Chùa Bà Đức Sanh (Đức Sanh Tự – Phan Thiết, Bình Thuận)

Chùa Bà Đức Sanh (Đức Sanh Tự – Phan Thiết, Bình Thuận)

Thông tin cơ bản

Chùa Bà Đức Sanh – một ngôi chùa từ xa xưa đã mang kỳ vọng của biết bao phụ nữ Việt, một địa điểm địa điểm tâm linh thu hút đông đảo người dân đến chùa lễ bái, đặc biệt là nữ giới. Ngôi chùa tọa lạc tại khu phố 1, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Người Hoa gọi là “Đức Sanh Tự”, còn người Việt gọi là “Chùa Bà Đức Sanh”. 

Chùa Bà Đức Sanh là một di tích tiêu biểu, đặc trưng cho tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Phan Thiết. Ngôi chùa là nơi gửi gắm niềm tin, hy vọng, là chỗ dựa tinh thần cho nữ giới nói chung và những người phụ nữ hiếm muộn nói riêng với mong mỏi được thực hiện thiên chức làm mẹ, ”vượt cạn” thuận lợi hay cầu xin cho những đứa bé sinh ra được nuôi dưỡng khỏe mạnh, bình an.

Lược sử


Chùa Bà Đức Sanh được tạo lập vào nửa đầu thế kỷ XIX cách đây gần 200 năm, dưới đời vua Thiệu Trị (năm 1844). Theo nhiều tài liệu Hán Nôm để lại, huở sơ khai Đức Sanh tự chỉ là một thảo am bằng tranh, tre, vách lá làm nơi thờ phụng “Tam vị Thánh Mẫu” là Vân Tiêu, Bích Tiêu, Quỳnh Tiêu tức Mẹ sanh, Mẹ dưỡng, Mẹ độ. Đến năm Tự Đức thứ 6 (năm 1853), nhân dân địa phương đóng góp công của để xây dựng ngôi chùa kiên cố. Theo truyền thuyết văn hóa tín ngưỡng xưa thì thượng đế đã Tam vị Thánh Mẫu xuống trần phụ trách việc an thai sinh nở cho phụ nữ. Theo thời gian, ngôi chùa ngày càng được người dân sùng bái, tôn kính và được gọi với cái tên quen thuộc là Chùa Bà Đức Sanh. Ngoài ra, chùa còn thờ 12 Bà Mụ trông coi 12 con giáp nữ gọi là ”Thập nhị hoa nương”, 12 Bà Mụ trông coi 12 con giáp nam gọi là “Thập nhị thiên can” thập nhị thiên can và năm bà Ngũ Hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

“Tam vị Thánh Mẫu”  hiện thân của đức mẹ bảo bọc thiên chức làm mẹ của người phụ nữ, gắn liền với nét đẹp văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu, một hình thức tín ngưỡng dân gian đặc biệt của người dân Bình Thuận nói riêng và các tỉnh khu vực phía Nam nói chung.

Ngày 08/10/1913 tức năm Duy Tân thứ 7, chùa Bà Đức Sanh được nhà nước phong kiến triều Nguyễn thừa nhận và tặng sắc phong.

Sắc Bình Thuận tỉnh, Hàm Thuận phủ, Đức Thắng xã phụng sự Thai sanh Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu, Bích Tiêu tam vị Thánh Mẫu nương nương chi thần, nẫm trứ linh ứng, hướng lai vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miễn niệm thần hưu, trứ phong vi Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần, chuẩn y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!

          Duy Tân thất niên, thập nguyệt sơ bát nhật.

Sắc mệnh chi bảo(ấn)

 Dịch nghĩa:

       Sắc xã Đức Thắng, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận thờ phụng ba vị Thánh Mẫu nương nương tôn thần là đức Thai sanh Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu, Bích Tiêu, giúp nước cứu dân từng nhiều lần hiển hiện linh ứng, trước nay chưa được dự phong. Ta nay vâng theo mệnh sáng của trời, nghĩ nhớ đức tốt của thần, phong là thần Dực bảo Trung hưng Linh phù, chuẩn cho thờ phụng như cũ. Thần thì phải giúp đỡ bảo vệ cho dân đen của ta, kính đấy!

