Vị trí
Chùa Bồ Đề là một trong những ngôi chùa lớn được xây dựng vào đời Trần ở Thanh Hóa, nay thuộc xã Yên Phong, huyện Yên Định.
Chùa Bồ Đề được xây dựng ngay ở đầu làng, mặt ngoảnh hướng tây nam, nức tiếng là chốn linh thiêng, được nhân dân trong vùng hết lòng ái mộ. Sự linh thiêng của chùa đã đi vào tâm linh của nhân dân trong vùng, cho nên làng Phượng Lai có thời kỳ được gọi tên theo tên chùa là làng Bồ Đề.
Tuy nhiên, đến đầu những năm 1960 – 1961, do yêu cầu của thời cuộc, một số di tích đình, chùa, công trình văn hóa tâm linh trong làng, xã được hạ giải để lấy nguyên vật liệu phục vụ cho các công việc khác, chùa Bồ Đề cũng nằm trong số đó. Ngày nay, các hiện vật của chùa như tượng pháp, chuông đồng,… đã bị thất tán, mai một, chỉ còn lại duy nhất nền móng cũ của chùa, hiện đang bị vùi lấp dưới chân đê sông Mã.
Cấu trúc
Tra cứu sử sách, tuyệt nhiên không còn thấy ghi chép về chùa Bồ Đề. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết chùa được xây dựng từ thời Trần, các cụ đã cho chúng ta những thông tin tương đối hoàn chỉnh về chùa Bồ Đề như sau:
Chùa được xây dựng 2 lần:
– Lần thứ nhất, xây dựng vào thời nhà Trần. Chùa được kiến trúc theo lối chữ nhất (一), gồm 5 gian.
– Lần thứ hai, vào khoảng những năm 1930, lần này xây dựng thêm 3 gian nối vào phía sau chùa. Mở rộng sân, xây dựng thêm bức bình phong, hòn giả sơn ở trước sân. 3 gian mới xây dựng này trở thành Hậu cung của chùa. 5 gian nhà thờ cũ trở thành nhà Tiền tế. Toàn bộ tượng pháp đều được chuyển vào an trí ở Hậu cung. Như vậy qua 2 lần xây dựng và sửa sang, chùa Bồ Đề có kiến trúc theo lối chữ Đinh (丁).
Bài trí tượng pháp
- Lớp thứ nhất, là tòa Cửu Long – Thích Ca sơ sinh, bao quanh Đức Phật là 9 con rồng uốn khúc châu đầu phun nước thơm tắm cho Đức Phật. Tòa Cửu Long và 9 con rồng được tạo tác trên phiến gỗ liền khối với kỹ thuật chạm thủng và những nét hoa văn hết sức điêu luyện.
- Lớp thứ hai, thờ Ngọc Hoàng đại đế ngồi giữa, bên trái là tượng Nam Tào trông coi việc sinh, bên phải là tượng Bắc Đẩu tay phải cầm bút, tay trái cầm sổ trông coi việc tử cho nhân gian.
- Lớp thứ ba, là bộ tượng Tam thánh gồm Đức Phật Thích Ca ngồi giữa, Văn Thù bên trái và Phổ Hiền bên phải
- Lớp thứ tư, trên cao nhất là 3 pho Tam Thế, được tạo tác theo lối tượng phù điêu bằng gỗ đời Trần.
Phục dựng
Ngày nay, con người chúng ta ngoài các nhu cầu về vật chất, tiện nghi cuộc sống không thể thiếu nhu cầu văn hóa, tinh thần – tâm linh. Vì vậy, trong những năm gần đây người dân Phượng Lai nói riêng, người dân xã Yên Phong nói chung có mong muốn phục dựng lại ngôi cổ tự, với ý nguyện là để xây dựng lại cảnh chùa, xây dựng lại sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, giữ gìn bản sắc văn hóa, đem lại giáo lý Phật Đà cho mọi người.
Thể theo nguyện vọng chính đáng đó, Ngày 06/1/2015, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 05/QĐ-BTSPG, bổ nhiệm Đại đức Thích Nguyên Phong, về kiêm nhiệm trụ trì chùa, điều hành mọi hoạt động tín ngưỡng tôn giáo Đạo Phật chùa Bồ Đề. Ngày 11 tháng 1 năm 2015, tức ngày 21 tháng 12 năm Giáp Ngọ, tại Chùa Bồ Đề, Xã Yên Phong, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, long trọng tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm trụ trì và động thổ xây dựng Đại hùng bảo điện Chùa Bồ Đề.
Trong thiết kế quy hoạch tổng thể, chùa Bồ Đề bao gồm các công trình tâm linh chính như: Tam Bảo điện, nhà Tổ, nhà Mẫu và các công trình phụ trợ khác. Tuy là ngôi chùa mới lại đang trong quá trình phục dựng nhưng nơi đây đã bắt đầu diễn ra các hoạt động Phật sự như: tụng kinh niệm Phật, tổ chức các ngày lễ quan trọng trong Phật giáo, các hoạt động từ thiện nhân đạo – xã hội,… thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều lứa tuổi tham gia.
Hy vọng rằng trong tương lai gần, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền cùng với sự chung lòng, góp sức của tín đồ Phật tử gần xa, chùa Bồ Đề được khôi phục lại.
- Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập III – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016