3. Nguyên văn chữ Hán: 護持明珠
    Phiên âm: Hộ trì minh châu11
    Dịch nghĩa: Bảo vệ hộ trì ngọc minh châu
    Vị trí: C5 – C6
  4. Nguyên văn chữ Hán: 慈悲廣大
    Phiên âm: Từ bi quảng đại
    Dịch nghĩa: Từ bi rộng lớn 12
    Vị trí: C4 – C5
  5. Nguyên văn chữ Hán: 將天梵顯
    Phiên âm: Tướng thiên phạn hiển
    Dịch nghĩa: Tướng trời hiển thanh tịnh.
    Vị trí: C3 – C4
  6. Nguyên văn chữ Hán: 聖德難量
    Phiên âm: Thánh đức nan lường
    Dịch nghĩa: Đức của thánh chẳng thể lường đoán.
    Vị trí: C2 – C3
  7.  Nguyên văn chữ Hán: 明佛心宗
    Phiên âm: Minh Phật tâm tông
    Dịch nghĩa: Sáng rõ bản tâm Phật
    Vị trí: C1 – C2
  8. Nguyên văn chữ Hán: 福慧莊嚴
    Phiên âm: Phúc tuệ trang nghiêm
    Dịch nghĩa: Phúc tuệ và trí tuệ đều trang nghiêm
    Vị trí: D4 – D5
  9.  Nguyên văn chữ Hán: 依正莊嚴
    Phiên âm: Y chính trang nghiêm
    Dịch nghĩa: Y báo và Chánh báo trang nghiêm13
    Vị trí: E4 – E5
  10. Nguyên văn chữ Hán: 常樂我淨
    Phiên âm: Thường lạc ngã tịnh14
    Dịch nghĩa: Thường lạc ngã tịnh
    Vị trí: F4 – F5

3.2.2. Câu đối 

  1. Nguyên văn chữ Hán:
    爐中射熱五分香瑞氣氤蘊騰宇宙
    案上弘宣三藏教法音演暢利人天
    Phiên âm:
    Lư trung xạ nhiệt ngũ phần hương thụy khí nhân uẩn đằng vũ trụ
    Án thượng hoằng tuyên tam tạng giáo pháp âm diễn sướng lợi nhân thiên
    Dịch nghĩa:
    Trong lò tỏa nhiệt, năm phần hương khí lành mịt mùng bay lên
    Trên bàn giảng rộng tam tạng15 giáo pháp âm diễn xướng lợi trời, người16
    Vị trí: C4 – C5
  2. Nguyên văn chữ Hán:
    千百億世界化身救苦度迷天上日
    四十九春秋說法開權顯聖實中王
    Phiên âm:
    Thiên bách ức thế giới hóa thân cứu khổ độ mê thiên thượng nhật
    Tứ thập cửu xuân thu thuyết pháp khai quyền hiển thánh thực trung vương
    Dịch nghĩa:
    Trăm nghìn ức17 thế giới hóa thân, cứu khổ vớt mê như mặt trời trên cao;
    Bốn mươi chín năm thuyết pháp18 khai quyền hiển thánh thực đứng đầu các vương.
    Vị trí: D4 – D5
  3. Nguyên văn chữ Hán:
    寶相莊嚴能妙覺應作十方之慈父
    金身丈六獨称尊現為三世之大師。
    Phiên âm:
    Bảo tướng trang nghiêm năng diệu giác ứng tác thập phương chi từ phụ
    Kim thân trượng lục độc xưng tôn hiện vi tam thế chi đại sư.
    Dịch nghĩa:
    Tướng báu trang nghiêm thực hành diệu giác, ứng làm từ phụ19 khắp mười phương
    Thân vàng sáu thước độc xưng tôn20, hiện làm đại sư trong ba đời.
    Vị trí: F4 – F5
  4. Nguyên văn chữ Hán:
    皇宮四月誕生天 降九龍齊[噴?]水
    雪嶺綠年單案辰來眾鳥共 ?花
    Phiên âm:
    Hoàng cung tứ nguyệt đản sinh thiên  giáng cửu long tề (phấn?) thủy
    Tuyết lĩnh lục niên thiền án thời lai chúng điểu cộng (?) hoa
    Dịch nghĩa:
    Cung vương bốn tháng đản sinh trời giáng chín rồng phun nước21;
    Núi tuyết lĩnh22, sáu năm tu thiền khi ấy chúng điểu cùng dâng hoa.
    Vị trí: E4 – E5
  5. Nguyên văn chữ Hán:
    龍筆批善惡,分明正直,靈聲名標梵宇
    神功運死生,顯應權司主宰,德合陰陽
    Phiên âm:
    Long bút phê thiện ác, phân minh chính trực, linh thanh danh tiêu phạm vũ
    Thần công vận tử sinh, hiển ứng quyền tư chủ tể, đức hợp âm dương
    Dịch nghĩa:
    Bút rồng phê thiện ác, phân minh chính trực, tiếng linh trùm trời đất;
    Công thần chuyển tử sinh, quyền hiển ứng làm chủ tể, đức hợp âm dương
    Vị trí: C6 – C7
  6. Nguyên văn chữ Hán:
    應三世隨緣代佛宣揚結集場中僧第一
    憫四生,示現依經啟教蒙山會上法惟心
    Phiên âm:
    Ứng tam thế tùy duyên đại Phật tuyên dương kết tập trường trung tăng đệ nhất
    Mẫn tứ sinh, thị hiện y kinh khải giáo mông sơn hội thượng pháp duy tâm
    Dịch nghĩa:
    Tùy duyên ứng ba đời, thay Phật tuyên dương giáo pháp là tăng đệ nhất trong trường kết tập;
    Thương xót tứ sinh23, thị hiện như kinh, mở giáo pháp ở hội mông sơn pháp duy tâm.
    Vị trí: C2 – C3

