Chùa An Xá (Lệ Thủy, Quảng Bình)

Chùa An Xá (Lệ Thủy, Quảng Bình)

Chùa An Xá xưa thuộc tổng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, nay thuộc thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cách huyện lỵ khoảng 8km về phía Tây.

Chùa An Xá là ngôi chùa di tích lịch sử – văn hóa quốc gia nằm ngay bên cạnh nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại làng An Xá. Đây là ngôi chùa mà mỗi lần về thăm nhà, thăm quê, Đại tướng đều dành thời gian tới thăm và dâng hương lễ Phật.

Lược sử


Chùa An Xá được thành lập vào khoảng năm 1900 đầu thế kỷ XIX, thuộc hệ phái Phật giáo Đại thừa hay Bắc tông. Chùa được xây dựng trên một khoảnh đất cao ở cuối làng, theo hướng Bắc – Nam.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, di tích chùa An Xá đã bị giặc Pháp đốt phá, vì chúng cho rằng chùa là nơi ẩn náu, tụ họp của cán bộ Việt Minh. Sau kháng chiến chống Pháp, chính quyền địa phương đã cho trùng tu, tôn tạo lại chùa.

Thời kỳ chống Mỹ, máy bay giặc đã nhiều lần ném bom, bắn phá chùa, làm cho di tích lịch sử này thành phế tích. Ngôi chùa được trùng tu, xây dựng vào năm 1994.

Chùa An Xá là di tích cách mạng gắn liền với những sự kiện lịch sử sôi động, hào hùng của những ngày đầu thành lập đảng, của thời kỳ vận động dân tộc, dân chủ những năm 1936 – 1939, đặc biệt là của thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc. Nơi đây, vào ngày 2/7/1945 đã diễn ra hội nghị đại biểu các Đảng bộ trong toàn tỉnh, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Bình tháng 8 năm 1945. Sau khi hòa bình lập lại, chùa được tu bổ lại nguyên bản như thiết kế ban đầu.

Chùa An Xá đã được các chiến sĩ cộng sản từng hoạt động trên địa bàn về thăm nhiều lần như các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đoàn Khuê, Trần Hữu Dực và nhiều vị cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Chùa An Xá đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 2/12/1992.

Kiến trúc


Chùa An Xá là một trong những công trình văn hóa Phật giáo hiếm hoi trên đất Quảng Bình còn giữ được gần như nguyên bản kiểu cách thiết kế của một ngôi chùa cổ. Chùa có bình phong hình mặt Rồng nổi chính diện phía mặt tiền, hai bên có hai con hạc đứng trên rùa quay mặt vào nhau. Cổng chùa khá nhỏ và cũ kĩ mang dáng dấp hình rồng, phía trên khắc ba chữ “An Xá tự”.

Tiền sảnh là điểm nhấn nổi bật nhất của chùa An Xá, được bố trí bằng 3 lối cửa ra vào cao rộng bằng nhau. Bờ tường của bức tiền sảnh được chia làm 3 phần, tất cả các chi tiết điêu khắc đều ưu ái cho phần trung tâm với ba chữ “An Xá Tự” và các họa tiết đắp nổi công phu hình long, ly (lân hay kỳ lân), quy, phụng (phượng), là bộ tứ linh phổ biến trong điêu khắc dân gian của người Việt. Với cách bài trí cân đối và giản dị đó, chùa An Xá vừa mang đến vẻ đẹp thanh tịnh, thoát tục của chùa chiền vừa toát lên sự vững chãi, trong sáng của một căn cứ lịch sử ở giữa lòng dân.

Di sản


Vào năm 1999, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tự tay trồng trong khuôn viên chùa An Xá một cây đa. Ngày Đại tướng mất, người giữ chùa cũng chít khăn tang cho cây đa nay đã vươn vai cao lớn này, như một dấu chỉ tỏ bày niềm tiếc thương vô hạn đối với vị Đại tướng của nhân dân.

Ngoài ra, sát hiên phải của chùa An Xá có một cây dừa được các phụ lão làng An Xá trồng cách đây gần 60 năm vào năm 1957. Điều đặc biệt là đến năm 1994, cây dừa tự nhiên tách thành 2 ngọn và sống khỏe mạnh cho đến hôm nay.

Lễ hội


Tại chùa An Xá, vào mỗi dịp Tết độc lập (2-9 hàng năm), chức sắc và các chàng trai cô gái trong làng đều tề tựu về chùa bắt đầu luyện tập phục vụ cho ngày hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.

Tham khảo


  • https://hanhtrinhtamlinh.com/chua-an-xa/
  • https://phongnhaexplorer.com/thong-tin-du-lich-quang-binh/hanh-huong-ve-chua-xa-le-thuy.html
  • https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/201608/chua-an-xa-2137527/
Chấm điểm
Chia sẻ
Chùa An Xá

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.
Hình ảnh
Video

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *