Chùa Báo Thiên (Sùng Khánh Báo Thiên tự – Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Chùa Báo Thiên (Sùng Khánh Báo Thiên tự – Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Báo Thiên tự, tên đầy đủ là Sùng Khánh Báo Thiên tự, từng là một ngôi chùa cổ kính, tráng lệ, đồ sộ vào bậc nhất Việt Nam. Được xây dựng năm 1056, trong chùa có tháp Báo Thiên là một trong An Nam tứ đại khí (tượng chùa Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh).

Chùa tọa lạc tại thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương, (xưa gọi là phường Báo Thiên), gần hồ Lục Thuỷ (hồ Gươm), bên ngoài thành Thăng Long. Nay ngôi chùa không còn nữa, tại khu vực đó là phố Nhà Chung, nơi có Nhà thờ Lớn Hà Nội, Tòa khâm sứ cũ, cùng nhiều trụ sở Công giáo khác.

Lịch sử và nhân vật

Chùa được dựng vào tháng 4 năm Long Thụy Thái Bình thứ 3 (1056) đời Lý Thánh Tông. Chùa xây xong, vua Lý Thánh Tông ban một vạn hai nghìn cân đồng để đúc chuông, vua tự làm bài minh khắc chuông. 

“Tương truyền một hôm vua Lý Thánh Tông dạo chơi Hồ Tây, bị một người điên mắng: Nhà vua làm chủ một phương, sao không lo sửa sang chính sự, để cho bọn dưới nhũng nhiễu dân, lại rong chơi? Ta là người phường Báo Thiên được Thượng đế sai làm Thần giữ việc mưa, thấy dân khổ, báo cho bệ hạ biết”. Nói xong biến mất. Vua trở về, bỏ mọi yến tiệc giảm bớt quan liêu, sai làm chùa ở phường Báo Thiên, lại cho đắp tượng 4 vị: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện đặt thờ trong chùa.” [1]

Tháng Giêng năm sau (1057), cho dựng tháp Đại Thắng Tư Thiên (tháp Báo Thiên) 12 tầng ở trước cửa chùa, tầng trên cùng của tháp được làm bằng đồng.

Suốt hai triều Lý – Trần, chùa Báo Thiên là một ngôi quốc tự nổi tiếng của kinh đô Thăng Long.                                                  

Năm 1427, trong thời thuộc Minh, khi quân Minh bị vây trong thành Thăng Long, trong khi chờ quân tiếp viện, họ đã đến chùa, nấu chảy đại hồng chung, tháp đồng và tất cả những gì bằng đồng để làm vũ khí chống lại nghĩa quân Lam Sơn. Theo Đại Nam nhất thống chí, chóp tháp Báo Thiên đã bị đổ từ trước đó: “Đến đời Nhuận Hồ đỉnh tháp đổ, an phủ sứ Đông Đô vì không báo tai bị biếm.” [2] Bởi vậy, đến nay, nguyên nhân đổ tháp Báo Thiên vẫn còn là vấn đề cần tìm hiểu thêm

Thời nhà Lê, năm 1443, vua Lê Thái Tông đại trùng tu chùa. Riêng tháp Báo Thiên bị phá đã được tôn cao bằng một đàn tràng. “Cuối thời Lê, chùa đã bị hoang phế, khu đất trước chùa trên nền tháp cũ biến thành chợ, gọi chợ Tiên.”[3]

Cho tới thế kỷ XIX, chùa Báo Thiên luôn được trùng tu bảo tồn, là nơi cử hành các nghi lễ Phật giáo cầu cho quốc thái dân an mưa thuận gió hoà. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Cuối đời Lê, Tây Sơn cho dỡ lấy gạch ngói để làm việc xây dựng, mỗi hòn gạch đều có in niên hiệu triều Lý. Chùa hiện nay (thời Nguyễn) là do nguyên Tổng đốc Tôn Thất Bật theo chùa cũ mà sửa lại. Những đá xanh còn lại có hình hoa sen là đá mặt tháp có hình bát giác là bệ của tháp, đều là vật xưa cả.”[4] 

Năm 1873, Francis Garnier đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất, giao toàn bộ ngôi chùa này cho Giám mục Paul-Francois Puginier làm nơi ở và làm việc tạm thời khi Giám mục về Hà Nội trực tiếp làm thông ngôn và cố vấn cho Garnier. Lúc đó, Giám mục Puginier dựng mấy ngôi nhà gỗ trong vườn chùa để ở và làm việc, Garnier đóng quân tại Trường Thi gần đó, còn Tòa Giám mục (khi đó gọi là Tòa Giám mục Tây Đàng ngoài) thì vẫn đóng ở Kẻ Sở (nay là Kiện Khê, Hà Nam).

Sau đó F. Garnier bị quân Cờ Đen giết chết, quân Pháp rút về Nam, giao Hà Nội lại cho triều đình Huế theo Hòa ước 1874. Giám mục Puginier lại trở về Kẻ Sở. Mặc dù chùa Báo Thiên còn nguyên vẹn nhưng mấy gian nhà gỗ do Giám mục dựng tạm đã trở thành ngôi nhà thờ Công giáo được các thầy kẻ giảng người Việt trông coi.

Năm 1882, Henri Riviere ra đánh chiếm Hà Nội lần thứ 2. Sau khi chiếm được Hà Nội, Henri Riviere sai phá hủy các cổng thành và nhiều đoạn tường thành, vần hết đại bác trên thành ném xuống hào. Các chùa miếu quanh thành đều bị phá phách, xô sập tất cả, lấy gỗ gạch làm công sự. Cũng chính trong thời điểm này, chùa Báo Thiên bị phá hủy hoàn toàn.

Năm 1883, theo yêu cầu của Công sứ Bonnal, kinh lược Bắc Kỳ là tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã giao khu đất chùa Báo Thiên cho Giám mục Puginier phá dỡ những phần còn lại để xây Nhà thờ Lớn Hà Nội.

Ông Bonnal kể lại câu chuyện phá dỡ chùa Báo Thiên: “Phá hủy ngôi chùa và chiếm lấy miếng đất, việc đó xem ra chẳng có gì dễ dàng hơn trong thời điểm chinh phục mà chúng ta đang tiến hành, nhưng bản thân tôi, đúng theo lẽ, e ngại phạm sự lạm quyền khi làm như vậy, và tôi chọn giải pháp thỉnh ý ông Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ (6). Ông nầy rất có thiện cảm với vị giám mục, cũng như tôi, ông muốn làm cho ngài hài lòng; sau đây là cách thức ông gỡ mối khó khăn. Trước hết ông cho truy tìm xem còn có kẻ hậu duệ nào của người tạo dựng ngôi chùa đã qua đời trước đó hai thế kỷ không, và dĩ nhiên chẳng tìm được ai.

Tiếp theo, ông chỉ thị cho các thân hào trong khu vực, được chọn, như thể tình cờ, trong các giáo dân bản xứ, để xét xem mức độ chắc chắn của ngôi chùa thế nào, và các ông nầy chẳng ngần ngại gì mà tuyên bố rằng: do hư nát, ngôi chùa khi sụp đổ có thể gây nguy hại cho những ai đi ngang qua. Vậy là, bây giờ mọi việc đều đã đúng luật lệ. Cho phá hủy ngôi chùa, sung công thửa đất vô chủ… theo tập quán Việt Nam, là những biện pháp chính đáng, không thể gây nên một sự phản đối nào. Ông Tổng đốc đã xử lý theo cách đó. Ông còn nhận trách nhiệm nhượng lại miễn phí cho nhà chung công giáo thửa đất đã sung công, và tôi đã vui lòng trao cho vị giám mục văn bản chính thức chuyển giao cho ngài quyền sở hữu trọn vẹn.”[5]

Kiến trúc cảnh quan

Tháp Báo Thiên

Báo thiên tháp còn gọi tháp Đại Thắng Tư Thiên, dựng trước cửa chùa Báo Thiên… Tháp dựng năm Đinh Dậu niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057), đời Lý Thánh Tông. Tháp cao vài mươi trượng gồm 12 tầng, trên cùng có chóp bằng đồng. Tương truyền do Thiền sư Không Lộ vẽ kiểu và trông coi việc đúc. Tháp Báo Thiên, cùng với chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm được coi là 4 công trình lớn của nước Nam (An Nam đại tứ khí).

Trong sách Tang thương ngẫu lục, danh sĩ Phạm Đình Hổ đã chép về sử tháp Báo Thiên rằng: “Cây Tháp Đại Thắng Tư Thiên tại chùa Báo Thiên dựng từ đời vua Lý Thái Tông (1054-1072). Tháp xây 12 tầng, cao mấy chục trượng … Khoảng năm Tuyên Đức nhà Minh, Đức Thái Tổ Hoàng đế tiên triều (Lê Lợi) tiến binh vây Đông Đô. Viên quan giữ thành là Thành-sơn-hầu Vương Thông phá hủy cây tháp chế ra súng đá (đồng?) để giữ thành. Tiên triều nhân nền cũ, đắp các núi đất phủ lên trên. Sau hồi thay đổi triều vua, bỏ chùa để làm chợ Báo Thiên, dùng núi này làm chỗ xử tử người tội. Năm Giáp dần (1791) lại cho đào lấy những gạch đá ở nền tháp cũ để tu bổ thành lũy Thăng Long. Khi phá nền tháp thấy có tám pho tượng Kim Cương chia đứng bốn cửa, ngoài ra còn có tượng người tiên, chim muông, cả đến những giường ghế, chén bát, các thứ lặt vặt khác không kể xiết, toàn bằng đá cả.”[7]

