Chùa Đông Lai (chùa Cảm Vu – Lập Thạch, Vĩnh Phúc)

Chùa Đông Lai (chùa Cảm Vu – Lập Thạch, Vĩnh Phúc)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí 

Chùa Đông Lai tên chữ là Niết Bàn còn có tên gọi khác là chùa Bàn Giản, địa chỉ cũ là ở thôn Đông Lai, xã Bàn Giản, huyện Tam Nông, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây, còn ngày nay là thuộc xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Chùa Đông Lai là nằm trong quần thể di tích thôn Đông Lai. 

Lịch sử

Trên bia đá đặt trước nhà tiền đường của chùa có ghi “Nát Bàn tự cổ lục”, nội dung ghi lại năm xây dựng năm (1706), tức là năm thứ II niên hiệu Vĩnh Thịnh, vua Lê Duy Tông (1705-1729). Mặc dù không có nhiều tư liệu ghi chép lại các giai đoạn hình thành chùa nhưng theo những gì trên bia đá ghi chép lại thì ngôi chùa đã được xây dựng ở thời Hậu Lê. 

Kiến trúc

Chùa Đông Lai được xây dựng trên mô đất cao ráo có thế đất hình con rùa, phía trước là con sông gọi là sông Giản, tổng thể được xây dựng theo kiến trúc nhà 5 gian lợp ngói, phần mái thiết kế cong vút có gắn hình rồng. 

Tam quan chùa được làm theo kiểu tầng dưới là cửa ra vào còn tầng trên là nơi treo chuông khánh. Để tiến vào Tiền Đường chúng ta sẽ bước qua 5 bậc thềm lên xuống, được dân gian quan niệm 5 bậc là tượng trưng cho Sinh, Lão, Bệnh, Tử, Tái sinh. Nhà Tiền đường rộng gồm 5 gian, hai đầu mái được nối liền với hai trụ hoa biểu, trên hai trụ được đắp nổi hình chim phượng có đuôi hướng lên trời, đầu hướng xuống đất toả ra 4 hướng tạo thành hình bông hoa sen. 

Kiến trúc rất độc đáo với các cột kèo, cột cái được liên kết với nhau tạo không gian cao, rộng thoáng mát, ở bên trái được trưng tượng Hộ Pháp ngồi trên lưng con sư tử, bức tượng cao, to mặc áo giáp. Bên phải có tượng vị Hộ Pháp mặt đỏ với sắc vẻ uy nghiêm, cả 2 bức tượng này đều làm bằng đất sét với chức năng Hộ trì Phật pháp ở Tam Bảo. Ngoài ra ở bên trên đài sen có vị đức Thánh Hiền đây là ban thờ cúng lễ chúng sinh, ngồi trên bục là tượng Đức Chúa Ông mặt đỏ, râu dài, được cho là người bỏ tiền ra mua vườn cho Đức Phật Thuyết Pháp, ông được giữ chức vụ trông coi gia sản trong chùa. 

Nối liền với Tiền Đường là 3 gian Tam Bảo, đây là nơi hành lễ chính trong ngôi chùa, được bố trí nhiều pho tượng và được coi là biểu tượng văn hoá : 

  • Hàng tượng thứ nhất là hàng tượng Tam Thế Phật tượng: A-di-đà , Thích Ca Mâu Ni, Di Lặc, 3 bức tượng này đều được ngồi lên đài sen, tóc soắn và có kích thước giống nhau. 
  • Hàng tượng thứ hai là Di Đà Tam Thánh, thấp hơn là tượng Bồ Tát Quan Thế Âm và Đại Thế Chí đứng trên đài sen để giúp việc cho Phật A-di-đà. 
  • Hàng tượng thứ ba là vua cha Ngọc Hoàng, bên trái là tượng Nam Tào coi sổ sinh, bên phải là Đế Thích coi sổ tử. 
  • Hàng tượng thứ 4 là tượng đứng trong toà Cửu Long sơ sinh, cởi trần, mặc quần ngắn, 1 tay chỉ lên trời, 1 tay chỉ xuống đất. 

