Chùa Bà Thiên Hậu (chùa Thiên Hậu Thánh Mẫu– Phường 2, thành phố Cà Mau)

Chùa Bà Thiên Hậu (chùa Thiên Hậu Thánh Mẫu– Phường 2, thành phố Cà Mau)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Chùa Bà Thiên Hậu hay còn gọi là chùa Thiên Hậu Thánh Mẫu hoặc chùa Bà Mã Châu, toạ lạc tại số 68 Lê Lợi, Phường 2, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 9km, di chuyển theo hướng Hải Thượng Lãn Ông để đến ngôi chùa. 

Chùa Bà Thiên Hậu là nơi thờ bà Lâm Mặc Nương, người ở Phù Điểu, Phúc Kiến (Trung Quốc). Đây là một ngôi chùa cổ xưa mang đậm kiến trúc Phật giáo của cộng đồng người Trung Hoa ở Cà Mau Việt Nam. 

Lịch sử

Tín ngưỡng Thiên Hậu du nhập vào Nam Bộ Việt Nam theo dòng di dân người Hoa vào thời Minh – Thanh, đặc biệt là cuối Minh – đầu Thanh. Từ cuối thể kỷ XVII cho đến đầu thế kỷ XX, nhiều dòng di dân người Hoa người tiếp tục đến vùng Nam Bộ, đặc biệt vào cuối thế kỷ XIX, Việt Nam làm thuộc địa của Pháp, các hiệp ước Pháp – Thanh năm 1885 và 1886 đã mở ra nhiều cơ hội để người Hoa di dân đến Việt Nam, từ đó trở đi, đồng bào người Hoa đã chung sống chan hòa cùng các cộng đồng bản địa. 

Trong bài thơ Chợ Lớn của tác giả Nguyễn Liên Phong  trong Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca (1909) có nhắc đến Mẫu Thiên Hậu, đây là tín ngưỡng thờ mẫu từ Trung Hoa được du nhập vào Việt Nam:

Hà Chương Hội quán ai bì

Ôn Lăng thất phủ hạng nhì, hạng ba.

Các chùa còn lắm xa hoa,

Thờ ông Phước Đức, thờ bà Thai Sanh.

Thiên hậu thánh mẫu rất linh,

Quan công thánh đế lịch xinh tượng hình…

Chùa bà Thiên Hậu được cộng đồng người Hoa sang vùng Cà Mau Việt Nam sinh cư lập nghiệp xây dựng lên vào năm 1882 nhằm tôn vinh nữ thần trời mang tên Thiên Hậu, người được coi là vị thần bảo vệ ngư dân và thuyền nhân.

Đến mùa hè năm Quý Mão 1903, được xây dựng lại với lối kiến trúc truyền thống, mang đậm nét Phương Đông. 

Thiên Hậu Thánh Mẫu (Lâm Mặc Nương)

Bà Thiên Hậu còn được gọi là Thiên Hậu Thánh Mẫu hoặc Ma Tổ, là con gái út trong gia đình thương nhân buôn bán trên biển họ Lâm, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Bà được ví như hoá thân của Bồ Tát cứu khổ, cứu nạn chúng sinh, các dân cư đi biển. 

Theo cuốn chùa cổ Việt Nam có chép lại: bà Lâm Mặc Nương “sinh ngày 23 tháng 3 năm 960 (âm lịch) ở Phù Điểu, Phúc Kiến (Trung Quốc). Lên 6 tuổi, Bà đã làu thông thư Kinh, sử thi, lại giỏi y lý, bốc thuốc chữa bệnh cho dân không mất tiền. Vốn xuất thân từ gia đình làm nghề đánh bắt cá, cha là tổng quản tuần tra trên biển, Bà coi thời tiết biển rất chính xác. Những người dân ở đây trước lúc ra khơi đều đến tham kiến Bà. tháng 9 (âm lịch), mới 28 tuổi”.

Bà là người giúp dân làng, những người đi biển vượt qua gió bão, độ cho dân làng qua tai hoạn, để đền ơn bà dân làng lập đền thờ và tôn bà là vị Thần Biển, Thiên Hậu Thánh Mẫu là chức vua Càn Long đã phong cho bà. 

Sự tích của bà được ghi chép lại tại ngôi đền ở Hoà Đa (Bình Thuận), trong đó có nhắc đến bà “Bà họ Lâm, phái đạo Cửu Mục Công, con gái thứ hai của Ông Công, 8 tuổi học đạo Tiên, 12 tuổi luyện đơn thành công, biết hô phong hoán vũ. Đời Tống có người đi biển lật thuyền được thần xưng là con gái của Ông Công cứu. Tống phong làm Phu Nhân, Minh phong Thiên phi, Thanh phong là Thiên Hậu”. Đây là tư liệu được cuốn sách Thần, Người và Đất Việt đã nói, qua đó chúng ta nhận thấy rằng hình dạng của vị Thần Biển được đồng nhất qua những danh xưng khác nhau ở các thời đại khác nhau.

