Đình Đại Bái (Đình Diên Lộc – Gia Bình, Bắc Ninh)

Đình Đại Bái (Đình Diên Lộc – Gia Bình, Bắc Ninh)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đình Diên Lộc nằm ở giữa xóm Tây, đối diện với chợ Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Lịch sử và nhân vật

Theo các cụ cao nhân trong làng kể lại, xưa kia, làng Đại Bái có 2 đình gồm: đình trong có tên “Văn Lãng” thờ Thành Hoàng làng Lạc Long Quân và đình ngoài có tên “Diên Lộc” thờ Tổ sư nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền. Cả 2 đình đều dựng vào thời Lê với quy mô rất lớn. Đình Văn Lãng dựng trên khu đất nay đặt đình Diên Lộc còn đình Diên Lộc dựng liền kề phía Đông đình Văn Lãng.

Tháng 6/1947, đình Diên Lộc bị thực dân Pháp đốt phá. Sau đó, tháng 8/1948, đình Văn Lãng cũng bị chúng đốt phá. Hòa bình lập lại, năm 1954, dân làng đã tận dụng những phế liệu của 2 ngôi đình cũ, dồn lại để dựng nên tòa đình hiện nay. Dân làng đã chọn tên đình Diên Lộc đặt tên cho ngôi đình này và làm nơi thờ Tổ sư dạy nghề cùng 5 vị hậu tiên sư – những người có công lớn trong việc phát triển nghề đồng Đại Bái. Đó là các vị: Nguyễn Viết Lai, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Viết Thái, Phạm Ngọc Thanh, Nguyễn Công Tâm. Theo dân làng Đại Bái, đặc biệt là bà con trong các dòng họ của các vị hậu tiên sư, các ông chính là những người đã tạo ra bước phát triển cho nghề gò đồng. Chính vì vậy, tên tuổi của các ông đã được ghi vào mục lục của làng, hành trạng của các ông được ghi rõ trong gia phả của các dòng họ. Phía đối diện đình Diên Lộc, nhân dân dựng đình Văn Lãng thờ Thành Hoàng làng.

Theo thần phả, sắc phong ghi chép được ở làng (sao lục chép tay) thì ông Nguyễn Công Truyền sinh năm 989 tại làng Đại Bái, mất ngày 29/9 năm 1069, là con ông bà Nguyễn Công Tiến. Xuất thân trong một gia đình nho học, năm 995, lúc lên 6 tuổi, ông theo cha mẹ vào Thanh Hóa để sinh sống, năm 25 tuổi làm quan Đô úy triều đình Lý, được phong làm Điện Tiền Tướng Quân.

Đến tháng 3 năm 1018 ông về Đại Bái thăm họ hàng quê hương. Do cha bị bệnh mất ở Thanh Hóa, ông xin từ quan đưa mẹ về quê cũ phụng dưỡng và từ đó ông bắt đầu sáng chế ra nghề gò đồng. Dân làng noi theo đó mà lập nghiệp, dần dần thành nghề chính. Khi mất ông được phong là: Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần, rồi lại gia phong: Quang úy Địch bảo Trung hưng Trung đẳng thần, cuối cùng được gia tăng Đoan túc Tôn thần.

“Xã Đại Bái có 4 thôn, cả 4 thôn đều làm nghề gò đồng và đều thờ Tổ sư là Nguyễn Công Truyền. Thần phả ở làng ghi nhận Nguyễn Công Truyền (989 – 1069) người thời Lý từng theo cha vào Thanh Hoá sinh sống, lớn lên vào quân đội từng được phong là Điện Tiền tướng quân, khi cha mất, ông xin từ quan để đưa mẹ về quê và sáng chế ra nghề gò đồng. Nhưng sách “Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí” lại chép Nguyễn Công Truyền người thời Lê sơ, từng đi theo đoàn sứ bộ sang Trung Quốc, ở bên ấy ông đã quan sát nghề đồng, khi về nước được phong là Phấn Lực tướng công, đã dạy dân không chỉ đúc đồng mà còn gò đồng. Vì thế dân Đại Bái tôn ông làm Tổ sư. Thợ gò đồng Đại Bái còn ra Hà Nội lập nên phố Hàng Đồng cho đến nay vẫn còn có nhiều người gò đồ đồng.

Ở Đại Bái đã có sự phân công sản xuất theo từng thôn, mỗi thôn cũ ngoài thờ tổ sư Nguyễn Công Truyền còn thờ thêm một vị hậu tiên sư làm tổ của ngành

– Thôn Tây thờ hậu tiên sư ngành đánh mâm là Phạm Ngọc Thanh.

