Chùa Cảnh Huống (Đông Triều, Quảng Ninh)

Chùa Cảnh Huống (Đông Triều, Quảng Ninh)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Chùa Cảnh Huống (tên chùa có nghĩa là Cảnh đẹp) là một ngôi chùa ở thôn Đồn Sơn, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.

Chùa tựa vào núi Vân Sơn còn gọi là núi Thung, phía trước nhìn ra ngã ba sông Kinh Thầy, sông Đá Bạc và sông Bạch Đằng lịch sử. Xung quanh chùa có núi Canh, núi Đống Thóc, núi Con Mèo, núi Con Chuột, mỗi cái tên gắn với tâm thức của người dân làm nông nghiệp ước vọng cho một mùa vụ bội thu.

Lịch sử và nhân vật

Đây là ngôi chùa cổ có từ thời nhà Trần (thế kỷ thứ XII – XIV). Chùa gắn liền với sự tích vua Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo nhân dân chống quân Nguyên Mông xâm lược, giành chiến thắng lần thứ 2 tại sông Bạch Đằng đã về lập chùa và khắc thơ trên vách núi. Phía trước cửa chùa, trên vách đá núi Con Mèo hiện còn bài thơ chữ Nôm của vua Trần Nhân Tông, mô tả thế đất, thế núi của vùng này:

Đứng thốc bên sông một đọi đèo
Vặn mình coi thể dáng con mèo
Đá xương, đất thịt, da xanh ngắt
Cỏ vện, hoa vằn, dạ mốc meo
Cáo thỏ kinh hơi rừng vắng ngắt
Kình nghê tăm biệt, nước trong veo
Xanh rì vũ trụ chân ngoèo vững
Ắt hẳn ngàn năm kín chẳng nghèo.

Lạc khoản: “Trần triều Nhân Tôn Hoàng đế ngự đề” (Hoàng đế Nhân Tôn triều Trần đề thơ)

Theo văn bia hiện được khắc vào đá núi còn ở chùa, chùa Cảnh Huống được kiến tạo vào niên hiệu Chính Hòa năm thứ 17 dưới triều đại của vua Lê Huy Tông (1664). Tuy nhiên, có lẽ từ kiến tạo ở đây nói về việc chùa được trùng tu lớn chứ không phải xây dựng mới. Văn bia nói rõ công lao của thiền sư Như Nguyện là một vị sư tu hành ở Yên Tử khi qua vùng đất Đồn Sơn thấy phong cảnh hữu tình nên Ngài đã dừng chân tu hành ở đây, kêu gọi nhân dân công đức xây dựng chùa Cảnh Huống.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, chùa Cảnh Huống là nơi tu hành của nhiều vị cao Tăng đắc đạo. 

Vào những năm đầu thế kỷ XX, cùng với vùng đất Đông Triều, chùa Cảnh Huống là một trong những địa điểm làm căn cứ địa cách mạng thời chống Pháp, nơi nuôi dưỡng thương binh thời chống Mỹ,…

Kiến trúc cảnh quan

Trải qua thời gian, dưới tác động của phong hoá, chiến tranh chùa đã bị tàn phá nhiều lần, cùng với đó là nhiều lần trùng tu lớn nhỏ khác nhau. Lần trùng tu lớn nhất là vào thời Lê năm 1664. 

Theo văn bia, kiến trúc chùa xưa kia gồm có 5 gian Tiền Đường, 3 gian Hậu Cung bằng gỗ lim, đá xanh, phía sau có Nhà Tổ, hai bên có hành lang Dải Vũ. Hiện nay, chùa Cảnh Huống tọa lạc trên khuôn viên 36.000m2 bao gồm nội tự và ngoại tự. Về cơ bản, kiến trúc chùa vẫn giữ kết cấu như cũ. Tam Bảo được xây theo lối hình chữ Đinh, mang phong cách kiến trúc thời Lê. 

Đến năm 2000, Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Phó Trưởng Ban Trị sự, Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chính thức về trụ trì và từng bước quy hoạch, xây dựng trùng tu chùa có quy mô như hiện nay. Năm 2004, nhân dân địa phương đã xây dựng lại 3 gian thờ Phật đồng thời khôi phục lại lễ hội truyền thống của làng.

Đặc biệt, trong khuôn viên chùa Cảnh Huống còn có núi Thung, có chùa Một Mái từ xa xưa, nơi đây có văn bia từ thế kỷ XVII, có cổng trời, có hang động,… Trong khuôn viên này có Nhà Tổ thờ 8 vị thủy Tổ có công khai lập làng. Bên cạnh nhà thờ là bàn cờ Tiên, dưới một tảng đá lớn tạo thành mái che rộng, bên trong khắc một bàn cờ trên phiến đá. Tục truyền có hai vị tiên ông thường xuống đây chơi cờ, sau này trở thành chỗ chơi cờ của các cụ trong làng. Bên cạnh đó, trong khuôn viên chùa còn có Lầu Bình Thơ và nhiều giếng nước cổ. 

Năm 2014, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ chùa Cảnh Huống gồm các hạng mục: Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Khách, Nhà Tăng, mộ tháp và các công trình phụ trợ khác. 

Ngày 03/11/2022 (tức ngày 10/10 năm Nhâm Dần), nhân ngày húy kỵ Tổ sư, chùa Cảnh Huống long trọng tổ chức lễ khánh thành tòa bảo tháp thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tháp cao 13 tầng, xây bằng gạch, được làm theo mẫu tháp Phổ Minh ( chùa Phổ Minh, Nam Định) xây dựng từ thời Trần, nơi tôn thờ xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tổng kinh phí xây dựng khu bảo tháp khoảng 5 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Trong bảo tháp thờ tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được chế tác bằng đồng, dát vàng ở một số phần. Tượng được làm theo mẫu tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ở Huệ Quang Kim Tháp tại non thiêng Yên Tử. 

Lễ hội

Hàng năm, từ ngày rằm tháng Giêng tới 18 tháng Giêng tại đây có lễ hội truyền thống Đồn Sơn. Lễ hội này có đặc thù của cư dân vùng nông nghiệp, lễ gồm các nghi thức như: rước mâm quả của các thôn, lễ tế 8 vị thủy tổ lập làng, nghi thức rước lợn ông Bồ cùng nhiều trò chơi dân gian, văn nghệ, thể thao,…

Xếp hạng

Năm 1993, quần thể danh thắng, di tích chùa Cảnh Huống, Hang 73 đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Tham khảo

  1. Mai Anh, “Chùa Cảnh Huống (Đông Triều) long trọng khánh thành bảo tháp Phật hoàng Trần Nhân Tông”, Cổng thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, truy cập ngày 10/12/2024.
  2. “Di tích chùa Cảnh Huống”, kênh youtube Quảng Ninh TV, ngày 17/6/2021.
  3. Hồng Minh, “Chùa Cảnh Huống – điểm nhấn trong tour du lịch làng quê Yên Đức”, VOV, ngày 29/11/2019

 

5/5 (2 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ
Checkin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)