Ngoài ra chùa còn lưu giữ nhiều bức hoành phi, câu đối, được viết chữ hán nói về vẻ đẹp và lịch sử của chùa theo hệ phái Trúc Lâm và đạo pháp. Các bức tượng đều được sơn son thếp vàng tạo nên mỹ thuật và linh thiêng cho ngôi chùa. 

Lễ hội 

Lập Thạch, Vĩnh Phúc được nổi tiếng với lễ hội Đả cầu cướp phết được diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng hàng năm. Đây là lễ hội đặc trưng văn hoá để tưởng nhớ tới 4 vị tướng thời vua Hùng thứ 18 : Đệ nhất Xá Sơn, Đệ nhị Lê Sơn, Đệ tam Tròn Sơn và Đệ tứ Xui Sơn. Lễ hội diễn ra rất tưng bừng náo nhiệt tạo nên nền văn hoá truyền thống có từ lâu đời của dân làng, dân gian truyền tai nhau câu ca dao nói về lễ hội: 

“Dù ai đi đâu về đâu

Nhớ về Bàn Giải cướp cầu hội xuân

Con cháu đi đâu ở đâu

Triệu xuân cướp phết rủ nhau cùng về ”

Đả cầu cướp phết được hiểu là cướp cầu, các chàng trai cướp cầu bằng tay, quả cầu được làm bằng gỗ, kích thước 35cm. Cướp phết (phết làm bằng tre dài 1,3m) là cầm cây tre đuổi theo quả cầu ngoắc lại, trò chơi diễn ra trong tiếng reo hò của mọi người, ai cướp được sẽ gặp may mắn, sau đó đem vào bái lễ trước cửa đền và sẽ được trao thưởng. 

Nguồn gốc lễ hội 

Từ thời vua Hùng nước ta đang bị giặc tàn phá khắp nơi, nhà vua cử 4 vị Đệ nhất Xá Sơn, Đệ nhị Lê Sơn, Đệ tam Tròn Sơn và Đệ tứ Xui Sơn về thôn Đông Lai, xã Lập Thạch để dẹp loạn giúp dân. Sau đó các vị dã lập nhiều chiến công, xây dựng đất nước, trong thời gian chiến tranh 4 vị vua đã nghĩ ra trò chơi để rèn luyện sức khỏe, họ đẽo quả cầu bằng gỗ hình tròn nhẵn mịn cho đặt ở giữa sân, rồi sẽ cùng nhau cướp xem ai là người chiến thắng và sẽ được trọng thưởng. Từ đó trò chơi này được truyền lại cho nhau để tập luyện và giải trí sau những trận chiến. 

Về sau nhân dân đã lập 4 ngôi đình để thờ 4 vị vua, tưởng nhớ công lao của họ, và hàng năm dân làng đều tổ chức lễ hội cướp phết để gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hoá dân tộc, nhắc lại cho đời con cháu nhớ về công lao của 4 vị vua, theo quan niệm dân gian lễ hội còn là để cầu may cho dân làng mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà, con người được ấm no hạnh phúc. Lễ hội thu hút rất đông đảo nhân dân trong vùng, ngoài vùng cùng đến tham gia. 

Di vật 

Hiện nay tại đền Đông Lai đang bảo lưu một quả cầu bằng đá, có đường kính gần 40cm, theo như nghiên cứu quả cầu đó là của 4 vị vua thời Hùng Vương, đó là quả cầu để các tướng quân rèn luyện. Đây là một hiện vật minh chứng cho lịch sử thời vua Hùng. 

Xếp loại

Năm 1992 chùa Đông Lai đã được Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hoá cấp Quốc gia. 

Tham khảo

  1. Từ điển danh ngôn, Ca dao Miền bắc.
  2. Vũ Hồng Thuật, Tạp chí nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nxb Viện nghiên cứu Phật học- Ban văn hoá Trung ương (2003).
  3. Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc. 
5/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)