Vị trí
Chùa Cồn tên chữ là “Quy Hồn tự”, nằm trên mảnh đất nguyên xưa là thôn Nam của xã Quần Anh Hạ, nay là thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Lược sử
Chùa Cồn, được xây dựng hoàn chỉnh vào năm 1886. Ngoài việc thờ Phật, hiện nay chùa Cồn còn thờ những người có công khai hoang lấn biển, dựng ấp, lập làng. Trong đó có ông Tân Hưng hiệu là Trạch Hải và Tú tài Nguyễn Vũ Cự, những người đã đóng góp mồ hôi, công sức vào công cuộc khẩn hoang khu Cồn Cốc trước đây, tạo tiền đề xây dựng thị trấn Cồn giàu đẹp hôm nay. Đặc biệt ông Nguyễn Vũ Cự còn là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng chùa Cồn – một công trình tôn giáo quy mô, bề thế để phục vụ đời sống tâm linh cho mọi người dân.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, di tích chùa Cồn đã có nhiều đóng góp quan trọng. Năm 1954, chùa Cồn là nơi mở hội quán của phật giáo chấn hưng Bắc kỳ. Từ đây nhiều vị hòa thượng và nhà sư đã trưởng thành, giữ chức chủ tịch đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tiêu biểu là cụ Thích Thanh Kế giữ chức chủ tịch đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhà sư Thích Viên Tu giữ cương vị Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cụ Thích Tâm Thông làm chủ tịch Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Hà. Chùa Cồn còn là nơi tập trung lực lượng cách mạng và quần chúng, làm địa điểm đặt quân y tiền phương, làm hầm bí mật cho cán bộ. Nhiều nhà sư của chùa Cồn đã cởi áo cà sa đi làm cách mạng, có 2 người đã hi sinh ngoài mặt trận.
Kiến trúc
Di tích chùa Cồn gồm nhiều hạng mục, công trình , được xây dựng trên khu đất rộng 6 mẫu ở trung tâm thị trấn, sát với đường liên thôn, mặt quay về hướng đông. Phía trước chùa là đầm nước rộng in bóng hàng dừa xanh tốt cùng với hệ thống tường hoa, cổng chính (đồng thời là gác chuông). Chùa gồm 4 tòa, trong đó có ba tòa phía trước nằm song song nhau theo chiều dọc với 23 gian và một tòa ngang phía sau có ba gian. Khu vực chính thờ Phật nằm giữa, được thiết kế theo kiểu chữ “đinh” với ba gian bái đường có chiều dài 12m, chiều rộng 6m. Bái đường làm theo lối chồng diêm 2 tầng, với hệ thống mái thượng mái hạ đều phẳng, lợp ngói nam. Bờ nóc của tòa bái đường làm giả tường hoa tạo nên cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát. Khoảng cách giữa mái thượng và mái hạ được phân chia thành hai khoang, khoang giữa có ba chữ Hán khá lớn “Quy Hồn tự” (Chùa Quy Hồn).
Hệ thống cửa ra vào được xây cuốn và lắp cánh bằng gỗ lim chắc chắn. Nối liền với tòa bái đường bằng kỹ thuật giao mái bắt vần độc đáo là năm gian tam bảo có chiều dài 16m, rộng 3,4m. Phía nam chùa là năm gian có nhà thờ tổ, làm theo lối tiền đạo, hậu đốc với hai lớp mái cong lợp ngói nam, kiểu chồng diêm trông thanh thoát. Bên trong nhà thờ tổ, các bộ vì làm bằng gỗ lim theo kiểu kẻ truyền, trụ non trốn đấu. Phía bắc chùa là 6 gian phủ Mẫu làm theo kiểu chữ “đinh”. Sau ba tòa nằm song song theo chiều dọc là ba gian nhà thờ thành hoàng và các tổ khai sáng. Ngoài các công trình thờ tự quy mô, đồ sộ, chùa Cồn còn có khu vườn tháp mộ, là nơi yên nghỉ của các vị sư tổ đã từng trụ trì, tu hành tại chùa.
Giá trị văn hoá
Để tưởng nhớ công lao khai hoang lấn biển mở đất, dựng làng, dựng xóm của tổ tiên, hàng năm cứ đến tháng 2 âm lịch, lễ hội chùa Cồn lại mở. Đây là dịp để nhân dân địa phương và những người đi làm ăn xa về họp mặt, cùng nhau đến thăm chùa, lễ Phật, để thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên. Lễ hội có nhiều trò vui chơi giải trí mang tính truyền thống như: đấu vật, chọi gà, leo cầu ngô, bắt vịt, tổ tôm điếm, múa sư tử, bơi chải. Đặc biệt có hát văn trên thuyền, hát chèo trên sân chùa vào các buổi tối do nhà chùa, nhân dân, cán bộ và khách tới dự hội cùng tham gia biểu diễn.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, năm 1997 chùa Cồn đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
- Tham khảo theo cuốn “Lịch sử Phật Giáo Nam Định” – NXB Tôn Giáo