Chùa Cồn ở làng Tân Cộng, xã Đông Tân, thành phố Thanh Hóa. Từ thành phố Thanh Hóa đi về hướng tây theo đường 47 khoảng 3km, đến làng Tân Cộng, rẽ tay trái là đến chùa.
Tên gọi
Về tên gọi hành chính, vùng đất này thời Hán thuộc huyện Tư Phố và một phần phía nam huyện Cư Phong; Thời Tùy – Đường cho đến thời Đinh – Tiền Lê – Lý, huyện Đông Sơn thuộc huyện Cửu Chân. Theo sách “Di biên” của Cao Biền thời bấy giờ có huyện Đông Dương, sau gọi là Đông Cương, tức huyện Đông Sơn ngày nay. Thời Trần có tên gọi là Đông Sơn thuộc trấn Thanh Đô, tên gọi Đông Sơn bắt đầu từ đây. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Tân Cộng có tên là Thượng Thôn, xã An Hoạch, tổng Quảng Chiếu, huyện Đông Sơn. Sách Đồng Khánh địa dư chí (1885-1888) chép: xã An Hoạch lúc ấy gồm có 5 thôn là: thôn Thượng, thôn Đông, thôn Nhuệ, thôn Thọ Vực và thôn Quảng Nạp.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tên huyện Đông Sơn vẫn giữ nguyên. Huyện lỵ Đông Sơn đóng ở Rừng Thông (nay là thị trấn Rừng Thông). Ngày 5 tháng 7 năm 1977, theo Quyết định số 177/CP của Hội đồng Chính phủ tách 16 xã của Tả ngạn sông Chu của huyện Thiệu Hóa nhập với huyện Đông Sơn lập ra huyện mới lấy tên là huyện Đông Thiệu; Ngày 38 tháng 8 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 149 – HĐBT đổi tên huyện Đông Thiệu thành huyện Đông Sơn, huyện lỵ đóng ở Rừng Thông. Ngày 29 tháng 2 năm 2012 theo Nghị quyết của Chính phủ số 05/ NQ – CP một số xã của huyện Đông Sơn sáp nhập về thành phố Thanh Hóa trong đó có xã Đông Tân.
Đông Tân là cửa ngõ của phía tây của thành phố Thanh Hóa, là vùng đất cổ đã tồn tại và phát triển suốt chiều dài lịch sử phát triển của xứ Thanh, là vùng đất có nhiều công trình văn hóa, kiến trúc đặc sắc. Qua khảo sát thực tế tại vùng đất này nhiều thắng cảnh đẹp như: Hòn Vọng Phu ở núi Nhồi (An Hoạch), chùa Cồn, chùa Báo Ân, chùa Hinh Sơn, chùa Tiên Sơn, chùa Nam, đền thờ Tiến sĩ Trần Bá Tân, đền thờ Tiến sĩ Lê Vinh, đền thờ Tiến sĩ Lê Dị Tài …
Quy mô kiến trúc
Hiện nay chưa tìm thấy tài liệu nào chép cụ thể về việc xây dựng chùa Cồn. Về quy mô kiến trúc, theo các cụ cao niên trong làng cho biết: chùa Cồn ngày xưa gồm có các công trình: cổng Tam quan hai tầng mái có cửa gỗ theo kiểu thượng song hạ bản. Qua cổng là đến chùa chính, gồm các tòa Tiền đường, Trung đường và Hậu cung được làm bằng gỗ lim, theo kiểu chồng rường kẻ bẩy. Không gian kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc, trong chùa có nhiều tượng Phật bằng gỗ rất đẹp. Vào khoảng cuối năm 1953 đầu năm 1954, ngôi chùa đã bị tháo gỡ, các vật liệu của chùa đã được sử dụng để xây dựng các công trình khác. Năm 1999, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, nhân dân làng Tân Cộng và Phật tử thập phương đã xây dựng nên một ngôi nhà hai gian để làm nơi thờ Phật.
Hiện nay cảnh quan của chùa có: Giếng và ngôi Tam bảo mới được phục dựng lại.
Giếng chùa là một giếng cổ được kè đá hộc, thành giếng xây gạch đường kính giếng 2,3m, thành giếng rộng 0,22m, rân rộng 1m.
Sân chùa có chiều dài 6m chiều rộng 4m được láng xi măng.
Tòa Tam bảo là ngôi nhà ngói hai gian kết cấu dọc gồm có 3 bộ vì kèo suốt gác chếnh kích thước chiều dài 6m, chiều rộng 2,7m.
Hệ thống thờ tự
Trong ngôi Tam bảo, gian ngoài là nơi hành lễ, gian trong là nơi thờ tự. Bài trí trượng thờ của chùa được chia làm 3 cấp.
Cấp trên cùng (sát tường) đặt tượng đức Phật Thích Ca bằng gỗ, tượng có chiều cao 1m, chiều rộng 0,65m, tòa sen cao 0,3m, rộng 0,7m. Tượng Thích Ca được tạc ngồi chấp bằng theo thế “Cát tường tọa”. Tay trái đặt ngang trên bàn chân phải, tay phải co vòng lên trên ngón trỏ chỉ lên theo thế “Thuyết pháp ấn”, đây là tư thế mô phỏng Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp.
Cấp thứ hai và ba để bát hương và các đồ tế lễ khác.
Hiện nay, chùa Cồn bước đầu đã được phục hồi một phần, hy vọng trong tương lai gần cùng với sự phát triền đi lên của đất nước chùa Cồn sẽ từng bước được tôn tạo và phát triển đúng với quy mô kiến trúc xưa mà công trình đã từng có. Chùa Cồn sẽ trở thành một địa chỉ du lịch tín ngưỡng đầy hấp dẫn cho du khách gần, xa.
Tham khảo
- Chùa Xứ Thanh (Tập IV), Nguyễn Đăng Đạt