Chùa Bạch Hạc nằm trên địa bàn làng Tạnh Xá, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. Vùng đất này xưa có tên là Tịnh Xá, xã Bố Vệ, tổng Bố Đức, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Hóa. Từ năm 1994, làng Tạnh Xá được phân chia về phường Đông Vệ – thành phố Thanh Hóa.
Tên gọi
Bạch Hạc là tên chữ để gọi chùa, xét theo ngữ nghĩa chữ Hán thì có nghĩa là Hạc trắng, một loài chim – biểu tượng của sức sống trường thọ, được dân gian tôn sùng; là đề tài phổ biến trong nghệ thuật chạm khắc trên các kiến trúc cổ như: đền, đình, chùa và vẽ trang trí trên các vật dụng, đồ gốm sứ trong suốt nhiều thế kỷ tồn tại của chế độ phong kiến. Chùa Bạch Hạc còn có tên gọi là chùa Tạnh Xá, lấy địa danh đặt tên cho chùa là cách gọi quen thuộc của nhân dân.
Tạnh Xá là một tụ điểm dân cư có lịch sử hình thành từ lâu đời. “Xá” là tên gọi rất cổ, chỉ đơn vị hành chính tương đương làng. Trong suốt tiến trình lịch sử, người dân nơi đây đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, như xây dựng các đền thờ Kỷ Tín tôn thần, Xích Bích tôn thần, Giác Mã tôn thần, các đình, chùa cùng các lễ hội, phong tục tập quán mang đậm sắc thái văn hóa của một làng quê Việt Nam.
Vị trí
Chùa Bạch Hạc toạ lạc ngay trung tâm cồn chùa làng Tạnh, nơi có ao hồ, giếng nước, đồng lúa, hàng cây tạo nên cảnh sắc của một làng ven đô sầm uất. Những cảnh sắc, sức sống đó như muốn nhắn gửi người dân nơi đây đến với Bạch Hạc tự, nơi có các Đức Phật trong sáng chan hòa, cùng với những điều thanh bạch, phạm hạnh thúc đẩy con người vui chung với gia đình thổ trạch, để vươn tới cái lễ “trọn thủy, trọn chung, trọn với lẽ đời” mà người ta đang sống.
Hệ thống bia ký
Chùa Bạch Hạc – Tạnh Xá trước đây có một hệ thống bia ký gồm 5 tấm bia đá khắc chữ Hán, ghi về quá trình dựng chùa, tên tuổi người đã công đức và một số sự kiện, giúp chúng ta hiểu về cuộc sống một làng quê ở các thế kỷ trước. Rất tiếc 3 trong số 5 tấm bia đã không còn, nhưng may mắn nội dung văn bia còn được bảo lưu tại Thư viện Trung ương và trong một số sách vở, đó là:
Bia “Cung điền Bạch Hạc tự bi ký”: Bia cao 1,40m x rộng 0,54m, có 19 dòng, mỗi dòng từ 3 – 29 chữ. Bia khắc năm Chính Hòa thứ 4 (1683) do Nguyễn Đăng Kiểm soạn. Nội dung ghi quan Đề đốc Nguyễn Nhân Vinh cùng vợ là Nguyễn Thị Diệu công đức cho chùa một mẫu ruộng.
Bia “Trùng tu bi ký”: Bia cao 1,40m x rộng 0,55m ; có 19 dòng, mỗi dòng khắc từ 4 – 35 chữ. Bia khắc năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), nội dung ghi ông Nguyễn Đăng Tiến cùng vợ là Nguyễn Thị Thư cung tiến tiền, ruộng vào chùa.
Bia “Hậu kỵ bi ký”: Bia dựng năm Đinh Hợi: Cao 0,62m x rộng 0,37m có 17 dòng, mỗi dòng khắc 14 chữ, ghi Phật tử tiến cúng tiền và ruộng cho chùa Tạnh Xá.
Hiện tại chùa còn bảo tồn 2 văn bia chữ Hán:
“Bạch Hạc tự bi ký” cao 1,43m x rộng 1m x dày 0,20 m. Trán bia tạo hình tam sơn, có hai tai. Giữa trán bia khắc hình mặt nguyệt trên nền áng mây. Bốn cạnh bia chạm viền hoa cúc dây. Bia dựng vào mùa xuân năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) do quan Học chính Thanh Hoa là Lê Duy Trung soạn, người làng Tạnh Xá là Nguyễn Đỉnh Vị viết chữ. Cả hai mặt bia đều khắc chữ, mặt sau ghi công đức; mặt trước có nội dung khái lược như sau: “Quốc gia lâu nay được thanh bình, vô sự, nhân dân nhiều người thích làm việc thiện, tôn sùng chùa Phật để tích tụ những điều phúc đức. Đó là nguồn gốc (bản chất) của ông cha ta từ xưa vậy. Do đó việc thiện đức là gắng làm. Nghe lời truyền lại rằng: dân thôn từ thời thượng cổ đã có chùa Bạch Hạc”.
Bia thứ hai còn bảo tồn tại chùa cao 0,67m x rộng 0,37m; trán bia hình tam sơn, xung quanh 4 cạnh bia chạm gờ nổi. Bia dựng năm Tự Đức thứ 32 (1880), ghi công đức tôn tạo chùa.
Chùa Bạch Hạc – chùa Tạnh Xá có vị trí quan trọng trong đời sống của cư dân không chỉ trong phạm vi làng Tạnh Xá, mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều thế hệ dân cư trong phạm vi rộng.
