Giới thiệu chung
Chùa Bà Thiên Hậu hay còn gọi là chùa Bà Chợ Lớn là một ngôi miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu hiện tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Do bên cạnh miếu có Hội quán Tuệ Thành. Hội quán là nơi quy tụ của nhóm người Quảng Đông, nên chùa còn được gọi Tuệ Thành Hội quán.
Lược sử
Chùa Bà Thiên Hậu do người Hoa gốc phủ Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đến Sài Gòn – Chợ Lớn làm ăn, buôn bán xây dựng để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu phù hộ cho họ đi biển được an toàn. Hiện nay, chưa có nguồn tư liệu thành văn nào nói rõ hội quán Tuệ Thành được xây dựng từ khi nào. Tại trung điện hiện còn bức hoành phi to lớn bằng gỗ chạm nổi tinh xảo hình tượng cặp rồng tranh châu, chữ Hán “Hàm hoằng quang đại. Gia Khánh ngũ niên quý xuân cốc đán, chúng thượng đẳng trùng kiến lập” (Tỏa sáng muôn nơi. Các nhà buôn trùng tu hội quán Tuệ Thành, lập và cúng hoành phi vào ngày tốt tháng 3 năm Gia Khánh thứ 5 – 1800), từ căn cứ này có thể xác định hội quán Tuệ Thành được xây dựng trong khoảng thời gian trước năm 1800.
Kiến trúc – Di vật
Kiến trúc tổng thể của hội quán kiểu “nội công ngoại quốc” gồm các tòa nhà tiền điện, trung điện, nhà hương, chính điện nằm trên trục dọc, đông lang, tây lang ở hai bên. Mái các tòa nhà lợp ngói âm dương, gờ nóc mái ngang phẳng được gắn những khối phù điêu gốm men hình tượng cặp rồng tranh châu, cảnh sinh hoạt ở thiên đình, bát tiên, chim hoa, sống núi cỏ cây rất mỹ thuật, gờ mái hơi cong, trang trí nhiều hình tượng gốm nghệ thuật, diềm mái gắn mảnh gốm men xanh hình lá cây. Ở hàng song sắt trước cửa chính có cặp liễn đối bằng đồng với kỹ thuật gắn nổi chữ Hán được làm vào năm Kỷ Dậu, năm thứ 2460 ngày sinh của Khổng Tử – 1909: “Mộ cổ thần chung đồng giác ngộ, Âu phong Á vũ lưỡng điều hòa” (Trống tối chuông mai cùng giác ngộ, Gió Âu mưa Á, thảy điều hòa), hai bên cửa là hai cặp lân đá ngồi chầu được tạo hình và chạm trổ rất mỹ thuật.
Tiền điện
Tiền điện là tòa nhà ba gian được xây dựng bằng tường gạch, kèo mái chạm trổ tinh xảo, xà, đòn tay, rui mè gỗ tạo thành tòa nhà cao rộng vững chắc, mái lợp ngói âm dương. Ở đây có án thờ Phúc Đức chính thần bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo hình tượng rồng mây, chim hoa lá quả, cặp liễn đối gỗ chạm chìm sắc sảo chữ Hán làm năm 1910 “Bình đại hải chi ba lan, chỉ trụ trung lưu, nhiêu hữu hồi thiên phách lực, Đăng tư dân ư nhẫm tịch, ân cao hạ đãi, túc chứng ngã hậu bà tâm” (Trên biển dẹp sóng cuồng, cột đá giữa dòng, phách mạnh xoay trời chuyển đất, Đưa người lên đất phúc, ơn bà khắp cõi, lòng từ giúp nước yên dân), và 16 tấm biển gỗ cắm trên giá, chạm nổi tinh tế rồng mây, chữ Hán làm năm Quang Tự thứ 1 – 1875 “Phúc Đức chính thần”, “Long Mẫu nương nương”,…
Thiên tỉnh
Hai bên sân Thiên tỉnh là hai hành lang nối liền tiền điện với trung điện. Thiên tỉnh có tác dụng điều hòa ánh sáng tự nhiên và thoát khói hương cho khu vực trung điện và nhà hương. Hai bên gờ mái đứng của Thiên tỉnh nhìn lên ta thấy những mảng phù điêu gốm nghệ thuật tả cảnh sinh hoạt của con người, tả cảnh sống núi cỏ cây sống động.