– Thôn Ngoài thờ hậu tiên sư ngành đánh nồi là Nguyễn Viết Lai và Vũ Viết Thái.

– Thôn Xôn thành lập sau, chuyên đánh chậu không thấy nói đến hậu tiên sư.”[1]

Kiến trúc cảnh quan

Đình quay hướng Tây Nam, các công trình kiến trúc nhìn từ ngoài vào có: cổng, sân và Đại Đình hình chuôi vồ. Đại Đình gồm 3 gian, 2 chái, 4 mái đao cong; Hậu Cung 1 gian 2 chái và 1 gian chuôi vồ. Toàn bộ đình được làm làm bằng chất liệu hiện đại bê tông cốt thép, mái dán ngói ống, nóc đắp rồng chầu mặt nguyệt, các đầu đao cong vút được đắp vẽ rồng, phượng, bờ guột đắp nghê chầu. Hậu Cung là nơi đặt tượng tổ Nguyễn Công Truyền trong khám, bên cạnh là ban thờ đặt mũ, hia của thần làm bằng chất liệu đồng với kỹ thuật tinh xảo. Trước khám thờ là hương án chạm khắc đẹp, bên trên đặt các đồ thờ tự như lọ hoa, bát hương, tiếp đến là bộ chấp kích, hai bên cột treo đôi câu đối, phía trên là bức cửa võng trang trí rất tinh xảo nghệ thuật với các đề tài tứ linh, tứ quý, bên trên treo những bức hoành phi nội dung ca ngợi công lao của tổ nghề và lòng biết ơn vô hạn của người dân như: “khai khoa chi tổ”, “trạch cập tư dân”, “công thuỳ vạn thế”…trong số những tài liệu hiện vật này phần lớn được làm bằng chất liệu đồng và là những sản phẩm mỹ nghệ do người thợ đồng Đại Bái làm ra.

Hiện vật

Đình Diên Lộc còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật có giá trị như: 03 đạo sắc phong cho Tổ sư Nguyễn Công Truyền (vào các năm: 1913, 1917, 1924), hệ thống hoành phi, câu đối, các đồ thờ tự bằng đồng rất tinh xảo nghệ thuật do chính bàn tay người thợ đồng Đại Bái làm ra… Trong số tài liệu cổ vật của Đình Diên Lộc, đặc biệt quý giá là pho tượng tổ nghề Nguyễn Công Truyền do chính những người thợ Đại Bái đúc vào thời Nguyễn. Tượng được đúc ở tư thế ngồi, 2 tay đặt trên 2 đầu gối: bàn tay phải ngửa lên, bàn tay trái xuôi xuống; đầu đội mũ, chân đi hài, mình mặc áo cẩm bào, trên áo có đúc nổi hình rồng, phượng và một số nét mây. Tai tượng chảy dài, mắt nhìn thẳng. Toàn bộ tượng cao 106cm, vai rộng 41cm. Tượng Tổ sư Nguyễn Công Truyền là tượng chân dung, toát lên dáng vẻ một người tầm thước, khỏe mạnh, có tâm hồn trong sáng.

“Đại Bái còn giữ được tờ trát của triều đình Huế để ngày mồng 4 tháng 2 năm Đồng Khánh 3 (1888) theo đó chúng ta biết hồi Pháp mới chiếm xong Bắc Kỳ đã đưa đồ đồng Đại Bái đi dự đấu xảo và dành dược bằng khen, sau đó theo lệnh của tổng đốc Ninh Thái, thợ cả Nguyễn Văn Thạch đã dẫn 23 thợ bạn người làng Đại Bái mang theo đầy đủ đồ nghề vào Huế để đúc, gò, chạm đồng trang trí cho các cung điện.”[2]

Lễ hội

Lễ hội đình Diên Lộc, hay là lễ hội giỗ tổ, lễ hội làng nghề gò – đúc đồng Đại Bái được tổ chức hằng năm trong 3 ngày từ 27 đến 29/9 (âm lịch) để tưởng nhớ ông Tổ làng nghề là cụ Nguyễn Công Truyền, đã có ơn truyền dạy nghề gò đúc đồng cho bà con nhân dân làng Đại Bái.

Có một lệ rất đặc biệt của làng Đại Bái là lễ thắp hương của những người đồng niên: mỗi năm, đàn ông cứ đến tuổi 49 là ra đình, họ thay nhau chăm lo việc dọn dẹp, hương khói ở đình. Nếu một vài thành viên nào đó của tuổi 49 năm đó đi làm ăn xa không về được thì có thể gửi hương hoặc đóng góp tiền nhờ các đồng niên của mình thắp hương.

