Chùa An Vinh có tên chữ là “An Vinh Thiền Tự“. Đây là ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Tuyên Quang, tọa lạc trên một quả đồi lớn thuộc địa phận tổ 7, xã Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang, cách trung tâm tỉnh Tuyên Quang khoảng 4,5km. Chùa được dựng từ thế kỷ XVIII trong khuôn viên 1.000 m². Chùa An Vinh là một di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị về lịch sử và mỹ thuật, là nơi thu hút nhiều du khách đến thăm quan, vãn cảnh.
Lược sử
Căn cứ vào “Tạo tác hưng công bi ký” (Bia ghi việc công đức xây dựng chùa) được tạc vào năm Vĩnh Thịnh thứ 16, triều vua Lê Dụ Tông (năm 1720) thì chùa An Vinh được khởi dựng vào đầu thế kỷ XVIII.
Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, chùa An Vinh đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa. Hiện nay chùa An Vinh là trụ sở của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tuyên Quang.
Sáng ngày 25 tháng Giêng năm Ất Mùi (15/03/2015) Đại lễ khởi công xây dựng ngôi Đại Hùng Bảo Điện và tổng thể chùa An Vinh đã được tổ chức long trọng, nhằm trùng tu, giữ gìn và khôi phục lại những giá trị đặc biệt của chùa.
Kiến trúc
Chùa có kiến trúc chữ Đinh gồm tòa thiêu hương và tòa thượng điện, lối kiến trúc gọi theo tính tượng hình của tiếng Hán, gồm tòa Thiêu hương và tòa Thượng điện. Tòa tiền đường nằm phía trước chùa. Phía trước cổng chùa còn bút tích câu đối cổ, với ý nghĩa ”Giáo lý của đức Phật nhờ ngày tháng mà lưu đến không cùng, trường tồn cùng non sông gấm vóc.” Tam quan chùa với ba cổng và 4 trụ biểu, có kì lân ngự trên, trạm khắc tùng, trúc, cúc, mai…
Di sản
Hiện nay, chùa An Vinh còn lưu giữ được khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị, tiêu biểu là 12 pho tượng gỗ ở thượng điện bao gồm bộ Tam thế, bộ Bồ Tát, bộ Ngọc Hoàng và bộ Cửu Long. Chùa có hai tấm bia cổ có giá trị về mặt nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật đó là tấm bia “Tạo tác hưng công bi ký” khắc vào ngày tốt, tháng tốt thuộc triều Lê năm Vĩnh Thịnh thứ 16 (năm 1720) đời vua Lê Dụ Tông và tấm bia “Trùng tu Bảo Phúc tự bi ký” khắc vào năm Bảo Thái thứ 8 (năm 1727) nội dung ghi tên những người góp công, góp của, công đức xây dựng và tu sửa chùa.
Ngoài ra, An Vinh Thiền Tự còn lưu giữ 2 quả chuông đồng, một chiếc khánh đồng và nhiều hoành phi, câu đối có giá trị lịch sử, nghệ thuật. Quả chuông chùa An Vinh đúc năm Giáp Dần 1734 vào thời Lê, một chiếc khánh đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ 3 triều vua Nguyễn Quang Toản năm 1797, đều ghi tên những người đóng góp tiền của vào việc trùng tu chùa An Vinh. Chùa còn có nhà tháp thờ Đức Tiền Sư, Thích Tâm Quang, Thích Thanh Tụng.
Lễ hội
Hằng năm, chùa An Vinh tổ chức rất nhiều lễ hội như tổ chức lễ khai bút từ ngày 1 đến ngày 4 tháng giêng (âm lịch), lễ hiên Quan tích phúc (lễ Thượng Nguyên) cầu cho quốc thái dân an vào ngày 15/01 (âm lịch), ngày lễ Phật đản – ngày Phật Thích ca ra đời được tổ chức vào ngày 15/04 (âm lịch), lễ Địa quan xá tội (còn gọi là lễ Xá tội vong nhân) nhằm ngày 15/07 (âm lịch). Bên cạnh đó An Vinh Thiền Tự còn tổ chức hai ngày giỗ hai vị sư đã từng trụ trì tại chùa vào ngày 5-1 và ngày 14-1 (âm lịch) hàng năm.
Tham khảo
- https://mytuyenquang.vn/vi/chuaanvinh
- https://dulichdiaphuong.com/du-lich/du-lich-chua-an-vinh-1455.html
- https://chuaviet.net/chua-an-vinh/