3.3. Nhà Tổ

3.3.1. Hoành phi

  1. Nguyên văn chữ Hán:
    禪風永振
    (時賦重戊戌年秋月
    穀日真清書)
    Phiên âm:
    Thiền phong vĩnh chấn
    (Lạc khoản: thời phú trọng Mậu Tuất niên, thu nguyệt
    Cốc nhật Chân Thanh thư)
    Dịch nghĩa:
    Phong khí nhà thiền mãi dương tỏ
    (Lạc khoản: Mùa thu năm Mậu Tuất Phú Trọng
    Ngày lành Chân Thanh viết)
    Vị trí: B4 – B5
  2. Nguyên văn chữ Hán: 禪風永振
    Phiên âm: Thiền phong vĩnh chấn
    Dịch nghĩa: Nét đẹp chốn thiền lâm mãi lan tỏa
    Vị trí: E5 – E6

Thiền Phong Vĩnh Trấn Tổ ấn Trùng Quang

3.  Nguyên văn chữ Hán: 祖印重光
     Phiên âm: Tổ ấn trùng quang
     Dịch nghĩa: Đức Tổ để lại dấu ấn sáng láng muôn đời
     Vị trí: E4 – E5

4. Nguyên văn chữ Hán: 慈化流芳 
    Phiên âm: Từ hóa lưu phương
    Dịch nghĩa: Giáo hóa bằng từ đức để lại tiếng thơm
    Vị trí: E3 – E4

5. Nguyên văn chữ Hán:
   真源玅湛
   (龍飛丁酉秋月
   穀日真清拜書)
   Phiên âm: 
   Chân nguyên diệu trạm
   (Lạc khoản: Long phi Đinh Dậu thu nguyệt
   Cốc nhật Chân Thanh bái thư)
   Dịch nghĩa: 
   Bản tâm tịch tĩnh và màu nhiệm
   (Lạc khoản: Mùa Thu năm Đinh Dậu.
   Ngày lành Chân Thanh kính viết)
   Vị trí: A4 – A5

3.3.2. Câu đối

  1. Nguyên văn chữ Hán:
    般若慈航膠地合緣登覺路
    菩提寶樹嘉林勝境發春花
    Phiên âm:
    Bát nhã từ hàng Giao địa hợp duyên đăng giác lộ
    Bồ đề bảo thụ Gia Lâm thắng cảnh phát xuân hoa
    Dịch nghĩa:
    Thuyền từ bát nhã đất Giao hợp duyên nên đường giác
    Cây báo bồ đề thắng cảnh Gia Lâm nở hoa xuân
    Vị trí:  F4 – F5

Bộ 1

2.  Nguyên văn chữ Hán:
    五葉流芳遍大千
    壹花顯瑞週沙界
    Phiên âm: 
    Ngũ diệp lưu phương biến đại thiên24
    Nhất hoa hiển thụy chu sa giới25
    Dịch nghĩa: 
    Năm đời lưu truyền để lại tiếng thơm phủ khắp đại thiên thế giới
    Một đóa hoa hiện điềm lạnh tỏa khắp pháp giới
    Vị trí: E4 – E5

