Giới thiệu
Di tích chùa Bà Lê thuộc xã Hội An, huyện Chợ Mới, cách thành phố Long Xuyên 15km. Từ Long Xuyên qua phà An Hòa, đến chợ Cái Tàu Thượng 14km, từ chợ Cái Tàu Thượng vô rạch Cái Tàu 1km thì đến chùa Bà Lê.
Chùa mang tên Bà Lê vì chùa được bà Lê tự cất trên mảnh đất của mình. Lần đầu tiên, bà Lê dựng chùa bằng tre lá đơn sơ, thời gian cất năm nào không ai nhớ rõ. Đến khi bà Lê già yếu, giao ngôi chùa cho hòa thượng Quảng Đạt trụ trì chăm nom. Một thời gian sau chùa sập và đến năm 1922 (Nhâm Tuất), hòa thượng Quảng Đạt cất lại ngôi chùa và lấy tên là Phước Hội tự.
Lịch sử
Năm 1925, thầy Ngô Bửu Đồng là đồ đệ của hòa thương Quảng Đạt đến ở. Năm 1965, hòa thượng Quảng Đạt mất, thầy Ngô Bửu Đồng tiếp tục trụ trì tại chùa. Đến khi thầy Ngô Bửu Đồng mất, con trai của Thầy là Ngô Lăng tiếp tục trụ trì cho đến ngày nay.
Nói đến chùa Bà Lê là phải nói đến những sự kiện lịch sử quan trọng, vì đây là cơ sở cách mạng hết sức đặc biệt, là một cơ sở vững chắc ngay từ lúc mới gây dựng trong những năm cách mạng còn hoạt động bí mật cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Từ cơ sở chùa Bà Lê đã lóe lên những tia sáng mới tiến bộ, xuất phát từ Hòa Thượng Quảng Đạt, vốn là một nhà sư yêu nước. Được ông giáo dục, đệ tử của ông, thầy Ngô Bửu Đồng đã lấy nơi này làm cơ sở hoạt động cách mạng.
Ngay từ đầu, chùa là nơi tụ họp của nhân dân đấu tranh chống lại quân thù. Đến năm 1945, cơ sở này trở thành trụ sở của chính quyền cách mạng – Ủy ban Kháng chiến Hành chánh xã. Tháng 4/1948, cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân xã đã được tổ chức tại chùa Bà Lê.
Tháng 8 năm 1945, toàn quốc giành chính quyền từ tay Nhật, Pháp, trong phong trào cách mạng sôi sục ấy, cơ sở Đảng tại chùa Bà Lê đã liên lạc với các nơi khác, xây dựng tổ chức, kêu gọi nhân dân tập trung tại chùa, tổ chức cuộc biểu tình lớn qua Long Xuyên để mừng ngày độc lập.
Hình ảnh chùa Bà Lê đã khắc ghi mãi trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân xã Hội An. Chùa là cơ sở vững chắc, kiên cố của cách mạng, xung quanh chùa ta đào hầm chôn cất tài liệu, vũ khí, đạn dược…Chính nơi đây đã đào tạo nên đội ngũ chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng, trong đó có nữ anh hùng liệt sĩ Huỳnh Thị Hưởng – một “Võ Thị Sáu” của Hội An. Cái chết oanh liệt trung hiếu này đã không làm cho bà con khiếp sợ, trái lại càng hun đúc thêm chí căm thù của nhân dân Hội An đối với đế quốc Mỹ. Sự hy sinh anh dũng của chị Huỳnh Thị Hưởng đã nói lên tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của người dân An Giang.
Tham khảo
Chùa Bà Lê: http://125.234.238.8/gsdl/library?e=d-01000-00—off-0tulieudt–00-1–0-10-0—0—0prompt-10—4——-0-1l–11-ja-50—20-about—00-3-1-00-0-0-11-1-0utfZz-8-00&a=d&c=tulieudt&cl=CL4.1&d=HASH147d8a8954311a48b6cecf