Giới thiệu
Chùa Cảm Sơn, thường gọi chùa Nài, dựng trên mái Tây Nam núi Cảm Sơn (núi Nài) thuộc địa phận thôn Nài Xuyên, xã Đại Nài, huyện Thạch Hà, nay là phường Đại Nài, Thành phố Hà Tĩnh.
Lịch sử dựng chùa
Sách Đồng Khánh địa dư chí chép: Chùa “do Hoan quận công đời Lê chủ trì xây dựng vào niên hiệu Thịnh Đức (1653 – 1657) đời Lê Thần Tông”. (Theo một đạo sắc phong thần năm Duy Tân thứ 3 (1909) thì Đại đô đốc Hoan quận công họ Đặng (không rõ tên) được thờ ở đền làng Hà Xá, xã Chỉ Châu, nay là xóm Đông Hà, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà).
Đời Nguyễn, chùa Cảm Sơn được coi là một trong tám cảnh đẹp quanh tỉnh thành Hà Tĩnh (Tĩnh thành bát cảnh).
Khoảng năm 1849 – 1851, khi mới trí sĩ, Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) về rú Nài để di dưỡng tinh thần. Tương truyền, ông dựng một nếp nhà tranh ở bên chùa. Trước nhà, có câu đối:
Hỏa kỳ thư, lư kỳ cư, Đường Hàn Dũ nhất nhân nhi dĩ;
Lan kỳ đài, thạch kỳ thất, Hán Vĩnh Bình thiên cổ dĩ lai.
GS. Trương Chính dịch:
Phá chùa Phật, đốt sách kinh, Đường Hàn Dũ một người thôi thứ;
Tô đài hoa, xây gác đá, Hán Vĩnh bình muôn thuở lại nay!
Tiến sĩ Trương Quốc Dụng (1797 – 1864) có câu đối ca ngợi Nguyễn Công Trứ là Tiền Hải chi thần/Cảm Sơn chi Phật. Nhiều danh sĩ đương thời đã đến vãn cảnh chùa, thăm ông Nguyễn và để lại một số tác phẩm văn chương đặc sắc.
Chiến tranh tàn phá
Sau cách mạng, qua chín năm kháng chiến chống Pháp, mặc dầu nhiều lần máy bay địch bắn phá vùng núi Nài, chùa Cảm Sơn vẫn còn. Đến tháng 3/1965, chùa bị bom đạn Mỹ phá hủy hoàn toàn.
Trùng tu
Hơn vài mươi năm gần đây, chùa được khôi phục lại và hiện đã được trùng tu, trở thành một trung tâm Phật giáo ở Hà Tĩnh.
Tham khảo
- Trích sách “Chùa cổ Hà Tĩnh”, tác giả Thái Kim Đỉnh