Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Bà Đanh, tên chữ là “Bảo Sơn tự” tọa lạc tại thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Xuất phát từ việc chùa thờ Pháp Vũ – nữ thần linh thiêng, được coi là người giữ gìn việc điều mưa, kiểm soát gió, và giúp dân tránh lũ lụt, tạo ra môi trường thuận lợi cho mùa màng bội thu, chùa lại tọa lạc ở thôn Đanh nên mọi người thường gọi là “chùa Đức Bà làng Đanh,” gọi tắt là “chùa Bà Đanh”.
Mỗi chúng ta, chắc hẳn không còn xa lạ với câu “vắng như chùa bà Đanh”. Nhiều người đưa ra giả thuyết rằng do chùa nằm xa khu dân cư, ít người lui tới nên rất vắng vẻ. Ni trưởng Thích Đàm Đam – trụ trì chùa Bà Đanh kể rằng: “Tôi còn nhớ năm cụ trụ trì Thích Đàm Lê bị ốm, chúng tôi khi băng rừng đi tìm thầy thuốc còn phải dùng đèn dầu để vừa soi đường vừa xua đuổi thú hoang. Sau này khi đi họp hay có việc cần xuống làng, nếu trời xẩm tối, chúng tôi cũng không dám về một mình mà phải nhờ người làng đưa về”. Tuy nhiên, từ xa xưa, chùa chiền vốn được xây xa khu dân cư nên chưa hẳn đây là lý do chính khiến cảnh chùa vắng vẻ.
Chùa nằm cách thành phố Phủ Lý khoảng 7km theo hướng quốc lộ 21B về phía Tây Nam. Để đến chùa Bà Đanh, du khách chỉ cần đi theo quốc lộ 1 từ Hà Nội đến thành phố Phủ Lý, sau đó rẽ phải qua cầu Hồng Phú và tiếp tục chạy khoảng 10km theo quốc lộ 21 đến cầu treo Cấm Sơn là đến nơi. Chùa mở cửa từ 6:00 đến 18:00 hàng ngày, với giá vé là 10.000 VNĐ/người, trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí.
Lịch sử và nhân vật
Tương truyền rằng vào thế kỷ thứ VII, đây là một ngôi đền nhỏ thờ Pháp Vũ trong tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Đến thời Lê Huy Tông (1675 – 1750), chùa được xây dựng đàng hoàng và to đẹp hơn.
Năm 1994 chùa Bà Đanh được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể Thao – Du Lịch) cấp bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đầu tư gần 20 tỷ đồng để tôn tạo và nâng cấp chùa Bà Đanh.
Kiến trúc cảnh quan
Quần thể kiến trúc chùa Bà Đanh rộng khoảng 10ha bao gồm nhiều công trình, với khoảng bốn mươi gian xen kẽ.
Các kiến trúc từ Tam Quan, Hành lang, Bái Đường cho đến Thượng Điện, đều được xây dựng theo một trục chính ở giữa, nâng dần lên từ ngoài vào trong, điểm cao nhất là Thượng Điện. Toàn bộ ngôi chùa, từ bố cục đến kiến trúc và chạm khắc, đều phản ánh rõ nét phong cách xây dựng truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Tam Quan
Tam Quan chùa được xây dựng với ba gian và hai tầng. Tầng trên của Tam Quan có hai lớp mái, được lợp bằng ngói nam, nóc đắp một đôi rồng chầu vào giữa. Xung quanh, có sàn gỗ được bảo vệ bởi hàng lan can và những chấn song tinh tế. Tầng trên của Tam Quan được sử dụng làm gác chuông, ba gian ở tầng dưới được trang trí bằng cửa gỗ lim.
Hai bên của cổng chính có những cổng nhỏ, mỗi cái được trang trí bằng tám mái và cửa uốn lượn hình bán nguyệt. Thường ngày, khách ra vào chùa thường sử dụng cửa nhỏ, chỉ khi có các buổi lễ thì cửa chính mới được mở ra.
Qua Tam Quan là vào khu vườn hoa. Bóng mấy cây cau khẳng khiu vươn cao trên nền trời xanh và mấy gốc đại già thân mốc sần sùi đứng ẩn trong một gốc vườn chỉ trồng những cây hoa quen thuộc như mộc, nhài, mẫu đơn cành làm tăng tính chất cổ kính cho ngôi chùa.
Bái Đường
Trước nhà Bái Đường là một sân lát gạch. Hai dãy hành lang nằm về hai bên, mỗi dãy có ba gian, khung gỗ lim lợp ngói lam, tường xây bao quanh đằng sau và hai đầu hồi.
Nhà Bái Đường xây dựng từ gỗ lim với năm gian, đầu hồi bít đốc, và được trang trí bằng hai con rồng đắp nổi. Trên đỉnh mái có hoa văn “tứ long chầu mặt nguyệt” đắp nổi.
Hầu hết nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc của chùa Bà Đanh tập trung chủ yếu tại Bái Đường. Trên tất cả các vì kèo đều chạm khắc ở hai mặt. Các đề tài chạm khắc trên các vì kèo tính từ Đông sang Tây như sau:
- Vì kèo 1: (Một mặt áp vào tường đốc): mặt hổ phù, thông hóa long, trúc hóa long. Trên xà ngang có chạm: quả đào, mai, trúc, nho và lựu, đào và mai, quạt và quả.
- Vì kèo 2: Mặt trước là mặt hổ phù và nghê chầu hai bên, mai hóa, trên xà ngang chạm quả đào, phật thủ, lựu, hoa hồng, cuốn thư, con dơi; mặt sau: Chạm ngũ phúc, quả đào, hoa hồng, cuốn thư.