Tuy nhiên, các tác giả cuốn sách  Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam lại chép rằng: “Năm 1406, đời Hồ, đỉnh tháp Báo Thiên bị gãy rơi xuống. Thời quân Minh xâm lược nước ta, năm 1427, quân Lê Lợi bao vây Đông Đô, Vương Thông trước lúc rút chạy, sai phá tháp. Chỗ Tháp bị phá được đổ đất thành gò cao để dựng đàn tràng. Đến thời Tây Sơn, năm Giáp Dần (1791), dân địa phương đào đất đắp thành nhặt được tượng đá chạm hình người tiên, chim muông chén bát sứ cổ và những viên gạch hoa, đào được đều có khắc chữ “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (làm năm Long Thụy Thái Bình thứ 4, đời vua thứ 3 của nhà Lý).”[6]

Như vậy có thể khẳng định tháp Báo Thiên chỉ tồn tại đến trước khi Lê Thái Tổ lên ngôi (1428). Nhưng tháp đổ do bởi thiên tai hay do giặc Minh phá để đúc vũ khí thì vẫn còn nghi vấn.

Sự hùng vĩ của tháp Báo Thiên đã đi vào thơ văn của nhà thơ Phan Sư Mạnh, tiến sĩ đời vua Trần Minh Tông với bài Đề Báo Thiên tháp:

Phiên âm:

Trấn áp đông tây củng đế kỳ
Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy
Sơn hà bất động kình thiên bút
Kim cổ nam ma lập địa chùy
Phong bãi chung linh thời ứng đáp
Tinh di đăng chúc dạ quang huy
Ngã lai dục tủy đề thi bút
Quản lãnh xuân giang tác nghiễn trì.

Dịch nghĩa:

Trấn áp đông tây giữ đế kỳ
Một mình cao ngất tháp uy nghi
Chống trời cột trụ non sông vững
Sừng sững ngàn năm một đỉnh chùy
Chuông khánh gió đưa vang đối đáp
Đèn sao đêm đến rực quang huy
Đến đây những muốn lưu danh tính
Mài mực sông xuân viết ngẫu thi.

Giếng chùa Báo Thiên

Trải qua thời gian, di tích còn lại duy nhất của chùa Báo Thiên là một cái giếng. Giếng đá này vốn nằm trong ngõ của một nhà dân ở phố Nhà Chung, thuộc phần đất nhà thờ cho giáo dân cư trú. Năm 2002, giếng đá đã bị người dân cho đổ đất, cát lấp đầy. Vụ việc này được phát hiện và báo chí đưa tin. Báo Thanh Niên (số 288, ra ngày 14-10-2004) cho đăng bài: “Cần bảo vệ một giếng đá cổ “, và báo Giác Ngộ, (số 104, tháng 11-2004) cho đăng bài: “Giếng cổ chùa Báo Thiên”… Sau khi báo đưa tin, các vị thẩm quyền của nhà thờ chính tòa Hà Nội đã cho khai quật giếng cổ ấy lên, di chuyển vào đặt trước hang đá bên trong khuôn viên Nhà thờ Lớn Hà Nội. Khi khai quật lên, chúng ta quan sát rõ được kết cấu của giếng. 

Cổ giếng là một khối đá tròn, tạo dáng thắt cổ bồng như lư hương. Miệng giếng hơi bóp vào, đường kính lọt lòng 64cm. Phần thân dưới phình ra, chạm hoa hình cánh sen 2 lớp, đường kính phủ bì 88cm. Bên trong miệng giếng có rất nhiều rãnh mòn do người xưa dùng dây kéo nước tạo nên.

Cổ giếng đặt khít khao trên một bệ đá tám cạnh nguyên khối. Bệ giật cấp phân ô, có chạm hoa văn rồng và mây ở gờ trên, hoa lá ở eo giữa, chân choãi ra chạm đầu như ý (phần này trước đây bị chôn vùi dưới đất nên không thấy được).

Chú thích

[1] Trần Mạnh Thường (Chủ biên), Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 1999,  tr. 52

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất thống chí, tập 3, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr. 252.

[3] Trần Mạnh Thường (Chủ biên), Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 1999,  tr. 52

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất thống chí, tập 3, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr. 252 – 253.

[5] Lê Thiện, Gốc tích những thửa đất của Nhà Chung Hà Nội: mảnh đất của Tổ Tiên để lại, Tin tức công giáo Hoàn vũ và Việt Nam: https://vietcatholic.net/News/Html/52481.htm

[6] Trần Mạnh Thường (Chủ biên), Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam, Sđd, tr. 53.

[7] Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, Tang thương ngẫu lục, quyển Nhất, cơ sở xuất bản Đại Nam, 1961, tr. 209.

Tài liệu tham khảo

  1.  Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, Tang thương ngẫu lục, quyển Nhất, cơ sở xuất bản Đại Nam, 1961, tr. 209.
  2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất thống chí, tập 3, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr. 252.
  3.  Lê Thiện, Gốc tích những thửa đất của Nhà Chung Hà Nội: mảnh đất của Tổ Tiên để lại, Tin tức công giáo Hoàn vũ và Việt Nam: https://vietcatholic.net/News/Html/52481.htm
  4. Trần Mạnh Thường (Chủ biên), Đình chùa lăng tẩm nổi tiếng Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 1999,  tr. 52
5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ
Giếng chùa Báo Thiên

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)