       Ngày 8 tháng 10 năm Duy Tân thứ 7 (1913).

       (Có đóng ấn “Sắc mệnh chi bảo”)

Chùa Bà Đức Sanh được UBND tỉnh xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh tại Quyết định số 4316/QĐ-UBND ngày 22/12/2005.

Kiến trúc


Chùa Bà Đức Sanh không chỉ có giá trị về mặt văn hóa tâm linh, mà đây còn là một di tích lịch sử, một công trình kiến trúc nghệ thuật dân gian bề thế, trang nghiêm, được bảo lưu gần như nguyên vẹn những giá trị vốn có ban đầu.

Dưới thời vua Thành Thái, năm Nhâm Dần (năm 1902) chùa xây dựng nhà Võ Ca và 2 cổng phụ. Dưới thời vua Duy Tân, năm Tân Hợi (năm 1911), chùa được trùng tu lớn trở thành một quần thể kiến trúc tôn nghiêm, hoàn chỉnh hơn, được bố trí theo dạng chữ ”tam” bao gồm Chính Môn, Cổng Tam Quan, Tiền Sảnh, Võ Ca, Chính Điện, nhà Nhóm, nhà Khói và Cổng Hậu. Chùa còn có sân rộng, cột cờ cao, có giếng nước và sân vườn với hoa kiểng cây trái xanh tươi tạo cảm quan an tịnh.

Trung tâm nội thất chính điện treo 2 liên đối được làm bằng gỗ quý, khắc chìm chữ Hán và sơn son thếp vàng. Phía trước Chính điện là nhà Võ Ca (nhà Múa Hát), thuở trước vào các kỳ lễ lớn thường tổ chức hát múa diễn xướng các làn điệu dân gian và hát bội, nay đã mai một, thay vào đó là đội múa của các thiếu nữ dâng hoa trong các kỳ lễ tế. Phía sau của Chính điện bài trí 3 khám thờ các bậc Tiền, Hậu hiền và các hương linh nam nữ có nhiều đóng góp công sức cho chùa từ khi tạo lập tới nay với hơn 100 bài vị.

Di sản


Chùa Bà Đức Sanh là nơi còn bảo lưu được nhiều di vật cổ có giá trị về điêu khắc nghệ thuật và lịch sử văn hóa. Đáng kể nhất là nghệ thuật điêu khắc, tạo hình trên các hương án, khám thờ, bao lam, thủ quyển bài trí bên trong nội thất cũng như trên các bộ phận trong kết cấu kiến trúc các nóc nhà như kèo, trính, con đội… tạo nên những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật dân gian hoàn mỹ. Đến nay, chùa Bà Đức Sanh còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm quý như: hoành phi, câu đối, sắc phong, bảng ghi công đức… đặc biệt là 2 sắc phong dưới đời vua Duy Tân và Khải Định. Ngoài ra, còn phải kể đến những tài liệu chữ Hán được lưu giữ tại chùa được coi là nguồn sử liệu quý để nghiên cứu về lịch sử khai lập vùng đất Phan Thiết, quá trình tạo dựng, trùng tu chùa cũng như sự hình thành và tồn tại của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Phan Thiết.

Lễ hội


Hàng năm tại chùa Bà diễn ra 3 lễ chính là lễ tế Xuân diễn ra trong 3 ngày 18,19 và 20 tháng 3 âm lịch (gồm nghi lễ tế Tiền hiền và lễ vía đắc đạo đức bà Thai Sanh). Thứ hai là lễ vía năm bà Ngũ Hành diễn ra vào ngày mùng 8 tháng 6 âm lịch. Thứ ba là lễ tế Thu diễn ra ngày mùng 2, 3 tháng 10 âm lịch. Ngoài ra vào các ngày mùng 1, rằm hàng tháng cửa chùa luôn rộng mở đón người dân vào thắp nhang lễ bái.

Tham khảo


  • http://baotangbinhthuan.com/index.php/news/Tin-Tuc-Su-Kien/CHU-A-BA-DU-C-SANH-PHAN-THIE-T-187/
  • https://baobinhthuan.com.vn/chua-ba-uc-sanh-o-phan-thiet-84267.html
  • https://tuoitre.vn/chua-ba-duc-sanh-o-pho-bien-564208.htm

 

1/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)