Kiến trúc
Chùa Bạch Hạc hiện còn một dãy nhà bốn gian đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần; gần đây nhất là năm 2001. Kết cấu kiến trúc theo kiểu “chồng rường kẻ bẩy”, bao gồm bốn hàng chân cột, hai cột cái và hai cột quân. Trên các đầu cốn, xà có chạm hoa văn hình mắt trâu, nét chạm thô tròn. Hệ thống rui mè, hoành tải được làm bằng gỗ, trên lợp ngói âm dương, xung quanh chùa được xây tường bao nới rộng ra đỡ lấy hai bên hiên. Từ thượng lương xuống mặt nền 4,30m, từ đầu cột cái xuống chân tảng 2,90m, từ chân tảng xuống mặt nền 0,40m. Chân tảng được thiết kế theo hình trụ xoắn đỡ lấy toàn bộ thân cột, vanh cột cái 0,85m; vanh cột quân 0,73m. Gian thứ nhất được thiết kế theo kiểu chồng diêm, nâng đỡ tầng mái phía trước, nới rộng ra, tạo thành một mái cong. Các lối ra vào chùa được làm bằng một hệ thống cửa bức bàn gỗ kiên cố. Cửa chia làm ba khung riêng biệt, có kích thước cao từ mặt đất lên khung 0,50m. Chiều cao cửa chính là 1,85m; rộng 2,0m. Chiều cao hai cửa phụ là 1,85m, rộng 0,55m.
Mặc dù đã bị di chuyển từ nơi này qua nơi khác, trùng tu nhiều lần nhưng hiện chùa vẫn còn giữ được một số các pho tượng cổ, có kích thước khá lớn. Cách bài trí tượng Phật vẫn giữ được tính kế thừa ở những thời kỳ trước: Tượng thờ ở chùa được bài trí theo năm thứ bậc từ cao xuống thấp. Hàng trên cùng là tượng Tam Thế, gồm ba pho tượng được đặt hàng ngang bệ cao nhất. Tam Thế là ba vị Phật ở ba thời: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai (Tương lai). Ba pho tượng được tạc gần giống nhau: Thế ngồi thiền định, hai tay đặt lên lòng đùi kết ấn Tam muội, đầu kết tóc xoắn ốc, mặt đầy đặn, tai to, dái tai chảy, mũi thẳng, mắt nhìn xuống mũi, miệng như đang mỉm cười. Thân tượng khoác áo cà sa trùm qua tay và vai tạo thành nhiều lớp sóng. Phần ngực để lộ ra có khắc hình chữ “Vạn” tượng trưng cho sự từ bi, trí tuệ, đồng thời tượng trưng cho sức mạnh của Phật lực đối với bốn phương cứu độ.
Cả ba tượng được tạc ngồi trên bệ liên hoa gồm có ba lớp cánh nhỏ nhô ra tạo thành ba lớp sóng, các lớp sau nhô ra kết sít lại với nhau rất vững chắc. Cả ba tượng được tạc với kích thước giống nhau: cao 0,90m, rộng 0,60m, bệ sen cao 0,20m.
Bệ thứ hai là Di Đà tam tôn hay còn gọi là Tây Phương tam thánh, bao gồm ba pho: Đức Phật A Di Đà ngồi giữa, tượng Quan Âm và Thế Chí ngồi hai bên.
Tượng Đức Phật A Di Đà là tượng có kích cỡ lớn nhất ở chùa: cao 1,20m, chiều rộng từ đầu gối bên phải đến đầu gối bên trái 0,80m, bệ sen cao 0,30m. Tượng được tạc với tư thế ngồi Thiền định, tóc kết xoắn ốc, tai to và chảy, lông mày trông rất thanh tao, mắt khép hờ nhìn xuống, mũi dọc dừa, miệng mỉm cười, thân hình chắc lẳn khoẻ mạnh, được phủ bởi chiếc áo cà sa. Những nếp gấp trên áo tạo thành những làn sóng mỏng, trải dài hai bên mình tượng. Chân xếp bằng tròn, hai tay đặt trên lòng đùi hai chân, hai ngón tay cái giao nhau, bệ sau được tạc ba cấp với ba lớp sóng chồng khít lên nhau.
Tượng Quan Âm và Thế Chí được tạc giống nhau về kích cỡ, đầu đội mũ tựa như đóa hoa, mặt được phủ bởi lớp sơn hồng, mắt nhìn xuống, mũi thẳng, hai tai to chảy, hai tay ở hai thế hoán vị cho nhau ở hai vị trí trái, phải. Theo Phật thoại thì Quan Âm và Thế Chí theo Đức Phật Di Đà hóa dụ muôn phương nên được dân gian bài trí đặt ở hai bên tượng Di Đà.
Ngoài ra tại chùa còn có các pho tượng “Thích Ca sơ sinh” đứng trên tòa Cửu Long (chín rồng chầu), tượng Thổ Địa, tượng Đức Ông, Thánh Tăng.
Nhìn chung, những pho tượng cổ còn lại ở chùa là những pho tượng quý, cách tạo tác dựa theo nguyên tắc tạc tượng Phật giáo, mang tính kế thừa truyền thống tạc tượng dân tộc Việt. Chùa Bạch Hạc (chùa Tạnh Xá) lưu lại giá trị về nhiều mặt, trước hết là quá trình phát triển Phật giáo trong một làng quê Việt Nam. Năm 2002 chùa Bạch Hạc đã được Nhà nước cấp bằng xếp hạng là Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Tham khảo
- Chùa Xứ Thanh (Tập I), Nhà xuất bản Thanh Hoá, CN. Nguyễn Thị Khuyến