Chùa Báo Quốc (Báo Quốc Tự – phường Đúc, Thành phố Huế)

Chùa Báo Quốc (Báo Quốc Tự – phường Đúc, Thành phố Huế)

Thông tin cơ bản

Vị trí

Chùa Báo Quốc tọa lạc trên đồi Hàm Long nên ban đầu có tên chữ là Hàm Long Sơn Thiên Thọ tự nay là chùa Báo Quốc. Chùa hiện ở số 17 đường Bảo Quốc, phường Đúc, thành phố Huế, cách cửa Ngọ Môn 3,0km về phía Bắc.

Lịch sử

Chùa do Hòa thượng Giác Phong (người Quảng Đông, Trung Quốc) khai sơn vào thế kỷ XVII, ban đầu chỉ là một cái am nhỏ bằng tre nứa. Trong khoảng 10 năm từ năm 1680 -1691, thiền sư Liễu Quán đến xin thọ học với Giác Phong Lão tổ tại chùa.

Đến năm 1747, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho trùng tu mở rộng quy mô và ban cho tấm biển chữ Hán 敕 賜 報 國 寺 (Sắc tứ Báo Quốc tự). Sau 30 tồn tại, đến năm 1776, chùa bị hư hỏng nặng, rơi vào cảnh hoang phế.

Dưới thời Tây Sơn (từ những năm 1786), chùa bị chiếm dụng làm kho diêm tiêu, thuốc súng và xưởng rèn binh khí phục vụ cho chiến tranh.

Năm 1807, mẹ vua Gia Long đứng ra tái thiết chùa, xây lại chính điện, cổng tam quan, đúc đại hồng chung. Cũng thời gian đó, vua Gia Long chỉ dụ đổi tên chùa là Thiên Thọ tự.

Vào năm 1825, vua Minh Mạng ngự thăm chùa và sắc lấy tên 報 國 寺 (Báo Quốc tự), nhân dịp Tứ tuần đại khánh, vua ban lệnh triệu tập chư tăng cả nước về chùa để sát hạch. Năm 1858, do chùa bị hư hỏng nhiều, vua Tự Đức và hoàng hậu Từ Dũ đã ban tiền trùng tu ngôi chính điện và các công trình khác. Năm 1948, An Nam Phật học hội mở Sơn môn Phật học đường tại chùa Báo Quốc để đào tạo tăng tài.

Kiến trúc

Tam quan: thiết kế dưới dạng cửa vòm gồm 3 ô cửa được tạo khung từ 4 trụ biểu hình vuông, bên trên có gắn đài sen. Cổng chùa rêu phong cổ kính xây theo kiểu hai tầng, 8 mái đắp giả ngói ống, các góc mái trang trí hoa văn dây lá cách điệu. 

Bước qua cổng tam quan là khoảng sân rộng dẫn vào khu vực chính điện với những tán cây cổ thụ tạo nên không gian thoáng mát, thanh tịnh.

Chùa chính được xây theo hình chữ Khẩu (口) với mặt trước là ngôi chính điện, phía sau chính điện hai bên có dãy nhà khách và nhà tăng xá, sau cùng là nhà hậu. Chính điện gồm 3 gian hai chái được xây theo lối trùng thiềm điệp ốc, hai tầng 8 mái theo kiểu nhà rường Huế. Bờ nóc chia thành các ô trang trí đề tài hoa điểu, chính giữa là mặt hổ phù đội bánh xe pháp luân được khảm gốm nhiều màu. Hai đầu góc mái trang trí hồi long với phần đầu chầu vào mặt hổ phù. Giữa hai tầng mái có các ô hình chữ nhật bên trong đề chữ Hán. Các góc mái trang trí tượng tứ linh: long, ly, quy, phượng và hoa văn mây lá cách điệu. Phía trước chính điện được che bởi hệ thống cửa gỗ thượng song hạ bản. Hàng cột hiên được chế tác từ đá cẩm thạch, bên trên chạm phù điêu hình rồng, mây uốn quanh thân cột từ trên xuống.

Bên trong chính điện đặt hệ thống các tượng thờ, gian chính thờ tượng Tam Thế, tượng Phật Thích Ca và hai tôn giả A Nan, Ca Diếp. Hai gian bên đặt tượng Quan Thế Âm bồ tát và Địa Tạng bồ tát.

Phía sau chính điện là nhà thờ tổ, nơi đặt bài vị của các đời trụ trì và di ảnh người thân của các gia đình gửi giỗ lên chùa.

Ngoài các công trình kiến trúc kể trên, phía trái sân chùa là khu tháp Tổ. Đặc biệt, có tháp mộ của ngài Giác Phong (tổ khai sơn chùa Báo Quốc) cùng 5 bảo tháp của các chư Tổ ở chùa Từ Đàm chuyển sang.

Phía dưới chân đồi của ngôi chùa về hướng Bắc còn có giếng nước nổi tiếng nước trong, thơm và ngọt, sâu khoảng 5m – 6m, mạch nước ở giếng phun ra như vòi rồng nên có tên gọi là giếng Hàm Long. 

Di vật

Trong chùa hiện nay ngoài hệ thống tượng thờ còn có nhiều bức hoành phi câu đối được sơn son thiếp vàng cùng nhiều bức cửa võng gỗ được chạm trổ tinh xảo. Đặc biệt là bức hoành “Sắc tứ Bảo Quốc tự”  do chúa Nguyễn Phúc Khoát ngự đề cùng quả đại hồng chung do mẹ vua Gia Long cho đúc năm 1808.

 

 

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ
Tamquanbaoquoc

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)