Vị trí địa lý
Làng Đại Lý thuộc xã Thiệu Vân, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nằm phía hữu ngạn sông Chu, dưới chân núi Đọ – di chỉ thuộc nền văn hóa thời đại đá cũ, cách ngày nay 30 đến 40 vạn năm – là bằng chứng khoa học chứng minh nơi đây là một trong những quê hương đầu tiên của loài người.
Kề bên núi Đọ là di chỉ cồn Chân Tiên thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng. Cư dân cồn Chân Tiên đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đồ đá với sản phẩm rất phong phú về chủng loại, gồm rìu, bôn được mài bóng, những chiếc đục, rìu đá nhỏ lưỡi sắc dùng để làm đồ tre đan, nhiều loại bàn mài, những vòng trang sức bằng đá ngọc với kỹ thuật chế tác chính xác. Đó là mốc quan trọng mở đầu thời đại văn minh Đông Sơn nổi tiếng thế giới.
Gần Đại Lý còn có di chỉ Thiệu Dương, trên cánh đồng Khổ, thuộc làng Giàng, cách ngày nay hơn 2.000 năm. Cư dân Thiệu Dương đã đạt đến trình độ cao của văn minh Đông Sơn.
Lịch sử hình thành
Đầu Công nguyên, dưới thời Bắc thuộc, làng Giàng trở thành qụận lỵ của quận Cửu Chân. Thế kỷ X, làng Giàng là căn cứ chống quân Nam Hán do vị anh hùng dân tộc Dương Đình Nghệ lãnh đạo. Bao bọc trong một không gian văn hóa như vậy, lại vào vị trí huyết mạch giao thông, từ giao điểm sông Mã, sông Chu thông ra biển, vào sâu trong đất Cửu Chân qua hệ thống sông; theo những tư liệu hiện đã cho biết đến nay, làng Đại Lý có từ thời Đinh. Sách “Thanh Hóa chư thần lục” biên soạn dưới triều Nguyễn ghi: “Thôn Trà Sơn Thượng (thôn Đại Lý) xã Đại Lý, huyện Thụy Nguyên thờ Thành Hóa tôn thần. Thần là người có công giúp nhà Đinh mở nước, làm quan tới chức Thái phó Bình chương quân quốc. Sau khi ông mất được phong tặng là Thành Hóa và sai lập đền thờ, các triều đại đều có sắc phong tặng”. Truyền thuyết làng Đại Lý kể rằng: Thần vốn người làng Trà Sơn, tên cổ là Kẻ Chè, thuộc xã Thiệu Trung ngày nay. Ông làm quan dưới triều Đinh (969 – 980). Một hôm ông cưỡi ngựa hồng, đội nón màu đỏ qua Đại Lý, thấy một thiếu nữ đang cày với con trâu bạc, ngài dừng ngựa, ứng khẩu đọc vế đối “Đường cày vằng vặc như dục đạc trên đường”. Thiếu nữ đối lại: “Nón đỏ choi chói như đoi người đang cày”. Mến tài nhau, hai người đã kết tóc xe duyên, lập nghiệp tại làng Đại Lý. Họ ra sức khai phá rừng rậm, chiêu dân lập nghiệp tại làng Đại Lý. Buổi đầu làng chỉ có 10 suất đinh, gọi tên là Bố Chính Phương. Làng Chè Thượng còn lưu truyền câu chuyện về vị thần Thành Hóa, sinh thời là người có sức khoẻ phi thường và rất cần cù lao động, sống giản dị, ăn cơm rau muối, ngày phát mẫu rạ. Làng Bố Chính Phương sau đó đổi tên thành làng Đại Lý. Thành Hóa tôn thần là vị thần của hai làng Trà Sơn và Đại Lý. Hai làng đã kết nghĩa anh em (kết chạ) ngày nay còn lưu truyền câu ca:
Trà Sơn, Đại Lý hai làng
Biết nhau từ thuở Đinh Tiên Hoàng lên ngôi.
Tại làng Đại Lý người ta đã phát hiện được nhiều lọ gốm tráng men trắng đục, hoặc men màu nước dưa cả trong và ngoài lọ, có bốn hoặc sáu núm quanh miệng, độ lửa nung cao, là đặc trưng của hiện vật thời Tuỳ Đường (603 – 721). Trong chùa Báo Ân còn lưu giữ được nhiều mẫu gạch ngói với kích thước lớn, to, nặng trang trí hoa văn hoa lá thuộc thời Trần (thế kỷ 13 – 14).
