Lược sử
Chùa Báo Đáp thuộc thôn Báo Đáp, xã Kiêu Kỵ. Ngoài chức năng thờ Phật nơi nhân dân cầu nguyện ước mong về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, chùa còn là nơi thờ vị thần Trấn Thiên Chân Võ – vị thần được thờ cúng với đền Quán Thánh và thờ phụng vị quan Lã Hoằng Công có công lao trong việc phò giúp đất nước chống giặc ngoại xâm.
Kiến trúc
Tổng thể kiến trúc của chùa gồm: Tiền đường, Hậu cung, nhà Mẫu và nhà khách.
Tòa Tiền đường là một nếp nhà năm gian, xây trên nền cao hơn 50cm so với mặt sân, xây ba bậc tam cấp lên chùa. Nhà xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài cổ, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, hai đầu đốc mái xây hai trụ nhỏ kiểu vuông, bờ giải xây hai bức tay ngai kiểu hình học. Nội thất bên trong tiền đường gồm bốn hàng chân cột, chân cột gỗ tròn đặt trên chân tảng đá trên tròn dưới vuông. Kết cấu vì kèo kiểu “thượng chồng rường, giá chiêng, hạ kẻ”, mái phân “thượng tam, hạ tam”.
Hậu cung là một nếp nhà ba gian chạy dọc về phía sau tạo thành hình chữ Đinh, mặt bằng bốn hàng chân, mái lợp ngói mũi hài. Nếp nhà này liên kết chặt chẽ với nhà Tiền đường bởi kết cấu kiến trúc gỗ, một đầu ăn mộng với gian giữa tiền đường, một đầu vì lối lên tường bổ trụ.
Liền sát với tường nhà hậu cung là nếp nhà ba gian với bốn hàng chân đây là nhà Mẫu của chùa. Nhà xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài cổ, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, không trang trí. Gian chính giữa đặt ban thờ Tam tòa thánh mẫu.
Nhà khách gồm năm gian được xây nối tiếp hồi bên trái nhà thờ mẫu và thờ tổ, quay hướng Nam. Nhà xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, các bộ vì kèo đỡ mái làm kiểu đơn giản kèo cầu quá giang, không trang trí.
Di vật
Cũng như bao ngôi chùa khác trên dải đất đồng bằng Bắc Bộ, nét đẹp của chùa không chỉ nằm ở kiến trúc mà cùng với đó là hệ thống tượng phật. Hệ thống tượng tròn chùa Báo Đáp tuy số lượng ít, nhưng niên đại trải dài trong nhiều thời kỳ lịch sử. Các pho tượng có vẻ đẹp, giàu chất dân gian và gần gũi với đời thường. Nếu phân chia theo loại hình thì được chia làm ba loại: tượng Phật 12 pho, tượng Tổ một pho, tượng Mẫu 5 pho. Cách bài trí tượng của chùa như sau:
Tại Tiền đường, sát tường hậu bên trái là tượng Đức Ông, bên phải là tượng Đức Thánh Hiền.
Trong Hậu cung được bố trí theo các lớp: Lớp thứ nhất ở giữa là tòa Cửu Long và Thích Ca sơ sinh, hai bên là tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ. Lớp thứ hai là tượng Trấn Thiên Chân Võ. Lớp thứ ba là tượng vua cha Ngọc Hoàng. Lớp trên cùng là tượng Văn Thù và Phổ Hiền.
Cùng với hệ thống tượng, chùa còn bảo lưu một số di vật có giá trị như chuông đồng (đúc năm Mậu Ngọ, không có niên đại); năm đạo sắc phong của hai thời Lê, Nguyễn.
Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, chùa Báo Đáp cần được bảo tồn để di tích phát huy cao nhất những giá trị vốn có, trường tồn cùng thời gian, mãi là niềm tự hào của thôn Báo Đáp nói riêng, xã Kiêu Kỵ nói chung.
Tham khảo
Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm (2010), Di tích lịch sử văn hóa cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm, tài liệu lưu hành nội bộ.