Nằm tại bản Vặt, xã Mường Sang thuộc huyện Mộc Châu – tỉnh Sơn La ngày nay, chùa Chiền Viện hay Vát Hồng là một cái tên khá xa lạ và ít được nhắc đến trong số những địa danh ở Mộc Châu. Điều này tưởng không khó hiểu bởi cho đến nay chùa Chiền Viện chỉ còn là một đống gạch đứng yên….
Lịch sử và Kiến trúc
Theo “Đại Nam nhất thống chí”, một bộ sách của Quốc sử quán triều Nguyễn được viết vào giữa thế kỷ XIX thì chùa Chiền Viện thuở đương thời là một kiến trúc Phật giáo lớn ở vùng rừng núi Tây Bắc. Khi tiến hành sửa chữa ngôi chùa vào năm 1908 ,về diện tích chùa vẫn được giữ nguyên như ban đầu, tường cũ được giữ nguyên và gia cố thêm, áp dụng kỹ thuật xây luồn tường; hệ thống cửa chùa xây cuốn vòm tạo sự mềm mại nhưng không kém phần vững chắc.
Bệ đặt tượng được xây bằng gạch chỉ khối đặc, theo hình đế tháp, mặt trên loe ra kiểu hình phễu, sau đó vát xuống và thu vào giữa thân. Ở đoạn này được tạo dáng 5 đường chỉ , trong đó có 2 đường được đắp nổi và 3 đường chỉ chìm. Mặt bệ thờ xây theo hình chữ nhật, hai bên có 2 đường bậc lên xuống, mỗi bên gồm 5 bậc, thông ra cửa hai bên tả, hữu. Phía trước bệ thờ được xây bục làm nơi đặt lễ. Phía trái của bục này còn có một bệ thờ, hình dáng và những đường trang trí bệ này rất giống với bệ đặt tượng xây theo kiểu “giật cấp” phía dưới xây to, phía trên thu nhỏ. Trong khuôn viên Chùa hiện nay còn một tấm bia ghi danh nhân dân khắp nơi trong vùng Tây Bắc, từ Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có công đức tôn tạo lại chùa. Bia làm bằng phiến đá xanh hình chữ nhật, với kích thước cao 99 cm, rộng 64 cm, dày 14 cm, mặt được mài nhẵn để khắc chữ, phía trái được khắc dọc 45 dòng chữ Thái, phía phải được khắc dọc chữ Hán nôm.
Trải qua thời gian dưới tác động của thiên nhiên và con người, đến nay chùa Chiền Viện chỉ còn lại phế tích. Một số tượng Phật của chùa hiện nay đang được lưu giữ, bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Sơn La, số còn lại bị thất thoát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cùng với một số công trình kiến trúc Phật giáo ở vùng Tây Bắc như: Tháp Mường Luân (tỉnh Điện Biên), Tháp Mường Bám (huyện Thuận Châu, Sơn La), Tháp Mường Và (huyện Sốp Cộp, Sơn La), thì chùa Chiền Viện là một phế tích quí hiếm còn lại ở tỉnh Sơn La đã được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh ngày 27/2/2012.
Tham Khảo
- http://dulich24.com.vn/du-lich-huyen-moc-chau/chua-chien-vien-id-6416
- https://www.aseantraveller.net/tin-tuc/857_di-tich-chua-chien-vien-son-la.html
- http://baotangsonla.vn/index.php?module=news&act=view&id=367