Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Cổ Loa có tên chữ là Bảo Sơn tự thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. “Từ trung tâm Hà Nội đi qua cầu Chương Dương… qua cầu Đuống theo quốc lộ số 3 đến cây số 17 rẽ tay phải 3km đến chợ Sa, rẽ trái 300m đến ngã tư rẽ phải 100m là đến di tích”.[1]
Lịch sử
Chùa nằm ngay sau lưng đình Cổ Loa (đình Ngự Triều Di Quy) và am Mỵ Châu trong khu di tích Cổ Loa, nơi các nhà khảo cổ học tìm thấy trống Đông Sơn và các mũi tên đồng với nhiều dấu vết của một đô thị từng tồn tại cách nay hơn hai thiên niên kỷ. Đây cũng là nơi gắn liền với truyền thuyết về tòa thành đất hình xoáy ốc của nhà nước Âu Lạc do vua Thục Phán xây dựng với sự giúp đỡ của thần Kim Quy, về bi kịch của tướng Cao Lỗ và nỗi oan của nàng Mỵ Châu khi quá tin tưởng chồng mình mà vô tình trở thành kẻ phản trắc.
Căn cứ theo cách bài trí tượng và thông tin từ các bia đá cổ trong chùa cho phép xác định chùa được xây dựng muộn nhất vào thế kỷ XVII.
Kiến trúc cảnh quan
Trên khu đất rộng gần 10.000m2 có 3 di tích được xây dựng là am Mỵ Châu và đình, chùa Cổ Loa. Các di tích này đều quay về hướng Nam, nhìn ra cửa Nam thành Nội. Vì thế, chùa Cổ Loa nằm ngay sau Hậu Cung đình, không có Tam Quan và lối đi riêng ở phía trước, mà cổng riêng mở ra đường ngõ xóm ở phía Đông. Cách đây khoảng 50 năm, Tam Quan – gác chuông được xây dựng lại, quay về hướng Bắc. Gác chuông là một kiến trúc đơn giản kiểu 2 tầng 8 mái, tường xây bít đốc, 4 cột cái bằng gỗ chịu lực cho cả sàn lầu và mái trên. Hai bên sân, gần sát dãy tường rào là hai kiến trúc dùng làm nơi ở và tiếp khách của nhà chùa.
Chùa kết cấu theo kiểu “Nội công ngoại quốc” gồm: Tiền Đường, phía sau là Thượng Điện, Nhà Tổ, hai bên là Hành lang nối liền từ Tiền Đường tới khu Nhà Tổ. Tiền Đường liên kết với Thượng Điện, tạo thành một kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”. Thượng Điện không liền mái với hành lang và Nhà Tổ mà cách nhau chừng một mét.
Tiền Đường
Toà Tiền Đường có 5 gian 2 dĩ, phần khung mái đấu nối với Thượng Điện ở đoạn giữa, mặt trước các gian chính là dãy cửa bức bàn được làm theo kiểu “Thượng song, hạ bản”. Hai đầu nối với tường hồi được xây bịt và có ô cửa thông gió ở nơi tường hồi hai dãy hành lang. Tên “Bảo Sơn tự” bằng chữ Hán được đắp trên bức đại tự kiểu Tam cấp phía trên, chính giữa bờ nóc mái.
Nhà Tổ
Toà nhà Tổ phía sau thượng điện, có kết cấu và bố cục như Tiền đường, chỉ khác ở hướng chính với dãy cửa bức bàn, quay về phía bắc hai bên hành lang, mỗi bên 6 gian, đấu mái với tiền tế và nhà Tổ nhưng không chúng mái với toà thượng điện.
Các kiến trúc của chùa Cổ Loa được làm bằng gỗ theo thể thức truyền thống với bộ khung gỗ, mái lợp ngói ta kiểu “mũi hài” các góc đao cong trên kiến trúc chính có tường bao phía ngoài, ở hai bên hành lang và ba mặt toà Thượng Điện.
Kết cấu các bộ vì kèo gỗ của các toà nhà Tiền Đường, Thượng Điện và Nhà Tổ theo kiểu “Thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy”, với bốn hàng chân cột. Các bộ vì của hành lang, đơn giản hơn và chỉ có hai hàng cột.
