Giới thiệu- Lịch sử
Chùa Chuông còn có tên là Kim Chung Tự (Chùa Chuông vàng) bởi gắn với một truyền thuyết cổ xưa: “Truyền thuyết kể lại rằng vào năm đại hồng thủy, dòng nước cuốn theo một bè gỗ, ở trên có ngự một quả chuông vàng rất đẹp. Bè gỗ đi qua rất nhiều nơi nhưng không dừng lại. Một ngày nọ, bè gỗ dạt vào thôn Nhân Dục Người dân khắp nơi đua nhau đến để đưa chuông về nhưng quả chuông không nhúc nhích. Điều đặc biệt là chỉ có các bô lão trong ngôi chùa mới có thể đưa được quả chuông về chùa. Mọi người rất phấn khởi, vui mừng và cho rằng Trời, Phật đã ban chuông vàng và cùng nhau góp công góp của để làm gác treo chuông. Khi chuông ngân lên thì âm thanh vang xa ngàn vạn dặm.”. Nằm ngay tại thôn Nhân Dục, thuộc quần thể di tích Phố Hiến. Theo thời gian, ngôi chùa ngày càng trở nên cố kính và thu hút đông đảo nhiều du khách ghé thăm
Kiến Trúc
Quần thể kiến trúc chùa Chuông có bố cục hài hòa, theo kiểu “Nội công ngoại quốc” liên hoàn. Chùa được bố trí cân xứng trên một trục từ cổng Tam quan tới nhà Tổ, bao gồm các hạng mục: Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, lầu chuông và 2 dãy hành lang… Mặt tiền chùa quay hướng Nam. Cửa có lối kiến trúc chồng điện 3 tầng 12 mái. Qua cổng Tam quan là tới ba nhịp cầu đá xanh cổ bắc ngang qua ao Mắt Rồng đây được coi là cây cầu đá cổ và quý hiếm nhất Hưng Yên. Ở 2 đầu cầu chính là 4 con nghê đá có từ thời Hậu Lê.
Thờ Ngự
Nét đặc sắc của ngôi Chùa Chuông cổ kính mà khách thập phương không thể bỏ qua là hệ thống thờ ngự, trưng bày các pho tượng Phật độc đáo được bố trí cân xứng nhau tại hai bên hành lang chùa. Từ ngoài vào là bức phù điêu gỗ Thập điện Diêm vương, tức 10 cửa điện mà con người phải trải qua nơi âm giới. Tiếp đến là hệ thống tượng Tứ Thiên Vương (các vị thần cai quản 4 phương), Bát bộ Kim cương (các vị thần cai quản chốn cửa Phật) và Thập Bát La Hán (18 vị La Hán) ở các tư thế khác nhau, vẻ mặt khác nhau, thể hiện các vị đang muốn tìm ra con đường cứu khổ cho chúng sinh.
Đặc trưng nổi bật của chùa
Bộ “Thập bát La Hán” bằng đất sét mộc của Chùa Chuông là một trong những bộ tượng đẹp nhất Việt Nam, được chế tác từ thế kỷ XVI. Một trong những hiện vật có giá trị nhất còn được lưu lại ở chùa là tấm bia đá nằm tại hành lang bên phải phía trong chùa. Chùa có tấm bia đá, là tấm bia cổ quý giá tại Chùa Chuông, được dựng vào năm 1711. Tấm bia có 2 mặt, mặt trước khắc chữ “Kim Chung Thạch Tự Bi Ký“, có bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của ngôi Chùa Chuông. Mặt sau của bia có nhan đề “Nhân Dục Xã Cổ Tích Truyền“ (truyện truyền lại tại thôn Nhân Dục) ghi lại cảnh buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền của Phố Hiến xưa.
Lễ hội
Vào các ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng hay dịp Đại lễ Phật đản hàng năm, Chùa Chuông thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương về chiêm bái. Tới lễ Phật và vãn cảnh chùa thanh tịnh, mỗi người như gột bỏ được những bộn bề, lo toan của cuộc sống, tìm được sự bình an trong tâm.
Tham khảo
- https://vovworld.vn/vi-VN/viet-nam-dat-nuoc-con-nguoi/co-kinh-chua-chuong-pho-hien-604065.vov#:~:text=vi%E1%BA%BFt%20t%E1%BA%A1i%20%C4%91%C3%A2y%3A-,Ch%C3%B9a%20Chu%C3%B4ng%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t%20trong%20nh%E1%BB%AFng%20danh%20lam%20c%E1%BB%95%20n%E1%BA%B1m,n%C4%83m%201702%20v%C3%A0%20n%C4%83m%201711.
- https://luhanhvietnam.com.vn/du-lich/ve-dep-co-kinh-tai-chua-chuong-hung-yen.html
- https://hungyen.gov.vn/portal/Pages/2004-11/Chua-Chuong-ad68eebffe730523.aspx#:~:text=Ch%C3%B9a%20Chu%C3%B4ng%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20x%C3%A2y%20d%E1%BB%B1ng,Vi%E1%BB%87t%20Nam%20th%E1%BB%9Di%20H%E1%BA%ADu%20L%C3%AA.&text=C%C3%A1i%20%C4%91%E1%BA%B9p%20c%E1%BB%A7a%20qu%E1%BA%A7n%20th%E1%BB%83,di%C3%AAm%20hai%20t%E1%BA%A7ng%20t%C3%A1m%20m%C3%A1i.