Lịch sử hình thành làng Đại Lý gắn liền với cuộc đấu tranh không mệt mỏi với thiên nhiên và xã hội, để lại nhiều câu chuyện truyền miệng thể hiện lòng tự hào của người dân với quê hương mình: Câu chuyện dân Đại Lý giúp làng Tồng Tân tiền để thoát nạn “vạ voi”; chuyện “bà đỡ vườn” đầy tính nhân văn khiến hổ dữ cũng đến nhờ bà; chuyện giếng chùa làng trong mát có nguồn nước thiêng, có ba nàng tiên xuống tắm; chuyện tên chùa Báo Ân có xuất xứ để đền ơn người có công với nước qua truyền thuyết về vị sư tổ trụ trì chùa từ thời Lý (thế kỷ 11 – 12), vị sư là người có kiến thức hiểu biết xã hội và y học sâu sắc. Nhà sư vừa trụ trì chùa làng Đại Lý vừa tham gia chính sự triều đình, có nhiều đóng góp với triều Lý. Sau khi tu đắc đạo, nhà sư cáo quan để chuyên tâm vào việc Phật sự và truyền bá Phật pháp. Vua Lý trọng đức, mến tài đã nhiều lần sai quan quân về đón ông ra kinh đô Thăng Long, nhưng ông đều khước từ. Ông mất ngày 26 tháng 7 (âm lịch) tại chùa làng Đại Lý. Để ghi nhớ công lao đóng góp của nhà sư, triều đình cho dựng lại chùa tại làng Đại Lý khang trang to đẹp hơn, đặt tên là chùa Báo Ân. Chùa có lịch sử xây dựng nghìn năm, trải bao phen thăng trầm cùng lịch sử dân tộc. Khi cuộc khởi nghĩa Ba Đình bùng nổ (1886) do các văn thân yêu nước lãnh đạo để hưởng ứng chiếu Cần vương chống giặc Pháp xâm lược, làng Đại Lý đã tích cực tham gia. Giặc Pháp về đốt phá chùa để trả thù. Năm 1905 dưới triều vua Thành Thái – vị vua yêu nước, có tư tưởng chống giặc Pháp, chùa Báo Ân được trùng tu với quy mô lớn và dựng bia ghi lại sự kiện này. Bia là phiến đá đen nguyên khối, thân bia hình chữ nhật cao 1,27m; rộng 0,71m; dày 0,11m. Trán bia chạm lượn sóng thành ba khúc cong (tam sơn). Chính giữ trán bia chạm mặt hổ phù. Phân cách thân với trán bia có hai đường gờ chỉ nổi tạo thành khung viền, bên trong khắc 10 chữ Hán “Đại Bối xã Báo Ân tự trùng tu bi ký” nghĩa là: Bia ghi về việc trùng tu chùa Báo Ân, xã Đại Bối.
Thân bia khắc 26 dòng chữ Hán, mỗi dòng 36 chữ. Tổng cộng mặt chính bia có 936 chữ.
Văn bia khẳng định “xã ta có ngôi chùa từ xưa …” và mô tả cảnh trí chùa lấy “núi Quy Sơn (núi Đọ) làm gối chảy về. Bên trái có đền thờ thần, bên phải có điện thờ tiên. Nơi đây cảnh sắc như hiện vẽ bậc Thiền sư quảng trị tam giới”, thế đất vững vàng giúp cho Đại Lý phát triển liên tục, bất chấp mọi trở ngại “Trên cõi trần gió vẫn thổi, mưa cứ bay, khiến lay động bệ đá, đài sen tòa vàng” (văn bia); nghĩa là chùa Báo Ân cùng chung số phận với cư dân nơi đây, phải trải qua bao thử thách, chùa đã bị hủy hoại nhiều lần. May mắn thay, tấm bia đá còn lại cho chúng ta hiểu biết thêm về một làng quê, về một công trình kiến trúc văn hóa tín ngưỡng – chùa Báo Ân. Văn bia cũng nhắn gửi tới các thế hệ mai sau: “lo việc thiện, để mưu điều tốt đẹp kế tiếp về sau”.
Văn bia ghi danh sách hàng trăm người từ quan chức hàng huyện đến chức dịch, người dân trong các xã Trà Sơn, Nam Sơn, Bái Giao, Bái Trung, và xã Văn Lập, đóng góp 1000 quan tiền để phục dựng chùa trong một tháng (khởi công ngày 25-11-1905). Nhiều người tham gia góp công của cho chùa, thể hiện ảnh hưởng rất sâu sắc của chùa Báo Ân trong đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng Quảng Xương, Đông Sơn, Thiệu Hóa ở các thế kỷ trước.
Văn bia do tú tài Nguyễn Hữu Thường vâng soạn.
Người dân làng Đại Lý tự hào về làng quê mình với hình thế con cá chép, gồm các địa danh từ xưa tới nay không thay đổi, như “mả mồ” thửa đất bằng phẳng trước chùa, nơi đây xưa kia có ngôi tháp cao to, uy nghi để xá lỵ của vị sư tổ sáng lập ra ngôi chùa. Ngôi tháp từng là niềm kiêu hãnh của dân làng Đại Lý, nay chỉ còn trong hoài niệm, nhưng vết tích nền móng vẫn còn đó. Trước chùa có thế đất voi chầu hổ phục, trước kia có hồ sen toả ngát hương thơm suốt mùa hạ.
Năm 2001 chùa Báo Ân được Đảng, chính quyền, nhân dân làng Đại Lý xây dựng lại.
Năm 2005 chùa Báo Ân được cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh, góp phần tích cực vào công cuộc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xây dựng quê hương đất nước.
Tham khảo
- Chùa Xứ Thanh (Tập I), Nhà xuất bản Thanh Hoá, CN. Nguyễn Văn Hảo