- Vì kèo 3: Mặt trước: tứ linh (phía trên còn là đề tài lưỡng long chầu nguyệt), xà ngang chạm hoa hồng, cây thông, cuốn thư, kim tiền, đàn sáo; mặt sau: phía trên chạm tứ linh, xà ngang chạm trúc, mai, hồng, cuốn thư.
- Vì kèo 4: Mặt trước: phía trên chạm tứ linh, tùng, mã, mai, điểu. Xà ngang chạm đàn tranh, đàn nguyệt, sáo, phách; mặt sau: chạm tứ linh, bầu rượu, cuốn thư.
- Vì kèo 5: Mặt trước: chạm ngũ phúc, hoa mai, hoa hồng, đàn tranh, bút lông, quạt và bầu rượu; mặt sau: chạm ngũ long tranh châu, hoa hồng, hoa lan, mai đá
- Vì kèo 6: (một mặt áp vào tường đốc) Chạm các đề tài: mặt hổ phù, trúc hóa, hoa hồng, quả đào, quả lựu.
Trong các hình chạm, không thấy hình bóng con người mà chủ yếu là các loài động thực vật kết hợp với nhau thành các đề tài, hình mẫu khá hoàn chỉnh. Với sự phối hợp tài tình, từ những vật như cây trúc, cây mai, các nghệ nhân đã tạo ra các con giống rất sinh động.
Trung Đường
Nhà Trung Đường nối liền với nhà Bái Đường cũng gồm năm gian, hai đầu bít đốc, lợp ngói nam. Đằng trước là hệ thống cửa bức màn, chấn song con tiện được làm dày dặn, chắc chắn. Toàn bộ hệ thống vì kèo ở đây đều là dạng biến thể của dạng vì kèo giá chiêng chồng rường con nhị. Tất cả các trụ, con rường đều được chế tác đơn giản, chủ yếu vuông thành sắc cạnh nhưng được bố trí, sắp xếp một cách hợp lý để tạo nên một bộ khung chắc khỏe.
Thượng Điện
Thượng Điện có ba gian, đằng sau và hai bên xây tường bao, còn phía đằng trước là hệ thống cửa gỗ lim. Lòng nhà ở đây so với các khu nhà Bái Đường và Trung Đường thì hẹp hơn nhưng được xây cao vượt hẳn lên.
Trong Thượng Điện có hệ thống tượng Tam Thế, tượng Ngọc Hoàng và thái thượng Lão Quân, tượng Bà Chúa Đanh.
Tượng Bà Đanh được tạc theo tư thế tọa thiền trên chiếc ngai đen bóng, với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết, chứ không có dáng vẻ siêu thoát, thần bí như các tượng Phật khác. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn, là một minh chứng cho nghệ thuật điêu khắc tinh tế của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Từ các dãy hành lang đằng trước chùa, qua nhà Bái Đường đến Thượng Điện, về phía hai bên là các dãy nhà cầu khung bằng gỗ lim, lợp ngói nam. Nhà cầu để nối các công trình lại với nhau và kéo dài cho đến nhà tổ tới các công trình phụ khác. Nhờ vậy, khi mưa gió khách hành hương cũng như người trong chùa đi lại rất thuận lợi.
Phía Tây chùa là khu nhà ngang gồm năm gian: ba gian giữa là Nhà Tổ, thờ các vị tổ đã trụ trì ở đây, còn hai gian đầu hồi được xây ngăn thành hai gian buồng để làm nơi ở cho người tu hành. Nối tiếp dãy nhà này gồm các công trình phụ như: bếp, chỗ chăn nuôi. Đằng trước Nhà Tổ là một sân gạch và phía ngoài là khu vườn để trồng hoa, cây cối.
Phía Đông khu chùa là Nhà Mẫu nằm giáp với dãy nhà Trung Đường, mặt quay về hướng Tây, toàn bộ khu vực chùa có tường bao quanh.
Lễ hội
Hàng năm, lễ hội tại chùa Bà Đanh diễn ra vào tháng 2 Âm lịch, thu hút sự tham gia đông đảo của cả cộng đồng địa phương và du khách từ khắp nơi. Lễ hội được tổ chức nhằm bày tỏ lòng biết ơn của nhân dân với Bà chúa Đanh, vị thần phù trợ cho việc sản xuất nông nghiệp được tốt tươi, đời sống nhân dân được no đủ, mang lại sự bình an và may mắn.
Theo từng năm, tùy thuộc vào tình hình thời tiết cũng như thời vụ nông dân trong khu vực, nhà chùa sẽ lựa chọn ngày phù hợp và sau đó báo cáo với ủy ban nhân dân của huyện Kim Bảng. Thông thường, lễ hội chùa Bà Đanh kéo dài trong ba ngày, có thể là mồng 9-10-11 hoặc 15-16-17, 20-21-22 tháng 2 Âm lịch.
Lễ hội diễn ra với những nghi thức truyền thống như: lễ cầu an, lễ rước kiệu, lễ tế và nhiều hoạt động vui hội.
Tham khảo
- Chí Long, “Mục sở thị cổ tự mang danh “vắng như chùa bà Đanh” ở Hà Nam”, chuyên trang Du lịch của báo Lao động, ngày 10/3/2024,
- “Mệnh danh “vắng như chùa bà Đanh” nhưng khách thập phương đi lễ đông đảo, ngày 4/1/2024,
- Wikipedia, chùa Bà Đanh.