3. Nguyên văn chữ Hán:
    實無灋得因地精修重嚴依正?觀止;
    登有佛成果門普攝報恩覺行堪絕倫。
    (愛真清居士明行足足黎集撰並書。龍飛戊戌年冬月穀旦)
    Phiên âm: 
    Thực vô pháp đắc nhân địa tinh tu trùng nghiêm y chính? quán chỉ;
    Đăng hữu phật thành quả môn phổ nhiếp báo ân giác hạnh kham tuyệt luân. 
    (Lạc khoản: Ái Chân Thanh cư sỹ Minh Hành Túc Túc Lê tập soạn tịnh thư. Long phi Mậu Tuất niên đông nguyệt cốc đán)
    Dịch nghĩa: 
    Thực là vô pháp được nhân duyên chùa Trùng Nghiêm đất tịnh tu y chính? quán chỉ26
     Lên có Phật thành tựu quả cửa rộng thu nhiếp, Báo Ân giác hạnh thực sự tuyệt luân.
     (Lạc khoản: Cư sĩ Ái Chân Thanh Minh Hành Túc Túc có họ Lê soạn và viết. Buổi sớm an lành mùa Đông năm Mậu Tuất)
     Vị trí: B4 – B5

4. Nguyên văn chữ Hán: 
   慧燄重嚴頓演圓宗報恩盡合祖意
   真源膠漆廣陳勝跡金山全露禪心。
   (真清居士明行足足撰並書于不感﹞
   Phiên âm: 
   Tuệ diệm Trùng Nghiêm đốn diễn viên tông, Báo Ân tận hợp tổ ý;
   Chân nguyên Giao Tất quảng trần thắng tích, Kim Sơn toàn lộ thiền tâm.
   (Lạc khoản: Chân Thanh cư sỹ, Minh Hành Túc Túc soạn tịnh thư vu bất cảm.)
   Dịch nghĩa: 
   Đuốc tuệ (chùa) Trùng Nghiêm mở tông sinh phái Báo Ân ơn báo thảy hợp ý Tổ;
   Nguồn tâm Giao Tất rộng mở thắng tích Kim Sơn toàn như cam lộ tâm thiền.
   (Lạc khoản: Cư sỹ Chân Thanh Minh Thành Túc Túc soạn và viết, thực chẳng dám).
   Vị trí: A4 – A5

  1. Kết luận

Ca ngợi công lao to lớn của đức Phật, của thánh thần, hướng con người đến cái thiện, buông bỏ cái ác là nội dung chủ yếu trong hoành phi, câu đối của dân ta từ bao đời nay và hệ thống hoành phi, câu đối chùa Keo cũng vậy. 

Đa phần, hoành phi câu đối chùa Keo đều được làm mới sau đợt trùng tu gần đây (năm 2006?). Tuy nhiên, chùa vẫn giữ lại được một vài bộ câu đối sơn đỏ, dù thất thoát một vế và đã bị thời gian bào mòn, dưới ảnh hưởng của khí hậu làm những tấm gỗ này dần mục nát nhưng đây chính là minh chứng cho thấy tuổi đời không nhỏ của nó. Những câu đối này được người xưa dùng để ca ngợi nơi đất Giao – “thắng cảnh Gia Lâm” và ca ngợi “Nam Quốc tối linh thần”. Vị thần này chúng tôi hiểu là bà Keo – hóa thân của Pháp Vân được người làng Keo tạc và thờ tại chùa Keo từ khi Tứ Pháp xuất hiện ở nước ta. 

Từ ngữ làm hoành phi câu đối đều được chọn lọc kỹ lưỡng để đảm bảo đúng quy luật gieo vần mà vẫn gửi gắm được tâm tư, nguyện vọng của người chơi chữ đã cho chúng ta thấy rõ được hoành phi câu đối nói riêng và di văn Hán Nôm nói chung là một kho tàng quý báu cần được tiếp tục khai phá và phát huy giá trị vốn có.