Chùa có tới 134 pho tượng bài trí tại Thượng Điện, Đại Bái, 2 dãy hàng lang. Riêng Thượng Điện, tượng được bố trí thành 7 lớp, lần lượt từ trên cao xuống gồm:
- Bộ tượng Tam Thế
- Bộ tượng Di Đà Tam Tôn: Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát
- Tượng Quan Âm Chuẩn Đề và hai vị thị giả
- Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và Kim Đồng, Ngọc Nữ
- Tượng Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu
- Toà Thích Ca sơ sinh và Đế Thiên, Đế Thích\
- Hai pho tượng Phật tọa trên đài sen
Trong các pho tượng kể trên, tượng A Di đà được tạo tác khá đẹp, kích thước lớn nhất: tượng ở tư thế ngồi 2 chân xếp bằng kiểu ngồi thiền, 2 bàn tay để lồng nhau trên lòng đùi theo thế ấn “tam muội”, với vẻ mặt trầm ngâm, suy tư, mắt hơi nhắm, mũi dọc dừa, tai to chảy dài, cổ cao ba ngấn, tóc xoắn ốc, ngồi trên bệ cao 0,50m, tượng cao 1,5m. Đây là pho tượng được chế tác bằng gỗ mít, cũng như 3 pho Tam Thế, có đặc điểm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Cũng ở trong Phật điện, được thờ ở 2 bên là các tượng (từ trong ra ngoài, đặt đối xứng nhau):
- Quan Âm Nam Hải, Quan Âm Thị Kính
- Thổ Địa, Bồ Tát Địa Tạng
- Bốn pho tượng Tứ Trấn
- Tượng Thập điện Diêm Vương
Tại Đại Bái, tượng được bày đối xứng nhau, gồm
- Đức Ông – Đức Thánh Tăng
- Khuyến Thiện – Trừng Ác
- 8 pho Hộ pháp Kim Cương
Đây là các pho tượng thổ được tạo tác trong tư thế khá sinh động. Hai pho Khuyến Thiện và Trừng Ác có độ cao tương đương nhau, khoảng 2,5m. Tượng Trừng Ác được tạo tác ở tư thế ngồi trên lưng sư tử, tay cầm long đao, mình mặc giáp phục, vẻ mặt dữ dằn. Tượng Khuyến Thiện lại có gương mặt hiền từ, ngồi trên lưng con sấu, tay cầm “viên ngọc giáo hoá”.
Hai dãy hành lang có tất cả 24 pho tượng gồm: Thập bát tổ truyền đăng (18 pho), Tứ vị Bồ Tát và 2 tượng Thích ca viên tịch tức nhập Niết bàn và Tuyết Sơn.
Các pho này đều là tượng thổ, được tạo tác khá sinh động, có niên đại cuối thế kỷ XIX mới được sửa và sơn thiếp lại vào năm 1997.
Gian thờ phía sau Thượng Điện kết hợp cả thờ Tổ và thờ Mẫu. Ban thờ gian chính giữa thờ mẫu Liễu Hạnh Gian phía đông có ban thờ Đức thánh Trần (Trần Hưng Đạo) cũng là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử chống xâm lược của dân tộc ta thời Trần thường được thờ trong các nơi thờ Mẫu trong khoảng thế kỷ XVIII đến nay, với tư cách là một Thánh nhân.Ban thờ ở gian phía tây đặt tượng thờ Sư tổ của chùa này cũng như các vị sư đã từng tu ở đây. Hàng năm, nhà chùa vẫn tổ chức lễ giỗ tổ vào ngày 5/10 âm lịch.
Hiện vật
“Chùa còn giữ được những bức cốn tứ linh thế kỷ XIX, và nhóm di vật có giá trị gồm 134 pho tượng xếp đặt ở Hậu cung, Thiêu hương, Tiền tế, hành lang và nhà Mẫu. Các pho Tam thế, Di Đà, Quan Âm chuẩn đề, Quan Âm tống tử, Quan Âm nam hải, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, toà Cửu long, Hộ pháp, Kim Cương, Thập bát La Hán, Liễu Hạnh, Trần Hưng Đạo, Thái thượng Lão quân… Chùa có 5 bia từ thế kỷ XVII – XIX, 2 chuông đồng Gia Long 2 (1803), 1 khánh đồng, bình hương đồng, đồ gốm sứ và đồ thờ cúng khá đẹp.”[2]
Xếp hạng
Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993.
Chú thích
[1] Nguyễn Thế Long, Phạm Mai Hùng, Chùa Hà Nội, Nxb Văn hoá – Thông tin, 2005, tr. 13.1
[2] Nguyễn Thế Long, Phạm Mai Hùng, Chùa Hà Nội, Sđd, tr. 131 – 132.
Tham khảo
- Ban quản lý khu di tích Cổ Loa, chùa Bảo Sơn (Bảo Sơn tự),
https://thanhcoloa.vn/chua-bao-son
- Nguyễn Chí Công, Chùa Cổ Loa (Bảo Sơn tự),
http://360.hncity.op.php?article508rg/spi
- Nguyễn Thế Long, Phạm Mai Hùng, (2005), Chùa Hà Nội, Nxb Văn hoá – Thông tin.