Việc tế tổ được phân công cho những người đứng đầu các họ lớn, là những họ chủ trì ở các xóm, các phường nghề. Những vị đứng đầu ấy gọi là các cụ trùm (hoặc hương trùm), gọi chung là nóc các cụ trùm. Chỉ các nóc hương trùm mới được giao vai chủ tế. Các lý dịch chức sắc hay quan viên trong làng không được nhận trách nhiệm này vì không phải là đại diện cho nghề. Họ sẽ phụ trách việc đương cai tế đám ở đình làng trong dịp cúng tế thành hoàng Lạc Long Quân.

Ngày giỗ tổ nghề làng tổ chức rước bài vị thánh sư tổ nghề từ đình Diên Lộc ra lăng tổ nghề làm lễ cáo yết, sau đó rước về đình tế lễ vào buổi sáng ngày 28/9. Đoàn rước cắt cử cả nam và nữ gồm: các lứa tuổi nam 45, 46, 47, 48 và nữ lứa tuổi 59. Mỗi lứa tuổi làm một việc. Cụ thể: Tuổi 45 đi đầu, đảm nhiệm rước cờ thần, trống cái, chiêng đại, ngựa thần; tiếp theo là đội hình rước do tuổi 46 đảm nhiệm, gồm Bát biểu, Hậu bành và Tán; tuổi 47 đảm nhiệm Quạt cờ, Long đình và Lọng; tiếp theo là đoàn rước Phật đình do các thiếu nữ rước dưới sự chỉ huy của các bà lứa tuổi 59 đi liền sau Phật đình; đội hình rước do tuổi 48 đảm nhiệm đi sau cùng, gồm Trồng đòn Bát cống và Tàn.

Buổi chiều ngày 28/9 là các nghi thức “Trình giầu” của tuổi 48 và 58; nghi thức “Trình tuổi” các tuổi 49, 59, 69 và 79. Buổi sáng ngày chính Hội 29/9 là nghi thức tế Tổ. Đây là nghi thức quan trọng nhất, kính cẩn nhất của ngày Hội lễ Giỗ Tổ nghề. Lệ làng từ xưa, chỉ những vị nóc các cụ trùm mới được giao vai tế chủ. Lễ vật chính ngày Tế tổ là cỗ soạn, mỗi xóm biện 2 mâm, thêm xôi gà, quà bánh. Người nơi xa về dự thì có lễ kèm những vật phẩm gò đồng, chạm bạc do chính mình sáng chế ra để kính cáo lên Tổ nghề. Thật đúng là: Thiên tải uy danh tiêu tự điển Vạn niên tông xã triển thần linh. Nghĩa là: Nghìn thuở uy danh ghi sự lễ Muôn năm đất nước hưởng linh thiêng. Nghề đồng đem lại sự phồn vinh cho dân làng, đem lại danh tiếng cho làng. Công ơn Tổ nghề và các vị Hậu tiên sư là vô bờ bến.

Bên cạnh ngày lễ chính vào ngày 29 tháng 9, còn có ngày mồng 6 tháng 2 và ngày 16 tháng 8, là ngày xuân thu nhị tế, dân làmg sắm sửa lễ vật ra đình để dâng Tổ nghề thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với người đã mang lại sự ấm no cho dân làng. Ngày nay việc thờ Tổ nghề vẫn được người dân Đại Bái thực hiện rất trang trọng, uy nghiêm, trong những ngày giỗ Tổ, dù có đi làm ăn nơi xa thì người ta vẫn nhớ về thắp nén hương thơm và không quên đem theo những sản phẩm đẹp nhất mà mình làm được để dâng lên Tổ nghề.

Chú thích

[1] Chu Quang Trứ, Tìm hiểu các nghề thủ công điêu khắc cổ truyền, Nxb Mỹ Thuật, 2000, tr. 34 – 35.

[2] Chu Quang Trứ, Tìm hiểu các nghề thủ công điêu khắc cổ truyền, Sđd, tr. 35.

Tham khảo

  1. “Đình Diên Lộc, xã Đại Bái, huyện Gia Bình”, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, 13/3/2020.
  2. Mai Quế, “Đình Đại Bái: Truyền thuyết Lăng mộ tổ nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền”, Đài Phát thanh và truyền hình Bắc Ninh, 6/2/2018.
  3. Chu Quang Trứ (2000), Tìm hiểu các nghề thủ công điêu khắc cổ truyền, Nxb Mỹ Thuật.

 

5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ
Dinh Dien Loc

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)