Kiến trúc

Ngôi chùa được xây dựng trên một khoảng đất hẹp ngay mặt đường trên phố Lê Lợi, bên cạnh ngã ba sông Gành Hào, chùa Bà Thiên Hậu được thiết kế theo phong cách kiến trúc phật giáo truyền thống của người Hoa. 

Chùa Bà Thiên Hậu có diện tích nhỏ, kiến trúc hiện tại chỉ gồm: Chính điện, hai toà nhà kho. Với nét kiến trúc khác với kiến trúc đặc trưng của các ngôi chùa Việt Nam, đặc biệt, chùa có một số tác phẩm điêu khắc đẹp mắt, tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, cổ kính, toàn bộ ngôi chùa được sơn 2 màu chủ đạo là màu đỏ và vàng. 

Nghi môn 

Cổng vào chùa Bà Thiên Hậu được thiết kế đơn giản chỉ là 2 cột thẳng đứng, cột khối hình tròn, dọc thân cột chạm trổ hàng chữ Tiếng Hoa, chiều cao của cổng thấp khoảng 2m, ở hai bên trên đỉnh cột có tạo hình búp sen. 

Do nền đất chùa bị thấp hơn so với nền đường khoảng 20cm nên có nền cổng dốc xuống vào sân, nối với cổng là dãy hàng rào bao xung quanh khuôn viên ngôi chùa, hàng rào lửng thấp khoảng 90cm. Ở sát dãy tường lửng trước cổng được đặt rất nhiều chậu cây cảnh. 

Chính điện 

Qua cổng chùa là đến khoảng sân gạch, đây là khoảng sân trước Chính điện, cách từ cổng chùa vào toà Chánh điện khoảng 3m, phía trước có đặt một lư hương lớn, đôi con Tỳ hưu hai bên quay mặt vào nhau, ở giữa đôi kỳ hưu là một hương án thờ. 

Toà Chính điện là nơi thờ Bà Thiên Hậu, toà gồm 1 gian to, 2 chái, phía trước có một gian phương đình nối liền với toà chính, các cột được làm bằng đá, có treo dòng chữ Hán, các bức tường và cột đều được làm từ đá xanh.

Toà có phần hiên rộng khoảng 2m, đây là nơi để các du khách chuẩn bị lễ trước khi vào lễ, cửa ra vào chùa có 3 cửa để thông không có cửa, được làm từ cây danh mộc,  bên trên cửa chính ở giữa có treo bức hoành phi khắc chữ Hán dịch nghĩa là Thiên Hậu Cung.

Tiến vào trong nơi gian thờ ở giữa là nơi thờ Bà Thiên Hậu, ở phía dưới là ban thờ Thần Hổ, ở hai bên là thờ Thổ Thần và Thành Hoàng Bổn Cảnh, được biết đây là phong tục thờ của người Trung Hoa. Các kiến trúc bên trong chùa được trang trí rất tỉ mỉ, chạm trổ vẽ và sơn thếp vàng, không khí trang nghiêm, xung quanh có nhiều câu đối màu đỏ, thể hiện vẻ đẹp ấn tượng của kiến trúc Phật giáo Trung Hoa, ngoài ra còn có đặt các đồ nghi trượng, lỗ bộ và các cây lọng lớn. 

Phần mái chùa được làm kiểu dạng ống giả xo măng, đầu đao mái uốn cong, trên bờ nóc mái được chạm trổ rồng chầu.

Nhà kho

Nằm liền kề ở hai bên của Chính điện là hai bên nhà kho, với thiết kế đơn giản 2 gian, đổ mái bằng, bên trong để các vật dụng phục vụ cho chùa. 

Lễ hội 

Ngày 23 tháng 3 Âm lịch hàng năm, chùa Bà Thiên Hậu đều tổ chức lễ hội, trong ngày lễ các hoạt động được diễn ra như: hát tiều, bóng rổi, múa mâm vàng, mâm bạc, rước kiệu. Từng đoàn người với chiêng, trống, lân, sư, rồng… cùng cờ, hoa diễu hành qua các tuyến đường thành phố Cà Mau làm ngày Lễ Vía Bà Thiên Hậu, các khách thập phương và người dân chuẩn bị lễ vật, hương nhang đến chùa để làm lễ, lễ mộc dục, thay xiêm y cho Thiên Hậu, tạ ơn, cầu  bình an. 

Hiện nay ngôi chùa không chỉ là kiến trúc Phật Giáo linh thiêng của cộng đồng người Hoa mà còn là một điểm tham quan độc đáo cho khách thập phương mọi người dân Việt Nam. 

Tài liệu tham khảo

  1. Vũ Ngọc Khánh (chủ biên), Chùa cổ Việt Nam, Nxb Thanh Niên.
  2. Nguyễn Ngọc Thơ, Tín ngưỡng Thiên Hậu tại Nam Bộ
  3. Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt 2007. 
  4. Vũ Văn Chung, Nghiên cứu tôn Giáo, Quan điểm của Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Nam Bộ.
  5. Nguyễn Liên Phong, Chợ Lớn, Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca (1909). 
5/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ
Chua Ba Thien Hau Ca Mau (1)

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)