Trung điện
Trung điện là tòa nhà ba gian được xây dựng bằng tường gạch, kèo mái, xà, đòn tay, rui mè tạo thành tòa nhà cao rộng, mái lợp ngói âm dương. Ở đây trưng bày dàn ống bơm nước chữa cháy bằng đồng chế tạo năm 1898, chiếc thuyền từ bằng gỗ của Thiên Hậu được tạo hình và chạm trổ tinh xảo hình tượng rồng mây, chim họa, bộ ngũ sự cao lớn bằng hợp kim làm năm 1886, các hoành phi, liễn đối gỗ chạm trổ tinh tế chữ Hán, rồng mây “Hàm hoằng quang đại” làm năm 1800, “Hiếu nữ tác thần tiên, bạch nhật thăng tam thiên giới dĩ thượng, Từ vân phu lãnh hải, hồng đăng triệt cửu, vạn lý nhi dao” (Hiếu nữ hóa thần tiên, mặt trời soi bóng ba ngàn giới, Mây lành trùm lãnh hải, đèn hồng chiếu rọi chín vạn xa) làm năm 1910.
Nhà hương
Nhà hương là tòa nhà được xây dựng kiểu tứ trụ, cột, kèo mái, xà, đòn tay, rui mè bằng gỗ tạo thành tòa nhà một gian cao rộng, thông thoáng, mái lợp ngói âm dương. Ở đây có bốn chiếc lư đồng to lớn làm năm Quang Tự thứ 2 – 1876 để mọi người niệm hương.
Chính điện
Chính điện là tòa nhà ba gian được xây dựng bằng tường gạch, cột, kèo mái, xà, đòn tay, rui mè gỗ tạo thành tòa nhà cao lớn uy nghi, mái lợp ngói âm dương. Ở đây có các án thờ Thiên Hậu Thánh mẫu, Kim Hoa nương nương, Long Mẫu nương nương bằng gỗ cao lớn màu sắc rực rỡ, được chạm trổ tinh xảo hình tượng cặp rồng chầu mặt trăng, chim hoa lá quả, các hoành phi, liễn đối, bài vị gỗ chạm trổ mỹ thuật đề tài rồng mây, chữ Hán “Việt hải ngưỡng từ huy, vật phụ nhân khàn đồng kiều phúc địa, Hàn giang chiêm hậu trạch, lư ca lý chúc cộng mộc ân ba” (Biển Việt ngóng điềm lành, vật thịnh người vui nơi đất phúc, Sông Hàn trùm ân trạch, thôn xóm vui ca gội sóng ơn), “Tôn thánh tạ thần quyền, nguyên đương niên nghĩa trọng, Tuệ thành đặc khai xã hội, Hợp dân liên tộc giới, huống ngã bối tình ân, tử lý vưu ái nhân quần” (Tôn thánh nhờ thần quyền, vì nghĩa nặng ban đầu, Tuệ Thành mở mang cơ nghiệp, Họp dân nhờ trăm họ, vì ân nghĩa quê hương, ưu ái mọi người), các cặp liễn đối này làm năm 1910, chiếc chuông gang cao lớn làm năm Càn Long thứ 60 – 1795, chiếc lư đồng to lớn làm năm Quang Tự thứ 2 – 1876.
Đông lang và Tây lang
Đông lang và Tây lang được xây dựng bằng tường gạch, mái lợp ngói âm dương, được sử dụng làm hội trường, phòng tiếp khách và văn phòng làm việc của Ban Quản Trị hội quán.
Hiện tại hội quán còn lưu giữ 217 cổ vật gắn với di tích gồm liễn đối, hoành phi, bài vị, án thờ, tượng, lư hương, đỉnh hương, ngũ sự,… Bằng chất liệu gỗ, đồng, đá, gốm.
Lễ hội
Hội quán Tuệ Thành tổ chức lễ cúng chính Thiên Hậu Thánh Mẫu vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm với nghi thức lễ truyền thống của người Hoa vùng Quảng Đông.
Thành tựu
Chùa Bà Thiên Hậu đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa ký Quyết định số 43-VH/QĐ ngày 7/1/1993 xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Tham khảo
- Sách “Di tích lịch sử – Văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh”, Phạm Hữu Mý, Nguyễn Văn Đường.
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_B%C3%A0_Thi%C3%AAn_H%E1%BA%ADu_(Th%C3%A0nh_ph%E1%BB%91_H%E1%BB%93_Ch%C3%AD_Minh)