Chùa Chiêu Linh (Can Lộc, Hà Tĩnh)

Chùa Chiêu Linh (Can Lộc, Hà Tĩnh)

Thông tin cơ bản

Giới thiệu

Chùa Chiêu Linh ở thôn Phúc Xá, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, nay là xã Kim Lộc, huyện Can Lộc.

Tên gọi

Tương truyền, xưa chùa ở xứ Cồn Trống, gọi là chùa Trống, sau mới dời về bên cạnh miếu Thánh Võ, Phúc Xá. (Có lẽ chùa Trống nói đây chính là chùa Cổ Lộng ở làng Dao Tác, cùng xã, cả xã thờ chung, sau làng Phúc Xá mới lập chùa riêng, chùa Chiêu Linh (?).

Vị trí

Chùa dựng trên khu đất đẹp, nhìn ra cánh đồng Phúc Hội bát ngát. Trước chùa (và miếu Thánh Võ) có giếng chùa hình bán nguyệt, rộng khoảng hai sào, có cây đa cổ thụ thân cây phải ba bốn người ôm, bên cạnh cổng tam quan sườn bằng gỗ lim, mái lợp tranh. Chùa gồm hai ngôi nhà lớn, thượng đường ba gian sườn gỗ lợp ngói, bái đường ba gian lợp tranh. Sân chùa rộng rãi, sau cách mạng thường dựng sân khấu diễn kịch. Về phía Tây vườn chùa, trong vùng đất bắc mạ, có ngôi nhà ba gian của sãi chùa. Quanh chùa xưa cây cối sầm uất, có cây thị lớn thân hai người ôm, làm cho cảnh chùa thêm thâm u, tĩnh mịch.

Pho tượng Phật

Trong chùa có các pho tượng Tam thế tôn, Quan Âm bồ tát và hàng chục pho khác, đặc biệt có quả chuông đồng lớn, nặng khoảng 200kg, mặt chuông có bài minh, khắc tên các thiện nam tín nữ làm công đức, năm tháng đúc chuông (nay không còn nhớ). Gần bên cầu, về sau còn có vùng đất gọi “Cồn Chuông”, là nơi nấu đồng đúc chuông ngày trước.

Tương truyền, chùa Chiêu Linh dựng từ đời Lê. Gia phả họ Nguyễn còn ghi ông tổ họ này sống vào đời Tây Sơn, lúc trẻ từng làm sãi chùa. Từ 1940 đến 1945, có ông sãi người làng Vân Chàng trông coi chùa.

Phế tích

Nhưng sau cách mạng, chùa bị bỏ phế trệ, dột nát rồi bị dỡ phá hoàn toàn, chuông, tượng, tự khí đều mất sạch.

Tham khảo

  • Trích sách “Chùa cổ Hà Tĩnh”, tác giả Thái Kim Đỉnh
Chấm điểm
Chia sẻ
Pub Logo

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)