chú thích

(1) Uẩn áo: sâu kín, khó nhìn thấy.
(2) Từ bi hỷ xả: là Tứ Vô lượng tâm: Đai Từ, Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xả.
(3) Giáo pháp của Phật ví như bánh xe, liên tục chuyển động.
(4) Phúc: là các nghiệp thiện bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định thuộc về lợi người;Tuệ: là trí tuệ, tức quán niệm chân lý, thuộc về lợi mình.
(5) Nam Thiên: nghĩa đen là trời Nam, cũng có nghĩa là chỉ cói nước Nam ta.
(6) Già Lam: là từ phiên âm tiếng Phạn (gọi tắt của tăng già lam ma sam̐ ghārāma), nghĩa là chùa thờ Phật. Trong câu văn hàm nghĩa nói chùa Báo Ân Trùng Nghiêm.
(7) Tây Vực: trong Hán văn, người Trung Quốc thường gọi các nước ở biên cương phía Tây là các nước Tây Vực. Trong câu đối đây là rộng chỉ vùng đất có Phật Thích Ca, còn gọi khác là Tây Trúc, hay Tây Thiên.v.v.
(8) Già Lam: trong câu này có nghĩa tương tự với câu đối ở vị trí A1 của Thượng điện.
(9) Câu đối treo ở nhà tam bảo. “Trước bàn tụng kinh”. Nhà Phật gọi tam bảo (ba thứ báu) gồm Phật, pháp, tăng. Nhà tam bảo có các tượng phật thờ ở trên, đó là báu thứ nhất; đến án có chứa kinh ở dưới tòa, tức là pháp của Phật là báu thứ hai; rồi đến tăng nhân tụng kinh, là báu thứ ba. Cộng ba đây là tam bảo.
(10) Cam lộ: nghĩa đen là nước sương ngọt, nước có lợi lạc cho sự sống, giáo pháp của Phật lợi ích chúng hữu tình cho nên cũng được ví như nước cam lộ.
(11) Minh châu: thế tục coi minh châu là một loại ngọc quý hơn hẳn các loại ngọc, khi cho ngọc vào nước đục có thể làm trong sáng nước, vì vậy minh châu cũng để ví gọi bậc thiện nhân. Cũng vì đức này của ngọc minh châu, mà trong một số kinh phật được. Ví dụ kinh Pháp Hoa phẩm Tựa, thì minh châu được ví như tịnh giới, thế giới thanh tịnh. Bồ tát địa tạng một tay cầm tích trượng để phá cửa địa ngục cứu vớt chúng sinh, một tay cầm ngọc minh châu biểu thị trí tuệ soi sáng cõi mê.
(12) Từ bi: từ năng bạt khổ, bi năng dữ lạc; lòng từ bi có thể đốn bạt khổ phiền não; bi lòng thương xót có thể ban vui cho chúng sinh.
(13) Y Báo: tức là quả báo nương nhờ của thân ta, những thứ duyên hợp thân ta, hoặc là phúc báo phụ thuộc vào các điều kiện của xã hội như: Nhà cửa, làng xóm, đất nước, xã hội nơi chúng ta sinh ra; Chính báo: là thân thể của ta, nhờ vào duyên nghiệp tích lũy nhiều đời trước mà có được. Hay còn gọi là chính quả là phần thân thể ngũ uẩn của chúng ta, tốt hoặc xấu, yểu số hoặc thọ mệnh, thông minh hay ngu muội.
(14) Thường, lạc, ngã, tịnh: là bốn đức của niết bàn. Tây phương tịnh độ có một cõi cao nhất thể nhập với chân tính Phật đấy là Thường lạc ngã tịnh.
(15) Tam tạng: ba kho tàng kinh, luật, luận của Phật giáo.
(16) Âm thanh của giáo pháp lợi lạc cho cả cõi người và cõi trời.
(17) Trăm nghìn ức: chỉ số lượng nhiều vô kể thế giới hóa thân.
(18) Bốn mươi chín năm thuyết pháp: Theo Thiên Thai tông chia thời gian thuyết pháp của Phật làm năm thời, năm thời ấy kéo dài trong bốn chín năm.
(19) Từ phụ: là chỉ Phật
(20) Khi Phật đản sinh, chân đi bảy bước, một bước đi nở một hoa sen, tay chỉ lên trời, tay chỉ xuống đất nói: “thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.
(21) Trong kinh nói sau khi Phật đản sinh có chư thiên bảo vệ và có chín con rồng phun nước tắm cho Ngài.
(22) Sau khi rời hoàng cung, Phật tu sáu năm khổ hạnh trên núi Tuyết Sơn.
(23) Tứ sinh: gồm noãn sinh, thai sinh, thấp sinh và hóa sinh.
(24) Đại thiên: là viết tắt của Đại thiên thế giới. Một nghìn tinh cầu gộp lại thành một tiểu thiên thế giới, một nghìn tiểu thiên thế giới gộp lại thành một trung thiên thế giới, một nghìn trung thiên thế giới gộp lại thành một đại thiên thế giới.
(25) Sa giới: là chỉ số lượng thế giới nhiều như số cát sông Hằng (sa giới là viết tắt của hằng hà sa giới).
(26) Quán chỉ: là dòng tu thiền gồm: thiền quán và chỉ quản. 

Chấm điểm
Chia sẻ
Thiền Phong Vĩnh Trấn Tổ ấn Trùng Quang

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)